Đường tới “Phiêu” house, căn homestay không bảng hiệu
Sapa vốn được ví như “thị trấn trong mây”, là nơi mà núi non rất tình, và nhịp sống của con người thì cứ yên ả chậm trôi. Cùng với nhu cầu nghỉ dưỡng và “đi trốn” ngày một lớn, Sapa trở nên huyên náo hơn bao giờ hết. Tròn một năm trước, trên đường từ Hầu Thào ngược về thị trấn, khi chiêm ngưỡng cả thung lũng Tả Van ngập trong cái nắng hanh hao ngày cuối năm, chúng tôi đã giao hẹn với nhau nhất định sẽ quay lại và ngủ lại đây.
“Chưa bao giờ thấy đông khách như cái tuần này đấy, người ở đâu ra mà lắm thế”, hai người đàn ông lái taxi đang trò chuyện, khi chúng tôi vừa tới bến xe vào sớm thứ Bảy. Có lẽ, sau thời gian dài “work/study from home”, ai cũng muốn dịch chuyển, nhất là vào thời điểm từ tháng 12 tới tháng 1 trong năm, thời tiết vùng núi phía Bắc rất hợp để ngắm mây, nghỉ dưỡng.
Nhận xe lúc 4 giờ 30 phút sáng, chúng tôi còn được nhà xe khuyến mại thêm một đôi găng tay da lót bông: “Vì trời Sapa giờ buốt lắm, tuần này nhiều sương với mưa mà”. Đi loanh quanh tới 6 giờ sáng chờ đổ xăng, cũng là đợi khi trời tan bớt sương giá, chúng tôi mới khởi hành tới Tả Van.
Từ trung tâm thị trấn tới nhà Pieu khoảng 10 km, đường đèo dốc, quanh co nhưng không khó đi. Một vài đoạn đường đang làm, hơi xóc hơn một chút. Rời khỏi thị trấn khoảng 2-3 km, không kể những căn homestay chắn hai bên vách núi, sương hoặc là mây, lẩn la trên những vòm thông già, hoặc sà xuống đường, dàn thành một lớp mỏng, khiến chúng tôi vừa hoang mang vừa phấn khích. Dù đã đi con đường này vài ba lần, mà hôm đó vẫn thấy nó bí ẩn và quyến rũ như ngày đầu tiên.
Đi qua bao nhiêu khúc quanh, dốc khúc khuỷu tới tận chân núi Hoàng Liên Sơn, mới thấy được chiếc cầu treo đỏ vắt qua suối Mường Hoa. Băng qua cây cầu này, đường tới Pieu cũng đã rất gần. Vì là dịp cuối đông, nên chúng tôi không may mắn được trông thấy những vạt hoa đỗ quyên tím rạng rỡ lẫn trong sắc xám đục của hoa lau, như người dân trong bản vẫn kể. Đi theo chỉ dẫn GPS được chia sẻ, xe chúng tôi dừng lại trước một căn nhà gỗ với thềm hoa cúc vàng ươm. Căn nhà không có biển tên, không được ghi chú là homestay hay có bất cứ dấu-hiệu-gì như cánh cổng gỗ lớn, khoảng sân rộng với nhiều bàn ghế được trang trí tỉ mẩn,… Căn nhà nằm dưới chân một khu rừng tre xanh tít tắp, bình dị và yên ắng như bao nhà người Mông trong bản, thành ra, chúng tôi cứ tần ngần đứng trước cửa, cho tới khi chị quản gia trong bếp bật đèn lên, khung cửa kính trở thành tín hiệu duy nhất thông báo chúng tôi đã đi đúng đường.
Căn nhà nhỏ trong sương - nơi thời gian vô định
Thời gian này, Sapa mưa bụi và lắm sương. Nằm trên gác mái nhìn ra ngoài, trời lúc nào cũng nhờ nhờ xám xịt, không thể trông thấy bình minh, cũng không rõ khi nào mặt trời khuất núi. Thường thì, chỉ khoảng vài tiếng giữa trưa cho tới đầu giờ chiều, nắng hửng, chúng tôi mới tranh thủ ra ngoài loanh quanh. Hai đứa tôi nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần Ekki múkk của Sigur Rós, và rồi quyết định không xem đồng hồ, cứ thuận theo tự nhiên: khi nào đói hãy nấu ăn, khát hãy uống trà, chán thì dạo bộ, thời gian còn lại cứ vùi trong chăn nghe nhạc và trò chuyện, vậy thôi. Thiết nghĩ, gác mái này được thiết kế dành cho những người lười vận động như chúng tôi: chiếc cửa kính to nhìn ra con dốc trước nhà, bàn trà và đệm sưởi cũng ở ngay cạnh giường ngủ. Thi thoảng, một vài người phụ nữ địu quẩy tấu đi qua, khi trời còn nhờ sương, chúng tôi biết rằng, trời đã hửng sáng. Chập choạng, khi họ quay về từ phía chiều ngược lại, tôi cũng đoán định được rằng, bụng mình sắp reo và chúng tôi nên đi làm cơm tối.
Không chỉ gác mái, phòng nào trong nhà cũng lắp một chiếc cửa kính to: phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, và cả phòng vệ sinh, như thể chủ nhà muốn nhắn rằng, người bên trong hãy nhìn ra ngoài, để ước lượng từng khắc thời gian trôi qua chầm chậm, bằng đủ mọi giác quan.
Nấu ăn - Ăn - Dọn dẹp - Nấu ăn
Mỗi một chi tiết nhỏ trong nhà đều được sắp xếp với ý đồ đặc biệt. Không chỉ lắp đặt những ô cửa kính to, tôi cũng thắc mắc, lý do nào khiến họ thiết kế một căn bếp thật lớn với tận hai chiếc bàn ăn (chưa kể hai chiếc bàn trà ngoài hiên nữa), trong một không gian không mấy rộng như vậy. Tôi đoán, có lẽ với người Mông, cái bếp lúc nào cũng phải đặt giữa nhà, ở một ví trí trang trọng nhất, là nơi ấm cúng nhất. Đèn trong bếp được đầu tư hẳn ba loại bóng chiếu sáng, phù hợp theo từng khung thời gian trong ngày. Bởi thế, bước vào bếp, khi nào cũng thấy ấm áp. Từ vị trí nào trong nhà cũng có thể trông thấy bếp, vậy nên, hai đứa tôi, dù ai có nấu ăn thì vẫn có thể trò chuyện với người còn lại. Thích nhất là khi hai đứa cùng lúi húi trong bếp, ngoảnh lên ngoảnh xuống, trời vừa mới sáng đó mà đã lại tối ngay, sương đã buông trắng bên ngoài cửa, còn trong nhà, ấm đun nước đương sôi, khói nhẹ bay lên, và cốc trà hoa cúc đang đặt sẵn bên cạnh. Một vòng tròn trong ngày cứ thế lặp lại, nấu ăn, ăn, rồi dọn dẹp. Hóa ra, căn bếp lớn, là để khẳng định, nhiều việc nghe đơn giản, mà lại khiến người ta bình lặng gắn kết đến thế.
Từ Pieu house tới Hầu Thào không xa. Chúng tôi tranh thủ đôi tiếng trong ngày tới thăm lại ngôi nhà cũ mình từng ở. Ở quãng này, suối Mường Hoa hiền hòa hơn hẳn, nước xanh, và dòng chảy chậm rãi. Nhưng nếu không phải những ngày có nắng, di chuyển sẽ rất khó khăn, và việc cắm trại bên suối cũng không khả thi.
Chúng tôi ở Pieu house cho tới đầu giờ chiều hôm sau, dù chị chủ cho phép check-in sớm (từ 7 giờ sáng hôm trước) và check-out muộn (tới khoảng 7 giờ tối hôm sau). Trong thời gian ở đó, ngoại trừ lúc chị quản gia giao phòng, nhận phòng và gửi bữa sáng, không gian này là của riêng chúng tôi. Từ Tả Van quay lại thị trấn, trời mưa khá lớn, chúng tôi không còn nhìn thấy gì xung quanh, ngoại trừ đoạn đường ngắn trước mắt. Tôi thầm nhủ: “Vậy là năm nay, không có chụp bức ảnh nào trên đường về được. Cũng may, chúng tôi đã biết năm tới mình phải đi đâu rồi”.
Thông tin thêm
Giá phòng Piêu House: từ 450.000 tới 1,3 triệu mỗi đêm
Liên hệ SĐT: 0778902934