Hãy đến những nơi chưa từng đến, làm những điều chưa từng làm, ta chỉ có một cuộc đời để sống, vì thế hãy sống nó thật trọn vẹn.
Đó là câu nói yêu thích của chàng trai 25 tuổi Lỗ Hữu Đức Anh. Từ Việt Nam đến Hàn Quốc rồi lại trở lại Việt Nam, Đức Anh không ngừng tìm kiếm và khám phá vẻ đẹp ẩn giấu của những miền đất mới, và chuyến cắm trại trên mặt sông băng tại Andong, Hàn Quốc là một kỉ niệm đáng nhớ trong hành trình đó.
Camping trên dòng sông đóng băng
Andong nằm ở phía Nam Hàn Quốc - nơi có nhiệt độ cao hơn hẳn các tỉnh phía Bắc. Làm thế nào khu vực này lại có thể tồn tại một mặt sông đóng băng? Đó là nỗi hoài nghi mà đoàn của Đức Anh mang theo suốt quãng đường đi dài 300 km. Thế nhưng, ngay khi xe đi sâu vào con đường trong núi, thời tiết bỗng chuyển mình một cách đột ngột. Cái lạnh dần xuất hiện trên cỏ cây bên đường và đọng lại ở ô cửa kính. Và dần dần, một mặt sông rộng đóng băng nằm dưới tảng núi và thác băng cao vút hiện lên. Chuyến cắm trại trên băng chính thức bắt đầu.
Khác với camping trên mặt đất, việc dựng lều trên băng đòi hỏi một số kĩ thuật để không phá vỡ kết cấu mặt băng gây nứt vỡ. Thay vì dùng búa cố định đinh ốc, nhóm bạn phải sử dụng máy khoan để lực dồn lại tại một điểm duy nhất. Họ dựng một lều chung rộng rãi để ăn uống và để đồ đạc, sau đó mới dựng các lều riêng để ngủ.
Tại đây, ngoài các hoạt động dạo chơi, chụp hình, ăn uống, Đức Anh còn được trượt băng giữa khung cảnh mênh mông trắng xóa của băng tuyết. Những ai đã từng học bộ môn leo núi đá trong nhà còn có thể trải nghiệm cảm giác đu mình chênh vênh trên vách núi để chinh phục đỉnh thác băng trắng xóa. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để ban đêm, những người yêu thiên văn chụp những bức ảnh ngân hà (milky way) lấp lánh - điều mà tại những thành phố đất chật người đông khó lòng có được.
Mặc dù từng có nhiều kinh nghiệm trong các chuyến đi khám phá, nhưng đây là lần đầu tiên Đức Anh được trải nghiệm cảm giác ngủ trên sông băng. Cái lạnh của đêm tối hòa lẫn với sự buốt giá tỏa lên từ mặt băng vượt xa tưởng tượng của chàng trai. Chỉ khi người bạn đồng hành đưa thêm hai miếng lót giường, cậu mới thiếp đi được một lúc.
Cắm trại trên băng có phải chỉ đơn giản vậy? Câu trả lời là không. Lớp băng thoạt nhìn có vẻ khá chắc chắn, nhưng do chịu nhiều tác động nên thi thoảng dọa đoàn người lữ hành bằng những tiếng rắc rắc rùng rợn kèm theo những vết nứt nhỏ sờ thấy được và cảm nhận được sự ẩm ướt của nước rỉ lên.
"Đỉnh điểm, một đợt rạn mạnh xuất hiện khiến các đội cắm trại xung quanh hét lên. Nhiều người hoang mang, lo lắng rồi vội vàng thu dọn lều rời đi" - Đức Anh kể lại.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi này không khiến chàng trai trẻ lùi bước. An tâm với sự chuẩn bị kĩ càng, đồng thời tấm nệm ngủ cũng là một chiếc phao, cậu vẫn quyết định ở lại. Đức Anh cũng không phải người duy nhất yêu thích trải nghiệm có phần mạo hiểm này. Mặc dù đã quá nửa đêm, những đội cắm trại mới vẫn tiếp tục kéo đến với vẻ phấn khích và chẳng mấy quan tâm đến những vết nứt đáng sợ kia. Và cuối cùng, đêm hôm ấy cũng qua đi mà không có gì quá nguy hiểm xảy đến.
Khi được hỏi về lý do quyết tâm thực hiện hành trình “mạo hiểm” này, trong khi bản thân không hề biết bơi, Đức Anh chia sẻ: “Nếu vì sợ hãi mà bỏ lỡ cơ hội khám phá có một không hai này thì mình mãi sẽ chỉ dám nằm cuộn tròn trong chăn ngắm nhìn những tấm hình của họ và trầm trồ mơ mộng thôi. Cũng có lẽ, phần liều của mình còn lớn hơn nỗi sợ nhiều nên mình quyết định lên đường”.
Bước qua vùng an toàn để ngắm nhìn thế giới
Không phải ai cũng dám từ bỏ những thói quen thường ngày để theo đuổi đam mê và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Nỗi sợ hãi những điều lạ lẫm, con mắt đánh giá của người ngoài hay sự hoài nghi về bản thân như những chiếc mỏ neo khổng lồ kìm hãm con người trong vùng an toàn của mình.
Là một chàng trai trẻ với những chuyến khám phá đến rất nhiều vùng đất lạ ít người dám đặt chân tới, không mấy ai biết rằng cũng giống như những người trẻ khác, Đức Anh cũng từng đối mặt với cảm giác lo lắng.
“Ba năm trước, trước chuyến đi Trekking đầu tiên đến hệ thống hang Tiger ở Quảng Bình, mình nghĩ bản thân không đủ sức để trải nghiệm những hành trình cần nhiều thể lực đến vậy. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chuyến đi đầu tiên ấy với tràn đầy sự thích thú, mình nhận ra nó không nguy hiểm đến vậy khi đi cùng những người có kinh nghiệm. Mình hoàn toàn đủ sức, chỉ là khi ấy tinh thần mình yếu nên vô tình để nỗi sợ xâm chiếm thôi”.
Kể từ chuyến đi đầu tiên, nhận thức của Đức Anh về du lịch, khám phá đã thay đổi. Sức trẻ, sự háo hức và tò mò về thế giới đã thôi thúc chàng trai tiếp tục thực hiện chuyến đi thứ hai, rồi thứ ba… Thay vì để nỗi sợ hãi lấn át như những ngày đầu, Đức Anh chủ động đối mặt với nó. Từ trải nghiệm leo núi tuyết ban đêm dưới cái buốt giá -30 độ để ngắm bình minh rực sáng phía chân trời, đến đi xuyên qua cơn bão nhỏ để tiến tới Sonjaryeong dựng lều, hay cắm trại giữa dòng sông băng tại Andong, chàng trai trẻ đã thật sự bước xa khỏi vùng an toàn để nhìn ngắm thế giới bao la trước mắt.
“Những lần này đã khác, mình chủ động tiến vào nỗi sợ hãi với những kinh nghiệm mình có, chứ không phải với cái đầu trống rỗng như cậu nhóc năm nào”.
Những chuyến đi đã cho Đức Anh ngắm nhìn tận mắt những khung cảnh hùng vĩ tưởng rằng chỉ có trong những bộ phim, tìm được những tâm hồn đồng điệu, và chia sẻ niềm đam mê của mình với thế giới.
Quan trọng nhất, có lẽ, đâu đó giữa những màn sương giăng trên đỉnh núi, trước biển cả dập dìu sóng vỗ hay thung lũng tuyết trắng xóa mênh mông trải đến chân trời, người ta sẽ cảm thấy tâm hồn được vỗ về, để rồi tìm thấy một phần sâu thẳm trong mình. Đó cũng là phần thưởng tuyệt vời nhất khi dám gạt bỏ đi những nỗi sợ hãi để đi theo tiếng gọi đích thực của tâm hồn.
“Hãy bước qua vùng an toàn để ngắm nhìn thế giới này” - Lỗ Hữu Đức Anh.