Tiktoker và những sự cố liên quan đến du lịch

23/08/2022

Từ nhảy múa gần máy bay, phát ngôn gây tranh cãi cho đến phá hủy các danh lam thắng cảnh. Các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok liên tục gây ra nhiều sự cố khó đoán trước.

Sự phát triển của TikTok đang giúp các nhà sáng tạo nội dung được hưởng nhiều đặc quyền trên thị trường quảng cáo số. Theo báo cáo của Q&Me, hậu Covid-19, TikTok đang là ứng dụng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất tại Việt Nam với khoảng 20 triệu người dùng. Trong đó, lượng người dùng ứng dụng hàng ngày tăng tới 74%.

Bên cạnh một số nền tảng như Facebook, YouTube hay Instagram, ứng dụng quay video ngắn TikTok nổi lên như một kênh kiếm tiền hấp dẫn dành cho giới sáng tạo nội dung. Trên hết, sự bứt phá cả về số lượng người dùng lẫn tương tác khiến TikTok dần trở thành gà đẻ trứng vàng với các KOC, KOL. Tuy nhiên, việc liên tục bắt trend, việc gia tăng traffic và áp lực hợp tác với các nhãn hàng vô tình dung túng TikToker những quyền lực ảo tưởng.

Gây rối tại sân bay

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các trường hợp hành khách đi máy bay vi phạm quy định về an ninh, an toàn hàng không, gây xôn xao dư luận. Theo đó, một số hành khách trẻ tuổi đang theo đuổi các trào lưu, cố tình thực hiện các hành động gây chú ý, thu hút người xem trên các nền tảng mạng xã hội.

Để tạo sự khác biệt, hành khách gài điện thoại lên cửa sổ máy bay, sử dụng tấm chắn cửa sổ máy bay giữ cố định điện thoại, bấm nút quay video, nhằm "săn mây" hoặc ghi lại cảnh máy bay cất/hạ cánh. Sau đó, một tài khoản Tiktok có tên H.K.T. (có 57.000 người theo dõi) đã đăng đoạn clip quay cảnh mình đang ngồi trên băng chuyền hành lý kèm tiêu đề: "Bất kệ đời, lạc trôi". Đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội với nhiều ý kiến chỉ trích hành vi của nữ Tiktoker. Sau đó, chủ tài khoản đã gỡ đoạn clip khỏi kênh Tiktok.

Nữ TikToker ngồi trên băng chuyền.

Nữ TikToker ngồi trên băng chuyền.

Được biết, những trò lố tại sân bay này khởi nguồn từ 1 video 15 giây trên TikTok về các mẹo đi máy bay. Theo LBC, John Holland-Kaye, giám đốc điều hành sân bay Heathrow (London, Anh) cho biết nhu cầu hỗ trợ xe lăn tại sân bay đang tăng bất thường so với thời điểm trước đại dịch.

Lý giải về hiện tượng này, ông Holland-Kaye cho biết các "mẹo du lịch" trên TikTok là nguyên nhân chính. Trong một clip lan truyền được đăng hồi tháng 6 trên nền tảng, người dùng WolfJenko nói rằng anh ta giả vờ bị thương để qua cửa an ninh sân bay nhanh hơn trong bối cảnh cao điểm du lịch mùa hè khiến nhiều sân bay kẹt cứng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhảy múa gần máy bay

Giữa tháng 7/2022, một video clip trên TikTok ghi lại cảnh một cô gái trẻ nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay, trong lúc ghi hình thì vẫn có máy bay gần đó đang di chuyển. Thậm chi cô gái còn có hành động tiến thắng về phía máy bay và chỉ dừng lại trước khi chạm vạch đỏ giới hạn an toàn giữa các vị trí đỗ máy bay. Clip này được chia sẻ trên các trang mạng xã hội và nhận về phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng.

Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu báo cáo cụ thể về sự việc. Theo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, sự việc xảy ra đã hơn 1 tháng tại sân bay Phú quốc. Nữ hành khách này đang trên xe bus chuyên dụng đi ra chuyến bay của mình, cửa xe vừa mở, cô gái trẻ này chạy ra để tạo dáng quay Tiktok.

Nữ TikToker nhảy múa gần máy bay.

Nữ TikToker nhảy múa gần máy bay.

Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không của sân bay Phú Quốc trực ở đó đã kịp thời tiếp cận và yêu cầu hành khách quay trở lại vị trí an toàn. Thời điểm xảy ra sự việc, an ninh hàng không tại sân bay cho rằng hành khách chỉ có hành vi phấn khích do ở sân bay, nhưng do chưa có hậu quả gì nên không giữ hành khách lại để xử lý về hành vi gây rối, không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không. Tuy nhiên, xét thấy hậu quả khôn lường của vấn đề khi video lan truyền trên TikTok với tốc độ chóng mặt, Cục Hàng không đã ra quyết định cấm bay du khách trên với thời gian 6 tháng.

Phát ngôn gây tranh cãi

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền video quay lại cuộc đối thoại giữa một nhà báo với các TikToker về vấn đề một TikToker tuyên bố "không ăn được cá Việt Nam nhưng lại ăn được cá Hàn Quốc". Đoạn video trên mạng chỉ ghi lại phát biểu của nhà báo với những lý lẽ thuyết phục cho rằng bạn trẻ không nên vì "nâng" ẩm thực nước ngoài mà đánh giá thấp ẩm thực trong nước.

Phát ngôn của TikToker về cá Việt Nam gây tranh cãi.

Phát ngôn của TikToker về cá Việt Nam gây tranh cãi.

Cụ thể, nữ nhà báo nói: "Du lịch có rất nhiều địa điểm, chỗ nào cũng có những cái đẹp, cái hay. Các bạn nói thích cá mặt quỷ, nhưng bạn nói không ăn được cá ở Việt Nam nhưng qua Hàn Quốc ăn được. Bạn nghĩ xem đường bờ biển của chúng ta dài 3.200 km, vậy những con cá của chúng ta không ngon hay sao? Tại sao các bạn không nói về cách làm cá hay văn hóa ẩm thực, cách nấu nướng người ta như thế nào hoặc bảo dưỡng làm sao để chúng ta học hỏi".

Sau khi sự việc lan truyền trên mạng, TikToker G.M.V - nhân vật trong sự việc kể trên đã phân trần trên tài khoản cá nhân có hơn 8 nghìn lượt theo dõi. Cô thừa nhận mình là người đề cập đến cá Việt Nam và cá Hàn Quốc trong video, tuy nhiên cô cho rằng bản thân đã gây hiểu lầm.

Hướng dẫn du lịch gây chết người

Một số blogger du lịch nổi tiếng đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì quảng bá địa điểm dã ngoại thiếu an toàn. Trận lũ quét lớn bất ngờ ập xuống một địa điểm dã ngoại được người dân Trung Quốc yêu thích tại thung lũng Longcaogou, núi Long Môn, tỉnh Tứ Xuyên, hôm 13/8. Khi đó, nhiều người đến cắm trại gần con suối cạn, nước dâng lên trong vài giây, khiến 7 người không chạy kịp, thiệt mạng. 8 người khác bị thương.

Trận lụt ở Tứ Xuyên khiến 7 du khách thiệt mạng.

Trận lụt ở Tứ Xuyên khiến 7 du khách thiệt mạng.

Sau sự cố trên, những blogger từng giới thiệu về nơi này bị dư luận và báo chí Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ. Lý do là họ không đưa ra những cảnh báo an toàn cho du khách. Một số video, các blogger còn hướng dẫn khách tìm cách vượt hàng rào để đi vào bên trong khu vực cấm.

Phá hoại danh lam thắng cảnh

Vào tháng 4, trang trại của Dhungana, một nông dân ở Nepal bị thiệt hại hơn 20.000 USD, phần lớn do cây trồng bị hư hại. Dhungana cho biết mọi chuyện bắt đầu vào giữa tháng 3, khi video của một phụ nữ địa phương quay cảnh cô ấy đứng giữa cánh đồng hoa cúc lan truyền trên TikTok.

“Mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát kể từ đó", người đàn ông kể lại.

Ở Nepal, hoa cúc là giống hoa đắt tiền, cần được chăm sóc cẩn thận và có giá trị thương mại cao. Trong số các nguồn dự trữ dồi dào về dược liệu và thảo mộc thơm tại Nepal, các sản phẩm từ hoa cúc đóng góp lớn vào ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe trị giá hàng nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Riêng nhánh thị trường này dự kiến đạt 412 tỷ USD vào năm 2025.

Anh Thi - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES