Cụ thể, theo đạo luật mới ban hành, "người sử dụng lao động phải tôn trọng quyền riêng tư của người lao động", bao gồm cả thời gian nghỉ ngơi và thời gian dành cho gia đình. Bất kì hành vi vi phạm nào cũng đều được coi là hành vi vi phạm "nghiêm trọng" và có thể bị phạt tiền. Pháp cũng đã ra một quy định tương tự kể từ năm 2017, cho phép người lao động nước mình bỏ qua các email công việc sau giờ hành chính.
Chính sách mới này là một trong các quy định về làm việc tại nhà của Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, nước này cũng bổ sung thêm một số luật khác như nhân viên có quyền từ chối làm việc từ xa nếu họ muốn, họ cũng có thể tự đưa ra yêu cầu với sếp về việc sắp xếp, phân bổ công việc sao cho phù hợp với các hoạt động khác trong cuộc sống của mình.
Người sử dụng lao động sẽ phải cung cấp cho nhân viên những công cụ tiện ích để họ thực hiện làm việc từ xa, đồng thời phải trả cho người lao động bất kỳ khoản chi phí bổ sung nào, bao gồm tiền điện và tiền khí gas tăng lên khi nhân viên phải làm việc ở nhà. Trong thời điểm này, hai bên nên sắp xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp với nhau hai tháng một lần.
Ngoài ra, nhân viên có con cũng sẽ được lựa chọn làm việc tại nhà vô thời hạn mà không cần sự cho phép của người quản lý, cho đến khi con của họ được 8 tuổi.
Bà Ana Mendes Godinho - Bộ trưởng Lao động và An sinh xã hội Bồ Đào Nha, nói rằng Chính phủ Bồ Đào Nha muốn khiến cho hình thức làm việc từ xa trở nên dễ dàng nhất có thể, và đặc biệt là để thu hút những người lao động mới từ nước ngoài đến làm việc tại quốc gia châu Âu này. Công ty nghiên cứu Gartner ước tính rằng nhân viên làm việc từ xa sẽ chiếm 32% lực lượng lao động toàn cầu vào cuối năm 2021, nhiều hơn so với 17% vào năm 2019.