33 di sản thế giới mới nhất được UNESCO công nhận

30/07/2021

Tính đến ngày 28/7, sau những phiên họp trực tuyến, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã bình chọn và bổ sung 33 địa điểm mới vào danh sách Di sản Thế giới. Đại diện UNESCO cho phiên họp đánh giá sẽ kết thúc vào ngày 30/7.

Sau một năm bị hoãn vì dịch Covid-19, phiên họp năm nay được tổ chức trực tuyến và chủ trì từ Phúc Châu, Trung Quốc, hội đồng giám khảo xem xét và đánh giá các đề cử từ năm 2020 và 2021.

UNESCO nói rằng các địa điểm được chọn đều phải đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt, có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử, địa lý đối với nhân loại. Danh sách này được công bố với hy vọng tác động tích cực đến ngành du lịch và hợp tác quốc tế.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Vườn Quốc gia Kaeng Krachan (Thái Lan)

Vườn Quốc gia Kaeng Krachan (Thái Lan)

Nhiều thắng cảnh tự nhiên đã được đưa vào danh sách, trong đó có Vườn Quốc gia Kaeng Krachan (Thái Lan) - nơi những loài thực vật và chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang sinh sống. Trong khi đó, hơn hai mươi điểm đến văn hóa trên khắp thế giới đã được công nhận.

Khu phức hợp địa cổ học Chankillo (Peru), một dấu tích từ thời tiền sử, trước đây được sử dụng để theo dõi mặt trời nhằm phân định ngày tháng trong năm; tuyến đường sắt xuyên Iran dài 1.394 km trải dài qua hai dãy núi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Được xây dựng vào những năm 1920-1930, tuyến đường sắt điều hướng một số đoạn đèo dốc, đi qua 174 cây cầu "khổng lồ", 186 cây cầu nhỏ, 224 đường hầm,...

Tuyến đường sắt xuyên Iran

Tuyến đường sắt xuyên Iran

Bên cạnh đó, UNESCO cũng công bố tước bỏ danh hiệu Di sản Thế giới của thành phố Liverpool (Anh) do lo ngại về việc các công trình mới làm giảm sức hấp dẫn của các bến tàu lịch sử, cũng như có hại cho "tính xác thực và tính toàn vẹn của di sản". Ủy ban cũng đưa Khu phức hợp khai khoáng Roșia Montană (Romania) vào danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa.

Bãi bùn Getbol (Hàn Quốc)

Bãi bùn Getbol (Hàn Quốc)

Những Di sản Thế giới mới nhất:

Năm 2020

  • Thổ Nhĩ Kì: Địa điểm khảo cổ học Arslantepe Mound
  • Peru: Khu phức hợp địa cổ học Chankillo
  • Bỉ/Hà Lan: Khu vực thuộc địa của Benevolence
  • Pháp: Ngọn hải đăng Cordouan
  • Ấn Độ: Đền Kakatiya Rudreshwara (Ramappa), Telangana
  • Đức: Vùng đất nghệ thuật Mathildenhöhe Darmstadt
  • Ý: Thành phố cổ Padua
  • Tây Ban Nha: Đại lộ Paseo del Prado và Công viên Buen Retiro
  • Trung Quốc: Thành phố cảng Tuyền Châu
  • Romania: Khu phức hợp khai khoáng Roșia Montană
  • Brazil: Khu vườn Sítio Roberto Burle Marx
  • Áo, Bỉ, Séc, Pháp, Đức, Ý, Anh và Bắc Ireland: Di sản đa quốc gia The Great Spa Towns of Europe
  • Uruguay: Nhà thờ Atlántida
  • Iran: Tuyến đường sắt xuyên Iran
  • Ả Rập Xê Út: Khu văn hóa Ḥimā
  • Nhật Bản: Đảo Amami-Oshima, đảo Tokunoshima, phía Bắc đảo Okinawa và đảo Iriomote.
  • Georgia: Rừng nhiệt đới Colchic
  • Hàn Quốc: Bãi bùn Getbol
  • Thái Lan: Vườn Quốc gia Kaeng Krachan
Cổng vòm thời trung cổ Bologna (Ý)

Cổng vòm thời trung cổ Bologna (Ý)

Năm 2021

  • Jordan: Thành phố cổ As-Salt
  • Iran: Khu Văn hóa Hawraman/Uramanat
  • Ấn Độ: Địa điểm khảo cổ Dholavira
  • Đức: Vùng Biên giới của Đế chế La Mã
  • Nhật Bản: Khu di tích thời tiền sử Jomon
  • Pháp: Khu nghỉ dưỡng Riviera
  • Chi-lê: Khu định cư và kĩ thuật ướp xác nhân tạo của nền văn hóa Chinchorro
  • Đức: Di sản ShUM tại Speyer, Worms và Mainz
  • Côte d'Ivoire: Nhà thờ Hồi giáo phía Bắc Côte d'Ivoire
  • Ý: Cổng vòm thời Trung cổ Bologna
  • Slovenia: Các tác phẩm nghệ thuật của kiến trúc sư Jože Plečnik tại Ljubljana
  • Anh: Khu phiến đá ở Tây Bắc xứ Wales
  • Nga: Đá chạm khắc nằm ở hồ Onega và biển Bạch Hải
  • Gabon: Công viên Quốc gia Ivindo
Huyền Châu - Nguồn: CNN
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES