Bolivia và kho báu của người Inca

26/01/2018

Câu chuyện ly kỳ về cuộc tìm kiếm kho báu tại Bolivia vào thời của đế chế Inca đã thôi thúc tôi lên kế hoạch khám phá quốc gia nằm ở trung tâm Nam Mỹ này. Vùng đất ẩn chứa bao điều kỳ lạ của người Inca xưa kia dần dần lộ diện trên những bước chân.

Khi tra cứu thông tin cho hành trình Nam Mỹ, tôi bất chợt phát hiện một chi tiết thú vị về Bolivia, quốc gia lọt thỏm giữa vùng rừng núi thuộc dãy Andes ngạo nghễ. Lần theo thông tin, tôi bị cuốn theo hành trình tìm kiếm kho báu khổng lồ không ngừng nghỉ mà loài người vẫn thực hiện trong suốt hơn bốn thế kỷ qua. Hành trình đó trải dài từ những cao nguyên đá khổng lồ, những hồ nước đầy trầm tích đỏ đến những hang động hiểm hóc thuộc dãy Andes vốn là nơi định cư của những bộ tộc da đỏ Inca. 

 

Thiên nhiên tuyệt đẹp Bolovia.

 

Theo truyền thuyết, Vua của người Inca là Atahualpa bị thực dân Tây Ban Nha bắt làm tù binh. Tên thủ lĩnh Pisarro hứa sẽ trả tự do cho nhà vua nếu trong hai tháng gom đủ cho y số vàng xếp đầy chính căn phòng giam giữ ngài. Hoàng gia đã lấy toàn bộ ngân khố và vơ vét khắp nước được hàng chục mét khối vàng, cùng rất nhiều ngọc ngà châu báu nhưng vẫn không đủ. Thời hạn đã hết, Pisarro ra lệnh hành quyết nhà vua. Khi nghe tin Vua băng, những người chở vàng trên lưng 11.000 con Llama đã mang số vàng ấy cất giấu nơi nào không rõ trên dãy Andes. 

 

Sucre, nơi in 5000 dấu chân khủng long cổ đại

 

Bức tường đã in 5.000 dấu chân khủng long cách đây 80 triệu năm

 

Sucre là vùng đất cửa ngõ mà tôi đã chọn khi bắt đầu hành trình khám phá những điều bí ẩn ở Bolivia. Nằm ở ngoại ô thành phố Sucre, một vách đá dựng đứng, dài 1200 mét, cao 80 mét đầy dấu chân khủng long, lộ ra trong quá trình mở rộng mỏ của một nhà máy xi măng địa phương. 

 

Ở tận kỷ Phấn trắng, nơi đây từng là khu vực bờ hồ thu hút rất nhiều khủng long ăn cỏ và ăn thịt. Chân của những con vật này lún sâu xuống bờ đất mềm trong thời tiết nóng ẩm. Khi khu vực này trải qua nhiều đợt hạn hán khủng khiếp, dấu chân khô cứng lại. Sau đó, những cơn mưa trở lại chôn vùi các dấu chân này dưới bùn đất và phù sa. 

 

Anh chàng hướng dẫn người địa phương giải thích rằng chu trình này lặp đi lặp lại đến bảy lần, lưu giữ nhiều lớp dấu chân. Các hoạt động kiến tạo địa chất sau đó đã đẩy nền đất phẳng lên cao, tạo thành vách đá dựng đứng như ngày nay. Chính quyền Sucre như vớ được báu vật khi vùng đất độc đáo này phát lộ. Họ bắt đầu tiến hành xây dựng bảo tàng, mô hình của những loài khủng long khổng lồ như kích cỡ thật, đài quan sát để du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh di duyển của bầy khủng long khổng lồ qua dấu chân của chúng. Sucre trở thành vùng đất lịch sử có nhiều dấu chân hóa thạch của khủng long nhất trên thế giới.

 

Khu chợ phù thủy rùng rợn nhất thế giới

 

Rời thủ đô lập hiến Sucre, chúng tôi bắt chuyến buýt đêm để đến với La Paz. Đây là thủ đô hành chính của Bolivia, hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch nước ngoài bởi nhiều “cái nhất” độc đáo. Nằm trong thung lũng thuộc dãy núi Andes cao 3.640 mét so với mặt nước biển, La Paz được xem là thủ đô cao nhất trên thế giới và có mệnh danh là thành phố lẩn khuất trong mây.

 

 

Vị trí địa lý về độ cao của La Paz rất đặc biệt, điều này cũng phản ánh xã hội của thành phố. Người giàu có định cư ở khu vực thấp nhất trong thung lũng. Họ sẽ chọn những khu nhà biệt thự hay nhà phố tư nhân để thuận tiện làm việc và sinh hoạt. Những tầng lớp trung lưu thì chọn những khu chung cư cao cấp gần khu vực trung tâm thành phố. Càng lên cao dần, những khu nhà gạch nằm cheo leo trên những sườn đồi là chốn đi về của những người thu nhập thấp. Đôi khi, họ phải thức dậy thật sớm để di chuyển xuống khu trung tâm, đến nhà máy làm việc nhằm tránh nạn kẹt xe liên miên ở thủ đô vào giờ hành chính.

 

Chúng tôi len lỏi vào khu chợ phù thủy ở La Paz khám phá nhiều điểu bí ẩn về văn hóa của cư dân sống trên dãy Andes. Trải qua hàng trăm năm, những mặt hàng độc đáo mang tính chất huyền bí ở khu chợ này hầu như không thay đổi về ý nghĩa biểu tượng tâm linh. 

 

Những biểu tượng tâm linh cầu may mắn của người dân

 

Cô bạn đi cùng hét toáng lên khi nhìn thấy những sản phẩm rùng rợn được trưng bày trong các cửa hiệu. Với từ 5-10 Boliviano, du khách có thể mua một bào thai Llama khô, một loài lạc đà không bướu đặc trưng ở Nam Mỹ, được treo lủng lẳng phía trước những cửa hàng dọc khu phố chợ. Theo bà chủ bán hàng có gương mặt nâu xạm giải thích, bào thai con vật được người dân Bolivia chôn sâu dưới nhà như vật hiến tế dâng lên Mẹ Trái đất Pachamama cầu xin may mắn, sức khỏe và hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình. Còn ếch khô Aymara thì đem lại sự giàu có, sung túc. Những hình nộm nhỏ với trang phục truyền thống Bolivia khoác những túi ngũ cốc được biểu trưng như vị thần tài may lại tài lộc cho gia đình và cũng được cho là có thể tác động tới các linh hồn cư trú trong thế giới tâm linh. Những món hàng tại đây không chỉ dùng làm bùa chú hay trong các nghi lễ thờ cúng, mà chúng còn được sử dụng để chữa bệnh. 

 

 

Khi tìm hiểu thêm, chúng tôi còn biết một quy tắc bất thành văn khi du khách đến chợ phù thủy ở La Paz là luôn tỏ thái độ tôn trọng nét văn hóa tín ngưỡng địa phương. Bởi phiên chợ là hình thức kinh doanh nghiêm túc và thiêng liêng mang màu sắc tâm linh của người dân bản địa. Họ dành thời gian, công sức để tư vấn giúp khách hàng tìm ra một loại bùa hay phương thuốc chữa bệnh phù hợp. Bất cứ một hành động thiếu tôn trọng hay bất kính của du khách chắc chắn sẽ không được người dân chào đón.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Phiên chợ phù thủy  ở La Paz là hình thức kinh doanh nghiêm túc và thiêng liêng mang màu sắc tâm linh của người dân bản địa.

 

Những chiếc gương kỳ lạ của tạo hóa

 

Xe đưa chúng tôi rời thị trấn Uyuni tiến đến cánh đồng muối lớn nhất thế giới nằm trên độ cao gần 4.000m so với mực nước biển. Trên đường, xe dừng lại “nghĩa địa hỏa xa”, cách thị trấn khoảng 3km, là nơi tập hợp của rất nhiều đầu máy tàu hỏa khổng lồ đã hoen gỉ theo thời gian. 

 

Nơi đây từng là nhà ga xe lửa lớn nhất Bolivia nhưng giờ đây đã trở thành một khu phế liệu khổng lồ. Khu vực này được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi các kỹ sư người Anh sống ở Uyuni. Khi đó, giới lãnh đạo tin rằng, họ sẽ tạo ra được một hệ thống giao thông hiện đại giúp phát triển quốc gia. Bằng chứng là những chuyến tàu đã rất hữu ích cho việc vận chuyển khoáng sản, hàng hóa trong và ngoài nước. Tuy nhiên, người dân bản địa ở đây lại xem tàu hỏa là một sự xâm nhập ngoại lai nên thường xuyên phá hoại chúng. Về sau này, vào những năm 1940, khi các tài nguyên đã cạn kiệt và nền công nghiệp khai thác khoáng sản sụp đổ, những đoàn tàu trở nên vô dụng và bị bỏ mặc cho thời gian tàn phá.

 

 

Chúng tôi tiếp tục lên đường và dừng chân ở ngôi làng chuyên khai thác và chế biến muối từ Salar de Uyuni. Ở đây, muối được thu hoạch theo cách truyền thống. Trước hết, muối được chất đống thành gò nhỏ để bay hết hơi nước, sau đó sấy khô trên lửa và cuối cùng là thêm i-ốt vào trước khi được đưa vào quy trình đóng gói. Hiện nay, người dân khu vực này còn giới thiệu cho khách xem quy trình sản xuất muối thủ công cho ra những gói muối nho nhỏ để du khách mua về làm lưu niệm. Điều đặc biệt nữa là các ngôi nhà cùng hệ thống khách sạn ở đây được xây dựng hoàn toàn bằng muối tạo cảm giác thích thú cho khách du lịch, nhất là các cặp đôi cần một không gian huyền ảo, lãng mạn.

 

Điều đặc biệt là các ngôi nhà cùng hệ thống khách sạn ở Uyuni được xây dựng hoàn toàn bằng muối tạo cảm giác thích thú cho khách du lịch, nhất là các cặp đôi cần một không gian huyền ảo, lãng mạn.

 

 

Điểm đến mong đợi của chúng tôi cuối cùng cũng đến khi mặt trời đã treo trên đỉnh đầu. Cánh đồng muối Salar de Uyuni nằm ở khu vực Tây Nam của Oruno và Potosi thuộc Bolivia gần biên giới với Chilê. Cách đây hơn 40.000 năm, khu vực này là một phần của hồ Minchin khổng lồ thời tiền sử. Theo thời gian, hồ dần cạn nước và lộ ra hai hồ nhỏ là Poopo và Uru Uru cùng với hai sa mạc muối khổng lồ là Salar de Coipasa và Salar de Uyuni. Hiện nay Salar de Uyuni là sa mạc muối lớn nhất thế giới và gấp 25 lần so với cánh đồng muối nổi tiếng Bonneville ở Utah của Mỹ.

 

Xe bắt đầu tăng tốc trên sa mạc muối rộng lớn mà giờ đây tôi chỉ có thể nhìn thấy sự giao hòa giữa trời và đất. Trong những tháng mùa đông, khu vực này hoàn toàn khô ráo. Tuy nhiên, khi mùa hè đến, cánh đồng lại xâm xấp nước, biến nơi đây thành tấm gương soi khổng lồ kỳ diệu.

 

Xung quanh cánh đồng muối Uyuni còn vô số hồ nước, nơi tập hợp của các loài hồng hạc nổi tiếng Nam Mỹ kiếm ăn và sinh sản. Thức ăn của chúng là những loại vi khuẩn và tảo trong các hồ nước muối làm cho Uyuni thay đổi màu sắc liên tục theo từng mùa. Vào tháng 11 hằng năm, hàng ngàn hồng hạc bay về để bước vào thời kỳ giao phối biến hồ nước nơi đây tựa như những chiếc gương lộng lẫy bởi sắc hồng sắc đỏ. 

 

Những kho báu siêu thực của người Inca

 

Phế tích Tiwanaku nằm ở phía Đông Nam hồ Titicaca cách thủ đô La Paz 72km về phía Tây. Căn cứ theo những dấu tích hiện hữu, các nhà khảo cổ cho rằng khu vực xung quanh Tiwanaku đã có người dân sinh sống từ những năm 1.500 trước công nguyên. Hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất với giả thiết Tiwanaku phát triển trong thời gian giữa những năm 300 tới 1.000 trước công nguyên. Khi đó, Tiwanaku trở thành trung tâm chính trị, tinh thần của cả khu vực. 

 

Đến năm 1945, nhà khoa học Arthur Posnansky đã sử dụng kỹ thuật thiên văn và ước tính Tiwanaku đạt đến 15.000 năm tuổi. Tuy nhiên cũng có một số người không tin tưởng vào độ chính xác của kỹ thuật tính toán này. Mặc dù vậy, hầu hết các nhà khoa học đều thống nhất Tiwanaku là thành phố cổ nhất thế giới, thậm chí nó tồn tại trước khi xuất hiện hồ Titicaca huyền thoại. 

 

Sự thống trị của Tiwanaku bắt đầu suy giảm trong thế kỷ thứ 11 và sụp đổ hoàn toàn vào thế kỷ 12. Tuy nhiên đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao đế chế ở Tiwanaku sụp đổ nhưng có một điều họ tin rằng Tiwanaku từng là thủ đô, trung tâm tôn giáo, chính trị của một đế chế hùng mạnh kéo dài 500 năm. 

 

Thành phố cổ Tiwanaku

 

Tôi đã ngạc nhiên đến sững sờ khi nhìn thấy các di chỉ khảo cổ hiện hữu trước mắt. Ấn tượng nhất là vòng thành bao quanh ngôi đền trung tâm Kalasasaya rất bề thế và được làm từ đá sa thạch đỏ với kích thước lên đến 130 tấn. Các nhà khoa học cũng rất đau đầu để tìm ra câu trả lời vì sao người xưa có thể vận chuyển khối đá khổng lồ từ mỏ cách đấy hơn 10km. Rãi rác là các kiến trúc được chạm trổ tinh vi từ những khối đá xanh Andesit có nguồn gốc từ bán đảo Copacabana nằm bên hồ Titicaca. Một giả thuyết cho rằng những viên đá khổng lồ nặng hơn 40 tấn này đã được vận chuyển khoảng 90km qua hồ Titicaca bằng thuyền sậy, sau đó kéo thêm 10km đến vị trí Tiwanaku ngày nay.

 

 

Cách Tinawaku vài trăm mét là khu phế tích độc nhất vô nhị trên thế giới Puma Punku. Các nhà khảo cổ cho rằng Puma Punku là khu vực các ngôi đền thờ và đài tưởng niệm của người Inca cổ xưa kia và với những gì còn sót lại cho đến ngày nay thì nơi đây chỉ có thể là công trình được xây dựng bởi người ngoài hành tinh! Câu hỏi đặt ra vì sao họ cho đây là sản phẩm không phải của con người trên trái đất tạo nên? Phải chăng yếu tố tạo sự ngỡ ngàng của công trình này chính là những phiến đá khổng lồ được điêu khắc tinh vi, vuông góc cùng với bề mặt nhẵn mịn như những thanh gỗ lớn được bào kỹ lưỡng.

 

Các nhà khảo cổ cho rằng Puma Punku là khu vực các ngôi đền thờ và đài tưởng niệm của người Inca cổ xưa kia và với những gì còn sót lại cho đến ngày nay thì nơi đây chỉ có thể là công trình được xây dựng bởi người ngoài hành tinh!

 

Các di chỉ nơi đây được tạo thành từ đá Granite và Diorite, các loại đá này có độ cứng chỉ thua kim cương, hầu như không thể chế tác với công cụ thời xưa. Quan sát thì dường như những phiến đá này chỉ có thể được tạo ra bởi máy móc hoặc thậm chí là thiết bị laser cắt xén. Nhiều tảng đá với các đường hoa văn thẳng tắp, có độ sâu đồng đều tuyệt đối và được đặt khít vào nhau như một khối đá liền lạc. Thật không thể tưởng tượng nổi vì sao tồn tại những tác phẩm chính xác trên một quy mô lớn như vậy lại có thể được thực hiện cách đây cả nghìn năm.

 

Puma Punku nằm ở độ cao khoảng 4.000 mét so với mực nước biển, có nghĩa với độ cao này cây cối khó có thể phát triển để chế tạo thành những con lăn bằng gỗ khi mỏ đá nằm cách xa cả trăm kí lô mét. Như vậy, việc di chuyển những phiến đá nặng hàng trăm tấn đến khu vực này là điều không tưởng vào thời đó. Vì vậy mà nhiều người tin vào giả thuyết rằng người ngoài hành tinh với các kỹ thuật tiên tiến đã tạo ra những công trình đồ sộ này hay chí ít là họ tư vấn cho người dân bản địa xây dựng. Các nhà nghiên cứu về xây dựng còn cho rằng, xét về độ phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao của công trình thì các kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại quá đơn giản so với phế tích ở Puma Punku. 

 

 

Với những bí ẩn chưa có lời giải đáp thì Tiwanaku và Puma Punku vẫn sẽ là điểm thu hút sự tò mò của khách du lịch khi muốn tìm hiểu những nền văn minh cổ xưa ở Bolivia và cả vùng Nam Mỹ. Biết đâu rằng, những công trình siêu thực này là kho báu vĩnh hằng của người Inca xưa kia dành tặng cho hậu thế. Hay chính nơi đây từng giấu kho báu khổng lồ của nhà vua Atahualpa theo truyền thuyết.

 

Thông tin thêm

  • Visa 

Bolivia là một trong số những quốc gia dành chế độ xin visa du lịch ở cửa khẩu cho người Việt Nam. Bạn sẽ được nhân viên chụp ảnh và phát hành một tấm visa dán vào hộ chiếu khi nhập cảnh với lệ phí 53 USD/khách cho visa 1 lần, thời hạn 30 ngày. 

Bạn phải chuẩn bị giấy tờ khi xin visa tại cửa khẩu như lịch trình tour, vé máy bay khứ hồi chứng minh về Việt Nam, đặt phòng khách sạn ở Bolivia, danh sách đoàn có đầy đủ thông tin ngày tháng năm sinh, giới tính, số hộ chiếu, ngày hết hạn hộ chiếu và đặc biệt là giấy chứng nhận tiêm phòng sốt vàng da vì theo họ Việt Nam là nước nằm trong danh sách cần phải tiêm ruồi vàng khi nhập cảnh vào Bolivia.

  • Phương tiện vận chuyển

Hiện nay, từ Việt Nam chưa có đường bay trực tiếp đến những thành phố lớn của Bolivia. Bạn phải đặt vé máy bay transit ở một số thành phố khác thuộc Nam Mỹ như Sao Paulo (Brasil), Bogota (Colonbia), Lima (Peru)… Để có thể di chuyển trong phạm vi Bolivia, bạn có thể sử dụng xe buýt địa phương qua website www.ticketsbolivia.com hay www.transcopacabanasa.com.bo. Một số tuyến xe buýt có lịch trình di chuyển trong đêm.

  • Lưu trú

Nếu bạn muốn trải nghiệm đời sống của người dân bản địa, có thể lưu trú ở các homestay hoặc guesthouse rất xinh xắn ở những thành phổ cổ như La Laz, Sucre, Copacabana… Đối với Uyuni, bạn nên một lần trải nghiệm trong một khách sạn được xây dựng hoàn toàn bằng muối với chi phí khoảng 150-200 USD/đêm.

 

  • Ẩm thực

Ẩm thực của Bolivia có thể gói gọn ở hai từ "thịt” và “khoai tây". Loại thịt phổ biến nhất là thịt bò, kế đến là gà, llama và thịt heo. Một số khu vực quanh hồ Titicaca thì món cá rất được ưa chuộng. Trong khi đó, thịt cuy (lợn Nam Mỹ) và conejo (thỏ) là đặc sản ở những vùng nông thôn. Rất nhiều du khách đến với Bolivia mong một lần thưởng thức món cuy nướng hảo danh.

 

 

Bolivia cũng phố biến các món ăn đường phố, nhất là ở những thành phố tấp nập du khách như La Paz, Copacabana. 

Một số món ăn phổ biến: Anticucho (tim bò nướng trên xiên, được dùng với khoai tây và sốt đậu phộng cay), Salchipapa (xúc xích thái mỏng xào với khoai tây) hay bánh sandwich Choripan dùng với hành tây nướng và nước sốt….

  • Thời tiết

Hầu hết các vùng của Bolivia đều có khí hậu khô vào mùa đông và ẩm ướt vào mùa hè. Mặc dù có vĩ độ nhiệt đới, nhưng nằm trên dãy Andes có độ cao trung bình trên 3500 mét, những thành phố La Paz và Potosi luôn mát mẻ và đôi khi du khách phải chuẩn bị quần áo ấm cho cả tháng Tư và tháng Năm. Những tháng mùa hè ở Bolivia là tháng Mười Một đến tháng Ba, thời tiết thường ấm và ẩm ướt hơn. Từ tháng Tư đến tháng Mười là những tháng mùa đông, khí hậu sẽ lạnh và khô hơn. 

  • Sức khỏe

Một số vùng của Bolivia như La Paz, Potosi, Oruro và vùng hồ Titicaca có độ cao lớn nên du khách cần phải có biện pháp phòng ngừa để chống lại triệu chứng sốc độ cao "sorojchi". Những hiệu thuốc địa phương có thể cung cấp các loại thuốc được chiết xuất từ thảo mộc tự nhiên giúp khách du lịch đối phó với những biểu hiện của "sorojchi".

 

Khi tham quan cánh đồng muối Uyuni, tia cực tím của mặt trời mạnh hơn đến 20 lần so với mặt nước biển, bạn nên mang nón rộng vành, kính râm và kem bảo vệ da.

 

10 trải nghiệm ở Bolivia dành cho các cặp đôi

  1. Lưu giữ những bức ảnh theo phong cách “magic photo” ở cánh đồng muối Uyuni
  2. Màn biểu diễn của hồng hạc ở hồ Đỏ
  3. Tắm hồ khoáng nóng vào ban đêm ở độ cao 4000 mét ở Potosi
  4. Khám phá các công trình cổ siêu thực Tiwanaku và Puma Punku của người Inca 
  5. Dạo thành phố Copacabana bên bờ hồ Titicaca
  6. Thành phố lịch sử Sucre với những con dốc lãng mạn
  7. Thủ đô ẩn chứa những điều kỳ lạ La Paz
  8. Những hòn đảo bí ẩn của người Inca trên hồ Titicaca
  9. Khám phá ẩm thực đường phố và món cuy nướng cay xè
  10. Dạo những phiên chợ gia súc của người bản địa.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Bảo

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES