Đến Hong Kong, bạn say mê một đô thị phát triển bậc nhất với những tòa nhà chọc trời nhưng cũng rất hoài cổ với những đền chùa cổ kính.
Tuy nhiên theo quy định nhập cảnh của Hong Kong, người ngoại quốc không có số lần nhập cảnh đến đây quá 3 lần/tháng, và không thể ở lại quá 7 ngày. Chưa kể đến thời gian làm thủ tục xin visa cho người Việt Nam đòi hỏi khá nhiều giấy tờ và chỉ có thể nộp thông qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, hoặc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh, và phải nộp trước ngày đi ít nhất 30 ngày. Nếu tự làm thủ tục thì chi phí xin visa sẽ là 60 USD (khoảng 1.400.000 VNĐ), còn thông qua công ty dịch vụ thì chi phí sẽ đắt hơn. Với thời gian eo hẹp và thủ tục phức tạp, sẽ thật đáng tiếc nếu bạn không thể trải nghiệm Hong Kong một cách trọn vẹn.
Thời tiết thích hợp nhất để đi du lịch Hong Kong sẽ rơi vào mùa xuân và mùa thu vì khí hậu mát mẻ, nắng ấm và không có mưa bão. Bắt đầu từ tháng 5, thời tiết sẽ dần nóng hơn và độ ẩm cao như ở Việt Nam cho đến hết tháng 9. Hiện nay đường bay từ Việt Nam đến Hong Kong đã được nối lại, du khách có thể lựa chọn dễ dàng các chuyến bay thẳng kéo dài khoảng hai giờ hoặc chặng bay có nối chuyến với thời gian bay kéo dài khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ.
Thanh toán tiện lợi
Tuy là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, Hong Kong được phép hoạt động như một quốc gia độc lập với hệ thống tiền tệ, pháp luật, nền kinh tế riêng và ít bị can thiệp từ phía Trung Quốc. Vì thế ở đây người dân sử dụng đô la Hồng Kông (HK$), cứ 100 xu Hong Kong sẽ tương đương với 2.960 VNĐ. Tỷ giá hối đoái tại sân bay ở đây không tốt lắm, vì vậy chỉ nên đổi một số tiền nhỏ đủ để bạn di chuyển vào thành phố. Nếu bạn đang ở khu Cửu Long (Kowloon), bạn có thể đổi tiền tại các văn phòng trao đổi tiền tệ trong khu Trùng Khánh Đại Hạ (Chungking Mansions) ở Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui). Nếu bạn đang ở trên đảo Hong Kong, thì các điểm đổi tiền tại World Wide House ở khu Trung Hoàn (Central) là một lựa chọn tốt.
Nhưng với một thành phố hiện đại như Hong Kong, du khách không cần mang trong mình quá nhiều tiền mặt. Đa số người dân Hồng Kông đều dùng thẻ thanh toán tiện lợi Octopus cho những nhu cầu chi trả hằng ngày. Giá 1 thẻ Octopus là 150 HK$ trong đó có sẵn 100 HK$ để sử dụng và 50 HK$ là tiền đặt cọc. Với khoảng 200 HK$, du khách có thể thoải mái di chuyển khắp Hong Kong. Ngoài ra nếu không sử dụng hết tiền trong thẻ, bạn có thể trả thẻ để lấy lại tiền ở bất kì quầy Customer Service ở trạm MRT, hoặc quầy Customer Service tại Terminal 1 và 2 ở Airport Express Station.
Di chuyển như người dân bản địa
Đối với phương tiện di chuyển, du khách sẽ phải học cách sử dụng phương tiện công cộng như một người bản địa. Hong Kong là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với dân số khoảng 7,5 triệu người, sự thiếu hụt về chỗ đỗ xe dần trở thành vấn đề nhức nhối khi chi phí cho một bãi đỗ có thể dao động từ 1,2 triệu đô la đến 2,3 triệu HK$. Vì vậy các dịch vụ thuê xe không quá phổ biến tại đây.
Cách đi lại đơn giản nhất cho khách du lịch Hong Kong chính là tàu điện ngầm MTR. Tuy rằng MTR có giá cao gấp đôi xe bus, nhưng bù lại giúp bạn tiết kiệm thời gian và các trạm dừng rất rõ ràng.
Xe bus ở đây sẽ có hai tầng, luôn luôn đồng giá và thường hoạt động đến tận 1 giờ đêm. Ngoài ra còn có xe bus mini được cải tạo từ các loại xe jeep quân sự cũ nhưng hệ thống xe bus này không chính thống nên các tài xế rất hay chặt chém, lại thường xuyên gây tai nạn vì tốc độ chạy quá nhanh. Nên khách du lịch sẽ không được khuyến khích sử dụng loại phương tiện này.
Bên cạnh đó, xe điện chạy trên đường ray (hay còn gọi là xe trạm) lại là một trải nghiệm không nên bỏ qua. Những chiếc xe điện chậm rãi lăn bánh mỗi ngày tới nay vẫn môt biểu tượng của văn hóa xứ cảng thơm và được người dân ưu ái gọi là “Ding Ding”. Suốt 110 năm qua, những chuyến xe điện vẫn tồn tại trong cuộc sống hối hả của Hong Kong bởi từ khung cửa kính của chúng, du khách sẽ được chứng kiến những khung cảnh tuyệt đẹp của thành phố.
Bạn cũng có thể lựa chọn taxi để di chuyển, tuy nhiên taxi ở Hong Kong khá đắt đỏ và không thể đón xe bất kỳ đâu như ở Việt Nam. Tại đây bạn cần phải đứng đúng trạm Taxi Stand và nhất định phải xếp hàng chờ đến lượt để được lên lên xe. Taxi ở đây cũng không tính theo km mà tính theo giờ chạy, vì thế du khách chỉ nên sử dụng taxi ở các khu vực trung tâm ít kẹt xe - những nơi mà người dân Hong Kong chuộng sử dụng tàu điện ngầm. Nếu bạn du lịch tự túc, việc ghép chung chuyến đi với một người lạ qua các dịch vụ xe công nghệ cũng là một cách để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, phà Ngôi sao (Star Ferry) nổi tiếng của Hong Kong là phương tiện thú vị để đi từ Tiêm Sa Chủy, Cửu Long đến quận Trung Hoàn của đảo Hong Kong. Nếu du khách đi phà vào buổi chiều tối có thể xem A Symphony of Lights - một chương trình kết hợp âm thanh và ánh sáng; với hệ thống âm nhạc, pháo hoa, đèn pha và đèn laser được bố trí ở 44 tòa nhà chọc trời nằm hai bên cảng Victoria, Hong Kong.
Nơi ở hợp túi tiền
Hong Kong gồm 4 đảo chính là đảo Hong Kong, đảo Cửu Long (đảo Kowloon), đảo Lạn Đầu (đảo Lan Tau), Tân thế giới (The New Territories) và 200 đảo con xung quanh. Nhưng đảo Hong Kong và Cửu Long sẽ là nơi lưu trí tiện lợi nhất cho việc đi lại và tham quan.
- Đảo Hong Kong
Là nơi tập trung các trung tâm thương mại, khu mua sắm, nhà hàng, quán bar và hệ thống giao thông thuận tiện, đảo Hong Kong chính là trái tim của thành phố này. Tỉ lệ thuận với sự tiện lợi, đây cũng là khu vực đắt đỏ nhất áp dụng cho lưu trú, mua sắm đến ăn uống.
Một nhà nghỉ chật hẹp tại đây có giá dao động từ 700 - 1 triệu đồng/đêm và chi phí khách sạn sẽ gấp từ 2 - 3 lần.
- Đảo Cửu Long
Không mang dáng dấp hiện đại như đảo Hong Kong, các khu Tiêm Sa Chủy, Vịnh Đồng La (Causeway Bay), Khu Vượng Giác (Mongkok) tại Cửu Long mang dáng vẻ cổ kính và chật chội hơn rất nhiều. Tuy nhiên khu vực Cửu Long vẫn sầm uất không kém đảo Hong Kong và nơi lưu trú, ăn uống, mua sắm ở đây đều phù hợp với túi tiền hơn.
Ở những nơi có mật độ dân số cao như khu Vượng Giác sẽ phù hợp với các du khách du lịch bụi hơn là các gia đình có trẻ nhỏ vì đi bộ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với việc sử dụng phương tiện di chuyển. Ở đảo Cửu Long người dân rất ưa chuộng việc đi bộ vì nơi này không quá lớn, có thể dễ dàng thấy ngay Tháp đồng hồ, Đại lộ ngôi sao và các điểm tham quan nổi bật.
Nơi mua sắm bất tận
- Chợ đêm phố Chùa và chợ Quý bà - đảo Cửu Long
Đi dạo chợ đêm Phố Chùa là một hoạt động cần phải trải nghiệm khi đến Hong Kong. Nằm trong lòng Cửu Long, đây là nơi có các món ăn đa dạng và mua sắm với giá hời. Du khách có thể ngắm nhìn và mua sắm những món đồ trang sức bằng ngọc hay đồ thủ công truyền thống của Trung Quốc.
Chợ bắt đầu hoạt động vào khoảng 6 giờ chiều nhưng người bán hàng thường dọn hàng khá chậm nên bạn đừng đến quá sớm. Điểm dừng MTR để đến chợ đêm phố Chùa là ga Jordan, lối ra A.
Bên cạnh đó, chợ Quý Bà nằm dọc theo phố Tống Cải (Tung Choi), Chợ Quý Bà chỉ cách đường Nathan vài dãy nhà về phía đông của quận Vượng Giác. Hầu như các mặt hàng ở đây không có sự khác biệt nào so với chợ Phố Chùa.
- Chợ Ngọc - đảo Cửu Long
Các món trang sức bằng ngọc là mặt hàng chủ yếu ở đây, chúng được chạm khắc thành nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau. Du khách cũng sẽ tìm thấy những bức tượng với nhiều kích thức khác nhau. Nhưng bạn phải có một số kiến thức nhất định để có thể giám định Ngọc ở chợ. Khu chợ tọa lạc tại phố Cam Túc (Kansu), quận Du Mã Địa (Yau Ma Tei), Cửu Long. Đặc biệt khi đến đây, bạn hãy hỏi thăm người dân để nếm thử các tiệm ăn ngoài trời Dai pai dong ngon nhất Hong Kong.
- Phố Cá vàng, Chợ Chim và Chợ Hoa - đảo Cửu Long
Thay vì trông giống một khu chợ, Chợ Chim trông giống như một khu vườn sinh thái với những chú chim đậu xếp dọc lối đi. Những người chủ chim thường ngồi giao lưu với nhau, trong khi đó những chú chim sẽ chơi với nhau trong lồng, trên hàng rào và hót líu lo vang vọng cả khu phố.
Phố Cá vàng lại trông giống như một cửa hàng cá khổng lồ trên đường phố, nhưng chú cá đầy màu sắc trong những bịch ni lông được treo trên giá với số lượng lớn. Có rất nhiều khách du lịch đến để chụp ảnh khung cảnh ấn tượng này.
Và chợ Hoa đầy màu sắc với những bông hoa tươi vừa mới hái sẽ tạo nên khung cảnh lãng mạn hoài cổ. Chợ hoa và chợ Chim nằm cùng một khu vực, còn Phố Cá sẽ nằm ở phía Nam của khu phố Tống Cải. Cả ba khu chợ đều ở khu Vượng Giác, phía Bắc chợ Quý Bà. Nếu di chuyển bằng MTR, du khách sẽ xuống ga Prince Edward và sử dụng lối ra B1.
Những lưu ý khác
Tất cả các bảng chỉ dẫn tại Hong Kong đều có tiếng anh, thậm chí có cả bảng nổi cho người khiếm thị.
Ở Hong Kong có rất ít nơi có wifi miễn phí nên nếu bạn chỉ có nhu cầu du lịch, hãy đăng kí cho mình một chiếc sim du lịch để tiết kiệm hơn so với sim nhà mạng. Nếu đi du lịch theo đoàn, bạn có thể thuê thiết bị phát wifi có thể sử dụng cho nhiều máy, mức giá khi chia ra sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với mua sim.
Du khách cần chú ý các khu vực cấm hút thuốc, nếu vi phạm sẽ bị phạt 1.500 HK$. Bên cạnh đó, Hong Kong cũng áp dụng luật vệ sinh môi trường nghiêm ngặt và phạt 1.500 HK$ cho việc vứt rác bừa bãi.
Ổ điện ở Hong Kong cũng là điều bạn cần lưu ý, các ổ cắm ở đây đều là loại 3 chấu đầu dẹt. Vì thế du khách nên chuẩn bị sẵn đầu cắm chuyển đổi ở Việt Nam, vì nếu mua tại Hong Kong sẽ có giá gấp 3 - 4 lần.
Khách du lịch tuyệt đối không nói đùa những câu nhạy cảm liên quan đến an ninh, an toàn hàng không tại khững khu vực công cộng, đặc biệt là trên máy bay và tại sân bay.