Bình yên hoa cỏ nước nguồn

17/08/2014

Trời phú cho Khansar những suối nước khoáng luồn lách chảy khắp vùng núi làm cây cối xanh tươi, hoa phô màu rực rỡ. Từ thủ đô Tehran (Iran) đi 400km thì đến đây, qua những dãy núi trọc và hoang mạc mênh mông, đến Khansar thấy xanh mướt lộc non.

"Về nhà tôi chơi đi"

Màu xanh của núi rừng và suối nước khoáng tràn trề là hai đặc sản khiến cho Khansar đầy ắp du khách. Thứ sáu là ngày nghỉ cuối tuần, như chủ nhật ở ta, người từ khắp đất nước đổ về đây. Các bãi đỗ xe đầy chật, xe đỗ tràn cả hai bên đường. 

Địa thế thành phố trên núi khiến cho những đường phố Khansar uốn lượn lên dốc xuống đèo. Nửa núi nửa đồng bằng. Nửa phố nửa đồng quê.

Đang đi trong phố bỗng nhiên gặp một cánh đồng đại mạch xanh rờn. Đang đi trong phố bỗng nhiên lại phải trèo vài chục bậc thang trên sườn núi để lên một phố khác. Đang đi trong phố bỗng nhiên có lối leo lên một công viên nước suối tràn trề. Nước là một đặc sản. Người Iran chỉ nhìn thấy nước thôi, nghịch với nước thôi cũng là một niềm vui. 

Hồ trên núi cung cấp nước cho năm tỉnh trong vùng - Ảnh: H.A.T.

3 giờ chiều, ở cái sân thoáng rộng của khách sạn Zagros, đang phóng tầm mắt lên ngọn núi đằng sau nhà thì mấy anh chàng đến làm quen. Họ nói tiếng Farsi, mình nói tiếng Anh, thế mà một lúc cũng hiểu nhau. 

Mấy anh em là người ở Arak, cách đây khoảng trăm cây số, hôm nay ngày nghỉ họ kéo nhau đến đây đi dã ngoại. Người ở đâu ta? Việt Nam. Việt Nam à? Về nhà tôi chơi đi, đi ngay tối nay đi. 

Lại nhớ trên đường đến đây, gần vào đến Khansar thì rủ nhau rẽ vào một trang trại bên đường. Xanh um cây lá, nước nguồn trong vắt róc rách chảy từ trên núi xuống. Những bức tường đất long lở chạy dài hai bên lối đi trong vườn, bức tường đặc trưng thường thấy trong tranh thảm Ba Tư. 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Về nhà uống nước đã” - Ảnh: Hồ Anh Thái

Bỗng nhiên có tiếng lục lạc. Một đôi vợ chồng già và đàn gia súc từ xa tiến lại. Ông già ngồi trên lưng một con lừa chất đầy những bó cỏ và rau. Bà già đi sau đuôi lừa cùng mấy con cừu.

Chúng tôi giơ máy ảnh chụp lia lịa cái cảnh như thể cả trăm năm trước ở xứ Ba Tư. Còn đòi ông già dừng lừa lại để chụp thêm. Chụp xong cười chào thì ông già mời: "Về nhà uống nước đã."

Đấy là cái hiếu khách của người Ba Tư. 

Tulip treo, Tulip ngược, Tulip chuông

Thật ra chỉ có một loại hoa tulip mà thôi. Bông hoa màu tím đỏ, khi mới nở thì ngửa lên bình thường, một thời gian sau úp xuống rồi trước khi tàn lại ngửa lên.

Khoảng thời gian dài nhất là khi hoa úp xuống trông như những quả chuông, những chùm chuông treo trên cành. Nhìn những bông hoa như chuông treo mà tưởng như có tiếng chuông ngân nga trong gió.

Bạn gọi là hoa tulip treo, hoa tulip ngược, tôi thì muốn gọi là hoa tulip chuông. Thôi thì gọi là gì cũng được.

Lên núi Golestan xem tulip chuông - Ảnh: H.A.T.

Cái tên núi Golestan có nghĩa là hoa viên, vườn hoa. Đại thi hào Ba Tư cổ Saadi có tập thơ đã dịch ra tiếng Việt là Vườn hồng, trong nguyên gốc tiếng Ba Tư tập thơ ấy cũng mang tên Golestan. Coi như chúng tôi đang đi giữa vườn hồng của Saadi.

Tên của thành phố Khansar có nghĩa là xứ sở của mùa xuân. Tới đây thì nên đến vào mùa xuân hoặc có thể hiểu ở đây quanh năm là xuân. Như đã nói ở trên, vùng này có hai đặc sản là cây cỏ và nước. Cây cỏ cho hoa, hoa cho ong làm mật, mật ngon bậc nhất xứ Ba Tư.

Có loại mật đặc biệt của một thứ côn trùng giống như ong, người ta lấy làm thành loại bánh gọi là gaz nổi danh khắp xứ, người đâu đến đây cũng mua bánh này mang về. Còn đặc sản nước: một hồ nước lớn trên núi cao, một đập nước được xây lên, cung cấp nước sinh hoạt cho năm tỉnh quanh vùng.

Hãy mua đặc sản Khansar: mật ong và bánh gaz - Ảnh: H.A.T.

Từ trên cao nhìn xuống thấy mặt hồ xanh biếc in hình mây trắng. Những khu biệt thự, những khu nghỉ dưỡng mái ngói đỏ tươi thấp thoáng trong um tùm cây lá tạo thêm không khí cho một vùng trời nước ở xứ sở mùa xuân. 

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES