Thú chơi thuyền buồm

15/07/2013

Với đường bờ biển trải dài, có những vịnh biển đẹp nhất nhì thế giới, nhiều khu nghỉ dưỡng biển…, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các hoạt động, dịch vụ nhằm phục vụ cho việc khám phá, thư giãn biển, trong đó thuyền buồm được đánh giá là môn chơi đầy sức cuốn hút.

Dương Thủy

NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG THÚ CHƠI THUYỀN BUỒM

Trong hành trình kiếm tìm những tay chơi đam mê trên sóng nước, thật may mắn tôi có cơ hội gặp gỡ luật sư Trần Trung Nghĩa - được các thành viên câu lạc bộ du thuyền tôn vinh là người tiên phong trong môn chơi này với thâm niên gần 50 năm. Dù khá bận rộn vì phải đi lại như con thoi giữa Nha Trang, Phan Thiết với nhiệm vụ cố vấn pháp lý cho câu lạc bộ du thuyền Manta - nơi chuyên đào tạo các vận động viên chơi thuyền buồm tham dự các giải đấu quốc tế. 

Vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nhằm tái tạo lại sự cân bằng tâm trí do công việc có quá nhiều áp lực, ông Nghĩa đăng ký tham gia và trở thành hội viên của Hội Du thuyền Sài Gòn có trụ sở chính đặt tại CLB Bến Nghé và chi nhánh là CLB Thanh Đa. Ngày ấy, toàn bộ hội viên chủ yếu là những người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc. Là thành viên của hội nên ông Nghĩa có dịp mục sở thị và trải nghiệm thú chơi trên vài chiếc thuyền buồm do câu lạc bộ nhập về. Ngoài ra, những cuốn tạp chí giới thiệu về thuyền buồm trên toàn thế giới đã giúp ông khám phá ra “Đây là một môn chơi mang đẳng cấp khác lạ”. Dần dà, từ yêu thích ông Nghĩa đã bị những chiếc thuyền buồm cuốn vào niềm đam mê không bờ bến.

THÚ CHƠI KẾT HỢP KỸ NĂNG SỐNG VÀ NGHỆ  THUẬT

Căn cứ theo các sách xưa để lại thì môn chơi thuyền buồm xuất hiện cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do người Pháp du nhập vào Việt Nam, và môn này từng được biểu diễn ở Hồ Tây - Hà Nội, hồ Xuân Hương - Đà Lạt… Ngày ấy, theo quan niệm của đại đa số người Việt, họ cho rằng: thuyền buồm là một thú chơi xa xỉ, rởm đời vì chỉ có các ông Tây quyền cao chức trọng hay doanh nhân giàu có mới tham dự môn này.

Hơn nửa thế kỷ sau, quan niệm này đã không còn đúng khi Ông Nghĩa bước vào sân chơi. Từ đó ông “ngộ” ra thuyền buồm không là môn chơi của giới quyền quý mà nó thuộc về tất cả những người đam mê lướt sóng căng buồm trên biển khơi  nhằm chứng minh tài nghệ cùng nữ thần biển cả.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Muốn trở thành tín đồ môn chơi thuyền buồm, điều đầu tiên mà bất cứ tay chơi thuyền nào cũng cần phải có chính là tâm hồn nghệ sĩ đầy lãng mạn; họ dễ rung động trước cái đẹp của thiên nhiên nhưng cũng không ngại đương đầu với những thử thách. Có thể nói “dấu ấn riêng của môn chơi này chính là ta phải biết vận dụng kỹ năng sống và nghệ thuật để tận hưởng, nắm bắt và chế ngự thiên nhiên”, ông Nghĩa nói. Khi chơi thuyền buồm, bạn sẽ trải qua mọi cảm xúc từ việc lướt buồm trên mặt nước êm đềm, nên thơ để thả hồn theo gió, mây và sóng. Nhưng khi thấy thiên nhiên  trở nên hung hăng như đánh đố mình, khi ấy bạn phải vận dụng mọi kỹ thuật, tính năng của buồm để đương đầu sự gian nan đầy thách đố của biển. Khi chế ngự được phong ba bão táp để an toàn lèo lái con thuyền đến nơi đến chốn cũng là lúc niềm hãnh diện chợt trào dâng khi chính ta đã vượt qua cơn sóng dữ để cập bến an toàn. Đó là một trải nghiệm vô cùng “sướng” mà chỉ có người chơi thuyền mới tận tường được mọi cảm xúc.

VÙNG BIỂN NÀO CŨNG PHÙ HỢP VỚI MÔN CHƠI THUYỀN BUỒM

Trả lời câu hỏi ”Vùng biển nào của Việt Nam phù hợp để chơi thuyền buồm”, ông Nghĩa khẳng định: Là đất nước có nét uốn lượn quyến rũ nhấp nhô với chiều dài bờ biển 3.200km kéo dài từ Bắc tới Nam, bờ biển nào của Việt Nam cũng đều hấp dẫn và phù hợp cho môn chơi thuyền buồm.

Đầu tư vào môn chơi này, chủ yếu đều là người nước ngoài. Vì vậy, họ thường chọn những nơi có nhiều du khách như Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết), Hạ Long và lác đác vài nơi khác để chơi thuyền buồm. Qua đó, căn cứ theo cơn gió và sóng nước  mà mỗi nơi sẽ thích hợp với một loại thuyền buồm khác nhau. Đặc biệt, Côn Sơn, Phú Quốc là những điểm đến bất ngờ thú vị, bất cứ người chơi thuyền buồm nào khi đến đây cũng đều mê khung cảnh hoang sơ của vùng biển này như điếu đổ.

Hiện tại, thuyền buồm Việt Nam tuy đã có câu lạc bộ nhưng lượng thành viên người Việt vẫn còn khiêm tốn. Đây cũng là nỗi băn khoăn lớn của ông Nghĩa khi tìm bạn đồng hội đồng thuyền. Theo ông Nghĩa, có lẽ với người Việt hầu như họ vẫn thấy môn thể thao này còn khá xa lạ và chưa coi đó là một nhu cầu rèn luyện kỹ năng sống. Dù đã bỏ rất nhiều cố gắng để tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam hội nhập với thế giới về môn chơi nhưng lượng thành viên quá hạn chế nên CLB Thuyền buồm do ông Nghĩa sáng lập và được đăng kiểm đặt tại hồ Trị An (Đồng Nai) vẫn chưa thể hoạt động.

Sau nhiều đắn đo, ông Nghĩa đã chuyển các thuyền buồm ra Nha Trang với mong ước các du khách sẽ có dịp gần gũi và trải nghiệm trên thuyền buồm sẽ dễ dàng hơn trước. Với con mắt của một chuyên gia, ông Nghĩa nhận định: Nơi thuận lợi nhất để chơi thuyền buồm vẫn là Nha Trang. Vì vậy, không gì lạ khi các Festival thuyền buồm quốc tế tổ chức tại Việt Nam thì Nha Trang, Mũi Né vẫn là những địa danh ưu tiên hàng đầu.

GIẤC MƠ CHINH PHỤC BIỂN THẾ GIỚI BẰNG THUYỀN BUỒM “MADE IN VIỆT NAM”

Thực ra, thuyền buồm rất kén “tín đồ” vì so với những thứ khác thì môn chơi này cũng khá tốn kém thời gian và tiền bạc. Nhưng ông Nghĩa cho rằng điều mà ông nhận được từ thú chơi này chính là: Trong khoảng thời gian chơi thuyền buồm tốn kém chi phí thì cũng chính là lúc ông nghiên cứu, học hỏi cách chơi, cách thiết kế, cách đóng thuyền với những vật liệu mà ông tìm kiếm để tự mình sản xuất những chiếc thuyền buồm mang thương hiệu Việt.

Ông Nghĩa cho biết thêm: Đã từ rất lâu, tôi luôn có một giấc mơ là mình phải thực hiện một cuộc du lịch thế giới bằng thuyền buồm như nhiều người khác đã làm. Chính vì thế,  tôi đã tham dự một lớp học từ xa về thiết kế du thuyền với hoài bão mình sẽ cưỡi chiếc thuyền buồm này lướt sóng trên mọi vùng biển thế giới.

Sau năm 1975, những thay đổi cuộc sống đã làm giấc mơ của ông tạm gián đoạn. Khi du lịch Việt Nam khởi sắc, nhận thấy xu hướng du khách thế giới sẽ đến trải nghiệm các vùng biển đảo quê hương xinh đẹp quyến rũ, ông quyết định thực hiện việc đóng thuyền buồm và tổ chức CLB thuyền buồm nhằm đón đầu xu hướng trải nghiệm mới trên các vùng biển đảo.

Bây giờ, ông Nghĩa đang truyền niềm đam mê của mình vào con trai. “Có lẽ tôi không thể lướt sóng đến các vùng biển khác trên quả đất nhưng tôi tin sau này, qua tài lèo lái của các tay chơi thuyền buồm trong nước, những cánh buồm “made in Việt Nam” sẽ vun vút lướt mọi ngọn sóng bềnh bồng và tranh tài cùng các tay chơi thế giới”, ông Nghĩa bày tỏ niềm hi vọng.

Thông tin thêm:

+ Từ năm 1983, ông Trần Trung Nghĩa là người thực hiện những chiếc thuyền buồm đầu tiên cho khu du lịch Văn Thánh, Đầm Sen (TPHCM), hay công ty Du lịch Vũng Tàu… Ngoài ra, ông cũng hợp tác với vài người nước ngoài để sản xuất thuyền nhỏ cung cấp cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam sinh sống.

+ Ông Nghĩa đã có một lực lượng về thuyền buồm thể thao kha khá và vài chiếc du thuyền nhỏ chưa hoàn tất. Ông cũng là cố vấn pháp lý cho câu lạc bộ du thuyền Manta do huấn luyện viện nổi tiếng Julia hướng dẫn.

RELATED ARTICLES