Ý nghĩa thực sự đằng sau Lễ hội té nước của 3 nước Đông Nam Á

12/04/2023

Được biết đến là dịp chào đón năm mới theo lịch truyền thống và là thời điểm lý tưởng cho nhiều khách du lịch khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của các quốc gia theo đạo Phật ở khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan. Lễ hội té nước diễn ra vào giữa tháng 4 hàng năm tạo nên một không khí tưng bừng, sôi động, thu hút nhiều du khách trên thế giới về tham dự.

Không giống cách đón năm mới đầu năm như những quốc gia khác trên thế giới, Lào, Campuchia, Thái Lan lại nô nức đón năm mới với những màn té nước độc đáo vào giữa tháng 4 hàng năm. Đây là thời gian chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa. Thời tiết ở các quốc gia này đều rất oi bức, vì vậy những người xưa đã sáng tạo ra lễ hội Tết té nước thực chất là đón mưa, đón nguồn nước mát cho cây cối và con người.

Tết Nguyên Đán của các nước Đông Nam Á đều diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch, tức là thời gian chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa

Tết Nguyên Đán của các nước Đông Nam Á đều diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch, tức là thời gian chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa

Tết té nước mang ý nghĩa sẽ cuốn trôi những ưu phiền, xấu xa trong năm cũ, mang lại sự sống sinh sôi, đâm chồi nảy lộc, ấm no hạnh phúc cho vạn vật trong năm mới. Người dân té nước vào nhà sư để tỏ lòng tôn kính. Người trẻ té nước vào người lớn để chúc sống lâu, an khang thịnh vượng. Bạn bè té nước cho nhau để gửi những lời chúc tốt lành. Ai té càng nhiều nước thì người đó sẽ được càng nhiều may mắn.

Tết té nước ở mỗi quốc gia tuy có những điểm khác biệt nhưng đều có ý nghĩa mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật. Hơn nữa, thời điểm những ngày giáp Tết là cuối mùa khô nên rất nóng bức nên té nước vào người sẽ làm cho cơ thể mát mẻ, tâm hồn sảng khoái, hân hoan.

Lễ hội té nước Songkran Thái Lan

Tết té nước Songkran của người Thái Lan được mệnh danh là "đại chiến súng nước lớn nhất thế giới". Lễ hội năm nay diễn ra từ 13 tới 15/4. Không chỉ té nước vào nhau để cầu chúc may mắn, dịp mừng năm mới của người Thái còn được du khách hưởng ứng bằng trò bắn súng nước.

Từ Songkran xuất phát từ tiếng Phạn, với nghĩa "lúc thời gian chuyển rời, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ". Trong lễ hội này, mọi người té nước vào nhau và người lớn tuổi để tỏ lòng tôn kính cũng như cầu chúc cho nhau những điều tốt lành. Cũng như người Lào và Campuchia, trong dịp này, người dân Thái Lan cũng kéo nhau ra bờ sông hoặc sân chùa, thi nhau dựng những ngôi chùa bằng cát. Tập tục này của người Thái mang triết lý Phật giáo sâu sắc, một hạt cát tượng trưng cho một lời cầu nguyện xóa đi bao tội lỗi, cứu rỗi một linh hồn.

Tết té nước Songkran của người Thái Lan được mệnh danh là

Tết té nước Songkran của người Thái Lan được mệnh danh là "đại chiến súng nước lớn nhất thế giới"

Bên cạnh đó, người ta còn lên chùa dự lễ tắm Phật, mang trái cây và các món ăn chay cúng dường cho các vị sư, cũng như làm lễ phóng sinh. Sau đó, chúc thọ cha mẹ, ông bà, rồi cuối cùng sẽ đến phần háo hức nhất là lấy nước thơm phun lên người nhau để chúc phúc.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Chiang Mai được xem là thủ phủ của lễ hội Songkran. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục truyền thống của người Thái Lan. Vì mật độ du khách đổ về Thái Lan dịp lễ rất đông, tỷ lệ thương vong do tai nạn trong những ngày này cũng tăng cao. Du khách luôn được khuyến cáo tự bảo vệ mình khi tham gia lễ hội.

Lễ hội té nước Songkran mừng năm mới của Thái Lan với những cuộc thi, sự kiện thú vị diễn ra liên tiếp 3 ngày liền, thu hút hàng triệu du khách tham quan. Những người không cùng tôn giáo, màu da, sắc tộc cũng hồ hởi té nước cho nhau, thắt chặt thêm tình thân ái, hữu nghị.

Lễ hội Té nước ở Thái Lan bao giờ cũng có sự tham gia của nhiều khách du lịch

Lễ hội Té nước ở Thái Lan bao giờ cũng có sự tham gia của nhiều khách du lịch

Tết té nước Bunpimay ở Lào

Người Lào gọi Tết té nước là Bunpimay. Lễ hội thường diễn ra từ 14 - 16/4. Người Lào có một tục lệ khá độc đáo đó là buộc chỉ cổ tay. Trong thời gian này, khách đến xông nhà đều được buộc tay một sợi chỉ đỏ hoặc xanh để cầu chúc may mắn, sức khỏe. Tục lệ này tuy đơn giản như nó phản ánh sâu sắc tính cách hiền hòa của người dân Lào.

Người Lào không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, vật nuôi và công cụ sản xuất. Họ tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.

Ngoài ra, người Lào còn té nước vào nhà cửa, dụng cụ lao động và súc vật để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc một năm mới tốt đẹp và mạnh khỏe

Ngoài ra, người Lào còn té nước vào nhà cửa, dụng cụ lao động và súc vật để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc một năm mới tốt đẹp và mạnh khỏe

Với du khách, cố đô Luang Prabang và Vang Vieng là hai điểm đến nổi tiếng nhất ở Lào vào Tết té nước. Tại Luang Prabang, nơi có nhiều chùa chiền và là khu du lịch nổi tiếng, du khách sẽ được tận hưởng không khí lễ hội rõ nét với nhiều trò chơi thú vị.

Vào dịp này, người dân Lào cũng tập trung đến chùa lễ Phật, tắm Phật bằng nước thơm, nghe sư giảng đạo, rồi té nước cho các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Hoa chăm pa và hoa muồng vàng là hai loài hoa không thể thiếu trong dịp Tết của người Lào. Người dân thường kết hoa chăm pa thành vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc. Treo hoa muồng vàng trong nhà hoặc trên xe trong dịp năm mới để cầu may mắn.

Theo truyền thống của người Lào, tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày

Theo truyền thống của người Lào, tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày

Tết té nước Chol Chnam Thmay ở Campuchia

Lễ hội té nước Chol Chnam Thmay của người Campuchia cũng diễn ra cùng một thời điểm với Lào, từ ngày 14 - 16/4 hàng năm. Lễ hội té nước là dịp để người dân Campuchia hướng về Đức Phật và mừng năm mới.

Ngày đầu năm, người dân Campuchia mặc đồ đẹp, lên chùa lễ Phật và làm lễ dâng cơm tới các nhà sư trong chùa để thể hiện sự tôn kính cũng như cầu bình an cho cả gia đình. Các phật tử còn làm lễ té nước lên tượng Phật và các vị sư sãi cao niên trong chùa bằng nước thơm để tỏ lòng tôn kính. Sau đó, mọi người từ người già đến trẻ nhỏ té nước vào nhau thay cho lời chúc tốt lành dịp đầu năm. Ngày lễ này sẽ diễn ra nhiều trò chơi truyền thống cùng điệu múa dân gian Apsara.

Nghi lễ truyền thống tắm Phật

Nghi lễ truyền thống tắm Phật

Trong ba ngày đầu năm, những ngôi chùa trên đường chính hướng về Hoàng cung đều sáng rực đèn hoa. Vào đêm giao thừa, người dân thắp nhang đèn đưa tiễn năm cũ đón năm mới. Ngày thứ hai là lễ dâng cơm vào bình bát của nhà sư để thể hiện lòng thành kính. Ngày thứ ba là lễ tắm Phật, sau những nghi thức mang đậm chất tín ngưỡng.

Giống như người Lào, Campuchia cũng có tục lệ đắp núi cát. Họ đắp cát thành 8 hoặc 4 ngọn núi nhỏ ở các hướng và ngọn núi lớn ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ để cầu mưa thuận gió hòa, cầu hạnh phúc cho mọi người. Ở một số vùng, người dân Campuchia còn thay thế cát bằng gạo, bánh hoặc trái cây.

Sự hỗ trợ nước từ các xe bồn, sông lớn càng làm cho không khí buổi lễ thêm phần náo nhiệt và sôi động

Sự hỗ trợ nước từ các xe bồn, sông lớn càng làm cho không khí buổi lễ thêm phần náo nhiệt và sôi động

Hoạt động thú vị này không chỉ thu hút dân bản địa mà còn hấp dẫn cả du khách nước ngoài. Bất kể độ tuổi, giới tính, màu da, chủng tộc đều hòa vào màn té nước vui nhộn, tưng bừng cùng với những dụng cụ đơn giản như xô, chậu, súng nước, bóng nước… Bên cạnh đó là sự hỗ trợ nước từ các xe bồn lớn càng làm cho không khí buổi lễ thêm phần náo nhiệt và sôi động.

Phương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES