Sự trỗi dậy của ứng dụng chia sẻ video ngắn
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu khiến hàng triệu người gần như phải nhờ cậy vào chiếc điện thoại thông minh để thỏa mãn nhu cầu giải trí, ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok đã lặng lẽ vươn dẫn đầu trên bảng xếp hạng công nghệ thế giới.
ByteDance (Trung Quốc) ra mắt TikTok - phiên bản quốc tế của ứng dụng video Douyin vào năm 2017. Chỉ sau 3 năm, TikTok đã trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất sau nhiều năm Facebook thống trị. Theo dữ liệu của công ty phân tích di động App Annie, chỉ riêng vào tháng 3/2020, TikTok ghi nhận con số kỷ lục, khi thời gian người dùng dành cho mạng xã hội này còn “dài hơn thời kỳ đồ đá”: 2,8 tỷ giờ, tương đương gần 320.000 năm. Tháng trước, TikTok đã trở thành ứng dụng đầu tiên không thuộc sở hữu của Facebook vượt qua mốc 3 tỷ lượt tải xuống.
Theo số liệu từ Sensor Tower, TikTok giờ đây là một phần trong lối sống của hơn 2 tỉ người dùng trên khắp thế giới, trong đó chiếm phần lớn là Gen Z (những người sinh từ năm 1995-2012). Theo Datareportal 2020, trong số 800 triệu tài khoản TikTok trên toàn thế giới, có đến 41% người dùng thuộc thế hệ Z.
15 giây video ngắn của TikTok đã thực sự làm nên cuộc cách mạng sáng tạo nội dung trên toàn cầu. Chúng ta giờ đây ắt hẳn đều biết đến TikTok, ngay cả khi chưa bao giờ sử dụng, bằng nhiều cách khác nhau, từ truyền miệng cho đến sự oanh tạc của ngành truyền thông, quảng cáo trong năm qua. Điển hình như tại mùa Euro vừa qua, biểu tượng của TikTok đã choán gần như tất cả các biển quảng cáo trên sân đấu.
Lặp lại thời hoàng kim của Facebook?
Sự bùng nổ của TikTok cũng gợi nhớ đến sự trỗi dậy của một ứng dụng khác cách đây hơn một thập kỷ. Với 732 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, TikTok là ứng dụng của hiện tại và rõ ràng sẽ là ứng dụng của tương lai. Hay nói cách khác, TikTok chính là một Facebook mới.
Bóng dáng của Facebook đã xuất hiện dày đặc trong lịch sử Internet, từ những bước đăng nhập nhanh chóng, phổ biến, cho đến lời nhắc thay ảnh đại diện theo từng dịp khác nhau. Facebook vẫn luôn có một vị trí vững chắc trong lĩnh vực công nghệ. Mark Zuckerberg đã dành cả thập kỷ qua để nghiên cứu, thay đổi mọi tùy chọn trong ứng dụng với nỗ lực duy trì người dùng sử dụng “đứa con” của mình. Anh ta thậm chí đã mua Instagram và WhatsApp, đồng thời biến Facebook từ một ứng dụng vốn rất đơn giản, chỉ có thể đăng ảnh và nhắn tin, thành một mạng xã hội đa chức năng, đáp ứng mọi sở thích của người dùng từ bán hàng, tạo phòng họp, chơi game hay cả... hẹn hò.
Nhưng hai năm gần đây, Zuckerberg cũng nhận ra sự trỗi dậy của một đối thủ cạnh tranh và rủi ro của nó đối với thế lực vốn rất vững chắc của Facbook - đó chính là TikTok. Thực tế cho thấy người dùng dành nhiều thời gian hơn trên TikTok, và đương nhiên, những mạng xã hội “có tuổi” khác đều giảm lượt truy cập và thời gian sử dụng rõ rệt.
Một trong những lý do rõ ràng nhất để khẳng định TikTok chính là một Facebook mới là ở sự thay đổi chính sách vào tháng 5 vừa qua: ByteDance chính thức phát hành bộ đăng nhập TikTok. Theo đó, các nhà phát triển ứng dụng của bên thứ ba sẽ cho phép người dùng đăng nhập vào ứng dụng của họ từ tài khoản TikTok. Nói cách khác, TikTok được thiết lập để trở thành một cổng thông tin dẫn đến phần còn lại của Internet. Trước đây, người dùng có thể dễ dàng đăng nhập vào Spotify, Pinterest và hàng trăm ứng dụng, trang web khác bằng tài khoản Facebook, thì TikTok cũng sẽ sớm làm được điều này.
Tham vọng viết lại luật chơi mạng xã hội toàn cầu
TikTok có thể mở ra kỷ nguyên mà ở đó, châu Á sẽ dẫn đầu ngành công nghệ. Giống như cách mà Facebook đã định hình Internet, cách con người tương tác, tiếp cận và cả thái độ đối với những dữ liệu cá nhân trong suốt 20 năm qua, TikTok hoàn toàn có khả năng làm điều tương tự trong 20 năm sắp tới.
Nếu như trước đây, TikTok chỉ cho phép video dài không quá 15 hay 60 giây, thì giờ thời lượng được tăng lên đến 3 phút. Nếu như trước đây TikTok chỉ đơn giản là một ứng dụng di động, hiện tại người dùng có thể xem video thông qua trình duyệt web hoặc kết nối với TV thông minh. Nếu như trước đây TikTok chỉ cho phép định dạng duy nhất là video thì giờ nó đã được tích hợp phát trực tiếp (livestream). Khi mua sắm qua sàn thương mại điện tử trở thành xu hướng, TikTok cũng cho phép người dùng thao tác mua hàng thông qua ứng dụng. Hay TikTok Stories, ý tưởng học hỏi từ tính năng Stories trên Instagram, cũng sắp được TikTok ra mắt. Chắc chắn, mọi thứ không dừng lại ở đây.
Chính sự kết hợp nhiều chức năng của các ứng dụng phổ biến khác như Instagram, Facebook, YouTube, Twitter và Vine đã khiến TikTok ngày càng được ưa chuộng. Mặc dù được cho là “bắt chước”, nhưng TikTok làm tốt nhất một việc chính là tạo ra sự kết hợp thân thiện với người dùng. Với sự xuất hiện dày đặc của ứng dụng video này, không thể phủ nhận TikTok đang dần định hình, tái thiết lập luật chơi mạng xã hội trên toàn thế giới.
"được lòng" người dùng việt nam, liệu tiktok có an toàn?
Chính thức ra mắt tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2019, TikTok nhanh chóng trở thành một trong những mạng xã hội được người dùng yêu thích. Xét trên bảng xếp hạng ứng dụng phổ biến tại thị trường Việt Nam vừa qua, TikTok đứng ở vị trí thứ 4, ngay sau Facebook, Zalo và Instagram.
Tuy nhiên, việc có hay không nên “chơi” TikTok vẫn đang là một chủ đề gây tranh cãi, nhất là khi ứng dụng này dính tới nhiều bê bối về bảo mật thông tin và quyền riêng tư. Năm 2020, TikTok bị tẩy chay ở nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia.
Cũng có nhiều cáo buộc an ninh tập trung vào việc cho rằng TikTok là phần mềm gián điệp của Trung Quốc, sẽ đánh cắp dữ liệu từ thiết bị người dùng và gửi đến Chính phủ nước này. Mặc dù cáo buộc chưa có bằng chứng rõ ràng, nhưng TikTok hay ByteDance đã cho thấy những vi phạm nhất định về quyền riêng tư. Đầu tháng 6 vừa qua, TikTok bị kiện vì âm thầm thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng là trẻ vị thành niên mà không có sự đồng ý của họ. Sau đó, ByteDance phải trả 92 triệu USD để giải quyết vụ kiện này. Trước đó, TikTok cũng bị cáo buộc bí mật thu thập thông của hàng triệu trẻ em ở châu Âu vì lợi ích của các bên thứ ba chưa xác định.
TikTok hoạt động như một cỗ máy thực thụ với độ chính xác rất cao, "quét" sở thích của người dùng nhanh chóng. Cứ như thế, bạn có thể ngồi hàng giờ bên TikTok mà không thấy chán. Nhưng nếu, bạn thấy mọi thứ trên TikTok đều vui vẻ, vô hại và không cần đề phòng, thì có vẻ bạn hơi... vô tư với ứng dụng này. Chính vì cách đề xuất video tự phát, không thể đoán trước được, điều gì sẽ "thành trend" hôm nay và rồi "lan truyền" diện rộng vào ngày hôm sau, nên mạng xã hội này vẫn tồn tại những rủi ro. Một số mối nguy hiểm đang thách thức TikTok hàng ngày như: thử thách "độc hại" lôi kéo người dùng làm theo, nội dung cổ xúy tình dục, sự hiện diện của những kẻ biến thái, vấn nạn bị bắt nạt trên mạng...
Cần nhớ rằng, không ai chịu trách nhiệm cho những gì bạn trải qua trên không gian ảo. Vậy nên, hãy cân nhắc và thông thái khi tham gia TikTok, cũng như bất kì mạng xã hội nào, để bảo vệ an toàn cho chính mình.