ABC - "Always Be Cafeful" khi phượt xe máy cùng Trần Đặng Đăng Khoa

15/04/2023

Suốt 1111 ngày chu du qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trần Đặng Đăng Khoa đã đúc rút ra những kinh nghiệm gì khi phượt xe máy? 7 lưu ý từ chàng Travel Blogger trong bài viết dưới đây sẽ giúp cho chuyến phượt xe máy của bạn trở nên an toàn hơn.

Trần Đặng Đăng Khoa (37 tuổi, Tiền Giang) bắt đầu hành trình vạn dặm vòng quanh thế giới từ ngày 01/06/2017 tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Với chiếc xe 100cc mang biển số Việt Nam, trong hành trình kéo dài 1.111 ngày, anh đã đặt chân tới 7 châu lục, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, băng qua đường xích đạo 8 lần. Dưới đây, Travel Blogger Đăng Khoa sẽ chia sẻ với quý độc giả Travellive 7 lưu ý để có chuyến đi phượt bằng xe máy an toàn.

Trần Đặng Đăng Khoa chụp hình cùng tất cả các đồ dùng anh mang theo trong suốt hành trình 1111 ngày chu du khắp thế giới.

Trần Đặng Đăng Khoa chụp hình cùng tất cả các đồ dùng anh mang theo trong suốt hành trình 1111 ngày chu du khắp thế giới.

1. Giấy tờ - "vật bất ly thân"

Bạn nên chuẩn bị hết các loại giấy tờ quan trọng và sao chép thành bản cứng cất ở nhiều nơi. Một số giấy tờ như hộ chiếu, các trang chụp visa, dấu xuất nhập cảnh, bằng lái, giấy tờ xe, bảo hiểm du lịch. Anh thường mang bản gốc bỏ trong ba lô hoặc túi nhỏ (nhét vào lớp áo trong cùng), các bản photo thì cất trong ba lô khác, một bộ cất trong xe.

Giấy tờ là vật tối quan trọng nên Đăng Khoa bảo hộ kỹ càng với hai lớp nylon chống nước, bọc áo mưa chồng nước cho ba lô để tránh bị ướt và rơi đồ. Anh đi đâu cũng cần phải mang bản gốc theo vì đây là "vật bất ly thân". Ngoài ra, bạn nên scan hoặc chụp ảnh giấy tờ cho vào ổ cứng, laptop, điện thoại rồi sao lưu lên các nền tảng đám mây như drive, icloud, dropbox,..

2. Đồng tiền liệu có luôn phải "đi liền khúc ruột"?

Về tiền mặt, bạn nên dự trữ một số ngoại tệ mạnh như đồng đô la hay euro để đến đâu cũng có thể đổi được. Trần Đặng Đăng Khoa cho biết thêm rằng không bao giờ nên mang tất cả tiền mặt theo người, nên cất một lượng tiền mặt nhỏ vào trong túi riêng để khi cần nhanh chóng rút ra thanh toán.

Lưu ý ở mỗi quốc gia sẽ có sự khác biệt tiền tệ, như Cu ba lưu hành song song hai loại tiền khác nhau. Loại tiền CUP cho người địa phương, còn CUC cho du khách. Tuy nhiên thực tế người dân vẫn có thể dùng CUC và ngược lại.

Lưu ý ở mỗi quốc gia sẽ có sự khác biệt tiền tệ, như Cu ba lưu hành song song hai loại tiền khác nhau. Loại tiền CUP cho người địa phương, còn CUC cho du khách. Tuy nhiên thực tế người dân vẫn có thể dùng CUC và ngược lại.

Thẻ ATM là nơi để cất giữ tiền cho hành trình. Bạn nên làm ít nhất hai thẻ, một thẻ Việt Nam, một thẻ nước ngoài. Các ngân hàng nước ngoài có dịch vụ hỗ trợ khách hàng tốt và có mặt ở nhiều quốc gia. Đối với thẻ VISA hay Mastercard, cần ghi nhớ 3 chữ số CVV ở mặt sau để thanh toán giao dịch online, sau đó cạo đi để tránh kẻ gian lợi dụng.

Tiền mặt và thẻ nên cất ở nhiều nơi. "Đồng tiền đi liền khúc ruột" nhưng cũng cần chia ra cất trong người, trong balo, trong xe để phòng khi bị cướp thì vẫn còn tiền sử dụng. Tránh để thẻ tiếp xúc với nhau vì dễ trầy xước, hư phần từ cũng như không để lộ dãy số ra ngoài. Trước khi đi, bạn cần đặc biệt lưu ý báo cho các ngân hàng phát hành thẻ về việc giao dịch ngoại quốc nhiều để không bị khóa thẻ (do vấn đề an ninh).

3. Lưu hết các thông tin phòng khi cần "S.O.S"

Bạn cần chuẩn bị trên hai chiếc điện thoại, một chiếc để liên lạc - chỉ đường, chiếc còn lại sử dụng thường xuyên hơn để chụp hình, tìm kiếm thông tin, giải trí... Nếu cẩn thận hơn có thể dự phòng thêm một cái, để khi sự cố xảy ra đã có sẵn chiếc điện thoại thay thế.

Về thẻ SIM, bạn cũng lưu ý đến nước nào thì mua SIM tại đó, mua sẵn gói data để tiện sử dụng. Khi đến nơi, bạn cần tìm và lưu sẵn các thông tin hỗ trợ khẩn cấp để liên lạc. Ngoài ra, bạn cũng ghi chú thông tin hỗ trợ người Việt ở nước ngoài, người thân (nói được Tiếng Anh). Nếu cẩn thận hơn, hãy viết những thông tin này lên giấy bỏ vào balo.

Bạn cũng cần lưu ý chi phí mua thẻ SIM và data ở một số quốc gia khá đắt đỏ. Ví dụ như tại Greenland, bạn sẽ tốn khoảng 500DKK (tương đương hơn 1 triệu 700 ngàn đồng).

Bạn cũng cần lưu ý chi phí mua thẻ SIM và data ở một số quốc gia khá đắt đỏ. Ví dụ như tại Greenland, bạn sẽ tốn khoảng 500DKK (tương đương hơn 1 triệu 700 ngàn đồng).

Bạn nên mua bảo hiểm khi đi du lịch, đặc biệt là những chuyến đi một mình, xa nhà, không ai hỗ trợ. Sau đó, hãy lưu hotline bảo hiểm và ISOS (cứu hộ quốc tế liên kết với bảo hiểm) để được giúp đỡ khi cần thiết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thường xuyên kiểm tra thông tin địa điểm, tình hình đường sá, thời tiết, an ninh hay google dịch để dễ giao tiếp với dân địa phương. Trên điện thoại, bạn cũng tải các ứng dụng sơ cứu y tế cơ bản để tham khảo, bản đồ chạy offline (maps.me). Ngoài ra, bạn cũng có thể chia sẻ thông tin lịch trình với một người tin tưởng , bật tính năng chia sẻ vị trí phòng khi bị lạc.

4. Đề phòng các rủi ro nhưng không cần quá căng thẳng

Khi được hỏi về các rủi ro, Đăng Khoa cho biết thêm: "Kỳ thực, tôi nghĩ rủi ro bị tấn công từ thú dữ nó ít hơn rất nhiều so với tác động từ con người. Có một nguyên tắc tôi hay áp dụng là chỗ nào vắng người và không ai biết mình thì 'cắm cọc' chỗ đó. Ra biển thì tìm chỗ nằm sau mấy hòn đá lớn, vào sa mạc thì núp sau đụn cát. Để hành trình an toàn, bạn cần lựa chọn và kiểm tra kỹ càng trước khi ngủ. Nên quan sát xung quanh để nắm được tình hình liệu khả năng có đá rơi, hay nước dễ dâng lên, nền đất như thế nào. Nếu bị tấn công, chạy về phía nào. Lúc ngủ cũng cần để một con dao với đèn pin ở đầu, phòng khi rủi ro có thể lấy ngay".

Lựa chọn vị trí, quan sát môi trường xung quanh trước khi cắm trại ngủ qua đêm ngoài trời.

Lựa chọn vị trí, quan sát môi trường xung quanh trước khi cắm trại ngủ qua đêm ngoài trời.

Do hành trình vừa rồi đi một mình, cộng thêm nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, anh không chọn phòng dorm mà ngủ riêng để an toàn. Khoa cho rằng, thà tốn thêm chi phí còn hơn bị mất đồ hay tài liệu. Buổi tối trước khi ngủ, cần kiểm tra khóa cửa chắc chắn. Nếu lưu trú tại khu vực nhạy cảm thì nên linh động để chặn cửa với các đồ dùng có sẵn. Ví dụ như ba lô, nón bảo hiểm, giày, bàn ghế hoặc cho cả ly uống nước lên trên bàn để được báo động lúc bất trắc xảy ra.

Bạn có thể mang theo một ổ khóa dự phòng để khóa khi ra ngoài. Ổ khóa này cũng có thể dùng để khóa bánh trước nếu đô xe ở nơi đông người. Khi đi một mình cũng không nên cắm trại nhiều, hay mang theo quá nhiều đồ dùng có giá trị.

5. Hiểu tình hình sức khỏe của bản thân, sẵn sàng những vấn đề khẩn cấp

Đầu tiên, bạn cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến một quán ăn, bạn có thể kiểm tra bằng cách hỏi nhà vệ sinh, độ sạch sẽ trong nhà vệ sinh cũng phản ánh độ sạch sẽ trong nhà hàng. Sẵn tiện lúc đó, tranh thủ ngó quanh xem nhà bếp có sạch sẽ hay không. Nếu cảm thấy không tin tưởng, bạn cũng có thể mua tạm đồ ăn liền cho no bụng rồi tìm quán ăn sau.

Luôn chuẩn bị sẵn kèm ít bánh ngọt, sô cô la để phòng khi đói và hạ đường huyết. Đặc biệt, mang theo ít nhất một lít nước để uống, ngoài ra khi bị tai nạn, hay bỏng (phỏng) thì có thể dùng để rửa vét thương. Ở một vài thành phố lớn, nước sinh hoạt khá sạch và có thể uống trực tiếp như Georgia (nước từ dãy Caucasus chảy xuống trong lành, mát lạnh). Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị cả ống lọc nước dã ngoại để xử lý nước uống ở những nơi không đảm bảo hoặc làm giả như tại Ấn Độ.

Luôn có bộ sơ cứu y tế, thuốc men chuẩn bị theo tình trạng sức khỏe, bệnh tật cá nhân và cất ở nơi tiện lấy ra nhanh. Bên cạnh đó, giấy tờ khám tổng quát cũng nên được kèm theo, để phòng khi bất tỉnh/tai nạn xảy ra, bác sĩ/người dân biết mình nhóm máu gì, tiền sử bệnh, kháng thuốc gì,... Cũng nên lưu ý tiêm phòng vắc xin nếu bạn có ý định đi qua một số quốc gia yêu cầu. Ví dụ như ở Ecuador, bạn phải tiêm phòng sốt vàng da nếu có ý định nhập cảnh.

Chàng trai lựa chọn mặc nhiều lớp áo quần mỏng để dễ dàng điều chỉnh thân nhiệt khi thay đổi nhiều môi trường khác nhau.

Chàng trai lựa chọn mặc nhiều lớp áo quần mỏng để dễ dàng điều chỉnh thân nhiệt khi thay đổi nhiều môi trường khác nhau.

Về trang phục, cần lưu ý mặc áo quần phù hợp với địa hình bằng cách kiểm tra thời tiết tại điểm đến. Mặc nhiều lớp áo quần sẽ giúp giữ nhiệt tốt hơn, có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ lúc nóng (cởi ra) hay lúc lạnh (mặc thêm vào). Luôn giữ thân nhiệt ổn định nhất có thể, tránh tiếp xúc với nắng nóng quá lâu.

6. Linh hoạt, khéo léo với người dân địa phương

Nếu đi chơi mà lo lắng, khép mình vì sợ hãi thì cũng làm giảm những trải nghiệm và mất đi niềm vui. Cần mở lòng ra với người dân địa phương, nhưng đồng thời cũng cần cảnh giác với một số người tiếp cận có chủ đích.

Thực sự thì đôi khi gặp một ai đó cũng là do cơ duyên, nên cũng cần phải dựa vào trực giác để dự đoán tình hình. Nếu cảm thấy bất ổn dù ở một chi tiết nào đó, hãy bình tĩnh, không nên tỏ thái độ quá khích mà cứ từ từ xử lý. Hạn chế chia sẻ thông tin với những người lạ (nếu cảm giác đó không phải dân đi du lịch) mà có ý đồ xấu. "Bản thân tôi cũng khá may mắn vì trong hành trình gặp được nhiều người tốt bụng, dễ thương và luôn sẵn sàng giúp đỡ", Đăng Khoa chia sẻ.

Đăng Khoa chụp ảnh cùng một gia đình tại Greenland năm 2017.

Đăng Khoa chụp ảnh cùng một gia đình tại Greenland năm 2017.

Những đồ đạc quan trọng cũng cần được bỏ trong ba lô, mang theo sát người, cài quai ngực/ bụng. Lúc ở những nơi công cộng, cũng cần cảnh giác, có thể lấy ba lô để kê đầu hoặc kẹp giữa hai chân. Ở quán ăn, chọn ghế ngồi sát tường, bàn có tầm nhìn bao quát quán hoặc nhìn ra ngoài cửa để thấy được tình hình.

Cách tốt nhất để "trà trộn" vào đám đông là ăn bận giống người dân sinh sống tại đó, để họ không chú ý tới mình hoặc nghĩ rằng mình đã sinh sống ở đây lâu. "Bạn có thể chuẩn bị thêm một số món quà nhỏ, như đợt từ Cuba sang Haiti, tôi có mua một số xì gà hay hũ rượu nhỏ để 'lấy lòng' một vài người lạ lúc đến. Đôi lúc mình có xu hướng sợ sệt những người xăm trổ đầy mình, nhưng cũng nên can đảm bắt chuyện làm quen họ để có khi có vấn đề đặc biệt xảy ra", Travel Blogger gợi ý.

7. Bí kíp quan trọng nhất khi chạy xe: ABC - Always Be Careful!

"Thật ra, chẳng có cách nào để đảm bảo tuyệt đối an toàn lúc đi phượt cả. Càng đi xa, đi nhiều thì bản thân mình mới có những bài học để trở nên cẩn trọng hơn mà thôi. Cũng đừng vỗ ngực mình là tay lái lụa, vì đôi lúc mình sẽ phải trả giá với những cú ngã rất đau", chàng trai đi hơn 80.000 km trên thế giới nhấn mạnh.

Tỉnh tháo và cẩn trọng là điều Khoa luôn ghi nhớ mỗi khi tham gia giao thông. Dù đi đường thẳng, đường đèo, ở trong thành phố hay nơi ngoại ô cần quan sát trước sau hai bên trước khi quyết định làm gì. Cũng nên lắp gương chiếu hậu đầy đủ để quan sát, đôi lúc bạn bắt buộc phải ngoảnh lại sau thì nên dừng hẳn rồi mới quay đầu. Đặc biệt, cần lưu ý tránh xa xe lớn để đảm bảo an toàn. Có thể mình đi an toàn nhưng cần giữ khoảng cách xa vì xe lớn có những điểm mù khiến việc giao thông trở nên nguy hiểm.

Ngoài ra, khi tham gia giao thông bằng xe máy, bạn cần lựa chọn trang phục nổi bật - đặc biệt vào ban đêm. Các đường cao tốc ở nước ngoài phương tiện giao thông di chuyển với tốc độ rất cao, nên thường khó chú ý tới những chiếc xe bé nhỏ lưu thông trên đường. Bạn có thể chọn áo khoác phản quang, đính thêm trên mũ nón, sau yên xe những miếng dán phản quang để người ta nhìn thấy mình. Khi vượt, rẽ hay thắng phanh đều cần nhá đèn tín hiệu để xe máy ô tô đều biết.

Đi phượt bằng xe máy thì chắc chắn cần phải nắm được cấu tạo và cách sửa xe. Thường xuyên kiểm tra xe trước khi di chuyển.

Đi phượt bằng xe máy thì chắc chắn cần phải nắm được cấu tạo và cách sửa xe. Thường xuyên kiểm tra xe trước khi di chuyển.

Đặc biệt quan trọng, phải luôn kiểm tra bình xăng, lọc gió, nhớt và lốp xe thường xuyên trước ngày khởi hành. Nếu phải lựa chọn xe, bạn nên cân nhắc giữa dạng xe nhỏ gọn 100 - 150 cc với xe phân khối lớn. Ưu điểm của dòng xe nhỏ gọn là không gây chú ý, ít làm ảnh hưởng tới các phương tiện xung quanh. Nhưng nhược điểm là chạy chậm, độ an toàn không cao, khi di chuyển ở những địa hình hiểm trở thì sức kéo yếu hơn. Về điểm này, xe phân khối lớn có thể khắc phục được. Xe phân khối lớn tải được nhiều đồ, ít phải dừng đổ xăng hơn. Ngược lại, xe này lại khó luồn lách, gây chú ý hoặc đôi khi nguy hiểm.

Bi Lê - Nguồn: Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa
RELATED ARTICLES