Văn hóa Hạ Long giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới

28/11/2012

Nổi tiếng là một trong những nền văn hóa tiền sử được biết đến sớm nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, văn hóa Hạ Long đã được các nhà khảo cổ và địa chất học tìm ra và đặt tên từ những năm 1930.

Tác giả: PGS.TS Trịnh Sinh . Minh họa: Tác giả, tư liệu ảnh của Viện Khảo cổ học Việt Nam

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Học giả người Thụy Điển J.G. Anderson đã nghiên cứu nhiều hang động trên quần đảo Bái Tử Long và tổng kết bằng công trình được công bố trên tạp chí Bảo tàng cổ vật Viễn Đông với tên gọi: Nghiên cứu khảo cổ học trên vùng quần đảo Bái Tử Long. Ông đã tìm thấy một số địa điểm thời tiền sử có dấu vết của con người và nhiều công cụ. Ông chọn một trong số đó để khai quật và đặt tên là Danh Do La. Đây là địa điểm văn hóa Hạ Long đầu tiên được khai quật và nền văn hóa mang tên vịnh biển đẹp nhất nước ta cũng nổi danh từ đó.

Lần theo bước chân của Anderson, các nhà khảo cổ Việt Nam biết được Danh Do La chính là địa điểm khảo cổ Ngọc Vừng, nằm trên đảo Ngọc Vừng thuộc huyện đảo Vân Đồn, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 34 km. Ngày nay, du khách đến đảo hết sức thuận tiện. Trên đảo không những là nơi cách đây gần 4000 năm con người tiền sử đã cư trú mà còn có các di tích lịch sử như một trong những bến cảng xưa sầm uất của hệ thống thương cảng Vân Đồn buôn bán khắp một vùng đông bắc Việt Nam, nam Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cổ đại và miền Tây Ấn Độ, di tích thành nhà Mạc, nhà Nguyễn. Người tiền sử chọn Ngọc Vừng là nơi cư trú phải chăng còn do sơn thủy hữu tình: có núi Vạn Xuân, có bãi cát trắng chạy dài hàng cây số. Cư dân trên đảo còn có nghề mò ngọc trai lâu đời, nên tên đảo cũng là Ngọc Vừng (đảo ngọc bừng sáng). Nghề mò ngọc trai giờ đã hiếm gặp nhưng du khách có thể tham quan những cơ sở nuôi trai lấy ngọc ngay trên đảo.

Bà M.Colani, nhà nữ khảo cổ người Pháp cũng gắn bó với văn hóa Hạ Long. Bà đã công bố tác phẩm “Những phát hiện thời tiền sử ở Hạ Long” đăng trong tạp chí của Viện nghiên cứu nhân học Đông Dương từ năm 1938.

Kể từ những phát hiện đầu tiên của các học giả Phương Tây đến nay đã hơn 70 năm, việc nghiên cứu về văn hóa Hạ Long từ một nhóm di tích nay đã nghiên cứu và khai quật được hơn 30 di tích. Bức tranh toàn cảnh của nền văn hóa này đã được dựng lại khá đầy đủ.

Văn hóa Hạ Long có niên đại vào khoảng 4000-3500 năm trước và được các nhà khảo cổ học xếp vào giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới. Người tiền sử đã chọn một vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam làm nơi cư trú, nơi có một nguồn thức ăn hải sản vô tận, lại có cả bãi biển và hang động làm nơi ở thuận tiện. Địa bàn cư trú của người cổ Hạ Long là một vùng biển nông, độ sâu trung bình khoảng 10 mét, có tới 20 luồng lạch từ vùng vịnh thông ra đại dương, thuận tiện cho việc tránh gió và ra khơi đánh bắt xa bờ. Các nhà khảo cổ đã tìm được trong tầng văn hóa có những xương cá to, có thể họ đã bắt được cá nặng hàng tạ. Họ còn biết đánh cá bằng lưới mà hiện vật còn lại là những hòn chì lưới to. Ngoài cá, nhiều loại hải sản khác cũng được khai thác, nhiều vỏ nhuyễn thể còn được tìm thấy.

Không những đi biển giỏi, người Hạ Long cũng là người biết làm nông nghiệp. Bằng chứng là các công cụ đá như cuốc, rìu, bôn đã có mặt. Họ tự chế tác công cụ đá bằng các kỹ thuật mài, cưa, khoan, đánh bóng…Họ cũng đã biết làm đồ gốm bằng cách nhào đất với vỏ nhuyễn thể giã nhỏ và nung lên, làm đẹp thêm cho gốm bằng cách khắc vẽ các hoa văn hình học. Nghề trồng cây lấy sợi để đan lưới cũng là nghề thủ công phổ biến. Nghề mộc khá phát triển cùng với việc đóng thuyền bè đi biển. Việc phát hiện ra đồ gốm và tầng văn hóa dày dặn đã chứng minh họ đã là những người định cư lâu dài và đã lập làng xóm.

Người cổ Hạ Long còn biết tự làm đẹp. Họ ưa chế tạo đồ trang sức từ vỏ ốc biển như vỏ ốc cypraea, được mài thủng lưng để xâu dây đeo quanh cổ, dùng xương sống cá và vỏ nhuyễn thể làm hạt chuỗi, vòng tay. Họ cũng làm vòng đeo tay bằng cách khoan, tiện, mài những cục đá. Những mũi khoan đá tìm được khá nhiều đã nói lên cách làm vòng tay công phu. Những bàn mài ở văn hóa Hạ Long có những nét riêng biệt khi để lại bề mặt dấu vết mài hình lòng máng mà các nhà khoa học thường gọi là “dấu Hạ Long”, đặc trưng ít gặp ở các nền văn hóa khác.

Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm được di cốt của chính chủ nhân văn hóa Hạ Long. Các xương cốt cho thấy họ thuộc đại chủng Mongoloid da vàng, nhưng vẫn còn có yếu tố Australoid hòa trộn. Chính những tộc người cổ của Hạ Long đã góp một phần vào sự hình thành của dân tộc Việt hiện đại ngày nay. Trước khi người Hạ Long sinh sống nơi đây, trên vùng biển Đông Bắc nước ta đã có cư dân của các nền văn hóa sớm hơn sinh tụ như nền văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo.

Ngày nay, du khách trong và ngoài nước có thể đến vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và nhiều hòn đảo khác để nghe về một vùng truyền thuyết về Rồng (một trong 4 con vật tứ linh trong tâm thức người Việt) đã từng bay xuống mảnh đất này. Họ cũng thấy được trong cảnh sắc nước non của một địa danh di sản thế giới và đến thăm các địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Hạ Long còn để lại ngay trong hang động và lòng đất của các đảo, tận mắt chứng kiến các di vật còn nằm trong hơn 30 di tích, phần lớn tập trung quanh thành phố Hạ Long và khu du lịch Tuần Châu nổi tiếng.

Điểm kết của chuyến du ngoạn vịnh Hạ Long, có một địa chỉ cần dừng lại lâu hơn, chính là nhà Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ninh, nơi trưng bày khá đầy đủ hiện vật của văn hóa Hạ Long. Bảo tàng ở ngay trung tâm thành phố Hạ Long, khá tiện lợi cho du khách tham quan. 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES