Shirakawago nằm nép mình ở thung lũng sông Shogawa xa xôi của tỉnh Gifu, cách thủ đô Tokyo 350km. Núi Hakusan bao quanh khiến Shirakawago dường như tách biệt hẳn với cuộc sống hiện đại, sầm uất.
Shirakawago nghĩa là bạch xuyên hương - làng của những con sông trắng. Tên gọi gợi về những con đường ngập tuyết trắng khi mùa đông về. Thế nhưng, không chỉ có mùa đông đẹp như cổ tích, bàn tay ưu ái của thiên nhiên khiến Shirakawago bốn mùa thay áo theo sự tuần hoàn của thời tiết, mỗi mùa mang một nét riêng: mùa xuân, ngôi làng thức dậy trong tiếng chim và hoa cỏ rực rỡ sắc màu; mùa hè, cánh đồng lúa, cây cối tốt tươi tràn sức sống; mùa thu, những cánh rừng được dệt lên sắc vàng đỏ của cây thay lá và cỏ pampas.
Điều khiến Shirakawago thu hút du khách thập phương, bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, là nét làng quê bình dị của người dân Nhật Bản thời xưa vẫn còn còn sót lại đến ngày nay; khi kỹ thuật và trí tuệ của tổ tiên thể hiện qua từng mái nhà, nếp sống được cư dân đời này qua đời khác gìn giữ cẩn thận.
Nhà gassho-zukuri - lối sống hòa hợp tự nhiên của người dân Shirakawa-go
Đặc trưng của Shirakawa chính là hơn 100 ngôi nhà cổ san sát nhau dưới chân núi, nằm giữa cánh đồng lúa và dòng suối hiền hòa, chứng kiến làng bao mùa thay áo. Những ngôi nhà được dựng theo phong cách gassho-zukuri phổ biến ở các làng nông nghiệp của Nhật Bản cũ (Gassho: những bàn tay cầu nguyện; zukuri: phong cách kiến trúc). Tên gọi Gassho zukuri được đặt theo hình dáng đặc biệt của mái nhà tựa những bàn tay đang chắp lại cầu nguyện cuộc sống bình an cho người dân.
Nhà gassho zukuri không chỉ là cơ sở vật chất, mà còn là lối sống được duy trì từ đời này sang đời khác. Kiến trúc thể hiện sự chung sống hòa hợp của con người với tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt.
Nhà gỗ có mái lợp tranh dày khoảng 80cm, kết cấu dốc nghiêng tránh tuyết phủ dày đặc vào mùa đông. Nhà dựng theo hướng Đông - Tây tối đa hóa khả năng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đồng thời bảo vệ các ngôi nhà khỏi những cơn gió mạnh thổi theo hướng Bắc - Nam trong mùa bão, cũng như tạo điều kiện cho dòng chảy của mưa. Phần mái nặng đến 60 tấn, có khả năng chống được lớp tuyết dày 2 - 3 m vào mùa đông nhưng lại mát mẻ vào mùa hè.
Điểm độc đáo nhất là mái nhà được làm hoàn toàn bằng các vật liệu tự nhiên như rơm và gỗ lấy từ các khu rừng xung quanh mà không cần đinh hoặc bất kỳ vật liệu kim loại nào. Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, những ngôi nhà gassho-zukuri vẫn tồn tại hàng trăm năm. Sau mỗi 30 năm, các mái tranh sẽ được lợp lại.
Ngôi làng lớn nhất ở Shirakawago là Ogimachi. Tại đây, Wada House là ngôi nhà gassho-zukuri có tuổi đời lớn nhất. Ra đời từ những năm 1800, đây là nhà của một gia đình buôn bán tơ lụa giàu có, nơi nhiều thế hệ sinh sống. Mặc dù Wada House vẫn được sử dụng làm nhà ở nhưng một phần mở cửa cho khách du lịch tham quan.
Đến với Wada House, du khách có thể cảm nhận trọn vẹn cuộc sống hàng ngày ở làng quê Nhật Bản xưa. Tầng trên là gian trưng bày các thiết bị dùng để làm lụa. Ở tầng trệt, irori (lò sưởi truyền thống của Nhật Bản) được dùng sưởi ấm, nấu nướng và phơi quần áo. Sàn gỗ lát có tác dụng thông gió, nơi hơi nóng và khói từ irori tỏa lên các tầng, làm căn nhà ngập tràn hương thơm.
Thời gian trôi đi, người dân ở đây vẫn gìn giữ và duy trì nhiều nghi lễ, phong tục cổ xưa có từ thế kỷ 17.
Miền cổ tích mùa đông
Shirakawa-go được biết đến là nơi hoạ sĩ Fujiko Fujio thai nghén và cho ra đời bộ truyện tranh kinh điển Doraemon. Và bản thân Shirakawa mùa đông cũng tựa như bức tranh bước ra từ cổ tích.
Từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, khắp những triền đồi, con đường, mái nhà gassho- zukuri phủ đầy tuyết trắng. Vào những đêm diễn ra lễ hội “Shirakawa-go winter light up”, ngôi lên đèn lộng lẫy, ánh sáng màu vàng từ những căng nhà ẩn hiện trong tuyết tuyết trắng rơi. Khung cảnh đã đánh cắp trái tim của bao người đặt chân đến miền quê này.
Mỗi năm, Shirakawago chỉ lên đèn 6 lần trong 3 tuần trong khoảng tháng 1 đến tháng 2. Mặc cho đường đi cách trở, thời tiết khắc nghiệt, hàng nghìn du khách vẫn đổ về đây để được chiêm ngưỡng khung cảnh này một lần trong đời. Năm nay, làng cổ Shirakawago sẽ thắp đèn vào các tối chủ nhật từ 16/1 đến 20/2 trong khung giờ 17h30 đến 19h30. Hệ thống chiếu sáng ở đây cần phải đặt trước.Để ngắm toàn cảnh Shirakawa-go, du khách có thể đi bộ hoặc xe buýt đến đài quan sát, vị trí check-in đẹp nhất ở ngôi làng cổ này.
Vì những giá trị, vai trò đối với văn hóa Nhật Bản, năm 1995, làng Shirakawa đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống vội vã, gấp gáp, đến Shirakawago để hòa vào cuộc sống làng quê Nhật Bản xưa và thấy rằng, thời gian cũng có thể ngừng lại.