Giữ lửa bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô giữa làng Chăm

25/05/2025

Giữa những con đường nhỏ rợp bóng thốt nốt của làng Chăm Châu Phong (An Giang), mùi thơm ngọt ngào, phảng phất khói than của những mẻ bánh bò thốt nốt nướng đang chín tới là thứ khiến bước chân người lữ khách chậm lại.

Tại gian hàng mộc mạc của cô Rofiah – một phụ nữ Chăm đã gắn bó hơn hai mươi năm với nghề làm bánh – món ăn dân dã này không chỉ là hương vị, mà còn là ký ức văn hóa được chắt chiu từ đời sống người Chăm bên dòng Châu Giang.

Bài liên quan
Lò bánh nghi ngút khói mỗi sớm, nơi cô Rofiah bắt đầu một ngày mới bằng mùi thơm ngọt ngào từ thốt nốt

Lò bánh nghi ngút khói mỗi sớm, nơi cô Rofiah bắt đầu một ngày mới bằng mùi thơm ngọt ngào từ thốt nốt

“Lần đầu được thưởng thức món bánh này tại đúng nơi nó ra đời, mình mới cảm được trọn vẹn hương vị đặc biệt của nó”, Nguyễn Thanh Nhật, sinh viên Đại học An Giang, chia sẻ trong chuyến ghé thăm làng Chăm. Nhật vốn là người yêu thích trải nghiệm văn hóa địa phương. Dù từng nhiều lần bắt gặp món bánh bò thốt nốt nướng trong các hội chợ hay sự kiện quảng bá du lịch, nhưng chỉ khi về tới Châu Phong, Nhật mới thực sự chạm được vào “hồn cốt” của món ăn.

Bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô, như tên gọi, là một biến tấu độc đáo của bánh bò thốt nốt truyền thống, gắn liền với đời sống người Chăm ở An Giang. Nếu bánh bò thốt nốt phổ biến ở miền Tây thường được hấp cách thủy, thì phiên bản Ha Cô lại mang hương vị rất riêng nhờ kỹ thuật nướng trên bếp than – một cách làm vừa mộc mạc vừa công phu.

Bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa – những nguyên liệu bình dị kết tinh hương vị của cả một vùng đất

Bột gạo, đường thốt nốt, nước cốt dừa – những nguyên liệu bình dị kết tinh hương vị của cả một vùng đất

Bánh bò thốt nốt nướng vừa chín tới, vàng ruộm, xốp mềm và thơm lừng hương nắng Châu Giang

Bánh bò thốt nốt nướng vừa chín tới, vàng ruộm, xốp mềm và thơm lừng hương nắng Châu Giang

Cô Rofiah chuẩn bị nguyên liệu từ sớm: bột gạo được ủ cùng đường thốt nốt, hòa với nước cốt dừa và nước từ thịt quả thốt nốt tươi – thứ “nước vàng” đặc sản chỉ có ở vùng đất này. Chảo nướng được làm nóng trước bằng than, khi đổ bột vào, cô úp nắp chảo cũng được nung nóng, giúp bánh chín đều hai mặt. Chỉ vài phút sau, nắp chảo được mở ra, hương thơm của thốt nốt quyện với mùi khói than lan tỏa – một thứ mùi mà như Nhật kể, “ngửi thôi cũng đã thấy ấm lòng”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Những chiếc lò than nhỏ – bí quyết giữ trọn hồn vị truyền thống của người Chăm

Những chiếc lò than nhỏ – bí quyết giữ trọn hồn vị truyền thống của người Chăm

Người làng gọi món bánh ấy là “Ha Cô” – theo cách gọi thân mật dành cho phụ nữ lớn tuổi. Và cô Rofiah chính là một trong những người gìn giữ ngọn lửa ấm ấy suốt hai thập kỷ qua. Gian hàng nhỏ chỉ gồm vài chiếc bếp than và khuôn nướng, nhưng mỗi sáng lại rộn ràng tiếng trò chuyện, tiếng bánh nở xèo xèo trên chảo, và ánh mắt tươi cười của cô khi kể lại chuyện từng đi khắp nơi quảng bá món bánh quê mình.

“Cô bảo, mỗi lần đến các sự kiện du lịch, điều cô vui nhất là khi du khách được tận tay đổ bánh, canh lửa, và cảm nhận cái khó của việc nướng sao cho bánh không cháy đế mà vẫn vàng ươm”, Nhật kể. Với cô Rofiah, món bánh không chỉ để ăn mà còn là một “trải nghiệm sống” – nơi người ta được chạm tay vào văn hóa Chăm một cách gần gũi và ấm áp.

Empty
Empty
Empty
Trong những ngày thường, bánh là “quà sáng”, là cách để du khách ghi nhớ một vùng đất bằng vị ngọt đậm đà của thốt nốt, bằng cái xốp mềm vừa phải và mùi thơm khó lẫn từ bếp than hồng

Trong những ngày thường, bánh là “quà sáng”, là cách để du khách ghi nhớ một vùng đất bằng vị ngọt đậm đà của thốt nốt, bằng cái xốp mềm vừa phải và mùi thơm khó lẫn từ bếp than hồng

Ở làng Chăm, bánh bò thốt nốt nướng không đơn thuần là món ăn chơi. Đây là món không thể thiếu trong những dịp lễ hội, cưới hỏi. Nó mang theo hương vị của sự sum vầy, của tình thân, của lòng hiếu khách đặc trưng người Chăm. Trong những ngày thường, bánh là “quà sáng”, là cách để du khách ghi nhớ một vùng đất bằng vị ngọt đậm đà của thốt nốt, bằng cái xốp mềm vừa phải và mùi thơm khó lẫn từ bếp than hồng.

Theo Nhật, điểm đặc biệt nhất của bánh bò thốt nốt nướng Ha Cô chính là sự khác biệt trong cách làm. “Cùng nguyên liệu bột gạo và đường thốt nốt như những loại bánh khác ở An Giang, nhưng việc dùng bếp than để nướng đã tạo nên mùi vị rất riêng. Khi bánh mới ra lò, cầm trên tay vẫn còn âm ấm, lớp vỏ bánh khô ráo, bên trong xốp mịn, vị ngọt nhẹ và thơm béo. Đó là lúc bánh ngon nhất”.

Ngồi bên bếp bánh, nghe chuyện thốt nốt và những mùa Ramadan – những lát cắt đời sống giản dị mà sâu sắc

Ngồi bên bếp bánh, nghe chuyện thốt nốt và những mùa Ramadan – những lát cắt đời sống giản dị mà sâu sắc

Một sáng yên bình ở Châu Phong, khi những người phụ nữ Chăm với khăn trùm đầu sải bước chậm rãi qua các thánh đường Hồi giáo cổ kính, mùi bánh thốt nốt nướng len qua từng kẽ nắng, từng cơn gió, như một phần hơi thở của làng. Với những ai từng ghé qua, chiếc bánh vàng óng ấy không chỉ là món ăn – mà là một mảnh ký ức mềm mại mang theo về từ miền biên viễn.

Hà Mai Trinh - Ảnh: Nguyễn Thanh Nhật
RELATED ARTICLES