Bài và ảnh: Nany Giang
Thơ mộng bên dòng kênh
Brugge quyến rũ các cặp tình nhân bởi vẻ êm đềm thơ mộng ccủa những ngôi nhà nằm soi bóng xuống dòng kênh xanh ngắt đã có từ thời Trung cổ (khoảng từ thế kỷ thứ V đến XV). Bạn có thể lang thang ở đây cả ngày mà không chán, đi bộ dọc quanh bờ kênh, ngắm những công trình kiến trúc đẹp hơn cả tranh vẽ.
Không như xưa kia vang bóng những thương thuyền qua lại ngược xuôi, ngày nay chỉ có tàu chở khách du lịch đi ngắm cảnh hai bên bờ. Nếu bạn đến Brugge vào mùa xuân, thật không gì tuyệt vời hơn. Đi sâu hơn một chút, qua con đường vành đai, bước vào bên trong bức tường thành là đã tới trung tâm du lịch của Brugge. Ở trung tâm, nhà cửa mang tông màu trắng xen kẽ màu gạch đỏ được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Hầu hết các ngôi nhà này đều là những hàng quán nhỏ với những biển gỗ đen được viết chữ khá cầu kỳ. Hàng quán la liệt sản phẩm thủ công truyền thống, nổi tiếng nhất là tranh thêu, hoặc đăng ten, những miếng nam châm với hình ảnh của thành phố. Rong ruổi trên xe ngựa khắp các ngả đường, ngắm nhìn các toà nhà, đặc biệt là vô số các nhà thờ lớn nhỏ với bề ngoài rất đẹp, mới thấy Brugge đẹp thế nào.
Di sản thế giới và … khoai tây chiên
Tới Brugge, tôi thích nhất là được ngắm nhìn bức tượng cẩm thạch Madonna và con trai của Michelangelo, một trong những kiệt tác điêu khắc của thế giới.Tòa tháp chuông cao 83m nổi bật giữa thành phố nằm ở quảng trường Market cũng là tài sản quý của Brugge. Tháp chuông này được xây dựng từ năm 1240 nhưng đã bị hỏa hoạn thiêu hủy 40 năm sau. Năm 1300, tháp được xây lại, được liệt vào danh sách di sản thế giới. Nếu chịu khó trèo 366 bậc lên tháp, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố và chiêm ngưỡng 47 chiếc chuông mà mỗi chuông mang một âm thanh với chức năng khác nhau: chuông báo nguy hiểm, chuông thông báo từ chính quyền thành phố, chuông báo giờ...
Bất cứ nơi đâu ở xứ sở sôcôla này, bạn cũng có thể bắt gặp người Bỉ vừa đi vừa bốc khoai tây chiên ăn trên đường, giống như người Mỹ ăn popcorn vậy. Đó là món ăn khoái khẩu của họ. Khoai tây chiên kiểu Bỉ có hương vị đặc biệt vì được chiên tới hai lần trong dầu sôi, đựng trong các gói hay khay bằng giấy, bên trên rưới rất nhiều sốt mayonnaise và rắc muối.
Thành phố của bảo tàng
Những ai yêu thích tham quan những bảo tàng thì Brugge là một sự lựa chọn đúng.
Frietmuseum - bảo tàng khoai tây là nơi cho thấy toàn bộ lịch sử, từ nguồn gốc của khoai tây với khoai tây chiên đầu tiên. Du khách có thể xem một bộ sưu tập thú vị về các loại máy được sử dụng cho trồng trọt, thu hoạch, lột, phân loại và làm khoai tây chiên.
Bạn còn có dịp tìm hiểu về lịch sử hấp dẫn của khoai tây có nguồn gốc từ Peru hơn 10.000 năm trước đây; khám phá lịch sử của khoai tây chiên và con đường chúng đến Bỉ như thế nào. Trong những năm qua, khoai tây chiên đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới với niềm vui của người lớn và trẻ em và thực tế tất người Bỉ rất tự hào rằng khoai tây chiên có xuất xứ từ Bỉ. Sau khi tham quan bảo tàng, bạn đừng quên thưởng thức món khoai tây chiên kiểu Bỉ thực tế, với nước sốt ngon và tất cả các loại chế phẩm thịt, trong tầng hầm thời Trung cổ.
Bảo tàng Kim cương Bruges nằm ở phía tây bắc thành phố, trên đường Katelijnestraat - một trong năm bảo tàng kim cương của thế giới - cũng là nơi đáng để ghé qua. Nó giới thiệu về vai trò của đá quý trong lịch sử của Brugge đồng thời cung cấp thông tin quan trọng và thú vị về kim cương.
Và, dĩ nhiên: thế giới của sôcôla
Người dân Bỉ rất tự hào vì những thứ mà họ "nổi trội" như truyện tranh, bia và sôcôla. Nếu sôcôla là biểu tượng của tình yêu thì chắc chắn thành phố Brugge được coi là thánh địa ngọt ngào nhất thế giới. Bởi đây chính là trung tâm socola của Bỉ, đất nước nổi danh toàn cầu với thứ kẹo ngậy béo làm bằng bột cacao. Sôcôla Bỉ có chất lượng hàng đầu thế giới, cái này thì không phải bàn cãi.
|
Để tôn vinh biểu tượng của tình yêu này, người ta đã xây hẳn một bảo tàng chuyên đề sôcôla. Choco story - tên của bảo tàng sôcôla - là bảo tàng nổi tiếng nhất, thu hút nhiều người ghé thăm nhất trong số rất nhiều bảo tàng tại Brugge. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội được tìm hiểu tất tần tật về sôcôla: các mẫu hạt cacao, những dụng cụ làm sôcôla, những bức tượng của thổ dân Maya (người đầu tiên phát hiện ra cây cacao), những tác phẩm điêu khắc bằng sôcôla, truyền thuyết về nữ thần sôcôla…
Bên cạnh đó, bạn còn được tự tay học và làm sôcôla theo hướng dẫn của nhân viên bảo tàng. Giống như nhiều bảo tàng khác ở thành phố, bảo tàng này cũng được đặt luôn trong một ngôi nhà kiểu cổ với sàn gỗ, cầu thang gỗ, không gian hẹp nhưng bài trí rất trang nhã và khoa học, chỉ dẫn rõ ràng. Mua vé xong là được phát ngay 3 viên sôcôla trắng và nâu cùng quyển hướng dẫn. Ngay ở chân cầu thang tầng 1 là một quả trứng to tướng bằng sôcôla, mà nó làm tôi tự hỏi chắc ăn cả năm cũng không hết. Bảo tàng giới thiệu tỉ mỉ lịch sử của sôcôla kể từ khi nó còn là loại nước uống "thần thánh" và là một loại tiền của thổ dân châu Mỹ.
Từng phòng đều có mô hình và chú thích tỉ mỉ cách làm sôcola. Sôcôla Bỉ nổi tiếng với loại praline - nghĩa là “có nhân” do hãng Neuhaus sáng chế cách đây gần 200 năm. Praline bên ngoài là lớp sôcôla sữa hoặc sôcôla trắng, bên trong là nhân hạt phỉ, một loại hạt giống đậu phộng rang nghiền với bơ cacao. Đâu đâu tại đây cũng thấy những cửa hàng xinh xinh, trang trí bắt mắt bởi những hộp kẹo sôcôla đầy màu sắc để níu chân du khách ghé vào thưởng thức.
Nếu chỉ khám phá Brugge vào ban ngày e không đủ. Bạn nên thưởng ngoạn vẻ đẹp của thành phố nên thơ này vào buổi chiều và đêm, ngắm nhìn ánh sáng huyền ảo hắt lên những khối nhà nơi này. Tất cả đều trở nên đẹp lạ lùng với những nhà hàng sáng rực ánh đèn vàng, những cửa hàng thời trang, những phụ nữ quý phái trong trang phục dạ tiệc quyến rũ, mê hoặc. Rồi đêm dần tàn, thành phố lại trở về với nét quyến rũ, bình yên như những ngày tháng xưa cũ.
Thành phố trong thời khắc đó đặc biệt yên tĩnh. Với tôi, ấn tượng để lại về thành phố này chính là con người nơi đây biết nâng niu, giữ gìn vẻ đẹp của quá khứ, của những gì trường tồn mãi cùng thời gian. Và đến thăm Brugge, đâu chỉ có sôcôla!
|