Cung đường “Hạnh Phúc” được Bác Hồ đặt tên ở địa đầu Tổ Quốc

25/11/2024

Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50-60 thế kỷ trước. Con đường đã đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang, thể hiện sức mạnh của con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên.

Những năm 1960 trở về trước, để đến được 4 huyện vùng cao của Hà Giang, chỉ có đường mòn đủ để người và ngựa men theo sườn vách núi đá. Phía sau cổng trời Quản Bạ, hơn 8 vạn đồng bào phải chịu cảnh nghèo đói lạc hậu, sống tách biệt với bên ngoài. Mọi việc vận chuyển chủ yếu nhờ vào sức ngựa và sức người mang vác.

Quẩy tấu đè vai đè cả cuộc đời

Dấu chân đất in trên đường vạn dặm...

"Sống trên đá chết vùi trong đá", đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn ước ao có một con đường thông thương cho vùng Cao nguyên đá. Con đường đó không chỉ mang lại ánh sáng văn minh cho người dân mà còn xóa đi tính biệt lập làm căn cứ cho những mưu toan và hành vi đen tối của các thế lực thổ ty, chúa đất đã bao năm hà khắc.

Bài liên quan

Khát vọng "đội đá vá trời"

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Hà Giang chỉ có duy nhất tuyến quốc lộ 2 từ thị xã Hà Giang đi Tuyên Quang là xe cơ giới đi được, còn lại là đường mòn đi bộ, đường ngựa thồ. Ngày 29/3/1959, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang (khóa III) họp và ra Nghị quyết đề nghị Trung ương và Khu tự trị Việt Bắc cho mở tuyến đường lên Đồng Văn. Được Trung ương và Khu tự trị đồng ý, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10/9/1959, tại thị xã Hà Giang, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công mở đường Hạnh Phúc.

Vượt qua khó khăn chốn “rừng thiêng nước độc”, hàng nghìn thanh niên xung phong góp sức làm nên tuyến đường Hạnh Phúc nơi đất trời Đông Bắc

Vượt qua khó khăn chốn “rừng thiêng nước độc”, hàng nghìn thanh niên xung phong góp sức làm nên tuyến đường Hạnh Phúc nơi đất trời Đông Bắc

Ai đó có dịp lên thăm Hà Giang, dừng chân ở lưng đèo Mã Pí Lèng sẽ thấy tấm bia đá còn ghi rất rõ: Ngày khởi công con đường Hạnh Phúc 10/9/1959, hoàn thành ngày 15/6/1965. Suốt 6 năm ròng, hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công đồng bào các dân tộc đã góp sức với hơn 2 triệu ngày công, đục, khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng sức người để tạo tác nên dáng hình một con đường giữa trập trùng mây, núi miền biên ải.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nếu đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần yêu nước sâu sắc, thì đường Hạnh Phúc là biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc, là lý tưởng, là chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam

Nếu đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần yêu nước sâu sắc, thì đường Hạnh Phúc là biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc, là lý tưởng, là chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam

Khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ bề, nhưng với khí thế sục sôi cách mạng của tuổi trẻ, hàng ngàn người tham gia mở đường Hạnh Phúc đã không ngại gian khổ hy sinh, quyết bám núi, bám đường, hăng say lao động. Với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít..., trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước; vật vã với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới không độ, nước đóng thành băng trên đá… cả ngàn người lao vào đục đá làm đường.

Riêng đèo Mã Pì Lèng lực lượng thi công phải treo mình bằng dây ròng từ trên xuống, bám vào vách đá dựng đứng đục từng lỗ choòng, phá từng tấc đá, thi công 11 tháng mới hoàn thành. Quá trình mở đường Hạnh Phúc có 14 thanh niên xung phong đã hy sinh. Phần mộ của các liệt sỹ được quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Ngày khởi công con đường Hạnh Phúc 10/9/1959, hoàn thành ngày 15/6/1965

Ngày khởi công con đường Hạnh Phúc 10/9/1959, hoàn thành ngày 15/6/1965

Sự hy sinh, gian khổ của hơn 1.500 thanh niên xung phong 8 tỉnh cùng dân công các dân tộc tỉnh Hà Giang đã mang lại cuộc sống đổi thay cho đồng bào miền cao nguyên đá. Con đường Hạnh Phúc thênh thang, từng đoàn xe tấp nập ngược xuôi, cái chữ lên non, mầm xanh hoa lá bung nở… thắp sáng cả miền cao nguyên đá.

Thức dậy một vùng biên cương

Những ai yêu mến Hà Giang thì con đường Hạnh Phúc là một hành trình rất đặc biệt, bởi để đi hết đường Hạnh Phúc phải vượt qua những con đèo cao vút như Bắc Sum, Cổng Trời, Cán Tỷ, Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời. Và đặc biệt là phải vượt qua bức tường thành Mã Pí Lèng danh tiếng.

Con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang gần như trở thành một huyền thoại của thế kỷ 20 - nơi người ta thường bảo

Con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang gần như trở thành một huyền thoại của thế kỷ 20 - nơi người ta thường bảo "đến sỏi đá cũng nở thành hoa"

Bỏ lại thành phố Hà Giang bình yên với cột mốc Km 0 của quốc lộ 2 để chinh phục đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá. Sau 20 km tương đối bằng phẳng là đèo Cổng Trời Quản Bạ sừng sững chào mời với độ dốc lớn khiến xe phải bò số 1, số 2. Đứng trên Cổng Trời Quản Bạ, thị trấn Tam Sơn hiện ra trải rộng giữa lòng thung lũng. Những mái nhà tầng, biệt thự mọc lên san sát nhau kéo dài đến tận chân núi. Một thị trấn miền núi mà giàu đẹp không kém dưới xuôi. Giữa những quả núi trùng trùng điệp điệp là núi đôi Quản Bạ, một vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Sơn, cho cao nguyên đá. Quản Bạ thực ra xa xưa là núi đôi Cô Tiên, có hai chóp giống hệt đôi gò bồng đảo của thiếu nữ nằm nổi bật giữa cánh đồng Tam Sơn rộng lớn, bằng phẳng và màu mỡ.

Ngày nay, đường Hạnh Phúc là một trong những con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam, gắn liền với các địa danh du lịch nổi tiếng

Ngày nay, đường Hạnh Phúc là một trong những con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam, gắn liền với các địa danh du lịch nổi tiếng

Đi trên những đoạn đèo dốc, những khúc cua tay áo hiểm trở, nhưng trước mắt luôn là khung cảnh bình yên, đẹp đến nao lòng của vùng núi đá khiến ai cũng xuýt xoa. Nằm sát quốc lộ 4C, Phố Cáo với vẻ đẹp đặc trưng của những ngôi nhà tường trình ánh vàng trong nắng.

Bất cứ thời điểm nào trong năm, cung đường này luôn đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời

Bất cứ thời điểm nào trong năm, cung đường này luôn đem đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời

Nói Hà Giang hoang sơ chẳng sai khi rừng núi xanh rì trùng điệp nối tiếp nhau, ngỡ tưởng chạm đến cả tầng mây cao nhất. Đỉnh núi cao thấp xen kẽ nhau che khuất đường chân trời, nhấp nhô như hàm răng cá mập bọc lấy thung lũng phía dưới, nơi những nếp nhà bé tí ti trước “gã khổng lồ” tạo hóa. Những vòng cua ở dốc Bắc Sum giúp tầm mắt phóng ra xa hơn, cao hơn, thu được càng nhiều càng tốt những mảng xanh hùng vĩ vô tận.

Vào mỗi mùa, cảnh đẹp hai bên đường luôn khiến cho du khách phải trầm trồ và thích thú

Vào mỗi mùa, cảnh đẹp hai bên đường luôn khiến cho du khách phải trầm trồ và thích thú

Sau 60 năm hình thành, con đường đã làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang gấp hơn 100 lần so với thời kì trước khi làm đường. Bởi nó phá thế bế tắc, mở ra con đường phát triển kinh tế, thông thương cho hàng vạn đồng bào các DTTS vùng cao nguyên đá này

Con đường hạnh phúc Hà Giang dường như luôn biết chiều lòng người ghé thăm, khi mang vẻ đẹp thay đổi theo mùa

Con đường hạnh phúc Hà Giang dường như luôn biết chiều lòng người ghé thăm, khi mang vẻ đẹp thay đổi theo mùa

Đường Hạnh Phúc là tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây - Đông Bắc, ngày nay còn là điểm du lịch hấp dẫn, hội tụ những tinh hoa, vẻ đẹp, sự hùng vĩ ở vùng cực Bắc của Tổ quốc. Xin mượn lời bài hát Cung đường mùa xuân của nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương để thay cho lời kết: “Từng giọt mồ hôi thấm vào đá núi, Cổng trời hiên ngang mang dáng mẹ cao nguyên. Mã Pì Lèng xưa, núi đá xưa nay đã thành những con đường lớn, đường lên phía bắc, đường sang phía tây là con đường ý Đảng, lòng dân, đường Bác Hồ đưa ta tới mùa xuân”.

Khánh Linh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES