Trong nghiên cứu mới nhất được đăng tải trên tạp chí y khoa JAMA Internal Medicine, các nhà khoa học phát hiện những người thường xuyên tiêu thụ cà phê có ít nguy cơ mắc rung nhĩ hơn những người ít uống.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã khảo sát tình trạng tiêu thụ cà phê trong vòng ba năm của 386.000 người và so sánh với tỷ lệ mắc các bệnh rối loạn nhịp tim (bao gồm cả bệnh rung nhĩ).
Bác sĩ Gregory Marcus - Giáo sư chuyên khoa tim mạch của Đại học California San Francisco cho biết, sau khi xem xét các yếu tố như lối sống, tình trạng sức khỏe và các bệnh nền có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, cuộc khảo sát đưa ra kết quả, mỗi cốc cà phê sẽ giúp người thường xuyên uống giảm 3% nguy cơ mắc các vấn đề về nhịp tim.
Phía nhóm nghiên cứu cũng cũng xem xét đoạn gen liên quan đến tình trạng tim đập nhanh sau khi uống cà phê. Cụ thể, gen CYP1A2 hay còn được gọi là “gen cà phê” được chuyển hóa do quá trình tiêu thụ cà phê đều đặn. Những người sở hữu gen này có thể uống cà phê mà không chịu các tác dụng phụ.
Tuy nhiên khi đoạn gen này bị biến thể, khả năng chuyển đổi chất cà phê bên trong cơ thể sẽ chậm lại khiến các cơn “say cà phê” kéo dài hơn hay biểu hiện rõ rệt hơn.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học không tìm thấy mối liên hệ giữa việc chuyển đổi chất cà phê với các nguy cơ của bệnh rối loạn nhịp tim.
Giải thuyết cà phê làm loạn nhịp tim được rút ra từ các nghiên cứu nhỏ, lỗi thời và chỉ tập trung vào cơ thể nam giới, bác sĩ Marcus và nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Khoa học ngày nay đã có một cái nhìn khác về cà phê. Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học thời nay cho thấy việc sử dụng cà phê đều đặn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể con người hơn là gây hại.
Các lợi ích này có thể kể đến như giảm nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường, bệnh về tim mạch và bệnh hiểm nghèo.