Từ những ngày lang thang đến phút dừng chân giữa núi rừng
Những chuyến đi của Nguyễn Sỹ Đức bắt đầu từ 2016-2017 như một cách để trốn khỏi nhịp sống thành thị đang ngày càng khiến anh thấy ngột ngạt. Rồi càng đi, càng khám phá, anh càng cảm thấy mình phù hợp với nhịp sống chậm rãi ở những vùng đất gần thiên nhiên. “Mình mê những ngày Y Tý đầy sương, thích thú khi tìm hiểu những làng nghề còn giữ nguyên vẹn nét đẹp truyền thống của Cao Bằng…”, anh chậm rãi kể.




Đi nhiều nơi, Đức cảm thấy mình phù hợp với nhịp sống chậm rãi ở những vùng đất gần thiên nhiên
Trước đây, Đức từng thử sống ở Sa Pa cũng là một điểm đến của dân “nghiện xê dịch”. Nhưng hóa ra, mảnh đất khiến anh “có duyên” nhất lại là Tuyên Quang (trước đây là Hà Giang), nơi anh quyết định ở lại từ năm 2019 đến nay.
“Ban đầu cũng chỉ là đi chơi, tìm không gian trong lành một chút thôi, nhưng rồi thấy hợp, nên muốn ở lại lâu dài”, anh nói. Và thế là từ những chuyến đi ngắn ngày, Đức bắt đầu sống hẳn ở vùng cao, tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ nhưng đồng thời cũng phải tập thích nghi với những điều không dễ dàng.



Mảnh đất mà Đức bén duyên là Tuyên Quang (Hà Giang cũ), nơi địa đầu Tổ quốc
Học nấu ăn để sống, học thở chậm để vui
Cuộc sống ở vùng núi không phải là những ngày chỉ ngắm mây, ngắm núi. Khi ở lại lâu dài, Đức buộc phải học nhiều thứ và thích nghi với những sự bất tiện của vùng cao. Từ chuyện di chuyển đường sá xa xôi, nhiều nơi còn đường đất, nắng thì bụi, mưa lại sình lầy cho đến việc thiếu nhu yếu phẩm, ít cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi, quầy thuốc hay các khu vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm…“Ở đây không có nhiều quán ăn hay cửa hàng tiện lợi, nên mình phải học nấu ăn dần. Cũng hay, vì tự nấu thì biết mình ăn gì. Không có những nơi chốn đông đúc, nhộn nhịp thì mình sống chậm lại chút”, anh nói.
Trong thời gian ở Tuyên Quang, Đức không chỉ sống cho riêng mình. Anh từng làm quản lý homestay, làm hướng dẫn viên địa phương, rồi chụp ảnh dạo như một cách để kết nối với cộng đồng xung quanh và cũng để duy trì cuộc sống. “Mỗi việc đều mang lại trải nghiệm riêng, nhưng cái mình theo đuổi vẫn là có một không gian cho chính mình”, anh nói.



Đức nhận làm nhiều công việc như chụp ảnh dạo, làm hướng dẫn viên để có chi phí sinh hoạt ở vùng cao
Sa Mộc - ngôi nhà yên tĩnh giữa cao nguyên đá
Ý tưởng xây một homestay nho nhỏ không đến từ tham vọng kinh doanh, mà đơn giản chỉ là một nhu cầu có thật: được sống trong một căn nhà của riêng mình, và có thể tiếp đón những người bạn cùng gu. “Mình nghĩ nếu sống ở đây thì việc có thêm nguồn thu nhập từ việc làm homestay cũng giúp duy trì cuộc sống. Quan trọng hơn, mình muốn được gặp gỡ những người giống mình, thích yên tĩnh, thích thiên nhiên, và tử tế với nhau”.
Thế là Sa Mộc ra đời, một căn nhà nằm phía sau một rừng sa mộc nhỏ, loài cây mà Đức đặc biệt yêu thích. Sa mộc là loài cây thân gỗ, lá kim, có sức sống mãnh liệt, được coi như biểu tượng cho sự vượt khó đi lên của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Anh chọn kiến trúc Mông đặc trưng của vùng cao nguyên đá, thuê thợ bản địa làm, vừa làm vừa sửa. Mọi chi tiết đều được chăm chút dần dần, không theo bản vẽ hay bản thiết kế cầu kỳ nào. “Chắc vì là nhà mình ở, nên mình thấy mọi khó khăn trong quá trình xây dựng đều là trải nghiệm, không phải vấn đề gì to tát”.



Ngôi nhà nhỏ sẽ chỉ có hai bungalow và ba phòng ở nhà chính. Không gian không rộng nhưng đủ yên tĩnh, đủ riêng tư và hòa mình giữa thiên nhiên. Đức giữ lại những gốc lê, gốc đào quanh nhà, thứ mà anh cho rằng “đủ để ai đó ngồi đọc sách, hít thở và tận hưởng ngày trôi chậm”.

Ngôi nhà nhỏ dần thành hình giữa rừng cây sa mộc
Nơi chia sẻ cảm xúc cùng bạn bè bốn phương
“Sa Mộc” dự kiến sẽ đón những vị khách đầu tiên từ giữa tháng 8. Nội thất và đường đi vẫn còn đang hoàn thiện, nhưng với Đức, căn nhà này sẽ không bao giờ hoàn toàn xong. “Nó sẽ được chăm chút theo thời gian và cả theo tâm trạng nữa. Mỗi người đến ở đây có thể sẽ góp một chút vào vẻ đẹp của nó”, anh nói.
Đức cũng bày tỏ mong muốn rằng Sa Mộc không chỉ là chỗ nghỉ chân mà là nơi ai đó có thể cảm thấy thư giãn, tĩnh tại và chạm vào sự giản đơn mà thành thị đã vô tình làm lu mờ. “Mình mong sẽ gặp được những vị khách đáng yêu, thích yên tĩnh. Và quan trọng nhất, mình muốn gìn giữ một chút nét truyền thống của người Mông nơi đây, trong chính căn nhà nhỏ của mình”.

Đức mong muốn sau khi thành hình, nhà Sa Mộc sẽ là nơi chia sẻ những chuyến đi, trải nghiệm của những người chung đam mê
Không chạy theo số lượt check-in hay kỳ vọng tạo trend du lịch, Nguyễn Sỹ Đức chọn sống ở vùng cao như một lựa chọn tự nhiên và mở homestay như một phần của lối sống ấy. Đó là thứ hạnh phúc đến từ việc mỗi sáng tỉnh dậy thấy núi mờ trong sương, tự nấu một bữa cơm giản dị, rồi ngồi dưới gốc đào mà thở một hơi dài thật sâu.


Không chỉ là nơi dừng chân, Sa Mộc có thể sẽ là nơi nhen nhóm những hành trình mới cho cả Đức và những người ghé thăm
Sau gần 10 năm từ những chuyến đi đầu tiên, Đức đã có một nơi để dừng chân. Một nơi thật nhỏ, thật yên, thật “vừa vặn” với tâm hồn của một người trẻ từng rong ruổi khắp miền biên ải. Và biết đâu, trong sự bình lặng của Sa Mộc, lại có những hành trình mới được nhen nhóm không phải bằng bánh xe, mà bằng sự tĩnh tại và kết nối giữa người với người.