Chuyện con tằm nhả tơ và con đường bảo tồn nghề thủ công truyền thống

20/07/2022

Với tất cả tình yêu và sự tâm huyết của những nghệ nhân dành cho nghề thủ công truyền thống, những tấm vải lụa đũi ra đời. Không đơn thuần là một sản phẩm, nó còn là kết tinh của cái hồn Việt, mang trong đó sự cần cù, chân chất, mộc mạc và thơ ngây.

Một chiều chủ nhật nắng vàng ươm phủ khắp phố phường Hà Nội, tôi tìm đến một ngôi nhà theo lối kiến trúc cổ nằm khiêm nhường trong khuôn viên trung tâm Triển lãm Vân Hồ. Cách không xa khu vực nhộn nhịp nhất thủ đô, nơi đây lại mang một vẻ đẹp cổ điển, dịu dàng, thoang thoảng gợi nhớ tới chốn làng quê Việt Nam bình dị. Có chiếc nón xinh treo trên khóm tre xanh mát, có hàng cây cao rợp bóng để lọt những tia nắng li ti rơi xuống ngay trước hiên nhà, tất cả mời chào và dẫn bước tôi vào một thế giới diệu kì của những sắc màu truyền thống.

Ngày hôm đó, tôi đến tham gia buổi Workshop "Tìm hiểu Lụa đũi Nam Cao" của Hanhsilk với sự háo hức và một phần tò mò về nghề nuôi tằm dệt vải.

Chiều mùa hè oi ả điểm tô lên một không gian cổ kính

Chiều mùa hè oi ả điểm tô lên một không gian cổ kính

Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải

Trong không gian rộng rãi nhưng không kém phần gần gũi và ấm cúng, tôi được lắng nghe câu chuyện về quy trình tạo ra những sản phẩm lụa, đũi tại Hợp tác xã Nam Cao, tỉnh Thái Bình - một trong những thủ phủ của nghề dệt vải. Trước đó, hiểu biết của tôi về nghề truyền thống lâu đời này dừng lại ở việc cho tằm ăn lá dâu, thu hoạch kén, lấy tơ rồi dệt thành vải nhưng đó chỉ là tóm tắt ngắn gọn của một quy trình vô cùng phức tạp.

Để tằm phát triển tốt nhất, khi gần đến ngày nhả tơ, người nông dân phải dậy từ 4h sáng để ngắt những chiếc lá dâu to bằng bàn tay mang về làm thức ăn cho tằm. Quy trình được lặp lại vào lúc 3h chiều để đảm bảo lượng lá đủ và tươi ngon nhất, đem lại dinh dưỡng cho những chú tằm chăm chỉ. Trải qua năm vòng đời với bốn lần lột xác, tằm bắt đầu nhả tơ tạo kén. Những chiếc kén được dệt từ ngoài vào trong cho đến khi thành hình, cũng là lúc con tằm kết thúc nhiệm vụ của mình và hóa thành nhộng. Trước khi nhộng lớn thành sâu bướm và tự đục kén thoát ra; người nông dân phải cắt kén để bắt đầu quá trình ươm tơ.

Tằm ăn lá dâu để sẵn sàng nhả tơ

Tằm ăn lá dâu để sẵn sàng nhả tơ

Có lẽ, khi nhắc đến tơ tằm, nhiều người sẽ hình dung đến một loại chất liệu mềm, mịn, mướt nhưng trên thực tế, cùng từ sợi tơ tằm có thể cho ra sản phẩm có bề mặt vô cùng khác nhau, từ mềm nhẹ như lụa satin cho đến thô mộc mạc như vải đũi... Điều này được quyết định chủ yếu ở kỹ thuật ươm tơ. Nếu như tơ ươm bằng máy cho ra sản lượng cao và sợi to đều, mỏng mượt thì ươm thủ công trên nồi nước lại cho ra sợi lớn hơn, hơi có độ thô nhưng vẫn mềm và bóng. Tốn nhiều công sức và đòi hỏi tay nghề thành thục nhất có lẽ là hình thức ươm sợi vải đũi. Người ta phải ngâm kén trong nồi nước lạnh từ 3-5 tiếng cho kén mềm rồi cần mẫn rút sợi bằng tay. Trung bình mỗi ngày, một người chỉ có thể kéo được từ 0,7 đến 1 lạng sợi đũi, thấp hơn nhiều so với hình thức ươm thủ công và dùng máy. Mặc dù có độ thô lớn, không bóng và mềm mịn như lụa, sợi đũi vẫn có sức hấp dẫn lớn bởi tính chất tự nhiên, mộc mạc và thoáng mát của nó.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Sản phẩm tơ tằm cần rất kỳ công để đạt được chất lượng cao nhất

Sản phẩm tơ tằm cần rất kỳ công để đạt được chất lượng cao nhất

Sợi tơ sau đó được se lại với nhau để điều chỉnh độ dày mỏng, dệt tạo nên nhiều loại vải với độ mỏng, mềm, rủ, bóng... đa dạng. Vải mới dệt có màu tự nhiên, hơi trắng ngà. Tùy vào nhu cầu, người ta sẽ giữ nguyên màu mộc ban đầu của vải hoặc nhuộm từ các loại nguyên liệu thiên nhiên như lá cây, củ quả để tạo thành những màu sắc rực rỡ bắt mắt.

Vừa nghe câu chuyện dệt vải truyền thống, vừa trực tiếp ngắm nhìn những chú tằm cần mẫn ăn lá nhả tơ rồi tận tay chạm vào những sản phẩm lụa đũi mềm mại trong một không gian đầm ấm khiến ai nấy đều cảm thấy thêm trân trọng một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Với tất cả tình yêu và sự tâm huyết của những nghệ nhân dành cho nghề thủ công truyền thống, những tấm vải lụa đũi ra đời. Không đơn thuần là một sản phẩm, nó còn là kết tinh của cái hồn Việt, mang trong đó sự cần cù, chân chất, mộc mạc và thơ ngây.

Sống lại sức hút của nghề thủ công truyền thống

Ngày nay, trước sự bùng nổ của công nghệ, kĩ thuật số khiến người trẻ bị bủa vây bởi những thú vui cùng vô số những sản phẩm nhập khẩu mới mẻ, đồ thủ công truyền thống phần nào trở nên lép vế.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận đúng rằng không phải nghề thủ công "chán" mà sức hút của nó mất đi phải chăng do không được truyền thông đủ để cạnh tranh với những mô hình khác. Những người trẻ sinh ra và lớn lên tại thành thị phần lớn không có điều kiện tiếp xúc, hiểu và gắn kết với những làng nghề nơi mái ngói lũy tre. Trong khi đó, phần lớn thông tin trên mạng đều mang nặng lý thuyết hoặc không đủ sức hấp dẫn và khơi gợi sự tò mò khám phá của người trẻ. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi họ mải mê theo đuổi những thú vui xa xôi thay vì tìm thấy niềm vui trong hoạt động văn hóa truyền thống như nghề dệt vải.

Không ít người trẻ quan tâm đến nét đẹp văn hoá tơ tằm

Không ít người trẻ quan tâm đến nét đẹp văn hoá tơ tằm

Những năm gần đây, nhiều cá nhân và tập thể dần tích cực tổ chức các hoạt động workshop trải nghiệm với mong muốn đem văn hóa truyền thống gần lại hơn với người trẻ đồng thời làm sống dậy những kí ức đẹp đẽ của thế hệ lớn tuổi. Workshop Tìm hiểu lụa đũi Nam Cao cũng là nỗ lực lan tỏa niềm tự hào về một nét đẹp thủ công đã tồn tại từ ngàn đời.

Chị Thanh Hạnh - Founder của Hanhsilk chia sẻ: "Mình luôn trăn trở làm thế nào để đưa những sản phẩm độc đáo của người Việt, được làm từ bàn tay cần cù, tỉ mỉ và sáng tạo đến gần hơn với cộng đồng trong và ngoài nước. Đó cũng là cách mình yêu và tự hào về đất nước, con người và là động lực chính để mình tổ chức ra những chuỗi workshop và tour tìm hiểu về làng nghề như hiện nay".

Cũng theo chị Hạnh, sức hấp dẫn của những sản phẩm tơ tằm không chỉ dừng ở chữ "đẹp" mà còn đến từ tính chất thoáng mát và quan trọng nhất là thân thiện với môi trường. Nếu như những chất liệu thường được sử dụng trong thời trang nhanh mất đến 200 năm để phân hủy, tơ tằm lại chỉ cần từ 6 tháng đến 1 năm. Nhờ mang hàm lượng protein cao và hoàn toàn không sử dụng hóa chất, sau khi phân hủy nó bổ sung dinh dưỡng cho đất và nuôi dưỡng vòng tuần hoàn của tự nhiên.

Tơ tằm là sản phẩm rất thân thiện với môi trường

Tơ tằm là sản phẩm rất thân thiện với môi trường

Có thể nói, những cố gắng bảo tồn nghề truyền thống của những cá nhân như chị Hạnh đã phần nào đem lại kết quả. Workshop Tìm hiểu lụa đũi Nam Cao thu hút hàng chục người tham gia, từ những em nhỏ trong độ tuổi từ 7 - 10 tuổi cho đến người trẻ, các bậc phụ huynh và cả những người lớn tuổi. Dù ở thế hệ nào, có lẽ sâu thẳm trong họ vẫn ấp ủ một tình yêu và sự quan tâm đến nghệ thuật truyền thống và những cơ hội để tiếp xúc và trải nghiệm là điều họ vẫn luôn kiếm tìm.

Empty
Hà Thu - Nguồn: Ảnh: Hanhsilk, Travellive
RELATED ARTICLES