“Đó là lần đầu tiên tôi có một chuyến đi xa như vậy mà lại bằng xe đạp”, Cúc bồi hồi nhớ lại. Trước đây, những lần đi xa nhất của Cúc chỉ khoảng dưới 500 km.
Biết đến "Đạp xe xuyên Việt" từ một người bạn đã từng đi trước ba mùa. Cúc chợt nghĩ: "Người bạn có dáng vóc nhỏ nhắn mà còn đạp xe được thì tại sao mình lại không?". Vốn mang trong mình sở thích khám phá, ưa xê dịch, thêm động lực sau thời gian được chia sẻ và tham khảo khá kĩ càng những hành trình xuyên Việt, Cúc quyết tâm phải đi bằng được.
Lựa chọn xe đạp là phương tiện để đi xuyên Việt
Khoảng thời gian hè năm ba Đại học, Cúc có nhiều thời gian rảnh rỗi. Cô nghĩ rằng, thời điểm đó nếu không đi thì sau này khó có thể thực hiện, năm cuối ra trường còn tất bật đi kiếm việc làm, lo cơm áo gạo tiền nên cũng sẽ khó hơn.
“Thời gian đó tưởng chừng khó về kinh phí, vì không biết kiếm tiền đâu để đi vì còn là sinh viên. Thời gian thì không thành vấn đề bởi chưa phải đi làm. Cái khó tiếp theo là giai đoạn khi đăng kí đi và đến lúc bắt đầu xuất phát. Rất dễ bỏ cuộc, phải cứng rắn lắm mới đi nổi. Có ba thứ quyết định chuyến đi đó của tôi: thời gian, tiền bạc và sự quyết tâm. Mà quyết tâm là cái lớn nhất”, Cúc cho biết.
Lúc đăng ký để tham gia xuyên Việt là đầu tháng 4 nhưng phải đến lúc đi phải gần đầu tháng 7, phải mất mấy tháng đánh vật với ý chí, Cúc mới đưa ra quyết định cuối cùng. Và sau đó, Cúc bắt đầu chuyến hành trình từ ngày 26 tháng 6 năm 2019 và thời điểm trở về TP.HCM là giữa tháng 8 cùng năm.
Chuyến đi 50 ngày xuyên Việt khám phá đất nước với khoảng hơn 3.000 km, có những vùng đất lần đầu tiên Cúc đặt chân đến như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quy Nhơn, Cà Mau... Hành trình xuất phát bắt đầu từ Hà Nội và điểm cuối là Cà Mau với sự tham gia của nhiều bạn trẻ từ mọi vùng miền trên đất nước.
Suốt chặng hành trình, có rất nhiều kỉ niệm đối với Cúc. Mỗi ngày, Cúc đều chinh phục tỉnh thành mới, thưởng thức những món ngon, khám phá văn hóa địa phương. Bao mệt nhọc cũng đều được xua tan đi.
Những khó khăn thường gặp phải nhất là đạp xe tụt đoàn, thời tiết khắc nghiệt, xe đạp hư hỏng, kiệt sức… Trên đường đi tuy có nhiều khó khăn, Cúc vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của mọi thành viên trong đoàn.
Có lẽ khó quên nhất là sự cố bạn cùng đoàn của Cúc bị tai nạn gần biển Cửa Lò khiến hai thành viên bất tỉnh nhập viện, phương tiện đi lại cũng hư hỏng nặng. Mất mấy ngày ở Nghệ An để theo dõi, sau đó cả đoàn mới tiếp tục cuộc hành trình chinh phục điểm đến tiếp theo.
Về chi phí cho chuyến đi, Cúc đã tiêu tốn khoảng 15 triệu đồng. Cô thường lựa chọn ở homestay phòng tập thể để tiết kiệm chi phí. Cúc cũng chỉ chạy xe khoảng tầm gần 100 km/ngày để đảm bảo sức khỏe và thời gian khám phá. Ngoài ra, đạp xe ở khoảng thời gian nóng nực nhất năm nên việc chống nắng, che kín là điều cần thiết phải đặc biệt chú ý.
Để chuyến đi tiết kiệm về cả thời gian, tiền bạc Cúc và thành viên trong đoàn đều lập ra kế hoạch điểm đến, ngày đi rõ ràng.
Còn khỏe, còn trẻ là phải đi
“Mỗi chúng ta, cơ hội thường chỉ đến một lần trong đời. Không có tiền thì vay, đi và trả. Hãy đi theo kiểu trải nghiệm trước, sau đó có nhiều chuyến đi theo cách hưởng thụ”, Cúc tâm sự.
Từ đầu đến cuối hành trình đạp xe xuyên Việt, Cúc luôn ý thức ba điều. Thứ nhất, đã đi xuyên Việt là đi đến cùng, không thể bỏ cuộc. Thứ hai, mọi người làm được, mình cũng làm được. Thứ ba, luôn có người đồng hành là những người anh em, bạn bè động viên. Tất cả là động lực để cho cô đi đến cuối hành trình.
Khi nghĩ lại chuyến đi năm đó, Cúc không hề hối hận. Dù khi đi về, cô cháy túi và da đen nhẻm. Nhưng mỗi lần nhắc lại, kí ức ngày đó lại ùa về cực kì vui vẻ và mang nhiều kỉ niệm, để sau này nhớ lại bản thân đã có một thời nhiệt huyết.
Hơn 3.000 km chỉ với chiếc xe đạp chinh phục mọi cung đường dọc hình chữ S. Những vùng đất Cúc đặt chân đến, được gặp gỡ nhiều người bạn mới, trải nghiệm ở mọi cung bậc cảm xúc là kỉ niệm quý giá, hành trang vững chắc cho những chuyến phiêu lưu sau này.
“Tuổi trẻ có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa giấc nhưng không thể đi nửa đường và yêu bằng nửa trái tim”, Cúc kết luận.