Phóng sự: Khi những đội cứu hộ cần được… cứu hộ

30/07/2021

Khác với thường lệ, không còn những ngày rong ruổi đi khắp phố phường, ngõ ngách, bất kể ngày đêm, mưa gió để cứu chó mèo bị bỏ rơi, nhiều đội cứu hộ hiện đang phải gồng gánh để vượt qua những khó khăn trong mùa dịch.

Chia sẻ với Travellive về việc chăm nom mái nhà chung của chó mèo hoang trong thời gian giãn cách xã hội, Nhóm Nhận nuôi thú cưng Hà Nội - Hanoi Pet Adoption, Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng, Trạm Cứu hộ chó mèo Saigon Time cho thấy một "mẫu số chung" là họ đều đang phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, kinh phí. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, điều đáng quý nhất ở những người tình nguyện viên là trái tim yêu thương động vật, sự cố gắng và tinh thần không bao giờ buông bỏ.

thành phố giãn cách, việc cứu trợ trở nên khó khăn

Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng thành lập năm 2013, hoạt động trên mô hình nhà nuôi dưỡng (foster), chó mèo sẽ được chia về nhà của từng tình nguyện viên (TNV) trong Hội để chăm sóc. Sau hơn 7 năm hoạt động, Hội đã cưu mang và tìm chủ mới cho hơn 3.000 trường hợp chó mèo. Chia sẻ về hoạt động trong thời gian dịch bệnh, Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng cho biết: “Công tác cứu hộ, chăm sóc chó mèo đang gặp khá nhiều khó khăn. Vì dịch bệnh nên nhiều TNV ngoại tỉnh phải trở về quê, tạm dừng hoạt động khiến thiếu hụt nhân sự rất lớn, trong khi số lượng chó mèo dồn hết về cho các bạn còn lại, gây nên tình trạng quá tải”.

Một bé mèo đang được chăm sóc tại Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng

Một bé mèo đang được chăm sóc tại Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng

Hoạt động tại Hà Nội, Nhóm Nhận nuôi thú cưng Hà Nội - Hanoi Pet Adoption được thành lập từ năm 2015 bởi một nhóm TNV trẻ người Việt và một số bạn nước ngoài. Trong nhiều năm qua, Nhóm đã góp phần cứu giúp trên 2.000 ca chó mèo bị bỏ rơi, hoang lạc, bị bạo hành, đồng thời tìm mái ấm mới cho chúng.

Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, vì phải hạn chế ra đường nên Hanoi Pet Adoption cho biết họ đã tạm ngưng hoạt động cứu trợ. “Khi nhận được tin báo, chúng mình chỉ có cách đăng bài, hy vọng có bạn nào yêu chó mèo gần đó sẽ đến đón các bé về nhà trú tạm hoặc mang đến cơ sở thú y gần nhất”.

Nhóm cũng chia sẻ, thời gian gần đây họ thường xuyên tiếp nhận trường hợp chó mèo bị chủ “cố tình” bỏ vì bệnh tật: “Biết bọn mình không nhận các em chó mèo có chủ thì họ giả vờ là người đi đường nhặt được, rồi mang qua cho Nhóm hoặc bỏ lại tại phòng khám”.

Tình nguyện viên của Hanoi Pet Adoption cứu một chú mèo tại Hà Nội.

Tình nguyện viên của Hanoi Pet Adoption cứu một chú mèo tại Hà Nội.

Thiếu hụt nhân sự dường như là tình cảnh chung của các trạm cứu hộ trong thời gian này, Uyên Như - TNV của Trạm Cứu hộ chó mèo Saigon Time cho hay: “Hiện tại Trạm đang thiếu nhân lực do bạn TNV đã đến bệnh viện dã chiến để phục vụ. Ngoài ra, việc đưa chó mèo đến các cơ sở thú y hiện rất khó khăn vì có các chốt kiểm dịch”.

Được biết, Saigon Time được thành lập từ năm 2015 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM với số thành viên vỏn vẹn 5 người. Hiện tại, Uyên Như là thành viên chủ chốt đã hoạt động ở đây được hơn 5 năm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Uyên Như - thành viên chủ chốt tại Saigon Time trong suốt hơn 5 năm qua

Uyên Như - thành viên chủ chốt tại Saigon Time trong suốt hơn 5 năm qua

Những hy sinh thầm lặng

Sự hạn chế trong việc cứu trợ và nhân lực đang khiến các thành viên tiếp tục trụ lại gặp nhiều khó khăn, họ phải bỏ nhiều thời gian và công sức, có thể gấp đôi, gấp ba lần bình thường để duy trì hoạt động.

Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng cho biết số lượng TNV ở nhóm ứng cứu - vận chuyển giảm đi rõ rệt, khiến các trường hợp cần cứu hộ, vận chuyển bị trì hoãn khá lâu; việc này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chăm sóc cũng như khả năng nhận thêm các trường hợp mới của Hội. “Các bạn đang vừa phải đi làm công việc chính, vừa phải chăm sóc các bé với nhiều bệnh tật và thể trạng khác nhau, điều này dần trở thành một gánh nặng cho các TNV” - đại diện Hội nhận định.

Các TNV vừa phải đi làm công việc chính, vừa chăm sóc các bé chó mèo.

Các TNV vừa phải đi làm công việc chính, vừa chăm sóc các bé chó mèo.

Hanoi Pet Adoption cũng chia sẻ về nỗi lo trong mùa dịch: “Điều đáng lo nhất là việc TNV của Nhóm có thể nằm trong diện F0 hoặc F1, dẫn tới nguy cơ nhà chung phải đóng cửa. Vì thế, các thành viên cũng chủ động hạn chế tối đa di chuyển”.

Nhóm cứu hộ cho biết họ đã tính toán một số phương án dự phòng, chủ động dự trữ lương thực và đồ cần thiết cho cả TNV và chó mèo. Cho đến khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, một số TNV đã quyết định ở lại nhà chung: “Điều đáng trân trọng nhất là các bạn đã quyết định ở lại đây 14 ngày, vừa để tuân thủ quy định phòng chống dịch, vừa để chăm sóc sức khỏe cho các bé chó mèo”.

Khi đội cứu hộ cần được... cứu hộ

Sự thiếu thốn về nguồn kinh phí cũng gây trở ngại rất lớn cho hầu hết các trạm cứu trợ trong thời gian qua. Thậm chí có những đội cứu hộ gần như đang cần được... cứu hộ.

Saigon Time chia sẻ họ chỉ cố gắng “lo cho bọn nhỏ tới đâu hay tới đó, chứ cũng không biết làm cách nào”. “Các ca cần cứu, bọn mình sẽ đăng lên Fanpage để nhờ các bạn ở gần giúp, còn về chi phí thì phải phụ thuộc vào sự trợ giúp từ các mạnh thường quân”. Trên thực tế, quỹ ủng hộ của Trạm vẫn không đủ lo cho tất cả chó mèo trong thời điểm này.

“Nguồn ủng hộ từ các mạnh thường quân cũng đang giảm đáng kể, doanh thu của Pet Up (gian hàng gây quỹ của Hội) cũng không được như trước, trong khi Hội đang phải gánh lượng chi phí khổng lồ mỗi tháng về chữa bệnh, thuốc men, thức ăn và các vật dụng khác cho các bé” - Hội Cứu trợ động vật Đà Nẵng cho biết.

Vì khả năng tài chính không còn nhiều, Hội cũng phải cân nhắc đối tượng chó mèo để cứu trợ, chỉ tiếp nhận những trường hợp thật sự cần giúp đỡ trong thời điểm này. Đồng thời, chi phí cũng sẽ được xem xét kĩ lưỡng, ưu tiên sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp.

Empty

Hanoi Pet Adoption cũng chia sẻ việc tìm chủ cho chó mèo trong giai đoạn này không dễ, nhất là đối tượng chủ người nước ngoài. “Các bạn ngoại quốc thường rất ủng hộ việc nhận nuôi chó mèo từ trạm cứu hộ. Tuy nhiên do dịch nên các bạn bị mất việc, thậm chí phải về nước nên không đảm bảo tài chính để làm thủ tục mang các bé về cùng".

Thêm vào đó, chó mèo được nhận về hầu hết đều trong tình trạng rất tệ, kéo theo là viện phí hàng tháng cao. Chưa kể, thời tiết mùa này dễ thay đổi nên chó mèo dễ bị bệnh về đường hô hấp. Không thể đưa các bé đến viện, họ chỉ còn cách kết nối với bác sĩ thú y quen để cập nhật tình hình hàng ngày và tự "chữa bệnh" cho chúng.

Bác bảo vệ và chú chó ở nhà chung của Hanoi Pet Adoption.

Bác bảo vệ và chú chó ở nhà chung của Hanoi Pet Adoption.

Tình nguyện viên Hanoi Pet Adoption đàn hát giúp mèo

Tình nguyện viên Hanoi Pet Adoption đàn hát giúp mèo "xả stress".

Chúng ta, con người, không phải là "nạn nhân" duy nhất của đại dịch; chó mèo cũng có thể trở nên ủ dột, đói yếu và cần được cưu mang, săn sóc để vượt qua giai đoạn này. Chỉ hy vọng rằng tình yêu thương của những con người trong mái nhà cứu trợ đủ lớn, và bền bỉ, để làm trụ cột vững chắc cho chúng.

Và nếu bạn có thể, hãy san sẻ cùng họ chút yêu thương.

Huyền Châu
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES