Với Thanh Ngọc, mỗi hành trình không đơn thuần là những bước chân đi qua một vùng đất, mà còn là hành trình đi qua chính cảm xúc của mình. Vậy nên, khi lựa chọn Sapa cho chuyến đi cùng mẹ, cô không đơn thuần tìm kiếm một điểm đến đẹp, mà là một miền đất có thể gói gọn trong nó nhiều tầng ý nghĩa – thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa đậm đà, và một nhịp sống chậm, đủ để hai mẹ con cùng lắng lại, kết nối với nhau.
“Mẹ mình chưa từng đặt chân đến vùng núi phía Bắc. Là người miền Nam, mẹ chỉ nghe kể về cái rét, về sương mù, về ruộng bậc thang. Mình muốn đưa mẹ đến một nơi thật đặc biệt. Và Sapa là lựa chọn dễ đi nhất, vừa có sự tiện nghi, vừa vẫn còn giữ được nét hoang sơ của núi rừng”, Thanh Ngọc chia sẻ.



Sapa không chỉ là điểm đến, mà là nhịp thở lặng lẽ của núi rừng, lẩn khuất sau từng vạt sương mờ
Sapa – không giống như tưởng tượng, mà đẹp hơn theo một cách khác
Hành lý được sắp xếp với những dự cảm nửa hào hứng, nửa dè chừng. Trong tưởng tượng của cô, Sapa là một thị trấn mờ sương nhưng đông đúc, phố thị hóa, ồn ào và có phần thương mại. Nhưng thực tế lại mở ra một bức tranh dịu dàng hơn rất nhiều: “Chỉ cần rời trung tâm một chút, là gặp ngay những bản làng ẩn hiện trong sương sớm, ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại, và tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ vang vọng giữa triền núi”.
Và ở đó, giữa sương mù và tĩnh lặng, có một khoảnh khắc như khiến thời gian ngừng lại – giây phút Ngọc đặt chân đến đỉnh Fansipan, nơi được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”.



Là cảm giác hạnh phúc vô cùng khi được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ở độ cao 3000 mét
Trò chuyện với phóng viên Travellive, Ngọc nhớ lại: “Sương vây quanh, gió nhẹ lùa qua, mây trôi dưới chân. Mình đứng đó, giữa đất trời, vừa trống trải vừa bình yên. Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, mình chợt thấy mình nhỏ bé nhưng hạnh phúc vô cùng vì đang được chứng kiến điều thiêng liêng ấy – ở độ cao hơn 3.000 m”.
Những khuôn mặt khiến ta nhớ mãi
Sapa không chỉ là đỉnh núi, bản làng hay con đường phủ sương, mà còn là những khuôn mặt người hiền lành, chân chất. Trên đường xuống bản Cát Cát, Ngọc bắt gặp một nhóm trẻ em đang túm tụm chơi bài bằng giấy vụn, vẽ mặt nhau bằng lọ nghẹ. Ngọc kể: “Không điện thoại, không đồ chơi hiện đại, chỉ có trí tưởng tượng và bạn bè. Khoảnh khắc ấy kéo mình về những năm tháng tuổi thơ”.




Ở nơi sương rơi chạm mặt người, có những nụ cười đỏ má như thắp lửa vào giá lạnh
Hay khi dừng chân bên sạp hàng thổ cẩm, Ngọc trò chuyện với một người phụ nữ Mông đang bế con nhỏ. Chị kể về những ngày tuyết phủ đỉnh núi – đẹp thì có đẹp, nhưng lạnh cóng, rét buốt cả người và trĩu nặng thêm gánh mưu sinh. “Vất vả thế thôi, chứ thấy du khách vui vì có tuyết, mình cũng thấy vui theo. Mong sao du lịch phát triển để con cái mình sau này cũng có cuộc sống tốt hơn”, chị cười, bàn tay ủ ấm đứa trẻ vẫn đỏ hỏn trong vòng tay.

Ngọc giữ lại trong mình không phải cảnh vật, mà là cảm giác – cảm giác chậm rãi, mộc mạc nơi thành phố mù sương
Một nhịp sống chậm mà sâu
Ẩm thực vùng cao cũng là một lát cắt đầy dư vị. Với Thanh Ngọc, món gà nướng mắc khén là điều không thể thiếu trong mỗi lần trở lại Sapa. “Da gà giòn, thịt mềm, thơm nức, vừa cắn một miếng là như nghe tiếng gió thổi từ triền núi ùa về”, cô miêu tả.





Không phải một Sapa ồn ào trên mạng xã hội, mà là một Sapa dịu dàng như thơ, đậm chất riêng
Nhưng nếu chỉ được giữ lại một điều duy nhất sau chuyến đi, Ngọc không ngần ngại chọn lấy sự lặng lẽ, chậm rãi của Sapa. “Mình muốn giữ lại một Sapa như thế, bình yên, hoang sơ, và dịu dàng như chính mây núi nơi đây”, Ngọc nói.
Không phải một Sapa ồn ào trên mạng xã hội, mà là một Sapa đậm đà văn hoá nơi bản làng, những em bé má đỏ hay cười; một Sapa rất riêng, thẳm sâu trong ký ức, ngọt lành như sương mai bản cũ.