10 điều thú vị ở nước Mỹ

23/06/2014

Hơn hai tháng ở xứ người, khi nhớ lại những trải nghiệm trên những cung đường khác nhau, tôi mới hay Mỹ có nhiều điều đáng học hỏi từ chính thói quen sinh hoạt.

 

Siêu thị Mỹ nào cũng có quầy bánh mì và bánh ngọt phong phú với giá rẻ

Chỉ cần vài đô la là có một bữa ăn no kiểu Mỹ

Không có cá tươi sống trong các siêu thị Mỹ

Ngưỡi Mỹ thích ăn bánh ngọt

Gia vị châu Á và các loại rau châu Á chỉ có thể tìm thấy trong chợ của người Hoa ở China Town

1. Giấy - khăn lau đa năng!

Trong nhà người Mỹ, giấy là thứ được dự trữ nhiều nhất. Người Mỹ không sử dụng giẻ vải lau bếp hay đồ đạc mà sử dụng giấy là “giẻ lau” đa năng. Ngoài giấy cuộn khổ lớn, người Mỹ nào cũng dự trữ vài hộp khăn ướt - tẩm sẵn cồn diệt khuẩn - trong nhà. Giấy tẩm cồn lau sạch tất cả: từ bàn ghế, đồ công nghệ số đến bếp lò và cả bồn cầu!

2. Đồ ăn Mỹ vừa rẻ vừa tiện

Đồ ăn kiểu Mỹ bày bán khắp nơi và giá rất rẻ. Từ hamburger, bánh khoai tây chiên đến bánh ngọt các kiểu cũng chỉ vài đô la là có một bữa no. Cà phê Mc Donald ly lớn nhất cũng chỉ có giá 1 USD thôi.

Thế nhưng muốn ăn món  Á (hay Việt Nam) phải đến nơi tập trung người Việt hoặc phổ biến là đến China Town. Một bữa ăn kiểu Á tốn ít nhất 10 USD/người (nếu chỉ ăn một món) hay hơn 20 USD/người (nếu chọn kiểu cơm gia đình), chưa kể tiền tip (từ 10%-15% trên hóa đơn, tùy từng nơi).

Các “chợ” bán thực phẩm Mỹ luôn gần khu dân cư, giá rẻ (đặc biệt là thịt gà).  Còn các “chợ” Việt Nam - thực tế là các cửa hàng tạp hóa của người Việt - thường ở rất xa (chỉ tiện với người có xe hơi), giá thực phẩm lại cao (một gói rau thơm giá 1 USD, một trái dừa 2 USD, một bó rau muống 7 - 8 USD).

Muốn ăn món Việt phải đi xa và trả nhiều tiền hơn

Ăn cơm gia đình kiểu Việt Nam còn đắt hơn nữa mà cũng chỉ đỡ nhớ nhà thôi vì thiếu gia vị

3. Người Mỹ không ngủ trưa

Từ Massachusetts đến New York hay Washington DC, tôi thấy người Mỹ không có thói quen ngủ trưa. Ngay cả người Việt sống tại đây cũng thế. Dù làm việc tại công sở hay làm nghề tự do, người Mỹ dành thời gian ăn trưa rất ngắn - ăn tại chỗ hoặc ăn ngoài công viên gần nơi làm việc.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thức khuya hay dậy sớm là tùy theo thói quen của mỗi nhà, nhưng người Mỹ chỉ ngủ một giấc vào buổi tối.

4. Phải luôn biết cảm ơn

“Thank you" - cảm ơn - là câu cửa miệng của người Mỹ trong mọi việc và đây là nét văn hóa đáng học hỏi. Đặc biệt ấn tượng là thói quen cảm ơn người tài xế lái xe bus của người Mỹ mỗi lần họ xuống xe. 

Khi xuống xe, ngang qua chỗ tài xế ngồi, ai cũng đều nhìn ông (bà) tài xế và nói câu cảm ơn, có khi còn kèm theo lời chào “good day” (nếu là ban ngày) hay “good night” (nếu là ban đêm).

5. Xếp hàng là điều bình thường

Người dân vui vẻ xếp hàng dù phải chờ cả tiếng trước một cửa hàng hải sản Ý giá rẻ 

Mua hàng, trả hàng, vào nhà hàng quán ăn hay thậm chí vào toilet..., ở đâu người Mỹ cũng có thói quen xếp hàng. Ở bến xe bus hay tàu điện ngầm, dù không xếp hàng, nhưng người Mỹ cứ ai đến trước lên trước, ai đến sau lên sau trong trật tự.

Tuy nhiên, ở những bến xe bus lúc nào cũng đông người chờ đợi như Hay Market (trung tâm Boston) đôi khi những người mất công chờ đợi phía trước (xe bus ở Mỹ chỉ mở cửa trước cho khách lên vì từng khách phải quẹt thẻ mua vé) bị thua thiệt vì nhóm khách hàng đến trễ luôn thích đập cửa sau đòi mở và người tài xế phải nhượng bộ.

6. Nhiều... thùng rác!

Muốn sạch phải có thùng rác và thùng rác luôn có người dọn dẹp

Cách thiết kế và trưng bày thùng rác tạo cảm giá sạch sẽ cho người sử dụng

Người Mỹ rất thực tế. Để giữ sạch sẽ đường phố, họ luôn để những cái thùng rác to, không có nắp trên khắp các con phố để khách bỏ rác. Ở các “chợ” hay “mo” (mall: trung tâm thương mại), phi trường… cũng thế, các thùng rác to luôn để sẵn ở nhiều nơi, thậm chí có loại thùng phân loại sẵn chỗ để rác hữu cơ, chỗ để giấy và chỗ để chai nhựa.

Tính thực tiễn của người Mỹ còn thể hiện ở chỗ: trong các toilet công cộng, khi sử dụng bồn cầu xong, khách vừa đứng dậy là bồn cầu tự xả nước luôn, khỏi cần khách tìm chỗ giật nước.

7. Bảng hiệu rõ ràng ngắn gọn

Bảng chỉ dẫn rõ ràng với màu xanh là nét đặc trưng trên các nẻo đường của Mỹ

Trên các cung đường khác nhau ở Mỹ, dù đường nhỏ hay đường cao tốc, các bảng hiệu chỉ dẫn luôn được viết chữ màu trắng trên nền xanh rất rõ ràng và đặt ở tầm cao đập vào mắt tài xế. Nội dung luôn viết ngắn gọn, kèm theo hình vẽ để người lái xe nhận diện từ xa.

Khi đi vào đường hầm xuyên thành phố Boston, bảng chỉ dẫn hạn chế tốc độ cũng đặt trên cao và ghi vắn tắt: Speed limit 45. 

Trong các bảo tàng hay khu vui chơi công cộng cũng thế: bảng chỉ dẫn luôn ngắn gọn và kèm theo hình vẽ dễ nhận diện.

Bảng cảnh báo tốc độ hạn chế trong đường hầm xuyên qua trung tâm Boston

8. Người khuyết tật được ưu tiên

Người Mỹ ưu tiên người khuyết tật bằng chính sách cụ thể trong đời sống 

Không dùng khẩu hiệu, người Mỹ thể hiện chính sách ưu tiên người khuyết tật trong đời sống: bãi đậu xe hơi ở bất kỳ đâu cũng dành chỗ đậu gần điểm đến nhất cho người khuyết tật, kế đến là chỗ đậu xe dành cho bà mẹ có con nhỏ.

Bất kỳ điểm công cộng nào ở Mỹ cũng có lối đi/thang máy/toilet… dành riêng cho người khuyết tật với bảng chỉ dẫn rõ ràng. Trong các siêu thị còn có sẵn xe dành cho người khuyết tật, giúp họ di chuyển dễ dàng giữa các line hàng. Người khuyết tật ở Mỹ cũng đi xe bus dễ dàng, vì cửa trước xe bus thiết kế sẵn tấm ván (hạ xuống và nâng lên tự động) để người khuyết tật di chuyển xe lăn.

Dự buổi lễ tốt nghiệp của một trường đại học, song song với phần đọc diễn văn của các giáo sư và sinh viên, tôi thấy trên sân khấu bố trí một cái bục riêng để một nhóm người thay phiên truyền các ký hiệu ngôn ngữ bằng tay, giúp người câm điếc có thể theo dõi nội dung buổi lễ.

9. Xe hơi là rác thải khổng lồ

Nhà nào ở Mỹ cũng có đất trống bao quanh nhưng xe hơi phải đậu ngoài đường suốt ngày suốt đêm

Phần đông người dân Mỹ đều sắm xe hơi riêng vì việc đi từ chỗ này đến chỗ kia thường xa và hiếm bang có xe công cộng. Giá xe hơi ở Mỹ rẻ, người nghèo cũng có thể mua xe xài rồi với giá vài ngàn, còn người có hơn 10 ngàn đô cũng có thể sắm một cái xe mới tinh, vì thế sắm xe hơi ở Mỹ cũng giống như sắm xe máy ở Việt Nam.

Du lịch vùng đông bắc Mỹ, có thể thấy xe hơi đậu thành dãy khắp các bãi đất trống… giống như đồ chơi. Ở nhiều con đường trung tâm thành phố Chelsea và Washington DC, người dân để xe hơi suốt ngày suốt đêm trước cửa nhà. Chỗ đậu xe hơi trong các thành phố lớn ở Mỹ thường là của hiếm, hoặc có cũng rất đắt và ngay tại Boston - thủ phủ của bang Massachusetts - người dân có xe hơi cũng phải vào trung tâm bằng bus hay tàu điện ngầm.

Với đà tiêu thụ mỗi năm 16 - 17 triệu chiếc xe hơi/năm, có thể nói Mỹ là nơi chứa rác thải xe hơi lớn nhất trên thế giới!

10. Khu nhà ở nói lên địa vị xã hội

Tuy phân biệt chủng tộc là điều cấm kỵ và đã được đưa vào luật pháp của Mỹ, người Mỹ vẫn âm thầm thu xếp cuộc sống theo kiểu: dân Mỹ trắng chỉ sống trong khu trung lưu hoặc thượng lưu, còn dân Mỹ đen và dân mới nhập cư từ các châu lục thường sống trong khu “ổ chuột”.

Vì thế thành phố nào của Mỹ cũng phân cấp làm nhiều khu mà chỉ cần nói nhà ở đâu là mọi người sẽ ngầm biết địa vị xã hội của người đó. Giá nhà tại Mỹ không tùy thuộc vào diện tích đất hay cách xây dựng mà tùy thuộc vào vị trí ngôi nhà ở khu nào.

Giá trị một căn hộ ở Mỹ phụ thuộc vào vị trí và khu vực dân cư

Khu thượng lưu dành cho người giàu thường tọa lạc ở trung tâm thành phố, nhưng bên cạnh đó  luôn tồn tại khu ổ chuột dành cho người nghèo. Chẳng hạn, ở Boston, nhà ở Beacon Hill (ngay trung tâm) có giá vài triệu USD một căn, nhưng thuê nhà hay mua nhà ở Dorchester (khu vực lân cận Boston) thì giá rất rẻ vì khu vực này bị xem là “ổ chuột”.

Tương tự, khu tây Buffalo (bang New York) bị liệt vào “khu ổ chuột” của thành phố này, có căn nhà giá chỉ 1.000 USD. Ở New York city (bang New York) có  Brooklyn là khu  ổ chuột - đối lập với Manhattan là khu thượng lưu.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES