Bali – Chạy vòng, xẻ dọc và xuyên ngang

02/07/2010

0h 30 phút đêm, chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không nội địa Indonesia – Lionair trả nhóm khách xuống sân bay nhỏ nhắn trên hòn đảo Bali. Trong đám khách cuối ngày, người ta bắt gặp những đôi tình nhân tay trong tay và cả những gia đình nhỏ với đủ vợ chồng cùng con cái.

            Lố nhố trong đám khách Tây toàn đôi là đôi chỉ có 2 người khách Việt Nam. Hòn đảo xinh xắn của đất nước bạn láng giềng Indonesia hiếm khi đón những người khách Việt, phần vì tiền vé máy bay không rẻ, phần vì nghe nói nơi đây toàn nhà nghỉ và khách sạn 4, 5 sao mắc tiền, khiến du lịch đến Bali có đôi chút rụt rè.

Tung tăng cùng nắng vàng, biển xanh


            Kuta – thị trấn rất được các bạn Tây đi bụi ưa thích vì biển, sóng, gió và cát trắng hầu như đã kín phòng. Giấc ngủ muộn đến trong đêm mịt mùng, oi bức và tiếng sóng biển vỗ ầm ào xa xa.

Kuta có lợi thế nằm ngay gần sân bay và bãi biển dài cát trắng hàng chục km với những đợt sóng tung bọt mạnh mẽ. Tại đây, khách sạn giá rẻ nhất cũng khoảng 320.000VND, đa phần là homestay. Bãi biển sóng lớn và dài thẳng tắp này thu hút phần đông lượng du khách đến với hòn đảo của biển Bali. Một phần vì giá cả rẻ, phần khác vì nơi đây có hằng hà sa số những cửa hàng cửa hiệu bán đủ thứ lưu niệm dành cho khách du lịch và những người ưa thích các môn bơi lội. Từ chiếc xà rông đủ màu sắc cho đến đôi dép cói, từ bộ bikini 1 hay 2 mảnh cho tới những chiếc chân nhái dùng để lặn, ván để lướt sóng, kính hay mũ bơi...đều có mặt trong các cửa hàng cửa hiệu mọc khắp các ngõ phố. Các khách sạn tại Kuta nằm trên hai trục phố chính là Poppies Gang 1 và 2 đều có hồ bơi dành cho khách nghỉ, phòng ốc sạch sẽ tiện nghi và ăn sáng miễn phí. Tại Kuta, lượng khách đông đảo là các bạn trẻ hay các cặp tình nhân, những người ưa nằm dài trên bãi biển với cả trăm người ồn ào, náo nhiệt khác hay có thể la cà trong các quán bar thâu đêm suốt sáng vừa hát hò vừa chuyện trò không dứt những câu chuyện trên trời dưới biển.


            Không khí tại Kuta rất nóng và oi bức. Tầm chiều tối và đêm là khoảng thời gian náo nhiệt nhất của Kuta. Khi mặt trời đã gần xế và cái nắng đã bớt oi nồng, hàng trăm du khách đủ mọi quốc tịch đổ về bãi biển rộng. Người ngụp lặn trên những làn sóng cao tung bọt trắng xóa, người lại ngả lưng phơi mình dưới bóng hoàng hôn hay thử sức mình với trò lướt ván mạo hiểm ngoài khơi.
Ngược với Kuta, bãi biển Nusa Dua nằm cách đó 20km lại là thế giới của những vị khách thích yên tĩnh và sự lãng mạn. Nusa Dua hoàn toàn là các khu resort cao cấp với những bãi biển dành riêng cho du khách trong khu nghỉ. Những ngôi nhà Bugalow đầy đủ tiện nghi riêng biệt, bể bơi rộng rãi, khuôn viên xanh cùng nhiều trò chơi thể thao, những bãi cỏ được cắt tỉa đẹp đẽ. Tại Nusa Dua, khách nghỉ chủ yếu là các đôi vợ chồng mới cưới hoặc gia đình trẻ đi hưởng kì nghỉ hè. Đây là một thiên đường thu nhỏ của Bali với bãi cát mịn trải dài vắng người, sạch sẽ, hai hàng cây phong ba tuyệt đẹp chạy dài thẳng tắp cùng dịch vụ phục vụ khách tiêu chuẩn 4 – 5 sao. Cùng với Uluwatu nằm sát phía cuối đảo, Nusa Dua là điểm đến ưa thích của các gia đình có con nhỏ.


            Vòng quanh hòn đảo xinh xắn về phía Singaraja, nơi tiếp đón ít các vị khách nước ngoài hơn vì nằm khá xa với trung tâm đảo là thế giới của những chú cá heo đáng yêu và thông minh. Để ngắm được loài sinh vật biển này, chỉ có cách là đến với vịnh cá heo thật sớm, khi bình minh vừa ló rạng trên bầu trời đêm.
Trái ngược với màu cát trắng mịn của bãi biển Kuta, phía biểm Bắc, dọc dài từ vịnh Cá heo cho đến tận Klungkung là biển cát đen. Phần biển phía bên này không có nhiều bãi tắm đẹp và mịn cát, chủ yếu là các vịnh nhỏ lắng sóng cùng những bãi đá dốc dựng đứng, sóng đánh tung bọt trắng xóa. Với những vị khách mê lặn biển và yên tĩnh, đây lại là thiên đường của những buổi lặn ngắm san hô và những buổi du ngoạn dưới những con sóng của biển khơi rộng lớn. Đường vòng quanh đảo chạy dài một đường độc đạo duy nhất, sát biển và rất đẹp. Để chạy hết vòng đảo, có lẽ bạn phải mất 2 ngày đường rong ruổi.

Nhưng có lẽ không có gì thú vị bằng việc được chạy quanh hòn đảo và chọn tắm biển trên những bãi biển vắng người, đầy thú vị dưới tàn dừa xanh mướt. Tiếng gió và tiếng sóng biển cùng ánh mặt trời nhảy nhót trong giấc ngủ thanh bình và không vội vã trên bãi biển trải dài hoang vắng.

Mướt mải trong “vùng đất của một ngàn ngôi đền”


            Từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 14, Hindu giáo – một tôn giáo tôn sùng nghệ thuật đã xâm nhập và để lại những dấu ấn rõ rệt tại Bali. Sau rất nhiều đắn đo, cuối cùng chúng tôi cũng đánh dấu một vài ngôi đền nổi tiếng và đẹp nhất để bắt đầu chuyến viếng thăm vùng đất lạ trên một chiếc xe máy được thuê với giá khá rẻ 80.000VND/ngày.
           
            Từ Ubud, men theo tấm bản đồ chỉ dẫn, chúng tôi đến với Pura Besakih, ngôi đền lớn nhất và có tuổi đời lâu nhất với hơn 2000 năm tuổi. Vì tất cả các con đường trên đảo Bali đều không có tên và người dân bản xứ đa phần không biết tiếng Anh, tôi buộc phải luôn miệng hỏi thẳng tên nơi cần đến trên bản đồ. Đường tới Pura Besakih phải đi xuyên qua rừng già, nơi có những cây si cổ thụ trăm tuổi trải những bộ rễ dài xuống con đường và lũ khỉ đứng chật hai bên đường khiến tôi có cảm giác đang đi xuyên trong những cảnh quay của bộ phim phiêu lưu mạo hiểm Indiana Jones. Trời sầm sì cơn mưa, đường đi trong rừng gặp sương mù càng trở nên ảo ảnh. Sau chặng đường dài hơn 60km và vài lần phải trú cơn mưa nặng hạt cùng vô số những ngôi đền trang nghiêm, u tịch trầm mặc trong cảnh sắc rừng già, cuối cùng chúng tôi cũng đến được ngôi đền nổi tiếng này.

            Một may mắn cho tôi trong chuyến đi này là đến đúng vào thời điểm Trăng tròn (ngày rằm), một trong những ngày được người dân Bali làm lễ thờ cúng tại khắp các đền trên đảo. Đâu đâu cũng dựng những cây nêu mới được làm bằng tre và cói rất sẵn trên đảo. Nhưng nếu bạn không đi đúng dịp này cũng có thể chứng kiến rất nhiều lễ hội khác. Với gần 20.000 ngôi đền và chùa trên đảo, mỗi ngôi đền đều có ngày lễ riêng khiến Bali trở thành vùng đất ngày nào cũng có lễ hội.

            Pura Besakih cùng các ngôi đền khác đều có quy định bắt buộc cho khách vào đền là phải mặc xà rông. Hai chiếc xà rông may bằng vải batik truyền thống của người Bali mà chúng tôi mua tại chợ Ubud được dùng tới. Tọa lạc trên sườn núi Gunung Agung – một ngọn núi lửa nổi tiếng, Pura Besakih mỗi ngày đón hàng ngàn người đến dâng hương. Đền Pura Besakih gồm 22 ngôi đền riêng lẻ trải dài đến 3km. Trong đền, những vị thần Hindu hiện hữu trong những bức tượng rêu phong. Từ tượng thần Brahma (thần Sáng tạo), thần Shiva (thần Hủy diệt) thần bảo vệ (Vishnu), hay thần khỉ Hanuma trong sử thi Ramayana có mặt trong hầu khắp tất cả các ngôi đền trên toàn Bali. Vị thần khỉ nổi tiếng này còn có hẳn một con đường trong Ubud mang tên Mokey Forest. Trong các đền, thần Shiva thường ở giữa, hai vị thần còn lại ở hai bên, biểu hiện sự thống nhất của ba quá trình tái tạo gồm sáng tạo, huỷ diệt và bảo vệ.

Nhưng ấn tượng với tôi hơn cả là Tampak Siring, trong ngôi đền gột rửa với hình ảnh nữ thần Saraswati bốn tay tượng trưng cho sự thông thái, trí tuệ, học tập và nghệ thuật nằm giữa hồ nước trong vắt. Dòng suối ngầm chảy từ trong núi đá xuống tạo thành hồ nước lớn. Trên tầng hai của ngôi đền, 12 vòi phun được thiết kế với những bức phù điêu đã phủ màu rêu phong. Dòng nước thiêng chỉ được dùng cho những nghi thức tôn giáo quan trọng. Người phương xa đến dâng hương, xin được tẩy mình dưới dòng nước thiêng. Họ sẽ đi lần lượt qua từng vòi phun, vừa cầu nguyện, vừa vuốt mặt dưới làn nước trong xanh, mong được gột rửa tội lỗi và những phiền muộn lo âu của cuộc sống.


            Ngồi lại trên bậc thềm của ngôi đền, tôi lặng ngắm những người dân bản xứ cung kính dâng mình dưới dòng nước lạnh buốt sau cơn mưa rừng. Những bông hoa đại dập dềnh trong làn sóng nước, tỏa hương thơm dìu dịu và thư thái.

            Trên đường đến với Tanah Lot ngắm hoàng hôn cuối chiều, chúng tôi ghé thăm Đền Pura Ulun Danu (hay Đền Nước). Ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 17  thờ thần Dewi Danu (thần Nước) hôm nay cũng đông khách đến thăm quan. Ngoài khu vực dành cho người Hindu, còn phần ngoài đền đều có thể vào tham quan. Hai ngôi đền được xây dựng trên 2 đảo nhỏ và được bao bọc xung quanh là nước của hồ, phản chiếu xuống mặt hồ và xa xa là sương mù cùng mây nằm vắt ngang trên đỉnh núi làm cho tôi có cảm giác đang lạc vào chốn tiên cảnh. Ngôi đền được bao bọc bởi khuôn viên cây xanh và hồ nước tự nhiên.
Tanah Lot lúc nào cũng đông khách du lịch đến thăm mỗi chiều. Từ rất nhiều nơi, du khách đổ về vùng biển này để thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn đẹp nhất trên đảo. Khi ánh sáng cuối cùng của mặt trời chiếu xuống Tanah Lot, cũng là lúc thủy triều dâng khiến hòn đảo nhỏ và ngôi đền biệt lập giữa biển khơi. Ngôi đền thiêng nổi tiếng này do những tu sĩ Bà La Môn xây trên một mỏm đá giữa biển vào thế kỷ XVI để bày tỏ lòng kính trọng của con người đối với sự che chở của biển cả, với hình tượng là những con rắn biển được truyền tụng là người bảo vệ ngôi đền chống lại những thế lực xấu xa.
Lạc lối theo điệu múa dưới trăng
Bandu Winardijato như thường lệ hôm nay theo bố đến buổi biểu diễn hàng ngày. Cậu bé lặng đứng từ xa, ngắm các nghệ sĩ barong đang biểu diễn hăng say và nhiệt tình trong ngôi đền gần biển.
Người Bali quan niệm rằng, tự nhiên là một thể thống nhất và cân bằng giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái có ích và có hại cho con người. Ốm yếu, bệnh tật và chết chóc đi kèm với ma quỷ và tà thuật. Khi yêu ma và cái xấu hoành hành thì cũng là lúc dân cư và cộng đồng sẽ gặp nguy hiểm. Chính vì vậy, người Bali coi điệu múa Barong này là một nghi lễ cầu nguyện để đẩy lùi cái xấu thiết lập lại trạng thái cân bằng.


            Điệu múa thường được bắt đầu với sự xuất hiện của Barong. Múa Barong giống như múa Lân ở Việt Nam, có hai người đàn ông sẽ điều khiển Barong - một người lo chân sau và một người điều hành chân trước cùng mặt nạ. Những Barong lại có nhiều hình dạng khác nhau do nó chỉ là sự ước lệ của lợn rừng, hổ, sư tử và thậm chí là cả voi…

            Sau Barong, đến lượt Rangda xuất hiện. Lừ lừ từ phía sau ngôi đền, Rangda xuất hiện như một nỗi kinh sợ từ bóng tối với chiếc lưỡi đỏ lửa, chiếc vòng cổ làm bằng ruột người, những móng tay như nanh vuốt dài sắc nhọn. Với chiếc khăn trắng trên tay, Rangda phù phép làm cho các binh lính của Erlangga giết hại chính mình.

Cảnh cuối cùng là sự đối đầu giữa Barong và Rangda. Tiết tấu nhanh cùng sự phối hợp của âm nhạc tăng thêm phần hấp dẫn cho cuộc chiến này. Một dàn nhạc phục vụ cho điệu múa này cũng có trên chục người với nhiều nhạc cụ truyền thống khác nhau. Kết thúc điệu múa là thắng lợi của Barong và sự bỏ chạy của Rangda. Những chiếc mặt nạ Barong và Rangda là những vật linh thiêng trong quan niệm của người dân Bali.
Người xem bị cuốn hút vào cuộc chiến nhiều màu sắc của múa Barong. Bandu cũng rất thích thú và chăm chú xem từ đầu đến cuối. Em đang theo học lớp nghệ thuật tại Ubud Place, nơi đào tạo các nghệ sĩ múa hang đầu cho toàn Bali.
 
Cùng với múa Barong, múa Legiong và Balinese là các điệu múa đặc trưng và được biểu diễn mỗi tối tại Bali, thu hút đông đảo khách đến xem mỗi đêm.


            Dưới ánh trăng đêm rằm trên đường về lại Ubud, con đường mờ ảo qua những cánh đồng đang mùa lúa chin, những rặng dừa nghiêng mình trong gió, xuyên qua những cánh rừng già. Thi thoảng trong ánh sáng trăng lúc mờ lúc tỏ, bất chợt lại hiện ra những bức tượng, đứng trầm ngâm im lìm tự bao đời. Trong gió, vẳng nghe tiếng đêm thênh thang, lồng lộng.

Với tôi, có lẽ 5 ngày là chưa đủ để khám phá hết những điều tuyệt vời ở Bali và khi bước chân ra sân bay trở về nhà, tôi bỗng hiểu vì sao, rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện quay trở lại mảnh đất này trong một ngày gần nhất có thể, trong đó có tôi.

Thông tin thêm:

Từ thủ đô Jakatar – Indonesia hàng ngày đều có các chuyến bay đến Bali. Chuyến bay cuối cùng từ 9h tối và đến Bali lúc 12h đêm.
Sân bay Ngurah Rai cách thị trấn Kuta 2km với giá tacxi khoảng 90.000VND
Đồng tiền Indonesia là Rupiat
Có đến 90% người dân Bali theo đạo Hindu và Bali là hòn đảo duy nhất của Indonessia lấy Hindu làm đạo chính thống.
Các đền tại Bali bắt buộc phải quấn xà rông mới được vào đền. Bạn nên mua riêng 1 chiếc và mang theo khi đi để tránh phải thuê với giá khá cao tại các đền.
Các khách sạn tại Bali đều có mức giá từ 150.000 Rupiat trở lên (khoảng 300.000VND/phòng 2 giường) với phòng ốc sạch sẽ, bể bơi trong khách sạn và ăn sáng.
Mức thu phí tại Bali là 10% phí + 5% phí phục vụ cho tất cả các dịch vụ.
Xe máy thuê tại đây có mức 40.000 Rupiat (khoảng 80.000VND) cho xe trong 1 ngày.
Xe oto thuê có mức 350.000 Rupiat/ngày.
Người Bali nói thách rất cao, mặc cả với mức ¼ giá được thét.
Người bản xứ không biết nhiều tiếng Anh, để mặc cả, cách tốt nhất là bạn luôn mang theo bên mình giấy và bút để viết cho rõ.
Một số hàng lưu niệm địa phương: mặt nạ barong, xà rông, vải batix...
Xem múa Legiong tại trung tâm văn hóa Ubud tại Bali vào các tối Chủ nhật
Xem múa Barong, thứ 3 và thứ 5. Giá vé xem biểu diễn múa là 80 Rp (tương đương 160.000 VND).
Thời tiết tại Bali khác nhau, gần biển nóng và oi bức, gần các đền đài hay có mưa. Bạn nên chú ý mang theo áo ấm.


Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Lam Linh

RELATED ARTICLES