3 điểm đến du lịch tâm linh tại Nepal

06/04/2023

Là một quốc gia đa số người dân theo đạo Hindu và một số ít theo Phật giáo, Nepal có vô số đền thờ linh thiêng tự nhiên cũng nhân tạo. Tất cả đều mang lại nét đẹp văn hoá tâm linh huyền bí đặc trưng bậc nhất Châu Á.

Đến với Nepal, bạn sẽ được khám phá đất nước có lãnh thổ nằm gọn trong đỉnh núi Himalaya huyền thoại, bí hiểm cùng những ngọn núi được xếp vào hàng cao nhất thế giới. Nơi đây mang đến cho du khách trải nghiệm về cảnh vật hùng vĩ và ngoạn mục. Không chỉ thu hút những trái tim thích phiêu lưu, khám phá, mơ ước chinh phục độ cao cũng như khao khát thử sức mình với đỉnh Everest, đỉnh Kalar Pathar, dãy núi Annapurna... vùng đất còn nổi tiếng về du lịch tâm linh, mang đậm phong thái văn hoá đa dạng nhờ sự ảnh hưởng sâu sắc về văn hoá của Tây Tạng và Ấn Độ. Ở Nepal, đi đâu du khách cũng có thể bắt gặp chùa chiền, đền thờ, nơi dâng lễ vật. Có thể nói, đời sống cùng tâm linh của người dân Nepal luôn song hành với nhau, không thể tách rời.

Nepal là vùng đất nổi tiếng về du lịch tâm linh.

Nepal là vùng đất nổi tiếng về du lịch tâm linh.

Bảo tháp Boudhanath - Kỳ quan linh thiêng của Nepal

Toạ lạc tại ngoại ô phía đông của thủ đô Kathmandu, Bảo tháp Boudhanath có nghĩa là “Đất Phật” được thành lập từ thế kỉ thứ 5, nổi bật với chiều cao 36m. Quần thể kiến trúc mandala khổng lồ nằm giữa thung lũng, được bao bọc bởi những rặng núi kỳ vĩ. Bảo tháp Boudhanath đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hoá Thế giới từ năm 1979 và vẫn được bảo tồn cho đến nay. Nhiều người mệnh danh đây là bảo tháp lớn nhất thế giới. Nhiều công trình Phật Giáo ở Tây Tạng cũng được mô phỏng theo kiến trúc của Bảo tháp Boudhanath, công trình linh thiêng, nổi tiếng nhất của Phật Giáo Nepal.

Đỉnh bảo tháp Boudhanath mạ vàng với biểu trưng là đôi mắt trí tuệ.

Đỉnh bảo tháp Boudhanath mạ vàng với biểu trưng là đôi mắt trí tuệ.

Chung quanh toà tháp là một vành đai với 108 hình ảnh Phật, tứ diện chạm khắc đôi mắt của Đức Phật nhìn xa khắp hướng. Những du khách đến viếng thăm đều có cảm giác như Đức Phật luôn hiện diện ở đấy, dõi theo và độ trì cho chúng sinh. Công trình kiến trúc này cũng gắn liền với hình ảnh của vị Bồ tát Quan Thế Âm nên khung viền quanh tòa tháp có 108 tượng hoá thân của Người.

Bảo Tháp được trang hoàng bởi dây đèn ngũ sắc, và hàng nghìn ngọn đèn bơ được thắp sáng rực rỡ.

Bảo Tháp được trang hoàng bởi dây đèn ngũ sắc, và hàng nghìn ngọn đèn bơ được thắp sáng rực rỡ.

Vì sự linh thiêng và trường năng lượng rất lớn của nơi đây, du khách đến viếng thăm đều dành thời gian để đi những vòng kora theo chiều kim đồng hồ quanh tháp để cầu nguyện, thực hiện nghi thức quỳ kính khánh hoặc trì chú, quay kinh luân (bánh xe cầu nguyện). Khi đứng giữa quần thể rộng lớn linh thiêng, bên trên phấp phới những dây cờ rực rỡ bay trong gió, du khách cảm nhận được sự bình an, năng lượng lành mà vùng đất mang lại.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - Nơi Đức Phật đản sanh

Cùng với Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya - nơi Đức Phật thiền định 49 ngày), vườn Lộc Uyển (Sarnath - nơi Đức Phật lần đầu giảng pháp) và Câu Thi Na (Kushinagar - nơi Đức Phật nhập Niết bàn) thì Lâm Tỳ Ni (Lumbini - nơi Đức Phật đản sanh) là một trong bốn điểm linh thiêng, tứ thánh địa của Phật giáo.

Toàn cảnh đền thờ Maya Devi

Toàn cảnh đền thờ Maya Devi

Đền thờ Hoàng hậu Maya - mẹ của Đức Phật nằm tại trung tâm của vườn, ở bên cạnh trụ đá do một vị vua mộ đạo dựng lên từ trước công nguyên để tưởng nhớ Đức Phật. Những dòng chữ khắc trên cột đá cùng những phiến đá từ lòng đất cho biết chắc chắn Đức Phật đản sanh tại nơi đây, được xem như “bản khai sinh” của Ngài. Đến vườn Lâm Tỳ Ni, ngoài vào viếng ngôi đền Maya Devi, nhiều du khách còn đi kinh hành quanh Hồ nước thiêng, nơi Hoàng hậu Maya từng tắm trước khi bước lên bờ, hạ đản sanh Thái tử Tất Đạt Đa trong lịch sử.

Mỗi du khách đến đây sẽ có những cách trải nghiệm khác nhau từ sâu bên trong, mang lại cảm xúc trọn vẹn. Thu Anh (26 tuổi, TP Hồ Chí Minh), du khách từng tham gia hành trình về đất Phật chia sẻ: “Để đến được nơi đây mình phải đi qua những cung đường rất khó khăn. Sau khi đảnh lễ mẹ Maya xong, mình chọn một vị trí đối diện ngôi đền, ngồi ở những bậc thềm hồ phía cội bồ đề già, hướng nhìn về phía ngôi đền giản dị không quá nhiều hoạ tiết trang trí cầu kỳ, bao quanh không gian ấy là một sự thân thuộc, ấm áp đến kỳ lạ”.

Bình yên tại Tu viện Kopan

Tu viện Kopan nằm dưới chân dãy Himalaya được thành lập vào đầu những năm 1970. Nơi đây theo đuổi sứ mệnh bảo tồn và truyền bá truyền thống Phật giáo Tây Tạng như con đường dẫn đến hạnh phúc tối thượng, giải thoát khỏi đau khổ cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, hàng trăm ni cô, nhà sư và các tín đồ cũng quy tụ tại tu viện để hành pháp mỗi ngày.

Tu viện Kopan nhìn từ xa.

Tu viện Kopan nhìn từ xa.

Dạo quanh quần thể này một vòng, du khách sẽ được cảm nhận nét quyến rũ ẩn giấu trong vẻ đẹp kiến trúc cùng tự nhiên nơi đây. Ghé thăm ngôi đền chính, chiêm ngưỡng bức tranh bốn vị Pháp Vương của Tây Tạng cùng pho tượng Lama Tsong Khapa cao tới 6m. Đây chính là những nhà truyền thừa đã sáng lập ra trường phái Gelug của Phật giáo Tây Tạng.

Dừng chân ở Tu viện Kopan như cơ hội để du khách có giây phút chậm lại, thư giãn với những thời thiền cũng như tận hưởng khung cảnh bình yên. Mọi người sẽ thường tham dự những hoạt động ý nghĩa như buổi lễ cầu nguyện buổi sáng, được biết đến với tên gọi puja, tham gia các khoá học và khoá tu, chiêm ngưỡng các toà bảo tháp, chuỗi đền thờ.

Hà Mai Trinh - Nguồn: Ảnh: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES