Khi những chiếc bùa kể chuyện văn hóa

20/12/2021

Cỏ bốn lá ở Ireland. Cóc vàng ba chân Trung Quốc. Tượng Thần Tài và Thổ Địa của người Việt Nam... Những biểu tượng như vậy có mặt trong mọi nền văn hoá trên thế giới, vốn được cho là vật thần kỳ có thể đem lại may mắn, xua đuổi tà ma, và vẫn thường được chế tác thành đồ kỷ niệm bày bán trong các cửa hiệu du lịch. Tất nhiên, không có bằng chứng chắc chắn nào bảo đảm những "bùa hộ mệnh" này sẽ có tác dụng. Nhưng chúng vẫn mang trong mình bản sắc dân tộc và ý nghĩa đặc trưng của mỗi quốc gia, là biểu tượng của hy vọng trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại.

Một chuyến du lịch thành công không chỉ do việc lập kế hoạch tốt, mà còn nhờ vào sự may mắn. Nhiều người tin rằng, những vật như bùa may mắn, bùa hộ mệnh có thể đem lại điều tốt lành giúp bạn tránh được cạm bẫy. Có những biểu tượng may mắn bắt nguồn từ đức tin và tôn giáo (như tượng Phật trong văn hoá các nước Đông Nam Á), một số khác lại xuất phát từ truyền thống xa xưa (như những biểu tượng hình cánh hoa vẽ trên tường nhà của người Amish). Richard Wiseman, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Hertfordshire và là tác giả của cuốn sách The Luck Factor (Yếu tố may rủi), nói: "Chúng xuất hiện ở mọi nền văn hoá và vẫn trường tồn mãi theo thời gian, điều đó chứng tở rằng niềm tin vào may mắn và quan niệm mê tín đã bén rễ trong máu của chúng ta".

Những chiếc chuông gió ở khắp Nhật Bản (ảnh: Internet)

Những chiếc chuông gió ở khắp Nhật Bản (ảnh: Internet)

Bùa hộ mệnh hay món đồ an ủi tinh thần

Trong lúc khó khăn hoặc mất phương hướng, nhiều người có xu hướng tìm đến cho mình những vật cầu may. Đó có thể là một viên đá phong thuỷ, một lá bùa được ban phép, hoặc đơn giản chỉ là một nhánh cỏ ba lá được tìm thấy sau vườn. "Người ta thường trở nên mê tín khi phải đối mặt với áp lực về chất lượng công việc, rõ nhất là các diễn viên và vận động viên" - Wiseman nói, "Mỗi người đều có khoảng thời gian bất định trong đời. Và khi mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ, họ sẽ tin vào bất cứ thứ gì để tìm kiếm hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Chẳng hạn, chân thỏ từng là biểu tượng may mắn trong thời kỳ Đại suy thoái, còn các khối xúc xắc bông thì luôn được các phi công máy bay mang theo bên người trong Thế chiến 2".

Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến thế giới phải chao đảo, vô số vật cầu may bắt đầu được sử dụng ở khắp mọi nơi, như những yếu tố an ủi tinh thần và với niềm hy vọng rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi. Ở nhiều vùng tại Indonesia, người dân treo tetek melek (một loại mặt nạ thủ công truyền thống được làm từ lá cọ dừa) lên cửa, để xua đuổi và ngăn vận rủi vào nhà. Tổng thống Mexico, Andréa Manuel López Obrador, thậm chí còn mang theo chiếc bùa hộ mệnh của mình tới cuộc họp báo mùa xuân về vấn đề đại dịch.

Khắp khu vực Mexico và Trung Mỹ, lâu nay người ta vẫn kháo nhau đi tìm milagros (phép màu). Họ làm ra những tấm bùa nhỏ bằng kim loại, mô phỏng các bộ phận cơ thể bị tổn thương, để mang đến nhà thờ và bán ở các cửa hàng lưu niệm. Bùa milagros được cho là có công dụng chữa trị và tăng cường sức khoẻ cho bất kỳ ai sử dụng, dù là con người hay động vật.

Biểu tượng bọ hung của Ai Cập - Ảnh: Internet

Biểu tượng bọ hung của Ai Cập (ảnh: Internet)

Ngoài ra, người ta cũng gắn những thứ nhỏ bé lấp lánh này lên một hình trái tim nhỏ bằng gỗ hoặc kim loại, được gọi là thánh tâm (corazón). Trong Công giáo, chúng tượng trưng cho tình yêu lãng mạn và được đồn đại là có tác dụng bảo vệ chủ nhân khỏi bệnh tim, hay chữa lành những tổn thương sâu trong tâm hồn. Ở San Miguel de Allende, một vùng miền Trung Mexico, corazón vừa được xem là biểu tượng của thành phố, vừa là món quà lưu niệm phổ biến cho khách du lịch. Những chiếc bùa thánh tâm được gắn cùng milagros, in hình hoạ sĩ Frida Kahlo, hoặc có hoạ tiết chạm khắc bằng thiếc trên bề mặt.

Những món đồ ma thuật cổ xưa

Apotropaic, các biểu tượng hoá giải và xua đuổi linh hồn xấu, đã tồn tại suốt hàng nghìn năm. Trong số đó, bùa mắt quỷ được cho là có nguồn gốc lâu đời nhất, được tạo ra bởi người Sumer ở thung lũng Euphrates từ 5.000 năm trước. Chúng có hình dáng như con mắt, ở giữa là các vòng tròn màu xanh - trắng xếp chồng lên nhau, thường được thấy bày bán ở các khu chợ Địa Trung Hải và Ả Rập. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng đất của người Hồi giáo, biểu tượng mắt quỷ xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên hoa văn bát sứ, chiếc vòng tay, hay thậm chí là cả thảm chùi chân.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Bùa mắt quỷ treo trên một cái cây ở Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Paul Strawson

Bùa mắt quỷ treo trên một cái cây ở Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: Paul Strawson)

Một biểu tượng may mắn lâu đời khác là bàn tay hamsas, mà người Do thái gọi là "Bàn tay của Miriam" còn người Hồi giáo thì gọi là "Bàn tay của Fatima". Chúng có mặt ở rất nhiều chợ tại Maroc và Israel, với hình dáng bàn tay năm ngón, có chất liệu bằng đồng thau, thiếc, men gốm,… Người ta dùng hamsas để làm dây chuyền, đồ treo tương, nắm đấm cửa, cốc uống nước và vô số những đồ dùng khác, với ý nghĩa bảo vệ gia chủ bình an.

"Rất nhiều truyền thống và tín ngưỡng liên quan đến bùa hộ mệnh phổ biến khắp toàn cầu, chứ không chỉ ở khu vực Maroc, Ả Rập và các nước Hồi giáo. Họ đã đi theo con đường thương nhân để trao đổi buôn bán suốt nhiều thế hệ, nên họ cũng chia sẻ tín ngưỡng và văn hoá của nhau" - Maryam Montague, một nhà sưu tập người Mỹ gốc Iran hiện đang sinh sống ở Marrakesh (Maroc), cho biết.

Đôi khi, bùa may mắn cũng có thể được trừu tượng hóa hoặc có hình thức khác lạ so với nguyên bản. Chẳng hạn, bùa mắt quỷ còn được minh họa bằng các hình tam giác hoặc gương tròn trên mặt thảm, thay vì hình tròn thường thấy. Hoặc, theo Montague chia sẻ, ta cũng có thể thấy biểu tượng hamsa không có hình dạng giống bàn tay, mà thay vào đó là những chi tiết đại diện cho năm ngón tay: năm dấu chấm trên một cái đĩa tráng men, hay năm cái vỏ ốc được nạm trên một chiếc bùa hộ mệnh bằng da.

"Càng đi sâu tìm hiểu tín ngưỡng dân gian và văn hoá cổ xưa của mỗi quốc gia, ta sẽ thấy càng nhiều những yếu tố ma thuật" - Montague nói.

Có những sinh vật đem lại may mắn

Thú vị thay, con người có niềm tin rất mãnh liệt vào những vị thần, thánh hoặc những sinh vật được cho là có khả năng mang đến phước lành. Ví dụ như ở Thái Lan, hình ảnh con voi được thêu lên bùa, in lên túi lưu niệm hay áo phông và được coi là biểu tượng may mắn của cả quốc gia. Thậm chí, trong Ấn Độ giáo của người Thái, còn có vị thần Ganesh với hình dáng mình người đầu voi - vị thần bảo hộ cho sự tài trí, hạnh phúc và thành công.

Tượng toritos de pucará bằng đất sét được coi là tượng trưng cho sự cân bằng tốt và xấu trong vũ trụ - Ảnh: Pawlopicasso

Tượng toritos de pucará bằng đất sét được coi là tượng trưng cho sự cân bằng tốt và xấu trong vũ trụ - Ảnh: Pawlopicasso

Ở những vùng nông thôn tại Peru và Bolivia, người ta coi torito de pucará (bò đực) là vị thần bảo vệ con người, và luôn để tượng của orito de pucará trên mái nhà. Còn ở Nhật Bản, hình ảnh mèo chiêu tài (maneki-neko) đã quá phổ biến, là hình ảnh của sự thịnh vượng và giàu có.

...Và cả những hành vi tín ngưỡng

Tại rất nhiều quốc gia, người ta không chỉ mang theo bùa hộ mệnh và sử dụng đồ vật để cầu may, mà còn dùng hành động trong cuộc sống thường ngày. Ở Anh, nhiều người tin rằng nên nói từ "thỏ" (rabbit) sau khi thức dật vào buổi sáng đầu tiên của mỗi tháng. Người Tây Ban Nha thì mặc đồ lót màu đỏ và ăn một tá nho khi chuông đánh vào đêm Giao thừa.

Ở nhiều nước Đông Nam Á, người ta kiêng cắt tóc, quét nhà vào sớm mùng một đầu năm, hoặc tránh vỗ vào vai trái của người khác. Như ở Việt Nam hoặc Trung Quốc, mọi người quan niệm rằng mặc đồ đỏ và sử dụng đồ vật màu đỏ vào ngày Tết có thể đem lại may mắn cả năm.

Tượng Thần Tài và Thổ Địa của người Việt - Ảnh: Internet

Tượng Thần Tài và Thổ Địa của người Việt - Ảnh: Internet

Bùa omamori treo bên ngoài một ngôi đền gần Nagano, Nhật Bản. - Ảnh: Partners

Bùa omamori treo bên ngoài một ngôi đền gần Nagano, Nhật Bản (ảnh: Partners)

Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh được, những niềm tin như trên có chính xác hay không. Dường như, sức mạnh của bùa hộ mệnh nằm ở trong tâm trí người sử dụng. Wiseman cho biết, "Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều đợt thử nghiệm, họ cho hai nhóm người làm một loạt các bài kiểm tra, một nhóm được phép mang theo bùa may mắn của bản thân, còn nhóm kia thì không. Kết quả cho thấy, nhóm có bùa thường đạt kết quả cao hơn". Điều này có nghĩa, những vật cầu may này thực sự làm giảm lo lắng và có tác dụng trấn an tinh thần, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của con người. Nhưng đồng thời, nhược điểm của chúng là ta có thể bị ám ảnh tâm lý khi chẳng may làm mất bùa cầu may.

Sau tất cả, những món đồ này, dù có phép thuật hay ma lực thực sự hay không, thì chúng cũng là hiện thân của những nền văn hoá khác nhau, mang trong đó những câu chuyện, lịch sử và tín ngưỡng có từ nghìn năm của loài người.

An - Nguồn: National Geographic
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES