Mì Chạn tại con ngõ nhỏ ở Thành Công, Ba Đình vốn xuất phát từ hình ảnh “chạn bếp” - chiếc tủ bằng gỗ mộc, nơi cất giữ những món ăn dân dã của mẹ, của bà. Chiếc chạn không sang trọng, nhưng là trái tim của gian bếp. Lựa chọn cái tên ấy không chỉ để gợi nhắc về một thời đã xa, mà còn là cách đưa thực khách quay về với cảm xúc nguyên bản của bữa cơm gia đình.
Nhưng nếu chiếc chạn cũ giữ gìn ký ức, thì nơi này là sự tiếp nối - một không gian nơi ký ức ấy được tái hiện trong hình hài mới, hiện đại, táo bạo và đầy sáng tạo. Người ta không đến chỉ để ăn, mà để được chạm vào một cảm giác gần gũi như khi mở cánh cửa tủ chạn cũ kỹ nơi căn bếp tuổi thơ, hít hà mùi vị quen mà lạ.

"Mì Chạn" tại khu tập thể Bắc Thành Công, Ba Đình
Ý tưởng hình thành bắt đầu từ một câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản: vì sao lớn lên với ẩm thực Việt phong phú như vậy, nhưng mỗi khi ra ngoài ăn mì lại chỉ thấy vị Đài, Hàn, Nhật, Hoa? Câu hỏi đó không chỉ gợi trăn trở mà còn mở ra một hướng đi. Một quán mì có thể vừa gợi nhớ mùi bếp Việt, vừa phóng khoáng trong cách thể hiện, kết hợp tinh thần Á Đông với chất Việt Nam, với những món ăn không giống bất kỳ nơi nào khác.
“Mình muốn tạo ra một nơi có thể kể chuyện Việt Nam bằng mì quen mà lạ, gần gũi mà phá cách. ‘Mì Chạn’ từ đó ra đời, như một sự giao thoa giữa ký ức bếp Việt và tinh thần sáng tạo hiện đại với ẩm thực của các nền văn hoá khác, đặc biệt là hương vị Hong Kong” - Hải Harry, founder của quán chia sẻ.

Không gian quán không quá rộng cũng không quá bé


Không gian quán ấm cúng phù hợp để thưởng thức những món mì đậm vị
Từ những bước đi đầu tiên, việc tìm một mặt bằng đủ ấm áp mà vẫn có bản sắc riêng, đến chuyện sáng tạo thực đơn, thử nghiệm món mới liên tục, thất bại không đếm xuể. Mỗi món mì ra đời là kết quả của hàng chục lần nếm - chỉnh - nấu lại, có lúc gần đúng nhưng vẫn thiếu chút gì đó khiến người ăn rung động. Nhưng không ai muốn thỏa hiệp. Tinh thần thử-sai-thử lại trở thành nhịp sống mỗi ngày. Điều đó không khiến mọi người mệt mỏi, trái lại, đó là động lực để món ăn không bao giờ nhàm chán.
Không chọn phở hay bún - những món Việt kinh điển đã khẳng định được vị trí. Mì là một sân chơi mở, là nơi người đầu bếp có thể thoải mái “chơi” với nguyên liệu, nước sốt, kỹ thuật và cả hình thức trình bày. Mì không bị ràng buộc và vì thế, có thể kể chuyện theo cách riêng - một thứ ngôn ngữ không bị giới hạn.



Điểm đến cho những người có niềm đam mê ẩm thực Hongkong
Sau những chuyến đi Hong Kong, Đài Loan, nơi các món mì trộn, mì xá xíu, hoành thánh được chăm chút đến từng chi tiết - chủ quán đã lấy cảm hứng ban đầu đến từ đó. Nhưng tham vọng không dừng lại ở việc sao chép, mỗi món ăn ở đây là một cuộc hội thoại giữa nền ẩm thực đó với tâm hồn người Việt.
Mì sườn củ sen hầm, thịt heo dưa chua, nước sốt từ tóp mỡ giòn và giấm gạo, hay sa tế cay nhẹ nhưng thơm nồng đều là những sáng tạo không thể tìm thấy ở đâu khác. Với món signature là mì bò và mì xá xíu, hương vị đậm đà với những nét riêng nhờ nước sốt được chủ quán qua nhiều lần thử - nếm, cho ra sản phẩm vừa miệng và phù hợp nhất cho khách hàng.



Món mì bò và mì xá xíu signature của quán

Điều đặc biệt là không có công thức cố định. Hương vị ở đây được xây dựng bằng ký ức, bằng cảm xúc và sự kiên nhẫn. Từng bát mì là một kết cấu đầy dụng ý: sợi mì được làm riêng theo công thức để giữ độ dai, thơm nhẹ mùi lúa mì; nước sốt không quá ngọt, quá mặn mà luôn có chiều sâu; topping được cân nhắc không chỉ để ngon, mà còn để gợi cảm giác “biết rồi, quen rồi, nhưng sao vẫn muốn ăn nữa”.
Không gian quán như một phần nối dài của món ăn: nhẹ nhàng, tối giản, nhưng đâu đó luôn có chi tiết gợi về bếp cũ - một chiếc chạn gỗ mộc, những bức ảnh chụp nguyên liệu truyền thống, tiếng nhạc chậm vừa đủ để thực khách thấy được thư giãn. Không có quá nhiều ánh sáng chói, không màu mè, không bày biện lạ mắt, mọi thứ đều hướng về một mục tiêu duy nhất: để món ăn lên tiếng.


Kết quả của hàng chục lần nếm - chỉnh - nấu lại
Khách đến đây nhiều người không chỉ ăn mà còn chia sẻ cảm xúc. Có người kể lần đầu ăn mì mà nhớ mẹ, nhớ bữa trưa ngày nhỏ. Có người kể đã lâu không tìm thấy nơi nào vừa ngon, vừa nhẹ nhõm, vừa “thật” đến thế. Có người đến một lần rồi dẫn thêm bạn bè, rồi đưa cả gia đình đến cùng. Quán nhỏ dần trở thành nơi kết nối giữa ký ức cá nhân và câu chuyện tập thể.
Không tham vọng trở thành thương hiệu lớn nhanh, phát triển ào ạt, mà chọn đi chậm, chắc và bền. Mỗi món mới đều được thử nghiệm kỹ lưỡng. Mỗi chi tiết đều được chăm chút. Nếu có mở rộng, không gian mới cũng sẽ giữ lấy tinh thần cốt lõi: một nơi để người ta cảm thấy “ở nhà” - dù là nhà trong ký ức hay nhà trong hiện tại.
Có thể nói, ở đây, mì không còn là món ăn phụ. Mì trở thành “nhân vật chính”, trở thành ngôn ngữ riêng để kể những câu chuyện không lời. Là khi người đầu bếp không cần nói nhiều, chỉ cần dọn ra một bát mì đủ đầy, và để hương vị làm phần còn lại. Những câu chuyện cũ, những ký ức bếp núc, những cảm xúc chưa kịp gọi tên tất cả bỗng ùa về sau một đũa mì đầu tiên.
