Bắt đầu từ ngày 28/10/2019, Tổng thầu thi công sẽ cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử toàn tuyến lần cuối trong vòng 25 ngày (5 ngày chuẩn bị và 20 ngày chạy thử tích hợp). Mục đích của việc chạy tích hợp 20 ngày là để chứng minh độ an toàn và hoàn chỉnh của hệ thống, đồng thời kiểm chứng được năng lực của đội ngũ vận hành. Đây là bước bắt buộc và cũng là nội dung chính trong quy trình nghiệm thu.
Theo bà Mạch Thu Tuyền, Trưởng phòng Đào tạo thuộc Tổng thầu Trung Quốc, trước đây dự án đã vận hành thử toàn hệ thống, song có sự giám sát của các chuyên gia Trung Quốc thuộc Công ty Metro Thẩm Quyến; còn lần này toàn bộ việc vận hành dự án do nhân viên người Việt Nam thuộc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thực hiện.
"20 ngày này sẽ kiểm chứng độ an toàn hệ thống và năng lực vận hành của toàn bộ nhân viên. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình nghiệm thu", bà Mạch Thu Tuyền nói.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đầu tháng 10/2019, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng với hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh.
Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao và đi vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại, trong đó có việc Tổng thầu chưa cung cấp đủ chứng chỉ, hồ sơ... để có cơ sở đánh giá đảm bảo an toàn hệ thống.
Trong khi đó, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Tổng thầu Trung Quốc) cho hay, đơn vị này đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ cho chủ đầu tư phía Việt Nam theo hợp đồng EPC. Còn một số yêu cầu sau này của chủ đầu tư đưa ra khó có thể đáp ứng. "Đơn cử, một số sản phẩm thiết bị đã xuất xưởng từ lâu, hồ sơ của sản phẩm này phải được hoàn thành trong quá trình sản xuất. Chủ đầu tư yêu cầu hồ sơ này thì không thể có, nếu có thì là làm giả", ông nói.
Về quá trình vận hành thử toàn hệ thống, Tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm thực hiện theo đề cương để đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp.