Ai Cập – Nóng bỏng, quyến rũ và mê hoặc

24/10/2012

Nóng! Dường như là cảm nhận của tất cả những ai khi vừa bước xuống khỏi chiếc máy bay khổng lồ của hãng Egypt Air xuống sân bay Cairo. Dù đã được thông báo trước về nhiệt độ ngoài trời luôn là 38, 39 độ, vẫn khó có thể tưởng tượng được cái nóng khủng khiếp đến thế nào trước khi chính thức bị nó bủa vây.

Bài và ảnh: Lam Linh

Từ sân bay về đến khách sạn chúng tôi mất khoảng 1 tiếng chạy xe. “Đấy là nếu không tắc đường!”, anh bạn hướng dẫn đón chúng tôi đã rào trước như vậy. Vấn nạn này dường như là điều lớn nhất mà chúng tôi luôn gặp phải trong thời gian tại Cairo, khi cả nhóm phải đợi cả tiếng đồng hồ tại quảng trường tự do Tahir để vào được Bảo tàng Quốc gia hay tranh thủ mua đủ thứ vào buổi tối khi tắc đường gần khu chợ Cổ vào lúc 23h đêm.

Cairo – Nóng bỏng sa mạc cát

Choáng ngợp bởi những kỳ quan sắp được thưởng thức, tôi quên cả cái nắng nóng rẫy ngoài trời, nhoai ống kính máy ảnh ra ngoài khung cửa xe. Thành phố chìm trong một màu đặc trưng – màu cát. Những ngôi nhà không trát vữa với máy điều hòa chạy hết công suất cùng vô số những bảng hiệu quảng cáo. Con đường phía trước chật cứng những chiếc xe cũ kĩ. Vô số xe hoa quả xếp đầy ngay bên vỉa hè. Một anh chàng chạy xe đạp lách qua dòng xe đông đúc, một tay điều khiển tài tình ghi đông, tay kia nâng một mâm bánh mì, món bánh chúng tôi được thưởng thức trong tất cả các bữa ăn tại xứ sở Ả Rập này.

Các vị khách thích thú với việc choàng khăn kín che nắng, leo lên chú lạc đà đủ màu sắc lắc lư và chiêm ngưỡng Kim tự tháp nổi tiếng từ trên cao. Là 1 trong 118 Kim Tự tháp được tìm thấy, Kheop – Kim tự tháp còn nguyên vẹn nhất được xây vào năm 2600 trước Công Nguyên, gồm 2.300.000 phiến đá cực lớn, nặng trung bình 2.5 tấn xếp chồng lên nhau. Tổng trọng lượng của Kim Tự Tháp là 60.000.000 tấn, tương đương với độ cao của tòa nhà 40 tầng. Cho dù có rất nhiều giả thuyết về việc người Ai Cập cổ đại đã làm cách nào để xây dựng nên những công trình vĩ đại này, mỗi vị khách đến đây dường như đều tự đưa ra giả thiết của riêng mình. Trong Kim tự tháp, mọi thứ đã được rời đi, tới Viện Bảo tàng hay bộ sưu tập cá nhân nào đó trên khắp thế giới, chỉ còn lại những Kim tự tháp sừng sững giữa sa mạc nóng bỏng cùng gió, cát và mặt trời.

Một trong những nơi còn lưu lại rất nhiều các cổ vật là Bảo tàng Al Mathaf Al Masri. Trong khuôn viên 3 tầng của Bảo tàng, căn phòng được quan tâm nhất thuộc về Vua Tutankhamun với bộ sưu tập đồ sộ gồm các trang sức chế tác bằng vàng và đá quý vô cùng tinh xảo, chiếc quan tài chạm khắc cực kì tinh tế và chiếc đầu vàng nặng 7kg. Một căn phòng khác hấp dẫn không kém là phòng “Xác ướp”, nơi trưng bày 13 xác ướp được tìm thấy trong các hầm mộ của các vị vua từ hơn 2000 năm trước Công Nguyên. Viện Bảo tàng không cho phép chụp ảnh và bạn phải mất thêm phí để vào các căn phòng đặc biệt. Giá vào cửa là 100 pound, sinh viên và phóng viên có thẻ được giảm nửa giá. Bảo tàng mở cửa vào lúc 9h sáng và đóng cửa lúc 18h hàng ngày.

Trên đường đến với sông Nile để tham dự một bữa tiệc tối trên sông, chúng tôi dừng lại tham quan thánh đường Muhammad Ali nằm trong pháo đài Citadel lừng lẫy. Thánh đường được xây từ năm 1830 đến năm 1857 mới hoàn thành. Đây là Thánh đường Hồi giáo lớn nhất được xây dựng trong nửa đầu của thế kỷ thứ 19 dưới sự chỉ đạo của Muhammad Ali, để tưởng nhớ người con trai trưởng của ông là Tusun Pasha mất năm 1816 và cũng là biểu tượng cho sự độc lập của Ai Cập với đế quốc Ottoman thuở ấy.

Trong Thánh đường, có rất đông khách du lịch và những người mộ đạo quây quần thành từng nhóm trên tấm thảm đỏ rực. Cùng với màu xanh lá cây của mái vòm, màu vàng của vàng dát trần và màu ngọc của đá Alabaster tạo nên những màu cơ bản rực rỡ cho Thánh đường. Những người ăn mặc chưa đủ kín đáo sẽ được phát cho một áo choàng màu xanh che kín thân. Các bạn trẻ Ai Cập dạn dĩ và vui vẻ mỉm cười khi thấy khách du lịch giơ máy ảnh về phía mình.

Đêm Ai Cập, trời cứ sáng bạc một màu nơi cuối chân trời xa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Alexandria – Mắt biển Địa Trung Hải

Alexandria đón chúng tôi với nắng ấm và biển xanh thăm thẳm. Là thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, cách Cairo 225km, đô thị có hơn 2000 năm tuổi này còn là quê hương của nữ hoàng nổi tiếng nhất trong thời kỳ cổ đại – Cleopatra. Alexandria được vua Alexander Đại Đế thành lập năm 331 trước Công Nguyên, là thủ phủ của người Lagide.

Alexandria ngày nay với đường biển trải dài hơn 30km là đô thị sầm uất và phát triển bậc nhất của đất nước Ai Cập. Những tòa nhà cao ốc chót vót mọc san sát nhau, cũng cong vòng theo đường biển dài, tạo thành một vòng cung hoàn hảo ôm lấy biển xanh. Một màu xanh bất tận, khó có thể phân biệt nổi đâu là trời đâu là biển.

Hàng ngàn khách du lịch sẵn sàng đắm mình trong làn nước trong xanh cùng vô vàn những trò chơi trên biển thú vị như dù lượn, câu cá, lặn ngắm san hô, moto nước. Do phong tục ăn mặc kín đáo của người Ả Rập, các bộ đồ bơi cũng được thiết kế ở mức kín đáo nhất để người phụ nữ Hồi giáo vẫn đi bơi được mà không bị cho là vi phạm phong tục. Tại Ai Cập, khách du lịch nên tránh việc đồ mặc quá gợi cảm hay quá hở hang khi vào các địa điểm là nơi tôn nghiêm của người Ai Cập.

Trong chuyến đi ngắn đến Alexandria, chúng tôi chỉ kịp ghé thăm hai địa điểm. Một là đấu trường La Mã duy nhất ở Ai Cập có từ thế kỷ thứ II. Đấu trường có đường kính khán đài khoảng 42m. Bên ngoài đấu trường là những mái vòm và tường bằng đá, các nhà tắm làm bằng gạch cùng phế tích nhiều căn nhà từ thời La Mã. Dù đã bị tàn phá sau nhiều năm, đấu trường vẫn còn nguyên vẹn nét quyến rũ và khung cảnh tráng lệ. Những lớp đá xô nhau trên nền tường, từng thời đại lịch sử xếp chồng lên nhau, tạo nên nét đặc biệt cho đấu trường.
Địa điểm thứ hai là pháo đài Qaitbay được xây dựng trên nền cũ của ngọn hải đăng Alexandria nổi tiếng. Là một trong những thành lũy bảo vệ quan trọng không những của Ai Cập mà còn của cả eo biển Địa Trung Hải từ thế kỷ XV, Qaitbay nằm được xây theo kiểu trung cổ đã được hoàn toàn tái thiết năm 2001-2002. Bên trong pháo đài có viện bảo tàng Hải quân, trưng bày nhiều cổ vật của những trận hải chiến thời La Mã và thời Napoléon. Ánh sáng hắt vào pháo đài qua những ô cửa sổ được bố trí khéo léo tạo nên những mảng màu huyền ảo. Ở bất cứ góc nào, bạn cũng có thể chụp lại những bức hình tuyệt đẹp. Những dãy hành lang dài hun hút, nghe rõ tiếng bước chân người lại qua, cầu thang nhỏ với bậc xoắn ốc đưa bước chân người tham quan lên tầng 2 rồi tầng 3 của pháo đài.

Luxor – Hoa và nắng

Thay vì những tòa nhà không một mảng tường trát vữa, một màu với cát cùng những làn cao tốc nóng khét bánh xe, Luxor hiền hòa đón chúng tôi bằng hai làn đường hoa nở tưng bừng, từ hoa giấy cho đến những bông hoa hồng hồng mà tôi không biết tên.  

Dòng sông Nile tuyệt đẹp chia cắt Luxor thành hai phần. Bờ Đông là "Thành phố của người sống", nơi người dân Ai Cập sinh sống với những vườn cây chà là tốt tươi, còn bờ Tây là "Thành phố của người chết", nơi các Pharaoh yên giấc ngàn thu trong những hầm mộ nằm sâu trong lòng núi đá và sa mạc. Trong cái nắng hầm hập của sa mạc, vùng đất được xem là nóng nhất Ai Cập này cũng là nơi lưu giữ những báu vật quý giá nhất của mảnh đất dọc sông Nile.  Luxor từng là thủ đô Thèbes huyền thoại của Ai Cập cổ đại. Thành phố đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1979.

Điểm đến quan trọng nhất tại Luxor là đền Karnak  - đền thờ thần mặt trời Amun-Ree (Ree tiếng Arab là mặt trời). Đền Karnak được xây dựng không phải chỉ bởi 1 vị Pharaoh mà bởi khoảng 30 vị Pharaohs nối tiếp nhau. Các vị vua hùng mạnh đã xây dựng nên những pylon (cổng vào) hoành tráng với những cột vòm khổng lồ trong khi các vị vua kém hùng mạnh hơn thì xây dựng những phần nhỏ hơn. Cổng chào của đền là hai hàng Sư tử đầu cừu đồ sộ dù đã bị thời gian và chiến tranh làm hư hỏng nặng vẫn in nguyên dấu ấn đặc biệt của một thời kỳ huy hoàng. Ngôi đền ngốn của tôi mất hơn 2 tiếng đồng hồ vì mải mê ngắm nhìn những cột đá chọc trời cùng những hình vẽ vô cùng tinh xảo trên nó.

Đền Luxor nằm cách đó không xa là đền thờ vợ thần Mặt trời. Khi chúng tôi đến đền Luxor thì trời bắt đầu tối và Luxor đang được thắp đèn. Ánh sáng vàng khiến những bức tượng trầm mặc trong ngôi đền càng trờ nên huyền ảo. Trong đêm sáng trăng và sao, ngôi đền với những cột trụ hoa văn nổi bật giữa nền trời tưởng như không bao giờ tắt nắng của vùng đất sa mạc khô cằn. 8h30 tối, chúng tôi rời khỏi Luxor, leo lên một chiếc xe ngựa cao chạy lòng vòng phố. Một tiệc trà nhỏ với những trái chà là ngọt ngon tuyệt ngoài ban công được khách sạn chuẩn bị để chúng tôi có thể vừa tận hưởng làn gió mát từ sông Nil thổi về vừa được ngắm bầu trời đêm rực rỡ với muôn ngàn vì sao lấp lánh.

Luxor nổi tiếng nhờ di sản đặc biệt của các đời Pharaon còn tồn tại đến ngày nay như đền Karnak, đền Luxor, thung lũng các vì vua, thung lũng các hoàng hậu và những bức tượng Memnon. Thung lũng của các vị vua và nữ hoàng nằm giữa những sườn núi và sa mạc cát trải dài không một bóng cây. Dù không được chụp ảnh và chỉ được chọn đi 3 trong hơn 60 ngôi mộ đã được các nhà khảo cổ khai quật trong thung lũng các vị vua, tôi vẫn thấy sung sướng đến không thốt nên lời. Tưởng tượng xem, bạn đi giữa những công trình vĩ đại như thế này, giữa những cái tên chỉ nghe thôi đã vô cùng nổi tiếng và huyền bí như pharaoh Tutankhamun, pharaoh Ramses, nữ hoàng Titi, hoàng hậu Nefertari… Những bức tranh còn nguyên vẹn màu sắc và những cảnh sắc của một thời lộng lẫy đã qua.

Ra về với gần 20 bức tượng đá lớn nhỏ mang hình ảnh vô cùng Ai Cập về làm quà, tôi hẹn trở lại với đất nước nhiều di sản vô giá này một ngày gần nhất, để khám phá về Aswan, về kênh đào Xu-e, về biển Đỏ và những nơi mà tôi đã từng được đọc và biết đến trên sách hay trong câu chuyện “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” từ thủa thiếu thời.

Thông tin thêm

  • Có nhiều hãng bay đến Ai Cập nhưng đều là các hãng bay từ các nước trong khu vực Asean như Singaphore, Thái Lan. Mức giá khoảng 1000 USD khứ hồi. Các hãng hiện có đường bay gồm Egypt Air, Kuwait Air, Air Ethiopia, Qatar Airways, Thai Airway…
  • Thời gian tại Ai Cập chậm hơn tại Việt Nam 5 tiếng. Người Ai Cập dùng bữa khá cách xa nhau: bữa sáng có thể là 9 – 10h, bữa trưa khoảng 16 – 17h và bữa tối 23 -24h đêm.
  • Lệ phí làm visa du lịch nếu có thư mời là 16 USD, không có thư mời thì phải đi qua công ty du lịch, giá là 70 USD. Địa chỉ ĐSQ Ai Cập: số 63, Tô Ngọc Vân, Hà Nội.
  • Chi phí đi Ai Cập  không đắt, nếu chi tiêu 1 cách khôn ngoan với đồng tiền chính là Egyptian Pound (LE), tỉ giá khoảng 1 USD = 5.7975 LE
  • Lái xe ở Ai Cập cực kinh khủng, với tốc độ và độ luồn lách. Bạn đến lần đầu sẽ thấy “ xanh mắt  và thót tim” vì kiểu lái xe của các tay lái taxi.
  • Trả giá nhiệt tình cho mọi món đồ từ chai nước đến hàng lưu niệm. Mọi người dặn mình là trả giá 1/5, nhưng có những món hàng có thể trả đến 1/10.
  • Các khách sạn tại Ai Cập với giá 15 USD – 20 USD là khá tốt. Internet rất đắt và chậm.
  • Thời tiết tại Ai Cập chênh lệch hơn 20 độ giữa ban ngày và ban đêm, bạn nên mang áo ấm để khoác vào buổi tối. Nhiệt độ ban ngày khoảng 38, 39 độ trong khi ban đêm là 22, 23 độ.
  • Ai Cập là đất nước Hồi Giáo nên khi ra đường bạn nên ăn mặc kín đáo với áo có tay và quần dài, dép quai hậu. Khi đi trên phố vào buổi tối nên đi theo nhóm, tuyệt đối không đi 1 mình.
  • Quà mang về: Tượng đá, các bức phù điêu, hương liệu spa, nước hoa, tranh và chà là.

 

 

 

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES