Cuộc phiêu lưu kì bí của một đàn voi lang thang

17/08/2021

Một đàn voi lang thang ở Trung Quốc đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu kì diệu trong suốt 17 tháng qua. Giờ đây, sau khi đi lạc hàng trăm km khỏi Khu bảo tồn Thiên nhiên, những chú voi đang ở chặng cuối trên chuyến hành trình trở về nhà.

Trong chuyến hành trình khó quên ấy, đàn voi đã từng đột nhập vào nhà dân làng, và cũng đã từng sinh con ngay trên đường di chuyển; chúng tạo ra và đắm mình trong chuyến phiêu lưu ly kỳ, không hay biết rằng hành trình của mình lại tốn biết bao giấy mực lẫn sự quan tâm của chính quyền và báo chí quốc tế.

Đây là câu chuyện về chuyến hành trình "đi để trở về" của những chú voi lang thang.

RỜI NHÀ

Nằm ở tận cùng phía nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Tây Song Bản Nạp rộng lớn, ngay cạnh biên giới Myanmar và Lào. Đây là một khu rừng nhiệt đới trải dài đến 241.000 hecta với diện tích gần gấp rưỡi thành phố London (Anh), là nơi sinh sống của hầu hết các loài voi châu Á có nguy cơ tuyệt chủng ở Vân Nam.

Một chú voi châu Á trong Khu bảo tồn Thiên nhiên Tây Song Bản Nạp - Ảnh: Getty Images

Một chú voi châu Á trong Khu bảo tồn Thiên nhiên Tây Song Bản Nạp - Ảnh: Getty Images

Đâu đó vào tháng 3 năm 2020, một đàn khoảng 14 con voi đã quyết định rời khỏi nơi trú ngụ quen thuộc này, chúng hướng về phía bắc và cứ tiếp tục đi.

Khi ấy, chẳng ai thấy đây là chuyện lạ đáng ngạc nhiên. Những chú voi hoang dã vẫn thường tự do đi lang thang mọi nơi, chúng loanh quanh khắp tỉnh Vân Nam thường xuyên, đến nỗi thành phố Phổ Nhĩ thậm chí còn mở một khu "căng-tin voi" để phục vụ những vị khách to lớn này. Hầu hết chúng đều không đi quá xa và luôn trở về sau một thời gian. Nhưng rồi ngày qua ngày, đến khi đàn voi đã rời nhà suốt nhiều tháng, các quan chức địa phương bắt đầu nhận ra đây không phải là một chuyến đi bình thường.

Mọi chuyện dần được chứng thực vào đầu năm nay khi những con voi bắt đầu lao vào nhà dân để nhấm nháp cây trồng và uống nước thoả thê.

Đàn voi tha hồ nhấm nháp cây trồng - Ảnh: Internet

Đàn voi tha hồ nhấm nháp cây trồng - Ảnh: Internet

Empty

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTC) đã ghi lại cảnh những chú voi này lang thang trên đường phố, đoạn phim sau đó được lan truyền mạnh mẽ và đàn voi trở thành hiện tượng lạ lùng nổi tiếng khắp cả nước. Cho đến bây giờ, các chuyên gia vẫn chưa hiểu nổi hành vi kì lạ này của chúng là do đâu. Nhưng trong một bài báo sắp được xuất bản trên Tạp chí Khoa học Conservation Letters, một nhóm chuyên gia tại Trung Quốc do Giáo sư Ahimsa Campos-Arceiz dẫn đầu đã đưa ra giả thuyết rằng những con voi quyết định rời nhà kiếm ăn là vì vài nguyên do, một trong số đó là lượng voi ngày càng tăng dẫn đến sự cạnh tranh về thức ăn ngày càng lớn. Nhờ các nỗ lực bảo tồn, số lượng voi của tỉnh Vân Nam đã tăng gần gấp đôi, nhiều thêm khoảng 300 chỉ trong vòng 3 thập kỷ.

"Giờ thì chúng ta lại lãnh 'hậu quả' cho sự thành công này đây, đúng là một thách thức thực sự, vì dần dà thì cũng hết chỗ cho đàn voi di chuyển mà không đâm vào con người, cây trồng hay nhà cửa" - Giáo sư Ahimsa Campos-Arceiz chia sẻ với đài BBC.

Đàn voi lang thang tụ tập trên một ngọn đồi ở tỉnh Vân Nam - Ảnh: Getty Images

Đàn voi lang thang tụ tập trên một ngọn đồi ở tỉnh Vân Nam - Ảnh: Getty Images

Empty

Chưa kể, một đợt hạn hán khắc nghiệt kéo dài một năm trước khi sự kiện đàn voi rời nhà diễn ra cũng góp phần khiến thức ăn trở nên khan hiếm. Nhiều người còn chỉ ra rằng, trong vài chục năm qua, nạn phá rừng và lấn chiếm đất nông nghiệp đã thu hẹp môi trường sống tự nhiên của voi bên ngoài Khu bảo tồn.

Theo Giáo sư Campos-Arceiz, chính quyền địa phương đã tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ rừng. Nhưng trớ trêu thay, điều này cũng đồng nghĩa với việc làm giảm đi lượng thức ăn có trong các Khu bảo tồn Thiên nhiên, vì tán rừng dày hơn sẽ cản bớt ánh sáng mặt trời, dẫn đến việc cây cỏ mà voi ăn được sẽ kém phát triển ở những khu vực sát mặt đất.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

CHUYẾN CHU DU ĐÁNG NHỚ

Khi đàn voi tiến về phía bắc qua những ngọn đồi xanh và những cánh rừng rậm rạp của tỉnh Vân Nam, các quan chức Trung Quốc cũng bắt tay vào hành động. Một đội đặc nhiệm khẩn được thành lập, hàng nghìn người được điều động để dẫn đàn voi rời khỏi làng mạc và các khu vực thành phố.

Những số liệu song song với hành trình

150.000 người phải sơ tán khỏi nhà

Thiệt hại ước tính là 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ 832 triệu VND)

973 lần sử dụng máy bay không người lái

25.000 cán bộ được huy động

Nguồn: Các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN). Số liệu được cập nhật ngày 8/8.

Voi nổi tiếng là loài phàm ăn, cho đến nay đàn voi lang thang này đã "tiêu thụ" tổng cộng 180 tấn thực phẩm gồm ngô, chuối, dứa và nhiều loại khác. Thậm chí, một chiếc gương chiếu hậu "xấu số" cũng bị một chú voi tò mò bẻ gãy khi đang khám phá chiếc xe.

Một nhóm những chiếc máy bay không người lái - có nhiệm vụ theo dõi đàn voi, đã ghi lại được một số khoảnh khắc thú vị của những con vật nghịch ngợm to lớn này, chẳng hạn như một cuộc tắm bùn lầy lội...

Ảnh: CCTV

Ảnh: CCTV

... một vụ ẩu đả "căng thẳng"

Ảnh: CCTV

Ảnh: CCTV

... hay một lần "chơi cầu trượt" trên sườn đồi của những chú voi con.

Vào tháng 4, có hai con voi tách đàn và quay trở về nhà. Một con khác thì lạc đàn vào tháng 6 và được lực lượng chức năng trấn an rồi đưa về vì lo nó không thể sống nổi một mình. Cả ba đều là voi đực và vẫn thường xuyên có sở thích "đi du lịch một mình".

Cũng theo Giáo sư Campos-Arceiz, trong chuyến phiêu lưu dài ngày này, đàn voi đã chào đón những thành viên mới: có ít nhất hai chú voi cái đã sinh con.

Sau khi được đưa tin trên Đài Truyền hình Quốc gia, đàn voi lang thang ở Vân Nam nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được săn đón nhiệt tình, người dân xếp hàng dài trên đường với hy vọng được nhìn thấy một con voi, lộ trình của chúng được theo dõi sát sao bởi chính quyền và bởi những nhà khoa học nghiên cứu về voi, thậm chí còn có những "fan cuồng" quay lại cảnh bản thân ăn quả dứa còn sót lại của đàn voi để phát sóng trực tiếp.

Và một khi đã nổi tiếng, thì dù là voi cũng không tránh khỏi chuyện vướng phải những tin đồn: người ta truyền tai nhau rằng có lần đàn voi còn "say quắc cần câu" vì uống trộm hàng tấn rượu ngô. May mắn thay, tin đồn thất thiệt này đã nhanh chóng được các chuyên gia đính chính.

hypatia-h_9dd5330b19c7ebb9cda3a95fb5f38c2c-h_c988077001575a029f5ccd9711138d42-scaled

Đường về

Đến đầu tháng 6, đàn voi đã đến được thủ phủ của tỉnh Côn Minh - ở cách nhà hơn 500 km và là nơi xa nhất mà bất kỳ con voi tự nhiên nào của tỉnh Vân Nam từng đặt chân đến. Nhiều người bắt đầu lo lắng cho sự an nguy của cả đàn vì chúng đang tiến dần đến khu vực có khí hậu mát mẻ hơn và đang tương tác quá nhiều với con người. Các chuyên gia chia sẻ rằng, người ta nhìn thấy mấy chú voi đi lang thang theo bầy rồi nằm xuống chợp mắt giữa phố và nghĩ như vậy là đáng yêu và thú vị, nhưng thực chất đó là dấu hiệu của sự căng thẳng và kiệt sức ở voi.

Đàn voi lang thang khắp nơi và phải tiếp xúc với nền văn minh nhân loại trong thời gian dài - Ảnh: Internet

Đàn voi lang thang khắp nơi và phải tiếp xúc với nền văn minh nhân loại trong thời gian dài - Ảnh: Internet

Nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng, chỉ vài tuần sau đó, những chú voi lang thang bắt đầu tìm đường quay trở lại phía nam và nhanh chóng tiến vào địa phận sông Nguyên Giang (tỉnh Hồ Nam). Các nhà chức trách cho biết, trong vòng bán kính gần nhất chỉ có một cây cầu phù hợp cho đàn voi đi qua. Lực lượng đặc nhiệm đã cử hàng nghìn binh sĩ và nhân viên đến bày thức ăn dụ dỗ đàn voi, dựng hàng rào điện, tạo lối đi và thậm chí tưới nước lên tuyến đường để đảm bảo những vị "khách du lịch" lớn xác này được mát mẻ.

Nhưng những con voi... chẳng thèm để tâm. Đường trở về đáng lẽ chỉ dài 30 km thì nay biến thành một chuyến hành trình 143 km vì chúng cứ liên tục đi lệch tuyến đường mà người ta đã đặt ra.

Cuối cùng, vào ngày 8/8, đàn voi cũng bước lên cây cầu bắc ngang sông Nguyên Giang. Mặc dù cả đàn vẫn còn cách Khu bảo tồn Thiên nhiên Tây Song Bản Nạp 200 km nữa, nhưng báo đài Trung Quốc đã đưa tin chuyến phiêu du ly kỳ này đang đến hồi kết thúc. Không có gì đảm bảo những chú voi này sẽ quay trở về nhà, và dù có về đến nơi đi nữa thì chúng sẽ ở lại trong bao lâu.

Tuyến đường di chuyển của đàn voi. Lưu ý: Không xác định được chính xác lộ tuyến thực sự giữa các điểm dừng chân, số liệu được cập nhật đến ngày 8/8 - Ảnh: Xinhua

Tuyến đường di chuyển của đàn voi. Lưu ý: Không xác định được chính xác lộ tuyến thực sự giữa các điểm dừng chân, số liệu được cập nhật đến ngày 8/8 - Ảnh: Xinhua

Thẩm Thanh Chung, một kỹ sư cấp cao của Khu bảo tồn chia sẻ với các phóng viên rằng "gần như chắc chắn là, cuối cùng đàn voi sẽ lại di chuyển lên phía bắc một lần nữa mà thôi".

Sau khi chi hàng triệu nhân dân tệ để dẫn đàn voi quay trở về, các nhà chức trách cam kết sẽ thiết lập một "hệ thống quản lý và bảo vệ" để đẩy mạnh việc bảo vệ và phục hồi môi trường sống của voi. Nhiều kế hoạch thành lập các công viên quốc gia cho loài voi châu Á cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Cho dù đường trở về vẫn còn ở phía trước, nhưng đàn voi đã biến điều không thể thành có thể, chúng tự mình viết nên một chuyến phiêu lưu đáng nhớ, đồng thời, cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoàn cảnh nguy cấp của giống loài mình.

An - Ảnh: Internet - Nguồn: BBC
RELATED ARTICLES