Hồ sơ nghệ thuật xòe Thái được ghi danh cùng với 35 hồ sơ khác trên toàn thế giới. Đây là di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại thứ 14 của Việt Nam được UNESCO công nhận bên cạnh các loại hình nghệ thuật như: quan họ Bắc Ninh, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ,...
Trong tiếng Thái, "xòe" nghĩa là nhảy múa, thường được biểu diễn trong nghi lễ, đám cưới, lễ hội và các hoạt động văn hóa cộng đồng khác. Bên cạnh việc nhảy múa, các tiết mục xòe Thái còn được biểu diễn trên nền âm nhạc, với giai điệu của những nhạc cụ dân tộc như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng,...
Chủ thể của nghệ thuật xòe Thái là cộng đồng người Thái đang sinh sống chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghệ nghiệp. Xoè phổ biến ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Cộng đồng người Thái ở địa phương khác nhau sẽ cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc tổ chức thực hành xòe.
Thông qua sự kiện vinh danh lần này, nghệ thuật xòe Thái sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị nhiều hơn trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Thái ở Việt Nam, nâng cao lòng tự hào của chính quyền và người dân địa phương đối với giá trị truyền thống của mình, góp phần vào khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại.
Theo Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, việc ghi danh xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển bảo tồn và phát huy các giá trị di sản UNESCO đang thúc đẩy.