Bốn ngày băng rừng lên hai đỉnh núi ở Lai Châu

20/03/2023

Chu Va là đỉnh núi có độ khó bậc nhất Tây Bắc, trong khi Tả Liên Sơn nổi tiếng với rừng lá phong đẹp như cổ tích.

Tôi đã trải qua bốn ngày băng rừng để chạm đến hai đỉnh núi của tỉnh Lai Châu là Chu Va 12 (2.751m) và Tả Liên Sơn (2.996m) với muôn vàn cung bậc cảm xúc từ lo lắng, hoang mang, cho tới hạnh phúc tột cùng.

Nằm tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đỉnh Chu Va nhìn từ xa tựa một mũi tên nhọn hoắt đâm lên nổi bần bật giữa nền trời xanh biếc. Ngày đẹp trời, mây trắng vờn quanh tạo nên khung cảnh kỳ vĩ, choáng ngợp. Tuy không thuộc top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Chu Va 12 gần đây thu hút các tín đồ của bộ môn leo núi bởi cung đường lên đỉnh có địa hình, cảnh quan đa dạng. Quãng đường dài gần 20km (tính cả hai chiều lên và xuống) đi qua những khu rừng ma mị cho đến biển mây kỳ vĩ. Là một trong những đỉnh núi có độ khó bậc nhất Tây Bắc, hành trình chinh phục Chu Va đòi hỏi thể lực và sự bền bỉ cao.

Đỉnh Chu Va nhìn từ xa.

Đỉnh Chu Va nhìn từ xa.

Chúng tôi gồm 5 người, hẹn nhau ở Tam Đường, Lai Châu. Từ Hà Nội, sau khoảng 7 tiếng nằm xe đêm, chúng tôi đến chân núi, gặp porter (người vác đồ leo núi) rồi cùng xuất phát vào rừng. Những bước chân đầu tiên không quá khó khăn bởi đường đi khá thoải. Tuy nhiên, đây là lúc cơ thể phải từ từ chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang vận động liên tục.

Chặng đầu, chúng tôi băng qua những nương thảo quả lá xòe ra xanh mướt mải, ngả nghiêng chắn lấy lối đi. Hương thơm của lá xen lẫn mùi đất ẩm bốc lên sau cơn mưa rả rích. Tôi vừa đi vừa lắng nghe tiếng lá khô sột soạt dưới chân, chim kêu ríu rít trên cao và âm thanh của gió lung lay từng nhành cây kẽ lá, những điều khó tìm thấy nơi phố thị. Mồ hôi bắt đầu nhễ nhại. Cơ thể dần nóng lên. Cái lạnh đã biến mất chỉ sau vài phút khởi động, nhưng chỉ cần nghỉ chân một lát là lại lạnh cóng.

Rêu phủ xanh rì trên các tảng đá dọc suối.

Rêu phủ xanh rì trên các tảng đá dọc suối.

Sau khoảng hơn 1 tiếng đầu tiên, dấu hiệu của thách thức hiện rõ mồn một. Giữa lòng suối cạn nước, đá lớn xếp chồng, phủ rêu xanh rì. Lối đi trơn trượt nên chân bước một cách đầy cảnh giác. Những hòn đá nhỏ chốc chốc lại đe dọa những người bộ hành bằng việc lăn tự do từ trên xuống.

Đường đi hun hút dẫn vào rừng sâu. Những thân cây cổ thụ to vươn cánh tay dài ma mị phô diễn vẻ kỳ bí, hoang sơ. Càng về chiều, mây phủ xuống mù mịt, che kín lối. Tầm nhìn chỉ còn chưa tới 1m. Cảnh vật lờ mờ. Ánh đèn pin chập choạng. Bước chân ai cũng rón rén để không bị ngã. Mưa cũng bắt đầu nặng hạt hơn khi vừa đặt chân tới lán lúc hơn 3 giờ chiều. Lúc ấy, chúng tôi phân vân liệu có nên lên đỉnh ngay trong ngày hay không bởi đường đi xuống lúc trời đã tối, nếu có mưa độ khó sẽ tăng gấp nhiều lần. Cái mệt bắt đầu ngấm vào từng thớ thịt ngay lập tức dập tắt ý nghĩ rằng chúng tôi sẽ lên đỉnh ngay trong ngày.

Rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng.

Rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng.

 Thảm thực vật trong rừng đa dạng. Trên thân gỗ, rêu, nấm, địa y…bám đầy.

Thảm thực vật trong rừng đa dạng. Trên thân gỗ, rêu, nấm, địa y…bám đầy.

Bóng tối phủ xuống khoảng không bao la. Nguồn sáng duy nhất còn sót lại là ánh lửa bập bùng. Củi cháy lách tách. Chúng tôi ngồi quanh để sưởi, nấu ăn và trò chuyện. Càng khuya nhiệt độ càng thấp, gió rít từng cơn luồng vào áo ấm, cứa vào da, lạnh gai người. Mọi việc diễn biến xấu hơn khi gần sáng trời đổ mưa như trút nước. Tiếng mưa lộp độp bên mái lán. Gió đập mạnh vào miếng bạt lợp lán phần phật. Qua khe hở của lán, tôi nhìn thấy cây cối chao đảo, lá xác xơ bay. Co ro trong chăn, một cách tiêu cực, tôi nghĩ rằng hành trình sẽ dang dở mà lòng buồn rười rượi.

Chẳng ngờ được, khi tôi đang trong cơn tuyệt vọng, mưa có dấu hiệu ngớt dần rồi tạnh hẳn. Niềm vui được đi tiếp kéo dài không bao lâu thì những đoạn đường gập ghềnh lại hiện ra trước mắt. Sau cơn mưa, chặng đường gần đỉnh vốn đã dốc càng thử thách lòng người gấp nhiều lần. Chướng ngại vật dồn dập. Có những dốc dựng đứng ngước nhìn lên thôi đã ngộp thở. Những hòn đá nhỏ lổn nhổn chực chờ lăn xuống. Ngước nhìn lên trên là những tảng đá lớn, nhìn xuống dưới là vực thẳm. Trước mặt tôi, khi là bụi gai rậm rạp bám lấy ống quần, lúc là là rừng trúc chốc chốc lại quất thẳng vào mặt. Tôi phải hít thở thật thật sâu để bình tĩnh nhích người từng xíu một. Mỗi bước đều nặng nề hơn bởi chân như bị chôn dưới sình lầy.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Sau khoảng gần 2 tiếng, tôi chạm đỉnh. Cơn mưa lúc sáng dường như đã gột rửa bầu không khí, khiến trời quang đãng, trong vắt. Chỉ cách đó vài tiếng, tôi cũng không hình dung được khung cảnh trên đỉnh lại thay đổi 360 độ đến thế. Đó là lúc tôi nhận ra, đôi khi, những điều tốt đẹp vẫn luôn luôn ở đấy, chờ tôi ở phía trước, có thể cách hàng ngàn bước hoặc chỉ vài bước chân nữa thôi, quan trọng là bản thân có đủ kiên trì để băng qua những đám mây mù đang đánh lừa nhằm làm tôi nao núng.

Cột mốc đỉnh Chu Va 12 (2.751m).

Cột mốc đỉnh Chu Va 12 (2.751m).

Porter là người dân địa phương thông thạo đường đi, hỗ trợ vác đồ nặng.

Porter là người dân địa phương thông thạo đường đi, hỗ trợ vác đồ nặng.

Tầm nhìn từ đỉnh Chu Va 12.

Tầm nhìn từ đỉnh Chu Va 12.

Tại đỉnh núi Chu Va 12 ở độ cao 2.751 m, bốn phía không bị che chắn tầm nhìn. Trong không gian bao la đến rợn ngợp, tôi đứng đó, cảm nhận sự kỳ diệu của thiên nhiên. Từng lớp mây tựa sóng dập dồn, lúc dữ dội, lúc êm đềm vờn quanh những đỉnh núi trùng điệp, tầng tầng lớp lớp. Giữa mênh mông bốn bề, chỉ vài phút, một bức tranh khác lại hiện ra khiến mọi giác quan rung lên, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

"Những khung cảnh như vậy trong đời đến được bao nhiêu lần", tôi chợt hỏi. Chặng đường gian nan đã qua hiện lên như thước phim quay chậm để tôi càng thấm giá trị của từng khoảnh khắc xuất hiện trước mắt. Cảm xúc sợ hãi, mệt mỏi vẫn ở đấy, nhưng tạm ngủ yên để nhường chỗ cho sự bình yên đến lạ. Hành trình lên các đỉnh núi cho tôi biết rằng, hạnh phúc không đồng nghĩa với sự vắng mặt của nỗi đau, hạnh phúc bắt đầu khi trái tim thành thật thừa nhận sự tồn tại của nỗi đau, để đôi mắt cảm nhận được vẻ đẹp của những điều xung quanh, thậm chí là vẻ đẹp trong chính những điều tưởng chừng khắc nghiệt nhất.

Sau khoảng hơn 30 phút trên đỉnh, chúng tôi quay trở lại lán rồi xuống núi theo cung đường cũ và kịp ra khỏi núi lúc trời dần tắt nắng.

Rời Chu Va, tôi chia tay những người bạn, nghỉ lại Lai Châu, để tiếp tục ngày thứ 3 của hành trình. Từ đây, tôi sẽ đi mà không có người quen đồng hành. Tôi không nghĩ một mình là điều quá tệ hại hay đáng sợ. Một mình là cơ hội để tôi học cách chung sống một cách đầy yêu thương và vui vẻ với chính mình.

Đường lên đỉnh Tả Liên băng qua những cánh rừng.

Đường lên đỉnh Tả Liên băng qua những cánh rừng.

Đỉnh Tả Liên hay còn gọi là núi Cổ Trâu (2.996m) là đích đến tiếp theo. Đây là đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu, giáp với Lào Cai. Từ lâu, tôi đã nghe về một khu rừng già với những cây cổ thụ rêu phong, cùng sắc lá phong đỏ dệt lên những mảng xanh của lá. Dù đã đi nhiều đỉnh núi ở Tây Bắc trước đó, tôi vẫn không khỏi háo hức. Chỉ còn lại một mình trong nửa chặng đường cuối của hành trình 4 ngày, tôi tìm một porter là người dẫn đường để tránh điều bất trắc xảy ra.

Buổi sáng ngày thứ 3 ở Lai Châu, tôi thức dậy, cảm nhận rõ cả cơ thể ê ẩm từ trên xuống dưới, từng đoạn cơ chân, cơ tay tê cứng sau 2 ngày băng rừng, vượt suối. Hình dung hành trình 2 ngày tiếp tục phơi sương, lê từng bước qua những con dốc dựng đứng, tôi chỉ muốn bỏ cuộc. Tôi lẩm bẩm: "Hay là thôi quay về, không tiếp tục cuộc hành xác này nữa". Nhưng sau vài phút đắn đo, rừng vẫy gọi trong tôi, tôi lấy hết động lực để quyết định đi tiếp.

Rừng mờ ảo trong mây mù.

Rừng mờ ảo trong mây mù.

Tả Liên đặc trưng là rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ thân to vài người ôm mới hết, đầy uy nghi, kỳ bí. Mùa đông, lá phong chuyển màu để chuẩn bị khoác lên mình chiếc áo mới. Những mảng màu đỏ, vàng điểm xuyết lên những mảng xanh um của rừng rực rỡ ẩn hiện trong những lớp mây mù mờ ảo chợt đến chợt tan.

Sau gần 4 giờ đi bộ không quá khó khăn, chúng tôi dừng nghỉ, ăn trưa tại lán ở độ cao 1.900m và lên đỉnh vào buổi chiều. Buổi trưa đơn giản chỉ có bánh mì và xúc xích. Đường từ chân núi đến lán tương đối dễ thở thì đoạn từ lán lên đỉnh trái ngược hoàn toàn. Chặng đường này đặc trưng là các dốc đá. Đôi lúc, tôi phải trườn xuống dùng cả hai tay để chui qua các hốc cây và vượt qua các bụi trúc rậm rạp đan chéo nhau như ma trận. Cuối cùng, tôi chạm đỉnh Tả Liên trước khi hoàng hôn buông xuống.

Cây cổ thụ vươn những cánh tay đầy ma mị.

Cây cổ thụ vươn những cánh tay đầy ma mị.

Từ đỉnh Tả Liên xuống lại lán vừa lúc trời nhá nhem tối. Đêm, nhiệt độ hạ thấp, khớp thái dương của tôi mỗi lần rét là đau nhói. Còn răng thì đánh vào nhau lập cập. Vừa đặt chân tới lán, tôi lấy vội mẩu bánh mì ăn vội, ngay lập tức tìm chăn quấn để ngăn không cho một chút hơi lạnh nào lọt vào trong.

Sau giấc ngủ ngon vì thấm mệt, buổi sáng ngày thứ 4, tôi thức dậy. Ánh nắng chiếu nhẹ xuyên qua tán rừng, làm lấp lánh những giọt sương trên lá, rồi khẽ chạm xuống mặt đất. Lòng tôi reo vui khi ánh nắng xuất hiện. Nhưng thời tiết trên núi là vậy. Nắng chợt lên rồi chợt tắt.

Tạm biệt những người bạn cùng ở lán đêm qua, tôi bắt đầu xuống núi. Chặng cuối tương đối nhẹ nhàng, cả về địa hình lẫn khoảng cách, nhưng với bản thân tôi là đoạn khó khăn nhất khi năng lượng cơ thể đã cạn. Đi được nửa đường, tôi móc trong túi áo còn đúng một viên kẹo gừng, tôi ngậm để tiếp năng lượng. Nước trong chai còn đúng một nửa, tôi uống lấy uống để, uống như thể chưa bao giờ cảm thấy đã khát như thế. Đi mãi, chúng tôi đến được con đường mòn nhỏ dẫn ra khỏi rừng và kết thúc hành trình 2 ngày.

Tả Liên nổi tiếng với rừng lá phong đẹp như cổ tích.

Tả Liên nổi tiếng với rừng lá phong đẹp như cổ tích.

Đầu đông, phong chuyển màu và rụng xuống lối đi.

Đầu đông, phong chuyển màu và rụng xuống lối đi.

Lá phong phủ kín những con đường mòn lên núi.

Lá phong phủ kín những con đường mòn lên núi.

Mỗi lần vào rừng, tinh thần tôi được thanh lọc. Thiên nhiên vẫn luôn có sức xoa dịu lạ thường. Rừng kỳ bí, ẩn chứa những hiểm nguy rình rập nhưng đồng thời cũng cho tôi cảm giác chở che. Rừng có những dốc đá khiến tôi hụt hơi, những vực sâu khiến tôi sợ hãi nhưng cũng có những con suối hiền hòa vỗ về, xoa dịu sức nặng đổ xuống đầu gối và cẳng chân. Leo núi, tôi cho phép mình yếu đuối, không cần phải lúc nào cũng gồng mình mạnh mẽ, như những chiếc lá rừng xơ xác không bao giờ cưỡng lại dòng nước. Mệt, tôi cho phép mình nghỉ, lúc nào tinh thần chùng xuống, tôi lại tưới mát bằng cách đổ vào mắt màu tán rừng xanh um.

Tôi luôn tin rằng, xê dịch không hẳn là sự dịch chuyển về mặt địa lý mà còn là sự dịch chuyển trong tinh thần, trong suy nghĩ, là sự bồi đắp những ý niệm mới về cuộc sống, về thiên nhiên và về chính bản thân mình.

Bài và ảnh: Xuân Phương 
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES