Ý tưởng từ tình yêu quê hương
Là một người làm du lịch tại Bình Định, anh Hồng Phước luôn mong muốn quảng bá những tinh hoa ẩm thực quê hương theo cách riêng. Chính vì vậy, khi tổ chức đám cưới, anh đã nảy ra ý tưởng sử dụng đặc sản Bình Định để làm tráp cưới và dựng rạp.
“Bình Định có quá nhiều món ngon gắn liền với ký ức tuổi thơ, từ bánh ít lá gai, tré, nem chợ huyện, bánh tráng nước dừa cho đến rượu Bàu Đá, bánh in, bánh thuẩn, bánh hồng... Mình muốn biến đám cưới thành một dịp để giới thiệu những sản vật này đến bạn bè gần xa”, anh chia sẻ.

Chú rể cùng bó hoa cưới đặc biệt

Không gian cổng cưới ấn tượng
Không chỉ có bánh trái, tráp cưới còn được điểm tô bằng các loại rau củ nhỏ xinh, phù hợp với tiêu chí “sống xanh, sống sạch” mà anh hướng đến. Cà rốt, cà chua, củ cải, bắp, cà tím, chanh, tắc... đều được lựa chọn cẩn thận từ những loại đang vào mùa, đảm bảo độ tươi ngon và có thể tận dụng sau đám cưới.




Những mâm tráp cưới lạ mắt, kết hợp hài hòa giữa đặc sản Bình Định và rau củ tươi ngon
Từ ý tưởng đến hiện thực
Ban đầu, khi nghe về ý tưởng này, gia đình hai bên khá bất ngờ vì trước giờ chưa ai từng làm như vậy. Nhưng khi nhìn thấy sự tâm huyết của đôi trẻ, mọi người dần hào hứng và nhiệt tình ủng hộ. Quá trình chuẩn bị diễn ra công phu, kéo dài nhiều ngày. “Chúng mình mất khoảng hai ngày để chọn lựa và đặt mua nguyên liệu. Việc tìm đặc sản thì không quá khó vì Bình Định có những làng nghề truyền thống lâu đời, nhưng gom đủ số lượng lớn rau củ thì phải tìm nguồn kỹ hơn”, anh Phước kể lại.

Việc dựng rạp và làm tráp cưới cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém

Rau củ đều được lựa chọn cẩn thận từ những loại đang vào mùa, đảm bảo độ tươi ngon và có thể tận dụng sau đám cưới
Việc dựng rạp và làm tráp cưới cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém. Một đội ngũ tám người từ team Hoàng Hiếu Decor đã làm việc liên tục trong 20 tiếng để trang trí rạp cưới. Trong khi đó, nhóm ba người khác mất gần một ngày để hoàn thiện những mâm tráp cầu kỳ từ bánh trái và rau củ. Khó khăn lớn nhất là thời tiết thất thường, trời âm u và mưa nhẹ trong suốt quá trình chuẩn bị. Nhưng may mắn thay, đến ngày cưới, trời lại quang đãng, như một món quà dành cho đôi uyên ương.




Việc tìm đặc sản thì không quá khó vì Bình Định có những làng nghề truyền thống lâu đời, nhưng gom đủ số lượng lớn rau củ thì phải tìm nguồn kỹ hơn
Đám cưới dung dị nhưng giàu ý nghĩa
Với tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng, hôn lễ không chỉ tiết kiệm mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. “Mình cảm thấy rất hợp lý, bởi điều quan trọng nhất là khách mời ai cũng thích thú khi thấy những món bánh gắn liền với tuổi thơ xuất hiện trên bàn tiệc”, anh Phước chia sẻ. Đám cưới không chỉ là ngày vui của hai người, mà còn là dịp để kết nối bạn bè, gia đình bằng những ký ức ngọt ngào từ những món ăn quê hương.



Liếp phơi bánh tráng cũng được mang vào decor trong đám cưới
Ngay khi hình ảnh đám cưới được lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ sự thích thú và ngưỡng mộ. Nhiều bình luận khen ngợi sự sáng tạo của đôi trẻ, thậm chí có người còn bày tỏ mong muốn áp dụng ý tưởng này cho đám cưới của chính mình. “Mình vui vì đám cưới không chỉ là ngày trọng đại của hai vợ chồng, mà còn góp phần lan tỏa tình yêu dành cho đặc sản Bình Định đến với nhiều người”, anh Phước hạnh phúc nói.

Đôi uyên ương hạnh phúc trong ngày cưới, với không gian vô cùng gần gũi, đặc biệt
Một đám cưới không cầu kỳ nhưng đong đầy cảm xúc và đậm nét văn hóa địa phương. Đó không chỉ là một ngày vui, mà còn là một cách để kể câu chuyện về quê hương theo cách riêng, dung dị mà ấn tượng.