60 ngày xuyên Việt cùng con

15/06/2017

Vào một ngày, giữa lúc mọi người ai cũng hối hả tất bật với công việc của mình, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê bên góc phố. Trong tĩnh lặng, tôi chợt nhận ra, đã lâu rồi, bố mẹ quá bận rộn, không dành được thời gian cho bạn Ốc. Mà con thì đang lớn từng ngày,tuổi thơ con sẽ không bao giờ quay lại. Đúng lúc đó, mong muốn cả nhà cùng nhau chu du đây đó trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã dành chuyến đi đầu đời cho Ốc từ một “kịch bản” như thế.

“Bố ơi, mình đi chơi nhé!”

Trước khi lên đường, cũng như bao ông bố bà mẹ khác, bố, mẹ Ốc có đến 1001 băn khoăn. Liệu con có đi được cả hành trình dài như vậy? Con có bị ốm đau gì không? Nếu ốm đau giữa đường thì xoay sở ra sao?  Di chuyển nhiều qua các vùng miền khác nhau, ăn đồ lạ vị liệu có ổn không? Rồi nào chuyện nhà cửa ai trông, công việc ai giải quyết? Vân, vân… và vân, vân.

Nhưng phần nào đó được gợi cảm hứng từ cảnh ngộ chỉ có bố và con đối diện với bao thử thách trong chương trình truyền hình thực tế “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, chúng tôi đã bỏ lại sau lưng vòng quay luẩn quẩn của xã hội hiện đại để lên đường. 

Và hành trình 60 ngày xuyên Việt bắt đầu…

Cung đường duyên hải miền Trung: 

Hà Nội – Quy Nhơn – Phú Yên – Nha Trang – Phan Rang – Mũi Né

Tờ mờ sáng, mẹ Ốc cho nốt những đồ cá nhân vào vali và đóng nắp. Ốc vẫn ngủ say mềm trên giường. Mẹ nhẹ nhàng bế Ốc lên.  Trời vẫn tối đêm. Và lạnh. Chiếc taxi đã chờ sẵn ngoài đường. 

Tối qua, bố mẹ đều gấp gáp thu xếp mọi việc đến khuya, lúc ngủ lơ mơ vì cảm giác háo hức trước chuyến đi dài nhất từ trước tới giờ. Ốc vẫn ngủ trên tay mẹ, bố lệ khệ bê các vali hành lý.

 

 

Ở sân bay Nội Bài, Ốc tỉnh dậy, tay kéo vali và mồm vẫn còn ngáp ngắn ngắp dài để check-in làm thủ tục gửi hành lý.

Quy Nhơn đón cả nhà trong không khí mát mẻ, dễ chịu của vùng biển. 

Cả nhà ở homestay gần biển, nên sáng sớm cả nhà đi bộ ra biển, tìm bắt ốc, cua. Ốc cực thích khi nhìn những con cua bé xíu chạy dài trên biển. 

Ở Quy Nhơn, mọi người khá thân thiện, chi phí dễ chịu, đồ ăn cũng ngon. Sáng cả nhà đi ăn bún cá, bún sứa khoảng 20.000VNĐ - 25.000VNĐ.Các quán cà phê không gian rộng rãi, nhiều cây cối, giá khoảng 12.000VNĐ - 17.000VNĐ một cốc cà phê. Trên đường từ trung tâm thành phố ra Eo Gió đi qua cầu Thị Nại, gió thổi tung cả người. Ra đến Eo Gió, gió thổi rất mạnh. Mẹ Ốc ra đứng chơi một lúc là vào, tối về bị ốm luôn. Còn Ốc lại thích thú, luôn mồm gọi biển ơi, biển ơi.

Buổi tối, đường phố Quy Nhơn vắng vẻ, mọi thứ chầm chậm, thong thả hơn rất nhiều so với Hà Nội. 

 

 

Nha Trang chào đón cả nhà với không khí tấp nập, phố phường nhộn nhịp hơn nhiều so với Quy Nhơn. 

Dù theo đúng lịch trình cả nhà sẽ đi Phú Yên trước, nhưng vì muốn đi chơi với nhà em Kent (em họ Ốc) nên cả nhà đổi lịch đi Nha Trang trước. Thành phố tấp nập khách du lịch, khách Nga và Trung Quốc nhiều vô kể. Hôm bố mẹ cho Ốc đi chơi khu Hòn Tằm, bãi biển rất đẹp, Ốc rất thích. 

 

 

Ở Nha Trang có nhiều chỗ ăn ngon, không quá đắt.Nếu tránh xa những chỗ du lịch đông đúc, có rất nhiều quán ăn đồ hải sản ngon, giá hợp lý. Có ngày cả nhà cùng năm dài trên biển, không làm gì cả, còn Ốc ngồi nghịch cát cả buổi bên biển. Bố mua cho Ốc một cái diều phụng hoàng rất đẹp. Ốc thích lắm. 

Ngày chia tay Nha Trang, Ốc bi bô:“Bai Nha Trang nhé, My đi Phú Yên đây”. 

 

 

Nhà ga Tuy Hòa – Phú Yên trong ngày cả nhà đến đó, trời hơi mát, chút se lạnh, vắng lặng. Ốc nắm tay mẹ đi từ từ. Bố kéo vali theo. Giống như trong một hành trình nào đó ngày xưa, khi bố còn lang thang đi khắp nơi ở châu Âu. 

 

 

Trong hành trình 60 ngày xuyên Việt, bố mẹ cho Ốc ở rất nhiều chỗ, lúc ở homestay, lúc khách sạn, lúc resort, lúc ở gần biển, lúc trên núi. Nhưng homestay July ở Phú Yên là một trong những nơi thích nhất, dễ chịu nhất, đáng nhớ nhất. Đến nơi, Ốc chạy hết từ phòng này sang phòng khác, trò chuyện với cô ở đó, chơi cùng với hai chị cũng tầm tầm tuổi như Ốc. Cảm giác thoải mái như đang ở nhà mình. Cùng đi chợ, cùng mua cá về nấu bún theo cách của người dân ở đây.

 

 

Những ngày sau, cả nhà đi xe máy đến khu Bãi Xép và trèo lên nơi quay phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Đi Ghềnh Đá Đĩa, ngược ra Mũi Đại Lãnh – cực Đông của Tổ quốc. Trong suốt mấy ngày đó, Ốc rất phởn phơ, suốt ngày ca hát, cứ lên xe là hát. Mãi sau này tôi cứ nhớ mãi cái giọng của Ốc, nhớ lúc cả nhà cùng hát bài “Bố ơi, mình đi đâu thế”. 

 

 

Chia tay Phú Yên, cả nhà vẫn còn thòm thèm cái món mắt cá ngừ ngon ơi là ngon và món trứng hàu ngon tuyệt buổi sáng. 

Chuyến tàu đến Phan Rang lúc tối muộn. 

Cả nhà bắt taxi về làng nghề thủ công Mỹ Nghiệp để ở homestay của chú người Chăm. Trời tối đen như mực, homestay nằm giữa cánh đồng hoang, xung quanh là bao nhiêu tiếng ếch nhái, chó mèo, lợn gà. 

 

 

Những ngày ở đó thật sự có những trải nghiệm khác biệt. Có sáng sớm Ốc ra chăn cừu với bố.Tối đến, nhiều bạn sinh viên tới và ngồi đốt lửa trại, cùng quây quần bên đống lửa và tiếng guitar bập bùng.

Sau những ngày rong ruổi ở Phan Rang, đi thăm tháp Chàm, đi trượt cát ở đồi cát Nam Cương, đi chơi làng gốm Bàu Trúc, đi hái nho ở vườn nho Ba Mọi, chúng tôi lên đường đi Phan Thiết, Mũi Né. Tại Mũi Né, cả nhà ở trong một resort đẹp, không đi đâu, nghỉ ngơi cho lại sức.

Những ngày tiếp theo, cả nhà vào tới Sài Gòn, đưa Ốc đi ăn uống, cà phê, thăm nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất, đi đường sách. 

 

Cung đường miền Tây: 

Mỹ Tho – Bến Tre- Cần Thơ- Năm Căn – Cà Mau- Châu Đốc- Hà Tiên- Phú Quốc

Từ Sài Gòn, cả nhà đi chơi tour một ngày ở Mỹ Tho- Bến Tre.Cảm giác sông nước, đi ghe thuyền thật thích với những người ở ngoài Bắc, mà lại vốn sinh ra ở thành phố, không mấy khi trải nghiệm cuộc sống trên ghe thuyền. Cả ngày Ốc đi ghe, đi thuyền, xem tổ ong, xem trăn, cho cá bú bình ở Cồn Phụng, rồi ăn thử các món ăn miền Tây.Khi quay về lại Sài Gòn, cả nhà mệt lử.

 

 

Chuyến xe tới Cần Thơ vào lúc trời tối muộn. 

Cả bố mẹ Ốc cũng chưa về miền Tây lần nào, cảm giác lạ lẫm, xen lẫn háo hức. Từ bến xe, cả nhà đi taxi về khu homestay. Khu homestay rộng mênh mông, như resort.Sáng sớm hôm sau,mở cửa ra đã thấy mọi người đang đua thúng, hát hò, vui vẻ rộn rã. Người miền Tây cởi mở, thân thiện, các món ăn đều rất đặc trưng.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Những ngày sau đó, Ốc đi xem các con thú, thăm miệt vườn, tha hồ thưởng thức cây trái. Đây là lần đầu tiên thấy cây sầu riêng tận mắt. Rồi Ốc đi chợ nổi Cái Răng, ngồi trên ghe thuyền ăn sáng, uống cà phê, ăn những trái chôm chôm tươi rói mua từ thuyền. 

Rời Cần Thơ, cả nhà Ốc đi xuống tận vùng cực Nam của Tổ quốc: vùng Năm Căn. 

 

 

Ở đây chẳng có gì ngoài những con kênh, tiếng ếch nhái kêu, tiếng chim, tiếng cá, tiếng tàu ghe trên sông. Khắc hẳn cuộc sống ở Hà Nội. 

Ngày hôm sau đi xuống mũi Cà Mau, trời nắng chang chang như đổ lửa, nhưng thực sự thích thú vì được đặt chân lên nơi xa nhất của đất nước mình về phía Nam. Dù rằng khi về, tôi vẫn tiếc, vẫn mong nếu ở đây có cách làm du lịch tốt hơn, biết cách khai thác hơn, thì có nhiều thứ cho khách trải nghiệm hơn. 

 

 

Trước khi chia tay Năm Căn, bố mẹ cho Ốc đi chơi vườn cò Tư Mau, tràn ngập đàn cò bay về, đậu kín khắp nơi. Ở đây còn nuôi cả cá sấu. Ngược lên trên về lại Cà Mau, bố mẹ cho Ốc một ngày đi vào rừng U Minh Hạ, tận mắt chứng kiến rừng U Minh mênh mông, ăn lẩu lươn ngon tuyệt. Trên đường đi rất nhiều chú khỉ tự nhiên chạy ra, Ốc thích lắm. 

 

 

Những gì được nhìn tận mắt, cảm nhận bằng nhiều giác quan đều khiến Ốc nhớ lâu, và hay kể lại khi về Hà Nội. Điều đó chính là mong muốn của bố mẹ dành cho Ốc.

Chuyến xe từ Cà Mau đến Châu Đốc khi trời đã tối muộn. 

Ngày hôm sau trời nắng như đổ lửa, cái nắng của vùng biên giới. Ốc và mẹ đều mệt lử, nên phải thay đổikế hoạch. Cả nhà cùng ở lại Châu Đốc thêm hai ngày so với dự kiến. Chiều trời mát thì đi chơi, cho Ốc đi thăm Miếu Bà, đi xe lôi, ăn món lẩu cá mắm ngon tuyệt.Hôm sau nữa đi rừng tràm Trà Sư. Ngồi trên chiếc ghe, đi lạc vào giữa rừng tràm mênh mông, xung quanh là thảm bèo màu xanh ngát, đẹp tựa như trong tranh. 

Từ Châu Đốc, cả nhà đi Hà Tiên, rồi đi tàu cao tốc ra Phú Quốc.

 

 

Phú Quốc phát triển nhanh, trở thành điểm nóng trong những năm gần đây. Trên đường về chỗ nghỉ nghe chú lái taxi kể chuyện sốt đất ở đây. 

Bãi Sao ở Phú Quốc đẹp, đúng thực là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, như một bức tranh với những gam màu xanh, trắng. Chỉ tiếc là đang bị khai thác quá mức và tình trạng rác thải quá nhiều. Mấy ngày ở Phú Quốc qua rất nhanh, bố mẹ không cho Ốc đi nhiều, chỉ cho Ốc đi tắm biển một ngày.Mà Ốc cũng cháy đen thui khiếnmẹ cứ than thở, không còn tiểu thư, trắng trẻo như hồi mới lên đường. Còn bố thì lại thích, vì con trưởng thành hơn, cứng cáp và rắn rỏi hơn hẳn.

 

Cung đường miền Trung - Tây Nguyên:

Đà Lạt – Buôn Mê Thuột – Đà Nẵng – Hội An – Huế

Từ Phú Quốc, cả nhà bay về Sài Gòn, ngủ một đêm và sáng sớm hôm sau bay lên Đà Lạt. 

Xuống tới sân bay Đà Lạt, mọi thứ thích thú lại ùa về, không khí trong lành dịu mát. 

 

 

Cả nhà chưa bao giờ hết thích Đà Lạt, lần nào đi cũng thích. Thích từ những rừng cây thông, ngọn đồi, từ những món ăn rất Đà Lạt, những quán cà phê rất thơ mộng và yên bình. Cả nhà đã lưu lại Đà Lạt 4 ngày, thay vì 3 như dự tính. Những tối trời lành lạnh, cả nhà vi vu đi trên những ngọn đồi, trên đầu là ánh trăng huyền ảo, hai bên là những rừng thông reo, còn Ốc thì véo von hát bài Twinkle twinkle litte star. 

 

 

Từ Đà Lạt lên Buôn Mê Thuột bằng xe ôtô, đường đi khá ngoằn nghèo.Bố mẹ lo Ốc có thể bị say xe, nhưng con lại rất khỏe. Những ngày ở Buôn Mê đi uống cà phê thật thích, bố mẹ cho Ốc đi cưỡi voi ở trong rừng quốc gia Yok Don.Vào bản Đôn, đi thăm khu vườn trồng cây cacao. 

 

Từ Buôn Mê, cả nhà bay thẳng về Đà Nẵng rồi đi taxi về Hội An trong một chiều mưa. 

Trái lại với bố mẹ, Ốc càng đi càng khỏe, càng hoạt bát hơn, dễ thích nghi hơn. Những hôm ở Hội An, cả nhà cùng nhau đi xe đạp. Bố đèo cả hai mẹ con đi chơi phố cổ, đi ăn chè, đi ăn cao lầu, ăn cơm gà. Ốc rất thích được chụp ảnh với đèn lồng, lên cầu thả hoa đăng xuống sông Hoài.

 

 

Về đến Huế cũng trong một chiều mưa.

Đặt chân đến resort Ana Mandara, mọi thứ mệt mỏi tan biến khi mở ra trước mắt là khung cảnh thanh bình, dễ chịu. Hôm sau, cả nhà dành trọn ngày đi thăm các lăng tẩm, nhà vườn, đi ăn bánh bèo, ăn chè, ăn thỏa thích các món ăn của Huế. Buổi chiều, Ốc chạy tung tăng trước Đại Nội, tiếng cười giòn tan trong hạnh phúc.

 

 

Chặng cuối:

Quảng Bình – Ninh Bình – Sapa – Hạ Long – Hà Nội

Vì sinh ra và lớn lên ở ngoài Bắc nên chuyến hành trình này dành nhiều thời gian hơn cho vùng miền Trung và Nam bộ. 

Mấy hôm ở Quảng Bình, bố mẹ cho Ốc đi Phong Nha - Kẻ Bàng. 

 

 

Trên đường đi taxi cùng hai cô chú mới cưới nhau, cô chú hỏi biết là Ốc mới hai tuổi đã đi gần hai tháng xuyên Việt mà không hề bị ốm, không hề mệt, và ít khi ăn vạ. 

Rời Quảng Bình, cả nhà đi Tràng An – Ninh Bình. Đi thuyền qua những động, cảnh núi đá giữa những hồ nước mênh mông, đẹp như trong phim Kong. 

Sau Ninh Bình, cả nhà quay lại Hà Nội, nhưng không về nhà ngay mà thuê một khách sạn ở gần nhà thờ Lớn, để hôm sau đi tiếp lên Sapa. 

Đi Sapa nhiều lần, nhưng đây là lần đầu bố mẹ chinh phục núi Fansipan.

 

 

Cả nhà đi cáp treo lên núi. Đứng trên đỉnh tháp, ở cột mốc 3.143m, bố và Ốc cùng chụp một bức ảnh cầm cờ Việt Nam.Cảm giác thỏa mãn và ngây ngất. 

Từ Sapa, cả nhà về Hạ Long và cho Ốc một ngày đi chơi các động, thăm thú vịnh Hạ Long trước khi trở về Hà Nội. 

Thế là hành trình 60 ngày xuyên Việt đã kết thúc, với đầy ắp trải nghiệm. 

 

 

Hà Nội đón cả nhà bằng một ngày nắng rực rỡ.Về tới nhà rồi mà cả bố mẹ và Ốc vẫn ngây ngất với chuyến đi, vẫn còn cảm giác đang đi xe, đang check-in, đang thu dọn hành lý và trả phòng.

Sau 60 ngày, nhà cửa ngổn ngang, cả tấn quần áo, chăn màn, ga đệm phải giặt, giá sách mốc meo đầy bụi, đàn guitar và piano đầy bụi, cây cối héo khô. Cả tối đêm, bố mẹ và Ốc đã bò ra để lau dọn. Nhưng tất cả đều tuyệt vời, bố mẹ lại quay trở lại công việc. Ốc lại đi học. Và chúng tôi đang ấp ủ cho Ốc một hành trình mới, hứa hẹn những trải nghiệm tuyệt vời trong thời gian tới. 

----------------------------------------------

Sau 60 ngày xuyên Việt…

Trong suốt hai tháng, bố mẹ đã dắt tay Ốc đi lên núi và xuống biển, từ cực Đông- mũi Đại Lãnh đến cực Nam - mũi Cà Mau, từ biển lên cao nguyên, vào rừng, ra đảo. Cả nhà đã đi 4 chuyến bay, 10 chuyến đi tàu, 10 chuyến ôtô. Ốc đã đi thử tất cả các loại phương tiện, từ taxi, buýt, xe khách đến vỏ lãi, ghe, thúng, mủng, đò, phà, cano, tàu, tàu hỏa, cáp treo, tàu cao tốc…

Con đã cùng bố mẹ thử hầu hết tất cả món ăn ở Việt Nam, từ cá Ninja nướng ở Quy Nhơn, mắt cá ngừ Phú Yên đến cơm gà Hội An, cá hú kho tộ và lẩu mắm Châu Đốc. Rồi dông nướng, bún cá dằm, cua gạch Cà Mau, lẩu gà lá é, bánh tráng nướng Đà Lạt, cơm cháy Ninh Bình, lẩu cá hồi Sapa…

Và bên dưới là những thống kê ấn tượng khác.

 

Tổng thiệt hại:

# Một đôi dép xăng đan Ốc rơi ở Phan Rang 

# Một đôi giày “cách mạng” của Ốc rơi ở Ninh Bình 

# Mẹ rơi kính ở Cà Mau 

# Mẹ quên một cái mũ sành điệu ở Sapa 

# Ốc quên một quyển truyện ở Năm Căn.

 

Chiến lợi phẩm:

# Hai hộp đầy sò, ốc cả nhà cùng nhặt ở khắp các biển Việt Nam 

# Một hộp thông con nhặt ở Đà Lạt 

# Một hộp hạt cacao ở Buôn Ma Thuột

 

Thành quả:

# 200Gb Ảnh 

# Khoảng 60.000 file ảnh

----------------------------------------------

Tip dành cho bạn:

Những kinh nghiệm khi cùng bé đi xuyên Việt dài ngày

+ Thời gian:

Mỗi người sẽ có những điều kiện, lựa chọn và ưu tiên rất khác nhau. Nếu khó sắp xếp công việc để đi dài tận 60 ngày, bạn hoàn toàn có thể đi một chuyến cùng con trong vòng 2 tuần.Bất kỳ lúc nào bạn sắp xếp được thời gian thì hãy lên đường ngay. Một chuyến đi như vậy, bạn có thể dành toàn thời gian bên con, không công việc, không email, Facebook. 

+Lịch trình:

Việc du lịch cùng trẻ nhỏ và cả gia đình sẽ hoàn toàn khác với việc đi phượt, hay đi cùng nhóm bạn. Đến những điểm đến mới, bạn sẽ luôn thích đi bằng hết, vì có rất nhiều thứ mới mẻ. Nhưng cần luôn xác định, trải nghiệm cả hành trình cùng con là điều quan trọng hơn. Không tham đi nhiều quá, đi liên tục hoặc có quá nhiều hoạt động trong cùng một ngày.Ở mỗi nơi, bạn chỉ cần chọn 1,2 điểm chính, và 1,2 hoạt động trải nghiệm tiêu biểu nhất cho bé. Nên linh động về lịch trình tùy theo sức khỏe của cả gia đình.

+Sức khỏe& An toàn:

  -Y tế:Luôn mang theo thuốc, bông băng sơ cứu cơ bản kèm theo, để bất kỳ tình huống nào, bạn cũng có thể ứng phó tại chỗ. Đi vùng nào nhiệt độ lạnh, hay khi lên núi, luôn mang đủ áo ấm, áo len hoặc áo khoác mỏng chống gió, chống mưa cho bé. Khi đi ra vùng biển, vùng nắng gió nhiều, cần mang kem chống nắng, mũ, khẩu trang cho con.

  -An toàn:Trẻ con khó đi được như người lớn, không thể đi liên tục. Khi đi bằng bất kỳ phương tiện gì, phải để ý xem có an toàn không. Luôn cho bé mặc áo phao và bản thân bạn cũng cần mặc áo phao khi đi trên ghe, thuyền, như ở miền Tây, Tràng An – Ninh Bình hay Phong Nha - Kẻ Bàng.

+ Phương tiện:

  -Xe tự lái:Khi đi xe riêng có nhiều thuận lợi, chủ động đi lại, nhưng cũng có cái bất tiện, thường là bố nếu lái một mình liên tục khá mệt, có nhiều nơi chưa quen đường.

  -Phương tiện công cộng:Thuận tiện và an toàn nhất là đi máy bay. Tuy nhiên chi phí máy bay thường đắt hơn, giờ bay không phải lúc nào cũng thuận tiện. Các thành phố lớn hầu như có kết nối bằng đường hàng không, có thể đi cả Jetstar, Vietnam Airlines hay Vietjet. Tàu hỏa cũng là lựa chọn hợp lý, an toàn, chi phí thấp và có thể đi được hầu hết các địa điểm chính theo lộ trình Bắc Nam. Đi tàu còn có thể ngắm cảnh hai bên đường. 

+ Chỗ ở:

Kinh nghiệm đặt phòng là bạn tìm hiểu trước trên mạng, tìm kiếm các khách sạn, homestay nào có phản hồi tốt, vị trí thuận lợi, tìm số điện thoại của khách sạn đó qua Google, gọi điện trực tiếp để đặt phòng. Ở mọi nơi đều có các chọn lựa phù hợp túi tiền với rất nhiều loại hình lưu trú, từ ở homestay, khách sạn đến resort, mỗi cái đều có cái thú vị riêng.

+ Ăn uống:

Ăn thử các món địa phương là cách giúp bạn làm giàu trải nghiệm chuyến đi của mình. Hầu như thông tin ăn gì, ở đâu đều có nhiều trên mạng, bạn có thể tìm được dễ dàng. Lưu ý khi ăn một món lạ, nên ăn ít một, không ăn quá nhiều cùng lúc để tránh bị đau bụng hoặc bị ngộ độc thực phẩm. Khi đi cùng với bé, bạn nên tập cho con ở nhà trước, để con quen với việc ăn nhiều món ăn khác nhau. 

+ Chi phí:

Mỗi gia đình tùy điều kiện sẽ chọn mức chi phí khác nhau phù hợp với mình. Thông thường khi đi du lịch trong nước, tùy từng nơi, mức chi phí cho một ngày cho cả nhà, bao gồm cả ăn, ở, đi lại, vé tham quan sẽ trên dưới một triệu. Luôn mang theo tiền mặt dự phòng và nhiều hơn mức bạn dự tính. Nhưng không nên mang quá nhiều tiền mặt, và nên chia ra thành nhiều chỗ để tiền mặt. 

+ Hành lý:

Luôn mang vừa đủ dùng, mang chính xác những gì thật sự cần thiết. Kể cả khi bạn đi cùng với bé, cũng chỉ nên mang vừa đủ. Nếu tham nhiều ngay từ đầu, tới mỗi nơi bạn  thích mua thứ này, thứ kia, thì sau hai ba tuần, hành lý sẽ trở nên quá nhiều. Đẹp nhất là chỉ cần mang hai vali cho cả nhà, và thêm một túi nhỏ. Hai vali to khi đến nơi sẽ gửi phòng, còn một túi nhỏ để mang bỉm sữa hay máy ảnh để đi chơi.

Bài và ảnh: Harry Trung Nguyễn

 

RELATED ARTICLES