Vì môi trường, bạn đã sẵn sàng từ bỏ kem chống nắng?

09/10/2021

Kem chống nắng - hành trang đặc biệt cần thiết trong những chuyến đi biển. Song, cũng kem chống nắng, lại là mối nguy hại tiềm ẩn đối với những sinh vật dưới biển. Vậy giải pháp cho tất cả là gì? Liệu có phức tạp quá chăng? Hãy cùng Travellive tìm hiểu qua bài viết này.

Kem chống nắng là gì?

Kem chống nắng là một sản phẩm dạng kem hoặc dạng xịt/gel có chứa chỉ số chống nắng và các hợp chất hoá học giúp xây nên một hàng rào bảo vệ da chỉ sau 10 - 20 phút thoa kem.

Trong ánh nắng có chứa nhiều tia cực tím như UVA/UVB/UVC… gây ảnh hưởng xấu đến làn da. Nó là tác nhân gây nên những vấn đề sạm dạ, tăng sắc tố da, nhăn khô và lão hoá nhanh… Khi đó, kem chống nắng với chỉ số SPF (Sun Protection Factor) và PA (Protection Grade of UVA) như một rào chắn bảo vệ làn da khỏi sự tấn công của ánh nắng mặt trời.

Các chỉ số của kem chống nắng (Ảnh Internet)

Các chỉ số của kem chống nắng (Ảnh Internet)

Kem chống nắng có hai loại: chống nắng vật lý (sunblock) và chống nắng hoá học (sunscreen) với nhiều hoá chất tổng hợp không thực sự tốt cho sức khoẻ và môi trường. Nhiều nhà khoa học cảnh báo về việc hoá chất của kem chống nắng ngấm qua da gây rối loạn nội tiết hoặc gây ảnh hưởng xấu tới phụ nữ mang bầu. Ngành công nghiệp kem chống nắng kiếm bộn tiền từ thói quen tránh nắng của mọi người, nhưng đồng thời cũng đặt ra một dấu hỏi lớn về mức độ an toàn cũng như vô hại với làn da, con người, môi trường sống.

Kem chống nắng và mối đe doạ với sinh vật biển

Tại nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng kem chống nắng khi tham gia các hoạt động tắm biển, lặn, bơi lội hiện đã bị hạn chế hoặc cấm. Một vài bang ở Mỹ đã ban hành lệnh cấm này, nổi tiếng là bang Hawaii. Gần đó, Palau cũng được ghi nhận là quốc gia đầu tiên đưa ra lệnh cấm những người bôi kem chống nắng "độc hại" đi tắm biển. Mới đây nhất là Thái Lan, với lệnh cấm sử dụng kem chống nắng chứa các thành phần hoá chất độc hại với san hô ở tất cả các vườn quốc gia biển (national marine parks). Luật cấm có hiệu lực từ 4/8.

Những rặng san hô tự nhiên tuyệt đẹp tại Palau - Thái Bình Dương (Ảnh Internet)

Những rặng san hô tự nhiên tuyệt đẹp tại Palau - Thái Bình Dương (Ảnh Internet)

Những loài sinh vật biển gồm các rặng san hô, các loài sứa, sao biển ở gần bờ sẽ có mức độ ảnh hưởng hơn cả. Đặc biệt là san hô non, chúng tăng trưởng rất chậm chạp và sẽ ngừng phát triển nếu bị cản trở từ hoá chất hoặc tác động vật lý.

Theo Tiến sĩ Craig Down - chuyên gia nghiên cứu về tác động của kem chống nắng đối với sinh vật biển cho biết: “Oxybenzone là tác nhân xấu nhất trong 10 hoá chất bị cấm. Nó làm san hô chết hàng loạt ở nhiệt độ thấp, giảm sức chống chọi của chúng với môi trường”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tiến sĩ còn cho biết thêm, những nhánh san hô non chịu tổn thương nghiêm trọng khi tiếp xúc với kem chống nắng hơn là các nhánh san hô già. Khi san hô non không thể phát triển, chỉ còn các nhánh già, tất cả sẽ mau chóng biến mất và tương lai có thể không có những rặng san hô tự nhiên.

Ước tính khoảng hơn 13.000 tấn kem chống nắng bị rửa trôi xuống các rặng san hô mỗi năm. Hàng ngàn tấn kem đó có thể chứa một lượng cực lớn chất oxybenzone không chỉ gây hại cho sinh vật biển mà còn gây hại cho con người.

Mô tả tác hại của kem chống nắng (Ảnh Internet)

Mô tả tác hại của kem chống nắng (Ảnh Internet)

Hệ sinh thái biển nói chung vốn rất phong phú và đa dạng. Nhưng với tốc độ phát triển của con người, hệ sinh thái này đang bị đe doạ nghiêm trọng. Một nửa số san hô đã biến mất, bị chết trong 30 năm qua. Các loài cá sống ở mực nước biển cao hơn cũng không thoát khỏi số phận. Liệu con người có đang quá ích kỷ với hệ sinh thái tự nhiên?

Giải pháp cho tất cả

Không cần chờ tới khi "bị" cấm như các nước khác, tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tham gia cứu lấy hệ sinh thái biển với những hành động giảm thiểu và loại bỏ kem chống nắng ngay từ bây giờ khi đi biển, bơi lặn tại biển. Song, làn da của chúng ta vẫn cần được quan tâm và bảo vệ không kém gì các yếu tố sức khỏe khác. Vậy, giải pháp cho tất cả là gì?

Một tấm biển yêu cầu không sử dụng kem chống nắng có các thành phần gây hại tại Hawaii (Mỹ) (ảnh: Internet)

Một tấm biển yêu cầu không sử dụng kem chống nắng có các thành phần gây hại tại Hawaii (Mỹ) (ảnh: Internet)

Trước tiên, cần loại bỏ hết những loại kem chống nắng không an toàn, chứa nhiều chất gây hại. Thay vào đó, hãy lựa chọn một loại kem/xịt chống nắng có chứa thành phần lành tính, được công nhận và chứng nhận an toàn cho sinh vật biển.

Một vài loại kem chống nắng lành tính không chứa các hoá chất gây hại có thể kể đến như La Roche-Posay, Blue Lizard, Aveeno…

La Roche-Posay là hãng mỹ phẩm có thành phần không làm hại đến làn da và môi trường, đã được kiểm định (Internet)

La Roche-Posay là hãng mỹ phẩm có thành phần không làm hại đến làn da và môi trường, đã được kiểm định (Internet)

Hãng Aveeno cho ra đời loại kem chống nắng an toàn cho môi trường và dùng được cả cho trẻ sơ sinh (Ảnh Internet)

Hãng Aveeno cho ra đời loại kem chống nắng an toàn cho môi trường và dùng được cả cho trẻ sơ sinh (Ảnh Internet)

Bước hai, bạn có thể sử dụng các sản phẩm thay thế kem/xịt chống nắng như viên uống chống nắng, viên uống ngăn chặn tia cực tím, các sản phẩm giúp tăng hàng rào bảo vệ da.

Viên uống chống nắng nội sinh Murad, với mức giá trung bình từ 1.500.000 VND (Ảnh: Internet)

Viên uống chống nắng nội sinh Murad, với mức giá trung bình từ 1.500.000 VND (Ảnh: Internet)

Cuối cùng, hãy chủ động che chắn khi tiếp xúc với nắng qua những bộ quần áo có thiết kế chống lại tia UVA/UVB/UVC… và bịt khẩu trang, đeo kính râm, đội mũ…

Mẫu váy chống nắng của hãng Columbia Freezer với chỉ số UPF 50

Mẫu váy chống nắng của hãng Columbia Freezer với chỉ số UPF 50

Mẫu áo chống nắng của hãng Libin với chỉ số UPF 50+

Mẫu áo chống nắng của hãng Libin với chỉ số UPF 50+

Ngoài những giải pháp trên để giúp làn da tránh tác động xấu từ môi trường, bạn hoàn toàn có thể chủ động hơn bằng cách hạn chế đi ra biển vào những khoảng thời gian tia UV hoạt động mạnh nhất (10h-15h). Với tất cả các cách trên, hiệu quả chống nắng sẽ rõ rệt và cao hơn rất nhiều việc phụ thuộc vào một lọ kem chống nắng nhỏ bé, phó mặc làn da ửng đỏ dưới nắng và sâu xa hơn là âm thầm gây ảnh hưởng lên hệ sinh thái biển của Trái đất.

Lời kết

Cho dù xã hội phát triển, những vấn đề cá nhân được nâng cao, việc để ý và bảo vệ môi trường sống của những sinh vật khác là điều đáng lưu tâm. Vì một môi trường cân bằng và khoẻ mạnh cho tất cả sinh vật sống trong đó, mới là một môi trường lý tưởng và đáng sống nhất.

Nhưng cũng đừng quên làn da của mình nhé! Bởi bảo vệ làn da không chỉ để đẹp, mà còn là nền tảng cho một sức khoẻ ổn định của chúng ta.

Hà Chuu
RELATED ARTICLES