LÀNG CHÓA VÀ NGHỀ HƯƠNG TRUYỀN THỐNG
Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 20 km, làng Chóa (Dũng Liệt, Yên Phong, Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề làm hương đen. Bước đi giữa làng, mùi nhựa trám đang nấu, đang se thoang thoảng đó đây từ những nhà làm nghề.
Không ai biết tổ nghề làm hương là ai, nghề làm hương xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết nó thành cái nghề cha truyền con nối của bao gia đình trong làng. Trong sách Địa chí Hà Bắc do Thư viện tỉnh Hà Bắc xuất bản năm 1982, có nhắc đến đôi chữ về hương đen làng Chóa. Theo quan điểm của những người con đất Chóa thì nghề hương đen chắc có trước thời điểm năm 1694, tức là muộn nhất đã có hơn 327 năm lịch sử. Cũng có giả thuyết cho rằng nghề hương đen xuất hiện khi cụ Nguyễn Thanh Cần đi sứ nhà Minh về, tức là cũng ngót nghét đến 500 năm.
Đất Kinh Bắc nổi tiếng với chùa cổ, đền cổ và sự tâm linh lòng thành. Ấy vậy mà hương đen vốn ban đầu để phục vụ việc thờ cúng trong các di tích. Hương đen cỡ dài nhất lên đến 1,1 m, đốt được trong 13 tiếng. Câu chuyện 13 tiếng là sự tính toán tỉ mỉ của con cháu làng Chóa. Cứ khoảng 12 tiếng sẽ đến giờ “thay ca” trực đền, vậy nên độ dài 1,1 m được cẩn thận tính toán để đủ cho đền luôn nghi ngút khói hương kể cả khi không có người.
Nghề làm hương đang có nguy cơ dần mai một do thế hệ trẻ trong làng ngày một bỏ nghề theo những khu công nghiệp để có mức thu nhập cao hơn. “Làm hương chỉ đủ lấy công làm lãi, làm cho giữ cái nghề của các cụ mà thôi”.
Hiện nay, tại làng chỉ còn khoảng 30 hộ gia đình còn làm nghề, giữ nghề.
HƯƠNG ĐEN THỦ CÔNG KHÔNG ĐỘC HẠI
Hương đen gồm hai phần chính: tăm hương và thân hương. Que nứa được ngâm 3 tháng cho mềm, cho sạch rồi mang đi vót thành tăm, phơi tăm thật khô để có chất lượng tốt nhất. Tăm hương thường có hai màu: màu mộc của tăm và màu nhuộm hồng thêm phần đa dạng.
Quy trình làm hương vẫn được giữ theo lối truyền thống từ xưa. Nhựa trám được tuyển chọn kĩ càng, dùng dao đã nung sắc để cắt. Nhựa trám được đun lên thành chất lỏng, lọc nhiều lần cho hết tạp chất rồi trộn với bột than, xay nhuyễn. Hợp chất mịn dẻo được vo lại thành từng nắm, hấp và giữ ấm trong nồi cơm điện.
Công đoạn cuối cùng là se hương và phơi hương. Đôi bàn tay người thợ thoăn thoát se hương đều tăm tắp, nhẵn thín. Mùi nhựa trám lúc se hương sao mà vừa đặc biệt, vừa đượm mùi rừng, vừa dịu nhẹ trong lành.
Vài gia đình đã chuyển sang làm hương bằng máy công nghiệp. Hương làm bằng máy công nghiệp bám một lớp dầu máy nên không thể ‘nguyên bản’ như hương se tay. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình giữ nghề cha ông, se từng que hương thủ công để có độ mịn dẻo, đàn hồi và chất lượng tốt nhất. Sau khi se hương, phơi vài ngày là hương khô.
Không như các loại hương công nghiệp đầy hóa chất khác, chỉ cần bị ẩm là rất khó đốt, hương trám đen sau khi hoàn thành sản phẩm bảo quản rất dễ, dù có thấm gió to mưa phùn vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng của hương.
Hương đen làng Chóa có nhiều kích cỡ tùy vào từng mục đích của người sử dụng. Có khoảng 5, 6 kích cỡ từ 25 cm cho đến 110 cm. Mỗi bó hương thông dụng dùng cho gia đình là cỡ 25 đến 30 cm, có thể cháy từ 60 đến 90 phút.
Hương đen từ nhựa trám mộc mạc, không hóa chất, đốt lên không hề cay mắt. Mùi hương đen đặc trưng mùi nhựa trám, thơm nồng nhẹ, dễ chịu. “Mỗi ngày tôi se tay đến hàng trăm, hàng nghìn que hương, nếu có độc hại gì, chắc chúng tôi là người chịu đầu tiên” - một người làm nghề hương chia sẻ.
Với dân làng Chóa, hương đen có thể đốt bất cứ lúc nào để hít hà, để ngửi mùi hương, mùi khói, mùi làng, mùi nghề của mình. Vậy Tết này, sao ta không sắm thử hương từ trám đen làng Chóa dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên?
Thông tin thêm
Hương đen làng Chóa hiện chưa được phân phối rộng rãi trên thị trường. Bạn có thể tìm mua trực tiếp tại các nhà làm nghề trong làng Chóa (với mức giá hợp lý nhất), khi đến liên hệ với chú Tiến - SĐT: 0368399633.
Ngoài ra, có thể đặt mua online qua fanpage Về Làng hoặc tại đây.