Ba bãi biển hoang sơ ít người biết tại Bình Định

23/05/2018

Dọc theo con đường ven biển trải dài hơn 90km từ thành phố Quy Nhơn về hướng Bắc, bạn sẽ đi qua ba thắng cảnh “đẹp ngất ngây” nhưng vẫn còn nguyên nét hoang sơ. Đó là Vũng Bồi, biển Đề Gi và gành đá Lộ Diêu, ba nơi bạn nên đưa vào lịch trình khám phá ngay và luôn khi chọn Bình Định làm đích đến cho mùa hè này.

Vũng Bồi, “nàng tiên” ngủ quên

Rời khỏi trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về hướng Bắc tới huyện Phù Cát, bạn sẽ đặt chân đến bãi biển Vũng Bồi. Nơi đây đúng là chốn ẩn náu của những người thích biển, bởi bãi biển ở đây vẫn còn nguyên nét đẹp hoang sơ, chưa bị khuấy động bởi những hoạt động kinh doanh du lịch.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Để đặt chân đến vùng biển vắng này, từ thành phố Quy Nhơn, bạn theo tỉnh lộ 640 tới cảng cá Đề Gi. Từ đây, bạn tiếp tục đi thuyền vòng qua núi để tới với bãi biển Vũng Bồi. Nếu bạn là người có sở thích leo núi, bạn có thể đi đường bộ tới biển Vũng Bồi bằng cách leo qua ngọn núi Hòn Lan.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Từ cảng Đề Gi, bạn sẽ lên canô trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên biển. Chuyến đi ngắn, mất hơn 20 phút, nhưng cũng vừa đủ để bạn lướt qua chân núi, nơi có những mỏm đá với nhiều hình thù kỳ dị đang đón những con sóng xô bờ trắng xoá. Trên những mỏm đá ấy, thỉnh thoảng có vài ngư dân ngồi cheo leo câu cá tựa như Khương Tử Nha câu cá chờ thời.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Cảm giác như lạc bước vào một thế giới hoàn toàn tách biệt, bạn thỏa sức vùng vẫy trong làn nước trong xanh, lặn ngắm những rạn san hô, từng đàn cá bơi lội giữa làn nước trong xanh nhìn thấu đáy. Trải nghiệm biển hè của bạn cũng trở nên đáng nhớ hơn với hoạt động trekking khu đồi cát vàng Vĩnh Lợi ngay cạnh bờ biển. Khác biệt với đồi cát Phan Thiết hay Ninh Chữ, trên đỉnh những đồi cát ở đây có nhiều mỏm đá nhấp nhô. Từ trên đỉnh cao này, bạn có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh Vũng Bồi đẹp tựa bức tranh sơn thủy.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Vũng Bồi hiện nay hầu như chưa có cư dân nên không khí rất bình yên. Đến đây, sau khi thỏa sức vẫy vùng trong làn nước mát lạnh trong veo, bạn đừng quên chèo xuồng kayak khám phá quanh các mỏm đá. Thú nhất là lặn bắt ốc, bắt cá rồi nướng cá, thưởng thức ngay tại chỗ. Lưu ý nên báo trước với chủ canô để họ chuẩn bị mọi thứ cho bạn.

Ảnh: Aloha Nguyễn

“Phi gỏi cá mai, bất ghé Đề Gi”

Đây là câu nói cửa miệng của nhiều người dân quê ở Đề Gi, Phù Cát. Nằm gần Vũng Bồi, nơi từng là trấn hải quan trọng vào thời các chúa Nguyễn này nổi tiếng với đặc sản gỏi cá mai. Người dân địa phương cũng nói: “Đi mà không nếm gỏi mai / Sao gọi đã đến Đề Gi cho đành!”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ảnh: Aloha Nguyễn

Cá mai được những ngư dân Đề Gi đánh bắt từ sáng sớm, nên còn tươi, cong mình. Làm gỏi cá, khó nhất vẫn là khâu rút xương cá. Người ta dùng kéo cắt bỏ đầu, lọc lấy xương, chừa lại chút xương khoảng bằng 1/3 con cá, rồi đem ướp đá lạnh, để cá vẫn có độ tươi. Một phần làm nên hương vị khó quên của gỏi cá mai là món nước tương. Ngoài ra còn có rau sống ăn gỏi cá, đều là thứ rau từ vườn nhà như xà lách, tía tô, thì là… Và không thể thiếu chuối chát, xoài xanh hay khế xắt lát mỏng để khử tanh, lại thêm vị chua chua dễ chịu.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Ăn gỏi cá, phải chan nước tương nhiều mới ngon. Vừa chấm, vừa húp, bạn mới thấm hết vị đậm đà của món gỏi cá nức tiếng vùng biển Đề Gi này.

Lộ Diêu, người “chị em” của Eo Gió

Khi nhắc tới thắng cảnh biển ở Bình Định, mọi người đều nghĩ đến bãi biển Quy Nhơn, Kỳ Co, Eo Gió. Thế nhưng ít ai biết rằng Bình Định còn có những bãi đá, bãi gành mang vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ như những “nàng tiên” chưa được đánh thức. Gành đá Lộ Diêu thuộc địa phận thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn là một trong số đó.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Muốn đến được gành đá phải đi xuyên qua núi Lộ Diêu. Con đường nhựa xuyên núi vừa làm xong, hai bên là vách núi dựng đứng, nhìn về phía trước chỉ thấy con đường nhựa trải dài hút mắt. Vừa vượt qua một khúc cua tay áo, ngó qua bên phải lại thấy mở ra thảm rừng xanh ngút ngàn.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Gành đá Lộ Diêu hiện ra trước mắt, đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Từ trên cao nhìn xuống, bãi biển Lộ Diêu tạo thành một đường cong mềm mại, uốn lượn theo bãi cát vàng lấp lánh, lưng tựa vào vách núi sừng sững.

Ảnh: Aloha Nguyễn

Những ngày nắng đẹp, làn nước biển trở nên xanh ngắt, bãi cát mịn màng cùng khung cảnh nên thơ nơi này sẽ mang đến cho du khách những phút giây thư giãn trên cả tuyệt vời khi trọn mình hòa vào không gian biển trời mênh mông.

Ảnh: Aloha Nguyễn


THÔNG TIN THÊM

+ Hành trình: Hiện nổi lên như thành phố du lịch đầy sức hút tại vùng biển miền Trung, Quy Nhơn rộng cửa đón chào du khách đến từ các thành phố lớn. Có nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific đến Quy Nhơn từ Hà Nội, TP.HCM… Quy Nhơn cũng nằm trên trục đường sắt Bắc - Nam nên rất thuận tiện để du khách đến đây bằng tàu hỏa.

+ Ẩm thực: Những món đặc sản phải thử khi bạn du lịch tới phố biển Quy Nhơn:

- Bún cá Phượng Tèo: Chả cá được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị. Còn sợi bún làm bằng bột gạo pha với bột mì, khi chín có độ dai và màu trong rất lạ. Nước dùng chủ yếu nấu bằng xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt thanh thanh, để lại cho người ăn cảm giác khó quên. Bạn có thể ghé quán bún cá Phượng Tèo ở số 211 Nguyễn Huệ và 415 Nguyễn Huệ để thưởng thức món ăn này.

- Bánh xèo tôm nhảy cô Năm: Đến Quy Nhơn, muốn thưởng thức hương vị rất riêng của ẩm thực đất võ, mời bạn ghé quán bánh xèo cô Năm dưới chân cầu Mỹ Cang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Từ Quy Nhơn, đi xe máy hay ôtô chưa tới 30 km, theo đường qua thị trấn Tuy Phước rồi rẽ về hướng Phước Sơn. Quán nhỏ, không biển hiệu, nằm ngay ven đường nhưng thực khách luôn vào ra tấp nập.

- Bánh hỏi cháo lòng quán Mẫn (76A Trần Phú): Bánh hỏi, cháo lòng là hai món ăn khác nhau nhưng lại được kết hợp với nhau tạo nên món ăn thú vị. Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Còn cháo được nấu khá loãng, bằng huyết ninh với nước cốt hầm từ xương và lòng lợn. Cháo vừa ngọt lại vừa thơm, ăn cùng với đĩa lòng lợn được chế biến khéo léo khiến món ăn này trở nên đặc biệt khác thường.

- Hải sản Út Lợi (20 Võ Đình Tú): Chỉ bán từ chiều đến tối. Quán này chỉ dân địa phương hay ăn nên toàn đồ tươi, chủ quán vui vẻ nhiệt tình và giá lại rẻ.

- Bún tôm, bún rạm Mỹ Hạnh (32 Ngô Đức Đệ): Nguyên liệu của món bún tôm, bún rạm Phù Mỹ nức tiếng Quy Nhơn là phải tôm, rạm của chính đầm Trà Ổ mới có được vị ngọt, vị thơm. Bún trong món này phải là sợi bún tươi được ép ra từ máy, luộc qua nước gạo, vắt qua nước trong mới cho vào tô. Loanh quanh khắp thành phố Quy Nhơn, không dưới 10 quán bún tôm, bún rạm Phù Mỹ nên thực khách có thể thoải mái thưởng thức. Giá tô lớn là 18.000 đồng, tô nhỏ là 16.000 đồng cho cả bún tôm, bún rạm.

- Ẩm thực đường phố: Ở Quy Nhơn hình thành những con đường chuyên bán món ăn cho mọi người. Khu Ngô Văn Sở là khu ẩm thực nổi tiếng nhất Quy Nhơn với vô số quán hàng ăn vặt ngon và rẻ. Còn đường Ngọc Hân Công Chúa là khu phố ẩm thực mới nổi lên gần đây với các quán bánh canh và quán ốc cũng đáng thử qua.

+ Lưu trú: Quy Nhơn là một thành phố du lịch nên dịch vụ lưu trú khá tốt, với hệ thống nhà nghỉ (khoảng 500.000 đồng/đêm) đến khách sạn 4-5 sao như Hoàng Anh Gia Lai – Quy Nhơn, FLC resort, Mường Thanh, Sài Gòn Quy Nhơn, Hải Âu (giá từ hơn 2 triệu đồng/đêm)… Nếu thích trải nghiệm cảm giác mới lạ, bạn có thể thử loại hình homestay với dịch vụ khá ổn (giá từ trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/đêm).

+ Phương tiện di chuyển: Từ Quy Nhơn, bạn có thể đi xe máy theo con đường ven biển trên tỉnh lộ 640 trải dài hơn 90 km về hướng Bắc, và lần lượt đặt chân tới Vũng Bồi, Đề Gi, rồi gành đá Lộ Diêu. Nằm ở quãng giữa cung đường này, bãi biển Vũng Bồi thuộc huyện Phù Cát, cách trung tâm TP. Quy Nhơn khoảng 30 km.

+ Dịch vụ: Để thuê canô du lịch khám phá vùng biển Vũng Bồi, bạn có thể liên hệ đặt trước với Mr.Toàn theo số điện thoại: 0122.770.4129.

Aloha Nguyễn
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES