6 công trình nghệ thuật tiêu biểu ứng phó với khủng hoảng khí hậu

11/01/2021

Thông qua biện pháp tạm thời trong các tòa nhà hoặc không gian công cộng, các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra nhằm phát tán đi thông điệp cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khủng hoảng khí hậu đã ảnh hưởng đến toàn thế giới trong nhiều thập kỷ qua, thế nhưng những những phản ứng với tình trạng này lại gây thất vọng. Tuy nhiên, các chính trị gia đã chú trọng hơn về khủng hoảng khí hậu song song với những báo cáo về sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Theo báo cáo Môi trường của Liên Hợp Quốc công bố năm 2019, đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình và phản đối không chỉ của người dân mà còn xuất phát từ những nhà hoạt động nghệ thuật trên khắp thế giới.

Bằng cách này, những cảnh báo về khí hậu đã được thực hiện thông qua các tác phẩm nghệ thuật nhằm mục đích tuyên truyền, khiến mọi người quan tâm hơn về vấn đề khí hậu thông qua hình tượng về các giai đoạn nghiêm trọng trong hiện tại và tương lai của khí hậu. Các sáng kiến như ART 2030 (một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm thúc đẩy các đối tượng phát triển bền vững của LHQ thông qua nghệ thuật) xử lý khủng hoảng khí hậu bằng các biện pháp nghệ thuật và việc này rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin về điều kiện khí hậu theo cách tốt nhất để tiếp cận công chúng một cách rộng rãi.

Thông qua biện pháp tạm thời trong các tòa nhà hoặc không gian công cộng, các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra theo các cách khác nhau nhằm phát tán đi thông điệp đã được định sẵn. Sau đây là sáu tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trong các quảng trường, công viên hoặc tòa nhà để cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu:

For FOREST - The Unending Attraction of Nature / Klaus Littmann

(Tạm dịch: Vì rừng - Sức hấp dẫn bất tận của thiên nhiên)

1

Để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và thiệt hại do nạn phá rừng, Littmann đã đặt 300 loài cây khác nhau tại sân vận động Wörthersee, thành phố Klagenfurt, nước Áo, và sẽ trồng lại chúng xung quanh sân vận động sau thời gian lắp đặt. Tác phẩm lấy cảm hứng từ một bức vẽ được thực hiện bởi nghệ sĩ người Áo - Max Peintner, đóng vai trò như một lời cảnh báo rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chiêm ngưỡng thiên nhiên như những loài động vật trong sở thú.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

TOTEMY / Alicja Biala e Iwo Borkowicz

2

Các tác phẩm điêu khắc đã được lắp đặt ở tầng trệt của tòa nhà Baltyk, được MVRDV thiết kế tại Poznań, Ba Lan. Mỗi mẫu và hình dạng của tác phẩm là hiện thân của nghiên cứu thống kê về môi trường. Các hình thức trừu tượng có thể được khám phá bằng cách tham khảo mã QR được in trên mỗi tác phẩm điêu khắc. Theo kiến trúc sư Iwo Burkowicz, ý tưởng của công trình là để trình bày biểu cảm, nhưng cũng rất khách quan và thực tế.

RAMPANTE / Wellington Cançado, Renata Marquez, Tande Campos

5

Công trình được đặt trong mặt tiền Sesc 24 de Maio, trong Biên giới Kiến trúc São Paulo lần thứ 12, đã làm cơ sở cho biểu đồ “Warming Stripes” (Tạm dịch: Dải ấm) thể hiện thông qua các đường màu biến đổi khí hậu ở Brasil từ năm 1901 đến 2018. Dữ liệu liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ trung bình của thành phố São Paulo đã được thêm vào nghiên cứu ban đầu này để tạo ra được một biểu đồ phù hợp với kích thước tòa nhà và hoà hợp với màu sắc có sẵn. Theo các nhà thiết kế: “Chúng ta càng rời xa Trái đất, không khí sẽ nóng hơn và sự tồn tại của chúng ta trở nên nguy kịch hơn, cũng như đối với các sinh vật khác trên hành tinh.”

Ice Watch / Studio Olafur Eliasson

(Tạm dịch: Đồng hồ băng)

3

Được sắp xếp trong một vòng tròn ngoài trời, mười hai khối băng được lấy từ Greenland tượng trưng cho mười hai kim đồng hồ trong tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Olafur Eliasson. Tác phẩm tìm cách nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa công chúng và hiện tượng băng tan liên tục, nhấn mạnh vấn đề thời gian trong quá trình này. Dự án được tổ chức lần đầu tiên tại Copenhagen vào năm 2014 và trong những năm tiếp theo, công trình đã được đặt tại Paris và London.

Support / Lorenzo Quinn

(Tạm dịch: Sự hỗ trợ)

6

Tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Lorenzo Quinn tại Venice Art Biennale 2017 đại diện cho hai bàn tay, nổi lên từ Kênh đào Lớn, nằm trong khách sạn Ca’Sagredo. Những bàn tay trông giống như đang giữ lấy tòa nhà được bao quanh bởi nước, thể hiện sự cảnh báo về khủng hoảng khí hậu và tính nhạy cảm, mong manh của môi trường được xây dựng khi đối mặt với vấn đề này. Tính biểu tượng của tác phẩm điêu khắc không chỉ liên quan đến việc hành động của con người hủy hoại thiên nhiên mà còn là khả năng con người ứng phó, can thiệp tới viễn cảnh này.

Breathe with me / Jeppe Hein e ART 2030

(Tạm dịch: Cùng thở)

4

Công trình được lắp đặt, khánh thành tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York, là một phần của ART 2030 trong phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Công trình cũng được đặt tại Công viên Trung tâm, mời công chúng tham gia vào một tập thể giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Trong hai lần thở, mỗi người tham gia thực hiện hai nét từ trên xuống dưới (một nét cho mỗi lần thở) trong một bảng cong màu trắng. Dự án phản ánh tiềm năng của các hành động tập thể và cộng đồng, đồng thời, nó cảnh báo rằng không khí chúng ta hít thở là một phần của khí hậu và thế giới chúng ta cùng chung sống.

Mẫn Nhi - Nguồn: ArchDaily
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES