Mzung Nguyễn "phản tư" qua triển lãm Introspection

10/04/2023

“Introspection” (Phản tư) là triển lãm nghệ thuật xé dán đa chất liệu của họa sĩ Mzung Nguyễn được tổ chức bởi 11:11 D’artistes. Những suy tư nghệ thuật trong triển lãm lần này của nữ họa sĩ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lý sinh thái, mà mối tương quan giữa các sinh thể đóng vai trò là nguồn cảm hứng chính.

Triển lãm "Introspection" (phản tư) được xem như một không gian phản ánh những suy tư trong thế giới nội tâm của họa sĩ Mzung Nguyễn. Nữ họa sĩ sử dụng khoảng hơn 6000 cuốn tạp chí, trích xuất nguyên khối các hình ảnh bằng phương pháp xé dán, "tạo hình" cho các câu chuyện muốn truyền đạt với sơn dầu, acrylic, màu nước,... Cách tiếp cận mới mẻ này có thể được xem là thực hành vẽ tranh bằng giấy, chứ không đơn giản là xé dán.

Đảm đương nhiều vai trò khác nhau trong nhiều năm làm nghệ thuật, Mzung Nguyễn là nữ nghệ sĩ đa phương tiện (multimedia artist) có vốn kiến thức phong phú cùng nhiều trải nghiệm đa dạng. Cô đem sự say mê và tình yêu dành cho nghệ thuật tận tâm trau chuốt, tỉ mỉ trong từng miếng dán nhỏ, gửi gắm tâm tư của mình vào mỗi tác phẩm.

Triển lãm Introspection do 11:11 D'artistes tổ chức.

Triển lãm Introspection do 11:11 D'artistes tổ chức.

"Phản tư" - phản chiếu suy tư của chính mình

Trước đây Mzung Nguyễn được biết đến với tư cách một nhà hoạt động môi trường (environment activist) - đưa ra chính sách, chuyển tải thông điệp đến mọi người với mong muốn thay đổi ý thức của họ. Nhưng dần dần, cô tự vấn: "Liệu mọi thứ có nhất thiết phải cần đến thông điệp hay không? Có thể ngày hôm nay, điều này đúng đắn, nhưng ngày mai nó không còn đúng nữa". Thế giới bên ngoài thay đổi từng giây từng phút, thế giới bên trong cũng vận động không ngừng. Sự tiến hóa về mặt vật lý - sinh học cũng kéo theo những chuyển biến về mặt tâm lý - ý thức của loài người.

IMG_1565

Sự "dịch chuyển" trong tâm thức của Mzung được biểu đạt hết sức tinh tế trong những tác phẩm thuộc triển lãm Introspection lần này. Nữ họa sĩ từng nhất quán đến mức khắt khe nay lại kết dính hàng trăm chi tiết, hình ảnh được lấy từ vô số những cuốn tạp chí khác nhau để tạo ra sự hỗn-độn-có-chủ-đích trên tác phẩm. "Mọi thứ luôn được kết nối với nhau, từ những bộ phận nhỏ nhất trong cơ thể con người, đến những sự việc lớn lao đang diễn ra ở thế giới ngoài kia. Sự dịch chuyển bên trong tạo ra những biến chuyển bên ngoài và ngược lại", nữ nghệ sĩ chia sẻ. Cô tĩnh lặng đón nhận sự dịch chuyển này diễn ra như một quy luật tự nhiên.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trở về kết nối với con người bên trong của mình

Chất liệu được lấy từ cuốn "Atlas giải phẫu người" xuất hiện nhiều trong những tác phẩm thuộc triển lãm "Introspection". Tưởng chừng như đơn giản, nhưng liệu chúng ta có đang ghi nhận sự tồn tại của từng tế bào, mạch máu đang nuôi sống cơ thể mình hay chưa? Việc thực hành vẽ tranh với những chi tiết này như cách để nữ họa sĩ tự nhắc nhủ bản thân về sự tồn tại, kết nối chặt chẽ của tất cả những bộ phận dù là nhỏ nhất trong chính cơ thể mình. "Đơn giản mình đang muốn làm tốt vai trò làm người hơn bằng cách nhắc nhớ đến tất cả mọi bộ phận trên cơ thể mình, để chúng không tồn tại một cách vô cơ", Mzung chia sẻ với phóng viên Travellive.

Một tác phẩm độc đáo với sự kết hợp của những bộ phận trên cơ thể người với chất liệu vàng mã khiến nhiều khán giả tò mò.

Một tác phẩm độc đáo với sự kết hợp của những bộ phận trên cơ thể người với chất liệu vàng mã khiến nhiều khán giả tò mò.

Chất liệu vàng mã xuất hiện cùng với những bộ phận trên cơ thể người khiến không ít những khán giả đến xem thắc mắc. Giải thích về sự kết hợp độc đáo này, Mzung cho biết: "Tâm thức Á Đông gắn liền với mối liên kết giữa sự sống - cái chết, thể xác và tinh thần, quá khứ và tương lai. Đó là nhận thức về bản chất luân hồi của hiện hữu - của khởi sinh, tàn lụi và phân rã. Sự tồn tại ngắn ngủi của con người chỉ như một hạt cát trong vũ trụ bao la vô tận này. Nhưng ngay trong cõi tạm đó, con người vẫn có thôi thúc kết nối với từng tế bào trong cơ thể, nắm bắt từng cảm quan vi tế như một cách để đắm mình vào sự sống hữu cơ trên mặt đất này. Đó chính là những đặc quyền của việc từng được sống và được trải nghiệm những dao động trong đời sống này. Đến cuối cùng, điều quan trọng nhất có còn nằm ở số ngày ta tồn tại không? Hay nó năm ở ý nghĩa của mỗi liên kết giữa chúng ta và thế giới, ở vẻ đẹp của hành trình đạt đến giác ngộ?"

Ắt hẳn những trăn trở đó được bài trí một cách hỗn-loạn-có-chủ-đích trên những tác phẩm của nữ họa sĩ trong triển lãm Introspection. Để khi nhìn vào đó, người xem thấy được những suy nghĩ đang cựa quậy trong mình, phải quay ngược về bên trong để quán chiếu lại những ý niệm tưởng chừng như đơn giản về sự tồn tại của bản của những bộ phận trên cơ thể mình. Sâu xa hơn ý thức sự tồn tại của bản thể trên cõi đời này. Sau tất cả những biến chuyển của đời sống, cả sự thay đổi trong chính mình có khiến chúng ta trưởng thành được hay không?

Một bức tranh gợi đến nhiều suy ngẫm về phong cách sống của con người trong đời sống hiện đại.

Một bức tranh gợi đến nhiều suy ngẫm về phong cách sống của con người trong đời sống hiện đại.

Đã bao giờ ta trút bỏ vẻ bề ngoài hào nhoáng để quay vào bên trong, đối thoại với cái ta nguyên sơ? Có khoảnh khác nào ta tạm dừng để tự vấn về căn cốt của sự sống không ràng buộc bởi những đòi hỏi xã hội? Chỉ trong sự tĩnh lặng nội tâm, con người mới có thể tìm ra vẻ đẹp ẩn tàng trong mỗi bản thể.

“Introspection” đưa khán giả tham gia vào hành trình suy tư của nghệ sĩ, đồng thời dành cho chính mình một không riêng để suy tưởng và thấu tỏ. Những tác phẩm được 11:11 D’artistes chọn lựa khiến người xem không khỏi tự vấn về sự tồn tại và về bản thân của mỗi người.

Một số hình ảnh tại triển lãm Introspection:

Tiến trình đô thị hóa vô hình trung đặt con người vào tình thế bị bao vây bởi các khối rubik. Tribg vùng hữu hạn của không gian vật lý đó, ta kiến tạo nên những thế giới giả lập trong nỗ lực gắn kết những sự đứt gãy của thời gian và không gian, của hữu cơ và vô cơ, của ngoại cảnh và nội tâm.

Tiến trình đô thị hóa vô hình trung đặt con người vào tình thế bị bao vây bởi các khối rubik. Tribg vùng hữu hạn của không gian vật lý đó, ta kiến tạo nên những thế giới giả lập trong nỗ lực gắn kết những sự đứt gãy của thời gian và không gian, của hữu cơ và vô cơ, của ngoại cảnh và nội tâm.

Consumerism (xã hội tiêu dùng) cũng là một điểm nhấn trong triển lãm với những tác phẩm phản ánh sự tấn công dồn dập chủ nghĩa tiêu dùng, tư duy vật chất và sự thừa mứa thông tin tạo nên cơn lốc, dễ dàng nuốt chửng con người của đời sống hiện đại vào trong.

Consumerism (xã hội tiêu dùng) cũng là một điểm nhấn trong triển lãm với những tác phẩm phản ánh sự tấn công dồn dập chủ nghĩa tiêu dùng, tư duy vật chất và sự thừa mứa thông tin tạo nên cơn lốc, dễ dàng nuốt chửng con người của đời sống hiện đại vào trong.

Đời sống con người xoay vần với những nhu cầu và ham muốn. Khao khát được kết nối với đồng loại, giao cảm với tự nhiên, hay vượt thoát khỏi định kiến gò ép, sự tù túng của không gian vật lý là những đòi hỏi chính đáng của mỗi cá nhân.

Đời sống con người xoay vần với những nhu cầu và ham muốn. Khao khát được kết nối với đồng loại, giao cảm với tự nhiên, hay vượt thoát khỏi định kiến gò ép, sự tù túng của không gian vật lý là những đòi hỏi chính đáng của mỗi cá nhân.

Nữ họa sĩ trò chuyện cùng du khách đến xem tranh.

Nữ họa sĩ trò chuyện cùng du khách đến xem tranh.

Những vị khách dừng chân rất lâu trước từng bức tranh của họa sĩ Mzung Nguyễn.

Những vị khách dừng chân rất lâu trước từng bức tranh của họa sĩ Mzung Nguyễn.

Họa sĩ Mzung Nguyễn tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn-Báo chí ở Huế và bắt đầu sự nghiệp với công việc viết báo, viết kịch bản và làm phim độc lập. Trong sự nghiệp làm phim của mình, cô đã giành được nhiều giải thưởng danh giá bao gồm: Giải cánh diều bạc (2009), Giải Special Jury, Vietnam wildlife film fest (2015) và Giải Golden Kinabalu Award of KKIFF2017 (2017). Mzung bắt đầu thực hành nghệ thuật cá nhân từ năm 2017 và có các triển lãm cá nhân “Rivers” (2021) và “Movement” (2022) được diễn ra ở cả Hà Nội và Tp. HCM. Sau gần mười năm trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau, dự phần trong nhiều dòng sự kiện xã hội của Việt Nam và thế giới qua công tác báo chí và làm phim, Mzung Nguyễn trở lại Việt Nam, tập trung vào thực hành nghệ thuật cá nhân kể từ 2017. Mzung bắt đầu vẽ tranh với nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, màu nước, và gần đây là với chất liệu giấy hỗn hợp, thực hiện trên toan, sắp đặt và điêu khắc.

Bi Lê
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES