Phát hiện trong không khí Hà Nội có 19 dư chất trừ sâu

19/09/2021

Theo một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Viện Hóa học, Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN) và các nhà khoa học trường Đại học Kitakyushu, Sophia (Nhật Bản), trong bầu khí quyển của Hà Nội có 19 dư chất trừ sâu, trong đó 16 chất lần đầu phát hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ rủi ro đến sức khỏe của 19 loại dư chất này không đáng kể.

Thông tin này được trích ra từ công bố “Comprehensive study of insecticides in atmospheric particulate matter in Hanoi, Vietnam: Occurrences and human risk assessment” (Nghiên cứu toàn diện về các loại thuốc trừ sâu trong hạt bụi trong khí quyển Hà Nội, Việt Nam: Những biểu hiện và đánh giá nguy cơ rủi ro với con người) trên tạp chí Chemosphere. Nghiên cứu do Quỹ NAFOSTED tài trợ.

Vài năm gần đây, một số trạm quan trắc được lắp đặt để theo dõi chất lượng không khí nhưng dữ liệu môi trường về các chất ô nhiễm vi hữu cơ, thành phần của các hạt bụi trong khí quyển (APMs) vẫn còn chưa được quan tâm nhiều, đặc biệt là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (PAHs) và hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs).

Empty

Để tìm hiểu mức độ ô nhiễm của các chất APMs tại Hà Nội và dự báo khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, các tác giả đã thu mẫu không khí tại 2 điểm là đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy - nơi có lưu lượng giao thông lớn, và Phú Đô, quận Nam Từ Liêm - nơi dân cư chủ yếu làm nghề trồng trọt, thủ công…, từ tháng 4-9/2017. Họ thu thập các mẫu vào 6 ngày trong tuần, cả mùa khô lẫn mùa mưa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Kết quả, các tác giả đã tìm thấy 19 loại thuốc trừ sâu, hầu hết trong số đó đều đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, ngoại trừ carbofuran và omethoate. Đáng chú ý, lần đầu tiên họ phát hiện ra 16 loại chưa được ghi lại trong các tài liệu như propargite, midacloprid, cyromazine... Nếu nhìn sâu vào tần suất xuất hiện của các hợp chất này, có thể thấy một nửa trong số đó dò được trong 49% số lượng mẫu, đặc biệt propargite là 100%, imidacloprid 91%, và omethoate 83%, nồng độ cao nhất lần lượt là 8,60 ng m-3, 2,12 ng m-3 và 0,85 ng m-3.

Empty

Trước đây, theo một khảo sát sơ bộ của Viện nghiên cứu Sức khỏe Môi trường và Nghề nghiệp Quốc gia (2018), gần một nửa trong số 67 mẫu máu thu thập ở Hà Nội có thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, đến nay chưa có những khảo sát và nghiên cứu sâu hơn về nguy cơ rủi ro do phơi nhiễm thuốc trừ sâu của con người.

Trong nghiên cứu này, thông qua tổng lượng hấp thụ hằng ngày qua đường hô hấp, tỷ lệ rủi ro qua phơi nhiễm thuốc trừ sâu…, các nhà nghiên cứu phát hiện ra nguy cơ rủi ro sức khỏe không đáng kể. Các tác giả cũng cho rằng vẫn cần tiến hành thêm các nghiên cứu để sàng lọc phân tích trên diện rộng các hợp chất trừ sâu ở cả pha lỏng và pha hạt ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

Huyền Châu - Ảnh: Internet - Nguồn: Tia Sáng
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES