Cổ ngọc Việt Nam

24/10/2012

Được loài người biết đến từ khoảng 7000 năm nay, ngọc đã trở thành biểu tượng cho sự quý giá, quyền lực và chất chứa nhiều ý nghĩa tâm linh. Người Ai Cập quan niệm ngọc là những giọt máu của rồng, người Phương Đông coi ngọc đứng đầu trong “tứ đại quý” gồm có ngọc, ngà, châu, báu.

Bài và ảnh: PGS.TS Trịnh Sinh

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã dành một phòng trưng bày chuyên đề về bộ sưu tập ngọc quý nước ta từ thời cổ đại đến tận triều đại nhà Nguyễn, kéo dài trong ba tháng, bắt đầu từ ngày 2-8-2011.

 

Ấn cổ bằng ngọc trắng

Người Việt Nam biết thưởng ngoạn vẻ đẹp của đồ ngọc từ rất sớm. Cách đây gần 4000 năm, người thời văn hóa Phùng Nguyên đã biết khoan các loại đá ngọc để làm vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai và họ đã có cả những công xưởng chế tác đá ngọc ở Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Bắc Ninh). Họ đã bị hớp hồn bởi cái sắc màu lóng lánh của ngọc và với kỹ thuật chế tác đá tuyệt đỉnh, đã làm ra được các loại đồ trang sức đẹp. Khi đó, đá ngọc còn được coi là biểu tượng của sự kỳ bí và quyền lực thủ lĩnh với những chiếc nha chương bằng ngọc trắng có nhiều vân màu nâu tìm thấy ở vùng Phú Thọ. Cũng chính vì ngọc có sức cuốn hút mãnh liệt nên trong suốt thời cổ đại, người xưa đã tập trung sáng tạo ra những đồ trang sức bằng ngọc. Dịp trưng bày này, người ta còn thấy được các khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu được làm bằng ngọc màu trắng và xanh ở trong văn hóa Sa Huỳnh miền trung hoặc ở các mộ táng vùng biển Cần Giờ, Nam Bộ cách đây hơn 2000 năm. Những khuyên tai đó được coi là đặc sản của văn hóa Việt Nam đương thời và được đem đến nhiều vùng đất ở Đông Nam Á như một sứ giả của sự giao lưu văn hóa và thương mại.

Chậu bằng ngọc nạm vàng

Đồ ngọc được sử dụng nhiều nhất có lẽ vào thời Nguyễn, chính vì vậy, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng dành phần lớn diện tích trưng bày cho đồ ngọc của thời này, mà tập trung nhất là đồ ngọc Hoàng Cung.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong năm chiếc ấn ngọc được bày trang trọng ở vị trí trung tâm, có 1 chiếc thuộc thời Lê và 4 chiếc thuộc thời Nguyễn.

Chiếc ấn Phong Cương Vạn Cổ làm bằng đá ngọc mầu xanh xẫm, quai núm vuông, bốn mặt được mài vát hình thang trang trí hồi văn. Trên mặt núm có hình vuông và trang trí hình rồng cách điệu. Chiếc ấn này có niên đại thuộc loại sớm nhất trong bộ sưu tập, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 18.

Chiếc ấn Hoàng Đế Chi Tỷ làm bằng ngọc trắng của Hoàng Đế Minh Mạng chế tác năm 1835, trang trí hình rồng và chạm khắc rõ nét râu, móng, vảy.

Chiếc ấn Hành Tại Chi Tỷ làm bằng ngọc trắng, khắc rõ niên đại năm 1837 và của Hoàng Đế Minh Mạng. Sách sử còn ghi rõ người dân tìm được ngọc quý dâng lên Vua và Vua sai làm ấn này ngay trong năm phát hiện. Quai ấn cũng được trang trí hình rồng có bờm, 2 sừng, râu và thân có vảy.

Chiếc ấn Đại Nam Hoàng Đế Chi Tỷ được làm bằng ngọc xanh có vân màu trắng và xám. Quai ấn hình rồng với râu, bờm và móng, vảy rõ rệt. Chiếc ấn này vốn từ một viên ngọc quý khá lớn mà người dân đã tìm được năm 1844 và dâng lên Vua Thiệu Trị.

1. Ấn Đại Nam Thụ Thiên Vĩnh Mệnh Truyền Quốc Tỷ - 2. Tượng thú bằng ngọc màu ngà xám

Chiếc ấn Đại Nam Thụ Thiên Vĩnh Mệnh Truyền Quốc Tỷ (có nghĩa là ấn ngọc truyền quốc của nước Đại Nam, được trời trao cho sứ mệnh vĩnh hằng). Chiếc ấn này vốn được chế tác từ một viên ngọc đẹp màu trắng sáng của vùng núi Ngọc thuộc huyện Hòa Điền của tỉnh Quảng Nam vào năm 1846. Khi đó Vua Thiệu Trị đã sai mài dũa và phải mất 1 năm mới thành chiếc ấn đẹp như vậy: mặt ấn hình vuông, tay cầm là hình một con rồng có râu dài, bờm rộng, một chân rồng có nhiều móng đang nâng một hình cầu có lẽ tượng trưng cho một viên ngọc quý.

Có thể nói 5 chiếc ấn được trưng bày dịp này đại diện cho sưu tập 18 chiếc ấn ngọc của hai triều đại Lê và Nguyễn hiện có ở Bảo tàng Lịch sử. Đó là biểu tượng cho quyền lực của triều đại Phong Kiến, khẳng định vị thế “Nước Nam có chủ” của dân tộc nhưng cũng là minh chứng bàn tay tài khéo của các nghệ nhân chế tác đồ ngọc của xứ Huế xưa.

Bên cạnh các ấn ngọc, một loạt đồ dùng thường nhật của Vua và Hoàng Gia đã được trưng bày, người xem có thể thấy ngọc được chế tác thành dụng cụ văn phòng như nghiên mực, ống bút, các đồ nghi lễ như đỉnh, đài thờ hay các loại tượng người, tượng thú, các vòng trang sức đẹp, bàn cờ tướng... Nghệ nhân chế tác ngọc đã khéo tạo hình sinh động các đồ dùng, lại khéo kết hợp giữa chất liệu ngọc và vàng để tạo ra những bộ ấm chén ngọc bịt vàng, chậu, bình ngọc nạm vàng. Họ còn biết chọn nhiều sắc màu của các loại ngọc quý như màu trắng, xanh, hồng nhạt, màu huyết dụ lốm đốm hạt vàng của ngọc Kim sa...

Đáng lưu ý nữa là qua sưu tập đồ ngọc 40 thế kỷ, chúng ta lại thấy tự hào về nguồn gốc nhiều đồ ngọc được khai thác trong nước như sử sách đã ghi lại. Điều đó khẳng định nước ta cũng là nơi có nguồn mỏ đá ngọc quý giá và vẻ đẹp của ngọc Việt Nam cũng như tài năng khéo léo của các nghệ nhân xưa không thua kém các nước trong vùng.

Cá vàng bằng ngọc

Tượng Ngọc Bích

Tạp chí Travellive

RELATED ARTICLES