Nhâm nhi ly espresso ở một quán quen trên đại lộ République, Paris. Bây giờ là 8 giờ sáng, vẫn còn rất sớm trước khi lớp học của tôi bắt đầu tại ESCP Paris Campus. Nhưng bây giờ là 1 giờ chiều ở Việt Nam, nhóm của tôi đã sẵn sàng cho cuộc họp WIP (work in process) hằng ngày. Tôi theo dõi tình hình các bạn copywriter đang theo sát dự án cho một khách hàng chuyên ngành Công nghệ. Sản phẩm flagship (sản phẩm chủ chốt) của họ chuẩn bị được tung ra, trong khi các sản phẩm TV, điện lạnh khác vẫn đang trong giai đoạn duy trì. Rất nhiều nội dung cần được chuẩn bị.
Cả nhóm cập nhật tình hình các bài viết trên Trello, một ứng dụng quản lý công việc. Nếu có tác vụ nào chậm deadline (hạn chót), hệ thống sẽ hiển thị màu đỏ, còn nếu đúng deadline thì sẽ là màu xanh. Cả nhóm dành 30 phút để suy nghĩ ý tưởng cho sản phẩm mới, đồng thời thảo luận cùng Giám đốc Nghệ thuật để thực hiện hình ảnh tung lên trong ngày ra mắt. Vì là sản phẩm flagship nên hình ảnh phải tuân thủ nguyên tắc nghiêm ngặt, riêng tagline (một thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực marketing nhằm định vị sản phẩm và triết lý của công ty), chúng tôi phải viết tầm 5 câu khác nhau cho khách hàng lựa chọn.
Cuộc họp kết thúc, phần việc trong ngày tương đối ổn. Tôi chỉ cần viết tagline mới cho chiến dịch, đồng thời kiểm tra chất lượng bài viết của các bạn cấp dưới, trước khi gửi đi cho khách hàng. Việc sử dụng phần mềm quản lý công việc thực sự giúp tôi xem được toàn bộ các bài tập cần làm trong ngày. Mỗi bài tập đều có deadline cụ thể, tôi chỉ việc xem bài tập nào đang hiện màu đỏ hay vàng (tức là đang trễ deadline) để thực hiện trước. Nếu xong hết, tôi sẽ chuyển qua viết những đề mục mang màu xanh lá thân thiện.
Viết xong vài ý tưởng ngốn hết của tôi 45 phút. Vẫn dư dả thời gian thư thái đi bộ đến trường bắt đầu lúc 10 giờ sáng - giờ Paris. Tôi đã làm việc liên tục gần hai giờ đồng hồ, hoàn thành công việc ở Việt Nam, tại một quán cà phê cách đó 14 giờ bay. Đôi khi trong lúc nghe giảng, vẫn có những cuộc gọi gấp qua Viber vì khách hàng cần thay đổi đoạn caption sắp đăng lên Facebook, hay hashtag Instagram bị sai. Nhìn chung, đó là một buổi sáng bận rộn điển hình của tôi. Nhưng rất vui vì được hít thở bầu không khí dịu nhẹ của Paris tháng 5, nhâm nhi ly cà phê không quá ngon nhưng có quang cảnh lãng mạn, và hoàn thành công việc của mình ở Việt Nam với nguồn thu nhập từ lương ổn định.
Đó là một ví dụ của những ngày tôi theo lối sống workation: vừa đi du lịch, vừa làm việc. Một ý tưởng không quá mới mẻ gì với bạn bè các nước, nhưng tương đối lạ lẫm với chúng ta. Cô đọng lại là bạn vừa đi du lịch, vừa làm việc để có thu nhập mà không bỏ lỡ khoảnh khắc khám phá thế giới.
Workcation nghĩa là gì?
Kết hợp từ work (làm việc) + vacation (kỳ nghỉ), workation là khái niệm để chỉ cách làm việc từ xa kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng. Xu hướng này bắt nguồn từ Mỹ và các nước châu Âu và ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của bộ phận lớn dân công sở. Đến nay, tận hưởng kỳ nghỉ kết hợp làm việc từ xa đã lan rộng sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
"Trụ sở" của tôi ở Sài Gòn - nơi tôi có nhà, gia đình, bạn bè, công việc. Sở thích du lịch bắt đầu từ năm 2014 duy trì cho đến nay. Tôi sở hữu các kênh mạng xã hội riêng viết về du lịch, có thể gọi tôi là blogger du lịch, nhưng tôi không kiếm được đủ tiền với mức chi tiêu từ du lịch. Du lịch toàn thời gian không phải là một điều tôi hướng tới, vì cơ bản cái gì nhiều quá sẽ mau chán. Du lịch bán thời gian là điều tôi chọn. Khi có tiền, có cảm hứng, có khoảng trống trong công việc thì tôi đi. Mỗi năm (trước đại dịch) tôi đi trên dưới 10 chuyến đi nước ngoài, từ 3 ngày đến Singapore, Thái Lan, đến một tuần hay thậm chí một tháng ở châu Âu, châu Phi, Đông Á. Việc chỉ có 15 ngày phép khiến cho những kỳ nghỉ của tôi không được tận hưởng trọn vẹn. Bởi vậy, lựa chọn vừa du lịch, vừa làm việc là điều tối ưu với tôi hơn cả. Workation giúp tôi vừa hoàn thành công việc, với thu nhập ổn định, vừa được chu du khắp nơi.
Đa số chúng ta sẽ thấy freelancer mới theo đuổi workation. Nhưng tôi là trường hợp ngược lại: vừa có công việc toàn thời gian, vừa thường xuyên xê dịch. Từ những trải nghiệm "suôn sẻ" của bản thân, dưới đây là 5 điều nằm lòng để bạn có thể bắt tay vào workation hiệu quả.
1. Công việc không quản lý bạn bằng thời gian xuất hiện tại văn phòng, mà được quản lý bằng hiệu quả công việc. Công việc sáng tạo trong một agency quảng cáo cho phép tôi được thoát khỏi không gian vật lý của văn phòng. Tôi không cần phải ngồi tại bàn làm việc mới có thể viết ra một tagline hay, không cần phải vào phòng họp mới thảo luận ý tưởng cùng đồng nghiệp. Kết quả mới là đích đến cuối của công việc tôi làm. Một ý tưởng hay, một câu tagline bắt tai, một proposal chất lượng.
2. Workation phải có được sự đồng thuận của đồng nghiệp và cấp trên. Không ai muốn phải đối mặt với sự ganh tị khi trong một tập thể, bỗng có một thành viên vừa làm việc vừa "được" đi hưởng thụ cả. Để có thể workation trong "thanh thản", một môi trường không đố kỵ, soi xét với lựa chọn sống của bạn là điều cần thiết.
Môi trường làm việc của tôi là một agency quốc tế với các cấp trên là người Ba Lan, người Philippines, đồng nghiệp cũng là những người trẻ năng động và cởi mở. Họ không quá xa lạ với workation. Có những lúc cấp dưới của tôi muốn đi du lịch Đà Lạt nhưng hết ngày phép, tôi vẫn đồng ý cho họ đi, miễn đảm bảo công việc trôi chảy là được.
Mọi người đều vui vẻ và áp dụng lối sống workation để có thể tận hưởng cuộc sống và theo đuổi sự nghiệp của mình. Bản thân làm trong ngành sáng tạo, vị sếp trực tiếp của tôi cũng hiểu tôi cần nhiều nguồn cảm hứng mới tạo ra những kết quả tốt, rằng việc du lịch cũng giúp ích cho công việc.
3. Nơi nào có Internet, nơi đó chính là văn phòng. Hãy dành những ngày nghỉ phép để offline hoàn toàn cho những chuyến đi mạo hiểm khám phá. Ví dụ như trong chuyến leo núi ở dãy Himalaya, tôi hoàn toàn không có Internet nên lựa chọn workation lúc đó không hề phù hợp. Việc đi trekking 8-10 tiếng mỗi ngày cũng khiến đó là môi trường workation kém lý tưởng nhất. Thế nên, nếu là đi du lịch ở Nhật với Internet và 4G phủ khắp nơi, và có thể ngồi làm việc trên chuyến tàu shinkansen tiện nghi, tôi sẽ chọn workation.
4. Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; luôn sẵn sàng giải quyết công việc ở mọi nơi. Một tip để workation hiệu quả là: hãy có thời gian biểu và lên lịch trình họp với đồng nghiệp. Mỗi nước với một múi giờ khác nhau, chắc chắn sẽ có sự chênh lệch thời gian, vậy nên tôi luôn chủ động đưa ra khung giờ phù hợp cho cả nhóm để cùng nhau họp, cũng như để mọi người thấy tôi có tương tác với công việc của mình. Dù đi đâu cũng hãy đảm bảo bạn không trễ deadline. Có như vậy, bạn mới có những chuyến workation sau.
5. Làm hết sức và chơi hết mình. Trong 2 tiếng đồng hồ buổi sáng, tôi dồn hết sức để hoàn thành công việc trên ứng dụng Trello. Toàn bộ thời gian còn lại, tôi dành để tận hưởng chuyến đi.
Thực tế, chúng ta đều biết rằng, có rất nhiều thời gian "chết" trong khoảng thời gian hành chính ở văn phòng. Vậy tại sao ta không dồn hết sức làm việc, để biến thời gian "chết" ấy thành khoảng thời gian "vàng" để khám phá một thành phố lạ, tận hưởng cuộc sống thi thú khác cho mình?
Workation không phải là một xu hướng, không phải vì đại dịch mà mọi người mới nhận ra việc chúng ta có thể làm nhiều thứ trong thời gian "chết" ở văn phòng. Workation vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu và hình thành như một lối sống hiệu quả, ít nhất với bản thân người viết và những đồng nghiệp xung quanh. Thế nên, nếu tính chất công việc cho phép, hãy thử lựa chọn một cuộc sống cân bằng như vậy, để ta thật sự sống chứ không phải "chết lì" trong bốn góc văn phòng.