Hai thập kỷ giữ hồn mì Quảng giữa lòng Hà Nội

30/06/2025

Trong dòng chảy xô bồ của phố thị hiện đại, nơi những quán ăn mọc lên và biến mất như chớp mắt, thật hiếm hoi có một cái tên lặng lẽ tồn tại hơn 20 năm như một chứng nhân của thời gian. Quán mì Quảng của nàng thơ xứ Huế - Thu Sương tọa lạc tại Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân. Nơi những món quê nhà được giữ gìn và nâng niu như chính hơi thở của người mang chúng đi từ mảnh đất miền Trung yêu dấu.

Cô Thu Sương rời quê hương từ những năm đầu 2000. Lúc ấy, thành phố còn lạ lẫm với những món ăn miền Trung. Người ta quen với phở Bắc, hủ tiếu Nam, nhưng một tô mì Quảng chan xâm xấp nước, sợi mì vàng mướt màu nghệ, ăn kèm rau sống lại là thứ khiến nhiều người phải chần chừ. Nhắc đến quán Thu Sương, người ta không chỉ nhớ đến một tô mì Quảng dẻo thơm, mà còn nhớ đến giọng nói dịu dàng mà cương quyết của cô Thu Sương - người đã mang theo cả tinh thần Huế, cả sự tỉ mỉ, chín chắn và đầy đặn trong từng món ăn mình nấu.

Với cô, mỗi món ăn không chỉ là để bán, mà là để kể một câu chuyện - câu chuyện của những buổi sớm mẹ cô nhóm bếp, lụi cụi ngâm gạo xay bột, chuyện của mùa nghệ tươi thơm lừng, chuyện của xứ Huế dịu dàng nhưng cứng cỏi, sẵn sàng mang hồn cốt quê hương ra mà “thi gan” với gió bụi cuộc đời. "Hơn 20 năm kể từ ngày tôi mang món ăn quê hương ra lập nghiệp mang cả cốt cách người Huế vào món ăn của mình, tôi làm bằng cả tâm huyết đặt để vào thương hiệu Thu Sương" - cô Thu Sương chủ quán chia sẻ.

Bài liên quan
Mì Quảng Thu Sương tại Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Mì Quảng Thu Sương tại Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

Sợi mì thủ công “dai mà mềm”, “bùi mà thanh”

Không giống những quán ăn công nghiệp hoá, ở quán Thu Sương sợi mì Quảng được cô và các chị em tự tay tráng mỗi ngày và nói không với mì làm sẵn, không dùng bột tẩy hay chất bảo quản. Sợi mì chỉ có gạo quê và nghệ tươi, được ngâm đủ giờ, xay nhuyễn, tráng trên bếp lửa vừa, rồi thái mỏng bằng tay.

Không chất phụ gia, không hương liệu, sợi mì của cô có màu vàng ngà, dẻo mà không bở, thơm mùi gạo mới quyện với vị cay nhẹ của nghệ - thứ gia vị vừa lành vừa đậm đà bản sắc miền Trung. Khi đưa vào miệng, cái cảm giác “dai mà mềm”, “bùi mà thanh” khiến người ta thấy như đang ngồi trong một căn bếp quê, bên nồi nước lèo sôi lục bục.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Điểm đặc biệt ở quán Thu Sương không chỉ là món mì Quảng. Còn có bánh bèo, bánh nậm, bún bò… tất cả đều mang dấu ấn của bàn tay tỉ mỉ, kiên nhẫn, đúng chất người Huế.

Món ăn được chăm chút từ chất lượng đến mặt thị giác

Món ăn được chăm chút từ chất lượng đến mặt thị giác

Không cầu kỳ trong cách bày biện, nhưng mỗi món đều được chăm chút bằng sự tôn trọng dành cho thực khách và món ăn. Tô mì chỉ chan xấp xỉ nước, nhưng đủ vị: vị ngọt của xương ninh, mằn mặn của mắm nhỉ, thơm nồng của hành phi, béo ngậy của đậu phộng rang giã dập. Rau sống được chọn lựa kỹ càng, rửa sạch bằng nước muối, trụng sơ trước khi dọn ra, để giữ được độ giòn mà vẫn an toàn.

"Nấu ăn cũng như đối nhân xử thế. Làm dối một chút là mất người ta một lần, mất luôn cái uy tín cả đời," cô hay nói với các bạn phụ bếp - phần lớn là người thân, con cháu trong gia đình, hoặc mấy đứa học trò nghèo cô nhận về vừa dạy nghề vừa nuôi ăn học.

Sợi mì được làm thủ công

Sợi mì được làm thủ công

Empty

Giữ chất Huế giữa lòng Hà Nội bằng tô mì giản dị

Sau hơn 20 năm, từ một quán nhỏ vỉa hè, nay Thu Sương đã có cửa hàng khang trang, vẫn giữ phong cách mộc mạc, không biển hiệu lớn. Khách tìm đến nhờ truyền miệng, nhờ nhớ vị. Mỗi khi có người hỏi sao không mở rộng thành chuỗi, không tăng giá, không tìm nhà đầu tư. Với cô, quán ăn không phải để kinh doanh, mà là để nuôi dưỡng một cách sống.

Mỗi tô mì là một lần cô gửi gắm tình cảm quê hương, mỗi lượt khách là một lần cô kể tiếp câu chuyện về một người phụ nữ rời Huế để sống bằng nghề bếp và lòng tử tế.

Empty

"Có khách hỏi sao mì không vàng rực như chỗ khác, cô nói vì cô không dùng màu. Cô chọn gạo ngon, chọn nghệ lành. Ăn không lạ miệng, nhưng sạch và ấm bụng. Cô nghĩ vậy là đủ rồi" - cô Sương tâm sự.

Ở một thành phố mà mọi thứ đều có thể được rút ngắn từ thời gian nấu đến cách giao hàng, quán ăn Thu Sương và người phụ nữ đứng bếp ấy như một nốt trầm cần thiết trong bản nhạc xô bồ. Nơi đó, mỗi sợi mì là cả một hành trình từ hạt gạo đến nghệ, từ bàn tay nhào nặn đến chiếc bếp nhỏ, và từ tấm lòng người nấu đến ký ức người ăn. Hơn 20 năm, một đời người và một đời cũng có thể đủ để một món ăn trở thành di sản, nếu được làm ra bằng tâm huyết và cốt cách của người Huế như cô Thu Sương.

Empty
Bài và ảnh: Hoàng Anh
RELATED ARTICLES