Urs Kessler, CEO Jungfrau Railways, chuyến tàu đưa khách du lịch lên ngọn núi cao nhất ở Thụy Sĩ, vui mừng khi Trung Quốc dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại. Nhưng ngoại trừ một nhóm nhỏ đến vào tháng 2, và một vài nhóm lớn dự kiến đến vào tháng 5, Kessler hầu như không gặp thêm nhóm khách Trung nào.
Nhiều công ty lữ hành gặp tình trạng giống Kessler. Họ thất vọng vì lượng đặt phòng đến từ khách Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, đây là tệp khách được xếp vào hàng "chi tiêu cao". Trước dịch, mỗi khách Trung đến châu Âu thường tiêu 1.500-3.000 euro, theo Global Times. Hiện theo dữ liệu từ Công ty Du lịch ForwardKeys, lượng đặt các chuyến bay của khách Trung đến châu Âu trong tháng 8 (mùa cao điểm) chỉ bằng một phần ba trước dịch.
Ngành du lịch châu Âu cũng đang vật lộn với những vị khách nội địa có kinh tế eo hẹp hơn sau dịch. Họ tìm kiếm các kỳ nghỉ giá rẻ hơn khi giá năng lượng và thực phẩm đang tăng. Hè này đánh giấu mùa hè thứ hai châu Âu mở cửa. Dù vậy, ngành du lịch vẫn cần "một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn".
Trước dịch, Trung Quốc chiếm 10% số lượt lưu trú của khách du lịch ngoài EU ở châu Âu. Họ có sở thích đặc biệt là mua hàng hiệu, ăn uống sang chảnh. Tuy nhiên sau dịch, khách Trung đang phải đối mặt với nhiều hạn chế về thị thực, thời gian cấp lại hoặc mới hộ chiếu phải đợi lâu, chi phí du lịch tăng. Điều này dẫn đến việc du khách quan tâm tới các chuyến đi gần như Hong Kong, Thái Lan hoặc Ma Cao, hơn xuyên lục địa.
Đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu, chi phí đi châu Âu cũng là một yếu tố cản trở. "Tiền chắc chắn là một phần cần cân nhắc. Rất nhiều chuyến bay vẫn chưa được mở - điều đó khiến việc sớm đến châu Âu trở nên khó khăn hơn", Stephanie Lin, sống ở Thượng Hải, cho biết.
Đứng trước tình trạng này, các nhà điều hành tour châu Âu đang tìm những tệp khách khác thay thế, đặc biệt là Mỹ. Một số nhà phân tích dự đoán các khách Mỹ đổ xô đến London và Paris có thể vượt qua mức của năm 2019.
Sophie Lu, 26 tuổi, đến London vào đầu tháng 3 từ Hawaii. Cô rất ngạc nhiên vì giá cả đồ ăn phải chăng. "Tôi không có ý định tiêu xài hoang phí. Nhưng tôi nhận thấy giá cả rẻ hơn nơi tôi đang sống", cô nói khi đứng trước cổng cung điện Buckingham.
Trên đại lộ Champs-Elysee ở Paris, Colleen Danielson, 40 tuổi, đến từ Boston, cho biết cô cũng muốn chi tiêu nhiều hơn vì đồng USD tăng giá. Còn Kessler hy vọng các nhóm khách đến từ Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt khách Trung Quốc trong năm nay, ngoài Mỹ.
Bên cạnh đó, những người làm trong ngành dịch vụ cũng hy vọng vào hai quý cuối năm, khi chính sách thị thực được nới lỏng với khách Trung Quốc, nhiều chuyến bay nối lại, lượng khách đại lục sẽ tăng. Do đó, họ đã chuẩn bị trước các chiến dịch quảng cáo, nhằm thu hút tệp khách này trên WeChat.
Bicester Village, một cửa hàng gần Oxford, cũng đang sử dụng WeChat để hỗ trợ khách Trung mua sắm. "Đầu năm sẽ không có gì thay đổi, nhưng sau đó sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm", Kessler nói.