Theo thống kê của chính quyền thành phố Venice, mỗi năm, có khoảng 25 triệu khách du lịch đổ về Venice, trong đó khoảng 14 triệu người chỉ dành một ngày để lưu lại thành phố xinh đẹp miền bắc Italy này. Họ đến Venice chỉ với mục tiêu đi dã ngoại, hầu như không mang lại thu nhập cho các doanh nghiệp địa phương. Chính vì vậy, hội đồng Venice quyết định, du khách sẽ phải nộp mức phí 3 euro/năm khi đến với Venice. Số tiền này sẽ tăng lên từ 6 đến 10 euro kể từ năm 2020 (tuỳ thuộc vào mùa du lịch thấp điểm hay cao điểm).
Thành phố Venice đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới. Tính đến hết năm 2018, Italy có tổng cộng 54 di sản thế giới được UNESCO công nhận và đây là quốc gia có số lượng di sản thế giới nhiều nhất toàn cầu.
Ông Luigi Brugnaro, Thị trưởng Thành phố Venice, chia sẻ, khoản thu phí này sẽ không áp dụng đối với những du khách qua đêm ở Venice bởi những người này đã phải chịu thuế tại các khách sạn địa phương mà họ nghỉ lại.
Ông Luca Zaia, thống đốc vùng Veneto (nơi Venice là thủ phủ) hoan nghênh quyết định của hội đồng thành phố: "Venice cần được bảo trì, chăm sóc như các bảo tàng, sân vận động thể thao, rạp chiếu phim, xe lửa, máy bay… Việc thu phí này sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của Venice, có lợi cho cả khách du lịch lẫn thành phố".
Dân số Venice đã giảm mạnh trong thời gian qua: từ khoảng 175.000 người sau Thế chiến II xuống còn khoảng 50.000 người ở thời điểm hiện tại. Cư dân hiện tại phàn nàn rằng thành phố của họ đang bị khách du lịch tràn ngập, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Thị trưởng Brugnaro tiết lộ, thành phố đã phải trả thêm 30 triệu euro mỗi năm cho việc dọn dẹp, làm vệ sinh ở những khu vực trung tâm của thành phố khi mà du khách khắp nơi trên thế giới đổ về đây quá đông. Hiện tượng bùng nổ lượng khách du lịch cũng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều thành phố khác ở châu Âu.
Năm 2017, thành phố Dubrovnik (Croatia) đã phải hạn chế số lượng khách du lịch từ các chuyến du thuyền đến viếng thăm thành phố cổ yên tĩnh này.
Ở Tây Ban Nha, rất nhiều người dân sống ở các thành phố Barcelona, Palma de Majorca, San Sebastian… đã phản đối mạnh mẽ lên chính quyền địa phương về lượng khách du lịch tăng đột biến trong thời gian qua và yêu cầu giới lãnh đạo phải có những biện pháp cụ thể để kiểm soát tình hình.