Chuyến xe buýt không dành cho người yếu tim

01/09/2021

Vùng lãnh thổ diệu kì Bắc Ấn hẳn đã trở thành “chén thánh” của nhiều tín đồ ưa xê dịch. Với độ cao thay đổi liên tục từ 1.950 m đến 5.328 m so với mặt nước biển, con đường bộ từ Manali đến Leh có thể là một trong những chuyến roadtrip mạo hiểm nhất mà bạn có thể được trải nghiệm trên Trái Đất.

Nóng!

Năm 2018, hãng xe buýt HRTC (Himachal Road Transport Corporation) đã mở tuyến chạy thẳng bắt đầu từ thủ đô New Delhi tới Leh - thủ phủ của Ladakh, vùng đất nằm ở rìa Tây Tạng thuộc bang Jammu và Kashmir. Để tới đích của hành trình, hành khách phải trải qua 33 tiếng đồng hồ trên 1.050 km, vượt qua 4 con đèo.

Không có điều hoà, chiếc Tata Ordinary sức chứa 47 người, cấu hình chỗ ngồi 2x3 sẽ là thử thách đầu tiên khi vất vả len lỏi băng qua một trong những đô thị ô nhiễm và nóng nhất thế giới. Nhiệt độ mặt trời tác động lên đường nhựa và cả con người trong chiếc hộp sắt quả là không lấy làm dễ chịu. Tất cả cửa sổ đều phải mở toang để đón làn gió đẩy cơn nóng ra khỏi cuối xe.

Empty
Empty
0
Empty

Vun vút trên đường băng qua vùng làng quê, hành khách sẽ dễ dàng quan sát được một lối sống thuần Ấn, hay những chiếc xe tải nổi tiếng được trang trí sặc sỡ như những hộp bút màu khổng lồ. Tuy vậy, độ cứng của ghế sẽ khiến bạn kiệt sức và không thể ngủ nổi, 50 cm lối nhỏ ở giữa còn quý giá hơn hạng thương gia trên các chuyến bay.

Rất may tình trạng thời tiết này chỉ nằm ở nửa đầu của hành trình, xe chạy suốt đêm để sáng sớm đến với Manali, thị trấn du lịch nổi tiếng bang Himachal Pradesh. Chúng tôi có khoảng 20 phút để làm vệ sinh cá nhân, và ăn sáng gì đó trước khi bắt đầu đến những kilomet gay cấn và thú vị đầu tiên tiến vào “cao tốc” Manali-Leh nổi tiếng.

Một trong những cao tốc hiểm trở nhất hành tinh

Do đặc thù về địa hình và thời tiết nên con đường dài khoảng 500 km này chỉ được mở khoảng 3 tháng trong năm, từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 9 và không có thời gian cố định. Xe buýt chỉ có thể chạy khi BRO (đơn vị xây dựng và bảo trì tuyến đường) cho biết khi nào tuyết ngừng rơi và đã dọn xong đường. Ngoài ra, còn phải kể đến những rủi ro về lũ quét và sạt lở thường xuyên khiến chuyến đi bị gián đoạn.

Empty
Empty

Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng vì sự thay đổi đột ngột về mọi giác quan có thể khiến bạn bị sốc cực độ. Với vị trí và khí hậu của mình, Manali có thiên nhiên và cảnh tượng như những vùng núi châu Âu mà tôi vẫn thường xem trên sách báo. Những ngọn núi tuyết vĩnh cửu và sông băng bắt đầu xuất hiện ngay sau những cua tay áo siêu hẹp đầu tiên.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Empty

Trước khi tiến vào lãnh thổ của những con đèo, tất nhiên bạn sẽ được chào đón bằng… đèo. Chỉ cách trung tâm Manali khoảng 52 km, xe phải vượt qua Rohtang Pass, con đèo có độ cao 3.978 m và được xem là cửa ngõ đặc biệt để bước vào vùng văn hóa Phật giáo. Tuy không phải đặc biệt cao và khó vượt qua nhưng Rohtang Pass nổi danh là nguy hiểm bởi những cơn bão tuyết bất thường.

Empty

Qua Rohtang Pass, bạn sẽ gặp đôi chút khó khăn bởi tắc đường. Lý do là ở đây có một check-point để kiểm soát xe và người. Hàng đoàn xe con đứng đợi để đi tiếp, những chiếc mô tô Royal Enfield (được sử dụng rất phổ biến ở đây) của các biker thì dễ dàng lách qua.

Empty

Cao tốc Manali - Leh có vị trí địa chính trị phức tạp nên bạn cũng phải làm quen với việc thỉnh thoảng phải xuất trình hộ chiếu tại các điểm check-point. Nhưng đừng quá lo lắng, bạn chỉ việc đưa hộ chiếu và phụ xe sẽ giúp đỡ bạn. Những phụ xe trên các xe buýt ở Ladakh đích thực là phụ tá đắc lực và là cặp mắt thứ hai của tài xế. Ngoài những công việc cơ bản như xé vé, họ không khác gì chiếc camera 360 độ. Với những con đường hẹp, dốc và cực kì nguy hiểm trên cung đường, hầu như phụ xe luôn phải nhảy lên và xuống quan sát rồi báo với tài xế bằng một chiếc còi nhỏ đeo trước ngực.

Empty

Ngoài những khúc cua tay áo không có hồi kết, mặt đường cũng là nỗi ác mộng khi sau mỗi một mùa đông, chúng chẳng còn lại gì ngoài sỏi đá. Lớp nhựa rải trên mặt đường có khi trôi cách vị trí cũ cả mét.

Một bên là núi, bên kia sẽ là vực sâu và dốc đến nỗi bạn biết rằng chiếc xe sẽ mất kha khá thời gian trước khi dừng lăn. Làn đường chỉ đủ một thân xe rưỡi nên những tài xế ở đây rất biết cách nhường nhau, có khi họ phải quan sát trước cả cây số để sà vào những chỗ tránh, nhường đường cho xe ngược chiều. Chỉ những tài xế có nhiều năm kinh nghiệm mới được tham gia tuyến này, họ chuyên nghiệp và tập trung cao độ.

Cận cảnh một pha "đụng độ" giữa hai chiếc xe ngược chiều trên đèo

So với sử dụng dịch vụ hàng không, di chuyển đến Leh bằng đường bộ cũng là một cách giúp cơ thể thích nghi với độ cao, do tiếp theo bạn sẽ phải đối mặt với 3 con đèo nữa bao gồm: Baracha La (4.890 m), Lachulang La (5.079 m), và thành luỹ cuối cùng là con đèo cao thứ nhì thế giới có thể đi được bằng xe, có tên Taglang La (5.328 m). Có tới 4 lần tăng và hạ độ cao trong vỏn vẹn 24 giờ.

Hơn cả một chuyến xe buýt

Điều ngoạn mục không chỉ nằm trên đỉnh những con đèo, bởi chuyến bus này còn thực sự khiến bạn mãn nhãn khi họ đưa hành khách qua ít nhất 3 hình thái địa hình khác nhau. Từ kiểu rừng lá kim giống Thuỵ Sĩ, đến luồn lách qua con đường 2 bên là vách tuyết giữa những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu, và một lượng lớn các thung lũng sa mạc cao nguyên cằn cỗi. Quá “hời” phải không? Đó còn là sự dịch chuyển về tôn giáo và nhân chủng học. Dấu ấn của Hindu giáo và người Ấn mờ nhạt dần, chuyển sang sự xuất hiện của những stupa, và vô số lá cờ Lungta sặc sỡ nhiều sắc mầu, cho thấy sự hiện diện của phật giáo Tây Tạng.

Empty
Empty
Empty

Những thử thách đó bỏ lại phía sau chính là lúc tiến tới Leh, thủ phủ của Ladakh và là điểm cuối của chiếc xe buýt này. Từng thảm thực vật hiện lên xanh ngát. Những người Ladakhi đầu tiên chúng tôi gặp mặt nhảy lên để đi nhờ xe. Không khí trên chuyến xe dường như thay đổi hoàn toàn, sức sống đó mang một năng lượng đặc biệt. Tôi xem đó là một lời chào nồng hậu không thể ấm áp hơn trước những chuyến phiêu lưu phía trước.

Empty
Bảo Khánh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES