Bali, hòn đảo trăng mật

22/09/2014

Trên nền khung cảnh vào lúc mặt trời đỏ ối đang dần chìm xuống Ấn Độ Dương, ngôi đền Tanah Lot nhạt dần hình bóng và phút chốc trở nên linh thiêng hơn trong những tia nắng vàng ươm mong manh cuối ngày. Trên những ghềnh đá nhô cao, trong âm thanh rì rào của sóng biển vỗ về vào bờ, những đôi lứa yêu nhau tay trong tay cùng tận hưởng hoàng hôn rơi.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Trên chuyến bay 8 năm về trước từ Singapore đến Bali, tôi khá chạnh lòng bởi tôi thuộc số 1% ít ỏi số người đơn thân độc mã đến nơi được mệnh danh là hòn đảo trăng mật này. Chuyến bay ngày ấy, đắp ắp những nụ cười và ánh mắt yêu thương, những nụ hôn nồng nàn của những người đang yêu trao cho nhau. 8 năm sau, cũng trên chuyến bay từ Singapore để quay trở lại Baili, tôi vẫn nằm trong con số 1% lẻ loi ấy.

Nhưng Bali trong tôi đâu chỉ có màu xanh tinh khôi của núi rừng và những khu ruộng bậc thang Ubud nổi tiếng, hay những tiếng sóng nhẹ êm từ những bãi biển đẹp, mà còn có liu xiu những mái đền làm bằng rơm rất đặc trưng của văn hóa Hindu giáo bên những hồ nước trong veo với mây gối đầu ngủ trên đỉnh núi… Một cách đơn giản nhất, Bali là thiên đường cho việc nghỉ dưỡng, đặc biệt cho những đôi lứa yêu nhau.

Hòn đảo dài khoảng 144km và rộng khoảng 80km vẫn cuốn hút và say mê khi tôi quay trở lại bởi mỗi một tiểu khu vực trên hòn đảo đều mang một sắc thái riêng. Khi nghĩ về Bali, tôi luôn nhớ về những resort đẳng cấp 5 sao mang dấu ấn riêng trong kiến trúc của người Bali nằm thơ mộng bên những bãi biển cát trắng mịn với sóng đánh lăn tăn vào bờ, là những liệu pháp Spa cổ truyền của người Bali đánh thức cả huyệt đạo và tái tạo năng lượng cho cơ thể sau một ngày mệt nhọc rong ruổi khắp nơi trên hòn đảo. Đó còn là những miếng thịt heo quay nức tiếng với tên gọi babi guling được xẻo từ một chú heo nhỏ với lớp da dày đủ độ béo giòn hòa quyện trong hương thơm tự nhiên của thịt khi được xiên quay trên bếp lửa hồng. Hay những bãi biển xinh đẹp của Bali đã đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho những du khách yêu thích các môn thể thao nước như lướt ván, lặn ngắm san hô, nhảy dù…

 

Dấu ấn Hindu giáo

Những người theo Hindu giáo từ hòn đảo Java đến Bali vào khoảng năm 100 TCN và tạo cho Bali một sắc thái rất riêng trong số 17.000 hòn đảo của đất nước vạn đảo Indonesia. Không như tôi nghĩ lúc đầu khi đến đây, Hindu giáo ở Bali khác xa nền văn hóa Hindu bên bờ sông Hằng của Ấn Độ, mà người Bali cứ gọi đó Hindu giáo của nền văn minh Java. Ẩn thoáng trong những rặng dừa xanh mát là những ngôi nhà được xây dựng thấm đẫm không gian từ trong bộ sử thi Ramayana và kiến trúc Lara Jonggrang rất riêng của người Bali.

Cứ mỗi sớm mai, tôi thích rảo bước quanh những ngõ hẹp để đón nhận hương thơm thoang thoảng từ những cánh hoa sứ được bày biện để cúng trên những bàn thờ nho nhỏ được đặt trước nhà của người dân địa phương. Như là một biểu tượng, hoa sứ còn được rất nhiều cô gái giắt cài bên mái tóc khi dạo trên những bãi biển in lại những dấu chân yêu thương của đôi lứa khi con sóng chưa vội lướt qua. Sesajen là tên gọi cho bàn thờ nho nhỏ ấy và mỗi ngày người Bali thường cúng một mâm lá thơm được kết tỉa cẩn thận trước mỗi ba bữa ăn trong ngày. Những thành phần không thể thiếu trong mâm lá thơm: hoa, gạo nếp, bánh, muối với ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng và hạnh phúc trong cuộc sống.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi ghé qua ngôi đền Basakih tại thị trấn Kintamani, nằm cạnh bên ngọn núi lửa Batur để tìm hiểu thêm văn hóa Hindu giáo của hòn đảo trong việc xây dựng các kiến trúc đặc trưng nổi tiếng Lara Jonggrang của người Bali. Từ những ngôi đền trên đỉnh dốc, ngọn núi lửa Batur soi mình xuống lòng hồ bên cạnh trông tuyệt đẹp! Núi cao 700m tính từ mặt nước hồ trở lên và được các nhà khoa học cho rằng xuất hiện từ khoảng 23.000 năm trước đây do các nham thạch từ dưới lòng đất trào lên. Đền Besakih hay còn gọi là “Đền Mẹ” với 22 ngọn đền lớn nhỏ bên trong và thờ chủ yếu là thần Siva, Bramah và Vishnu trong Hindu giáo. Nhìn cấu trúc của đền đá trung tâm, tôi lại quay ngược với thời gian vào thế kỷ 9 -12.

Vào thế kỷ 9 ở Java nổi lên hai vương triều hùng mạnh là Sailendra và Sanjaya. Để chứng tỏ sức mạnh của mình, cả hai tiến hành xây dựng cho mình các đền đại kỳ vĩ. Nếu vương triều Sailendra đã xây dựng được đền Phật giáo Borobudur tại Yogyakarta, thì Sanjaya mà đỉnh cao là nhà nước Mataram cũng đã xây dựng được cho mình các đền đài theo kiểu tổng thể Lara Jonggrang còn rất nhiều tại Bali ngày nay.

Tổng thể Lara Jonggrang gồm hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ nằm trong ba sân vuông lồng vào nhau tượng trưng cho 3 thế giới: thế giới người trần, thế giới các thánh và thế giới thần linh. Khu sân trung tâm hình vuông với các ngôi đền chính thờ 3 vị thần tối cao của Hindu giáo: Shiva (thần hủy diệt – tượng trưng cho sự chết), thần Vishnu (thần bảo vệ - tượng trưng cho cuộc sống hiện tại) và thần Brahma (thần sáng tạo – tượng trinh cho sự sinh ra đời).

Ngay dưới dãy tháp là hành lang với hàng loạt băng điêu khắc viền quanh ô khám chứa tượng thần. Cứ hai ô khám hợp lại với nhau tạo thành cánh cho một khối vuông nổi cao thể hiện các vị thần đang ngồi trong tư thế hoa sen. Những bức phù điêu đó có hình dáng mềm mại, tinh tế và các tác động tự nhiên thoải mái. Phù điêu ở kiến trúc Lara Jonggrang có giá trị không kém gì phù điêu ở Borobudur và tập trung minh họa bộ sử thi Ramayana của Hindu giáo. Nếu nhắc về văn hóa Trung Java thời cổ mà chỉ nhắc tới Borodubur thì sẽ không hoàn mỹ vì cả Borobudur và Lara Jonggrang đều là hai mặt của nền văn hóa cổ Java lúc bấy giờ.

Lãng mạn hoàng hôn rơi trên Ấn Độ Dương

Mọi người đều tập trung đến Tanah Lot hay bãi biển Kuta hoặc Pura Luhur Uluwatu để ngắm hoàng hôn dần rơi trên Ấn Độ Dương, được xem là trải nghiệm đáng nhớ về nơi này. Riêng tôi, tôi vẫn thích ngắm hoàng hôn ở Tanah Lot hơn bởi trong ánh chạng vạng của hoàng hôn, ngôi đền Tanah Lot phút chốc trở nên linh thiêng.

Tanah Lot là điểm thứ hai được chọn sau Water Temple để giới thiệu về Bali trên các tạp chí du lịch và theo tiếng của người dân Bali có nghĩa là “đất ở giữa biển”. Đền được xây dựng trên một mỏm đá nằm giữa biển với mặt chính của đền hướng ra Ấn Độ Dương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 15 bởi vị tu sĩ Bà La Môn cuối cùng tên là Nirartha. Ông đi từ đảo Java qua Bali và thấy mỏm đá rất đẹp nên quyết định dừng lại nghỉ chân. Ông qua đêm tại đây và sáng hôm sau nảy sinh ý tưởng xây dựng đền để thờ thần biển bảo vệ cho đảo Bali. Ý tưởng này được ông nói lại cho các ngư dân và đền được bắt đầu xây dựng. Phía dưới chân đền có khắc một con rắn biển rất lớn và theo truyền thuyết là người chống lại các loài quỷ dữ và bảo vệ cho ngôi đền.

Hoàng hôn đã buông lối khi quả bóng mặt trời đỏ ối đang dần chìm xuống Ấn Độ Dương. Ngôi đền Tanah Lot nhạt dần hình bóng và phút chốc trở nên linh thiêng hơn trong những tia nắng vàng ươm mong manh cuối ngày. Trên những ghềnh đá nhô cao, trong âm thanh rì rào của sóng biển vỗ về vào bờ, những đôi lứa yêu nhau tay trong tay ngắm hoàng hôn rơi. Một vài ai đó gục đầu vào vai nhau thủ thỉ nhỏ to như trao nhau những lời hẹn thề son sắt…

Tôi quyết định ghé qua sân khấu nhỏ cách Tanah Lot khoảng 4km để xem qua vũ điệu Sanghyang Jalan (hay còn gọi là Kecal) diễn lại bộ sử thi Ramayana. Sáng nay, tôi đã xem qua vũ điệu truyền thống Barong của người Bali cũng diễn về bộ sử thi này, nhưng có  một vài phân khúc tôi vẫn chưa hiểu lắm. Những vũ điệu này có từ đảo Bali từ thế kỷ thứ 13 và được người dân Bali bảo tồn cho đến ngày nay.

Vua Dasarata chỉ vì trót hứa với một bà vợ (do quỷ chúa Rahwana bày mưu) đã đày con trai ông ta là hoàng tử Rama cùng với cô vợ là nàng Sita xinh đẹp và em trai của Rama là Laksamanas vào rừng sâu 10 năm. Tại đây chúa quỷ Rahwana thấy nàng Sita xinh đẹp nên quyết tâm bắt nàng để làm vợ. Vỡ diễn bằng vũ điệu Sanghyang Jalan đã gây ấn tượng mạnh trong tôi bằng đoạn các thần đốt đuốc cầu xin Vishnu giáng thế để cứu giúp Rama. Cảnh diễn đã tạo ra cho tôi một cảm giác: thế giới đang bước vào thời kỳ tối tăm, cái ác là bóng tối bao trùm lấy cái thiện là những ngọn đuốc lẻ loi trong đêm.

Khi hoàng hôn đã tắt, ánh đèn thành phố bừng lên thì cuộc sống ở  vịnh Kuta của Bali mới thật sự là đỉnh điểm. Mỗi một quán đều có một ban nhạc chơi riêng theo nhiều dòng nhạc khác nhau từ rock, jazz đến pop hay hát lại những bài hát bất hủ… Vừa bước vào quán để chọn món ăn tối, ban nhạc trên sân khấu chào và hỏi tôi đến từ đâu, muốn họ trình bày cho nghe nhạc phẩm gì. Tôi chọn bài Hello!

Thật ấm cúng và lãng mạn khi ngồi ăn dưới ánh đèn cầy lung linh, nghe một bản nhạc mình thích. Bên những góc bàn đối diện, những người đang yêu lại đắm đuối, say trong mắt nhau. Những nụ hôn nồng nàn đã được trao nhau trong ánh sáng và âm thanh quyến rủ. Ngoài khơi xa, những con sóng từ vịnh Kuta vẫn vỗ vào bờ tạo thành âm thanh rì rào dịu êm. Chúng như đang rơi vào biển tình ở Bali.

Thông tin thêm:

+ Khai thác đường bay từ TP.HCM và Hà Nội đến Bali có các hãng hàng không Air Asia, Tiger Air, Singapore Airlines, Malaysia Airlines và Thai Airways.

+ Cần mang theo tiền USD có seri từ năm 2000 trở lên. Tại Bali, những tờ USD có seri 1996 rất khó đổi và tỷ giá rất thấp.

+Cách dễ dàng nhất để dạo quanh hòn đảo là taxi. Hãng taxi Blue Bird (tham khảo tại: www.bluebirdgroup.com ) với thân xe màu xanh dương có mặt hầu hết ở các điểm du lịch của hòn đảo. Chi phí taxi được tính theo km. Ngoài ra, du khách có thể thuê xe đạp (3USD/ngày) hoặc xe máy (10USD/ngày) để đi đọc hòn đảo.

+ Đến Bali, du khách đừng quên tới Pura Luhur Uluwatu, ngôi đền huyền bí được xây dựng cheo leo trên đỉnh hòn đá ở Uluwatu. Phí vào cửa là 5.000 Rp (0,5 USD) và du khách phải choàng sarong (đã bao gồm phí) khi bước vào để thể hiện sự thành kính đối với các vị thần.

+ Đến Bali, du khách nên thử qua món ăn đặc sản babi guling (heo quay). Ngon nhất có lẽ ở vùng Ubud bởi những chú heo mọi lai heo rừng được thả nuôi một cách tự nhiên giữa đồi núi. Những chú heo khoảng 5 tháng tuổi được xiên qua một thanh tre và được quay trên bếp lửa hồng. Lớp da dày đủ độ béo giòn tan hòa quyện với miếng thịt ngọt tự nhiên khi đưa vào miệng khiến du khách khó quên được. Nhà hàng Bu Oka là sự lựa chọn tối ưu cho du khách khi đến Bali.

+ Nếu muốn thưởng thức món vịt quay nổi tiếng của Bali, du khách có thể đến nhà hàng Tepi Sawah (www.tepisawahvillas.com) hay Bebek Bengil (www.bebekbengil.com). Nhà hàng Pondok Tempo Doeloe (8 Jalan Sunset. Tel: 62 361 919 6868) nổi tiếng với các món ăn truyền thống của người Indonesia với giá cả phải chăng như: cá chiên giòn (gurame goring), cơm gạo thơm nấu nước dừa (nasi liwet) và món gà nướng (ayam bakar)…

+ Hãy thư giãn và trải nghiệm kiểu massage truyền thống theo kiểu của người Bali. Bạn sẽ thấy sự khác biệt khó tả thành lời. Các điểm massage hay spa luôn mang đến sự hài lòng cho du khách bao gồm: Jari Merani, Royal Kirana Spa và Bamboo Spa.

+ Ngoài ra, tới những quán bar Potato Head Beach Club, The Rock Bar và Ku De Ta sẽ giúp bạn hoàn toàn thư giãn khi đêm về.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES