Hồi tháng 3 năm 2024, Nhật Bản đã ghi nhận mức kỷ lục với 3,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO).
Chính phủ Nhật Bản đang trên đà vượt qua mục tiêu đón 32 triệu lượt khách trong năm nay. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu du lịch bị dồn nén trong thời gian đại dịch và đồng yên yếu. Năm ngoái, quốc gia này đã đón 25,1 triệu lượt khách, tăng gấp 6 lần so với năm 2022.
Tuy nhiên trên thực tế, với dân số khoảng 125 triệu người, tỷ lệ khách du lịch trung bình chỉ là 0,2 người trên đầu người. Trước đó, vào năm 2019, tỷ lệ này đạt mức cao nhất với khoảng 0,25.
Ngược lại, Pháp đón 100 triệu lượt khách mỗi năm, đạt tỷ lệ 1,5 khách du lịch trên đầu người. Hy Lạp có tỷ lệ 3,4, Bồ Đào Nha là 2,5 và Tây Ban Nha là 1,8. Để đạt được mức du lịch tương tự như châu Âu, Nhật Bản cần thu hút thêm 100 triệu khách mỗi năm. Theo ông Terrie Lloyd, người sáng lập tạp chí Japan Travel, "Nhật Bản thực tế không đón quá nhiều khách du lịch nước ngoài".
Cần nhìn nhận rằng sự so sánh này có phần không công bằng. Trong Liên minh châu Âu, việc di chuyển tự do giữa các nước thành viên giúp phân bổ lượng du khách đều hơn, không tập trung tại một điểm cố định.
Nhật Bản, với diện tích nhỏ và nhiều đảo, có diện tích đất phục vụ du lịch hạn chế hơn so với các quốc gia lớn có địa hình bằng phẳng.
Japan Times cho biết trong những tháng gần đây, lo ngại về tình trạng quá tải du lịch tại Nhật Bản đã đạt đến đỉnh điểm, mặc dù lượng khách quốc tế vẫn tương đối khiêm tốn. Điều này có thể do sự đổ dồn của du khách vào một thời điểm nhất định thay vì dàn trải suốt năm.
Giáo sư Daniel Gschwind từ Viện Du lịch Đại học Griffith, Australia, nhận xét rằng ở một số khu vực cụ thể của Nhật Bản, "sức chứa du khách" có thể đã đạt đến giới hạn. Những điểm đến nổi tiếng trên mạng xã hội, như các địa điểm đẹp nhất trên Instagram, đều "ngập tràn" khách du lịch nước ngoài.
Ví dụ, giao lộ Shibuya, khu Ameyoko ở Ueno và đền Sensoji ở Asakusa cùng các khu vực lân cận đều rất đông du khách, phần lớn bị thu hút bởi các bài đăng trên mạng xã hội.
Cố đô Kyoto được coi là địa điểm du lịch yêu thích của các du khách nhờ các ngôi chùa Phật giáo, cung điện hoàng gia, những khu vườn tươi tốt, những ngôi nhà gỗ điển hình theo phong cách Nhật Bản và đền thờ Thần đạo. Trong năm ngoái, thành phố chỉ khoảng 1,5 triệu người này đã đón lượng du khách gấp 20 lần dân số, tổng cộng 32 triệu lượt khách.
Tại những khu vực này, nhiều người dân phàn nàn về việc giá phòng khách sạn tăng cao và tình trạng chen chúc khi đi xe buýt, đến nhà hàng. Nhiều người cũng cho biết, khách du lịch nước ngoài không có ý thức tôn trọng phong tục địa phương khi đuổi theo quấy rầy các geisha, chụp ảnh họ dù không được phép, hoặc vừa đi vừa ăn – một hành vi bị coi là bất lịch sự tại Nhật Bản.
Phần lớn đất nước vẫn khá vắng vẻ do tình trạng dân số giảm và xu hướng du lịch theo đám đông dẫn dắt bởi mạng xã hội. Các vùng nông thôn, thành phố hạng hai và ba, các tỉnh kém phát triển và thậm chí một số khu vực ngoại ô Tokyo vẫn thiếu hụt du khách nước ngoài.
Theo ông Lloyd, có rất nhiều địa điểm trên khắp Nhật Bản mang đến những trải nghiệm tương tự như Kyoto.
Mặc dù du khách tập trung đông đúc tại Ueno, nhưng chỉ cách đó chưa đến một km, các ngôi đền tuyệt đẹp lại hầu như vắng bóng người, và khuôn viên xanh mát của Đại học Tokyo gần đó cũng vô cùng yên tĩnh.
Trong năm 2023, năm tỉnh Akita, Yamaguchi, Tottori, Fukui và Shimane chỉ ghi nhận dưới 100.000 lượt khách quốc tế lưu trú qua đêm, một con số rất khiêm tốn so với 43 triệu lượt khách ở Tokyo, 18 triệu lượt khách ở Osaka và 12 triệu lượt khách ở Kyoto.
Khái niệm về du lịch quá tải vẫn còn nhiều tranh cãi. Điều này có thể ít liên quan đến số lượng tuyệt đối hay tương đối của du khách, mà tập trung vào tác động tổng thể lên xã hội. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 60 triệu du khách vào cuối thập kỷ này, nâng tỷ lệ du khách bình quân đầu người lên khoảng 0,5, một con số vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn của châu Âu.