Cảnh Đức Trấn - khởi nguồn của gốm sứ Trung Quốc
Cảnh Đức Trấn thuộc tỉnh Giang Tây, được coi là thủ phủ gốm sứ của Trung Quốc với lịch sử 1.700 năm. Du khách có thể ghé thăm các lò nung lịch sử đã sản xuất ra những món đồ sứ tuyệt đẹp trong nhiều thế kỷ. Ở Trung Quốc, có nhiều nơi sản xuất gốm sứ như Tuyền Châu (Phúc Kiến) hay Phật Sơn (Quảng Đông), nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Cảnh Đức Trấn (Giang Tây).
Nhiều thương nhân và nghệ nhân đã đổ xô đến Cảnh Đức Trấn để tìm cảm hứng cũng như mua sắm đồ gốm sứ tại các cửa hàng, khu chợ của thành phố. Nhiều triển lãm thường xuyên được tổ chức để công chúng tham quan và xem nghệ nhân trình diễn cách làm đồ sứ.
Để tìm hiểu về lịch sử đồ sứ của thành phố cổ kính này, du khách có thể dừng chân tại Bảo tàng Lò nung Hoàng gia Cảnh Đức Trấn mới được xây dựng. Đại lộ Nghệ thuật Gốm sứ, một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn nhất ở Cảnh Đức Trấn cũng là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Tử Cấm Thành - nơi những bí ẩn tồn tại giữa lòng Bắc Kinh
Nếu đã từng xem các bộ phim cổ trang, phim kiếm hiệp Trung Quốc chắc chắn bạn sẽ ước mong một lần được đến Tử Cấm Thành để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp chân thật của nơi này.
Tại Bắc Kinh, Tử Cấm Thành có lẽ là công trình kiến trúc cung điện đỉnh cao và đặc trưng nhất cho lối kiến trúc Trung Hoa. 24 vị vua thời nhà Minh và nhà Thanh từng ở đây từ năm 560 đến năm 1911. Khu quần thể có hơn 800 phòng với mái dát vàng cùng kiến trúc đậm chất phong kiến Trung Hoa.
Tử Cấm Thành là công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới. Đến đây, bạn sẽ ngạc nhiên về vẻ tráng lệ của quần thể, càng thích thú hơn khi tìm hiểu về lịch sử các đời vua từng sinh sống. Các công trình trong Tử Cấm Thành đều được điêu khắc chạm trổ, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Cung điện được làm từ những loại gỗ quý, được sơn son thiếc vàng chạm trổ hình rồng phượng tinh xảo.
Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu - thiên đường chốn hạ giới ở Trung Hoa
Cửu Trại Câu nằm ở phía nam của núi Dân Sơn, cách 330 km về phía bắc của tỉnh Tứ Xuyên. Trong tiếng của người Tây Tạng, tên gọi nơi này nghĩa là “thung lũng chín làng” để chỉ 9 ngôi làng nằm dọc theo chiều dài của nó. Trước kia, nơi đây là khu vực sinh sống của người Tây Tạng và người Khương trong suốt nhiều thế kỷ. Nơi đây rộng tới 700 km2 với khung cảnh núi non soi bóng xuống 108 mặt hồ trong xanh xung quanh.
Được coi như chốn bồng lai tiên cảnh, Cửu Trại Câu sẽ cho bạn cảm giác thức giấc giữa tiếng chim kêu, nghe tiếng suối róc rách và tận hưởng những trải nghiệm sinh tồn thú vị trong các cánh rừng xung quanh. Điểm đặc biệt ở Cửu Trại Câu chính là hồ nước ngay chính giữa khu vực này có thể đổi màu theo mùa và phản chiếu hình ảnh cây cối, núi non xung quanh mỗi khi trời quang mây tạnh.
Vùng này được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích thuộc các cạnh của cao nguyên Tây Tạng, nổi tiếng nhờ hệ thống hồ nước đa sắc và các thác nước nhiều tầng cùng các đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng khi đông về. Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992, khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997.
Cảnh sắc bốn mùa ở Cửu Trại Câu đều mang vẻ đẹp mê hoặc nhưng mùa thu (vào khoảng tháng 10 hàng năm) mới là thời điểm đẹp nhất ở nơi đây với những thảm lá chuyển sắc vàng rực bên dòng nước trong xanh nhìn xuống tận đáy và ngọn thác trắng bạc. Toàn bộ khung cảnh Cửu Trại Câu mùa thu trông như chốn thần tiên mà khó ngôn từ nào có thể diễn tả, vì thế nó mới được mệnh danh là “Thiên đường nơi hạ giới”.
Đặc biệt, khu sinh thái Cửu Trại Châu còn có nhiều cánh rừng nguyên sinh với hơn 200 loại cây như thông dầu, vân sam, hồng sam, song tử diệp, đỗ quyên… và nhiều loài động vật quý hiếm như gấu trúc, quốc thú của Trung Hoa.
Phượng Hoàng Cổ Trấn - hơi thở của sự cổ kính, yên bình
Phượng Hoàng Cổ Trấn nằm phía trên một nhánh sông của đập Tam Hiệp ở Trung Quốc. Nơi này đã tồn tại được hơn 1.300 năm và cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Sở dĩ mang tên Phượng Hoàng Cổ Trấn vì ở phía Tây Nam của thị trấn có một ngọn núi dáng trông giống một con phượng hoàng bay lên.
Dù diện tích chỉ khoảng 10 km2 nhưng các tour du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn thu hút đông đảo người tham gia, nhờ vào non nước hữu tình cùng kiến trúc đơn sơ và trầm mặc của những ngôi nhà gỗ, đường lát đá hàng trăm năm tuổi nằm bên cạnh dòng sông Đà Giang. Đây chắc chắn là trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, đối với những du khách đến từ vùng đô thị sầm uất.
Đêm xuống Phượng Hoàng Cổ Trấn khoác lên mình bộ áo rực rỡ, hiện đại trái ngược với vẻ đẹp hùng vĩ, trầm lặng, cổ kính của thành cổ ban ngày. Những dãy phố cổ được trang trí với đủ loại đèn sắc màu, du khách thường tham gia các hoạt động vui chơi, sôi nổi mua sắm vào thời điểm này.
Dạo quanh các khu phố cổ ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, du khách sẽ ngỡ ngàng như được trở về quá khứ, được hóa thân vào những bộ phim cổ trang bên những ngôi nhà cổ bằng gỗ, khắp các ngõ ngách treo đèn lồng đỏ, đường lát đá trắng tạo nên vẻ si mê, quyến luyến chẳng muốn bước ra.